Những đội đặc nhiệm nữ tại Ấn Độ

Thứ Tư, 22/08/2018, 11:00
Lực lượng SWAT toàn mỹ nhân đầu tiên ở Ấn Độ và 36 phụ nữ, những người đã vượt qua tiêu chuẩn xưa cũ, cùng định kiến về vai trò của nữ giới trong lực lượng SWAT.


“Các nữ sĩ quan đã được huấn luyện trong 15 tháng với những khoa mục từ tác chiến rừng núi và đô thị, xử lý khủng hoảng con tin, tới các tình huống căng thẳng, và họ đã trải qua mọi kịch bản mà lực lượng đặc nhiệm phải đối mặt. Chúng tôi tự tin về những phụ nữ này - họ hoàn toàn đầy đủ năng lực và không có lý do gì để không được giao nhiệm vụ cấp cao”, sĩ quan Sở Cảnh sát thủ đô New Delhi Pramod Kushwaha tự hào khi nói về sự ra mắt của đội đặc nhiệm chiến thuật và vũ khí đặc biệt (SWAT) toàn nữ hôm 15-8. 

Ông Pramod Kushwaha còn tiết lộ, đội SWAT toàn nữ này sẽ làm việc cùng với 5 nhóm đặc nhiệm nam khác. "Mọi người thường có quan niệm sai lầm khi nói, phụ nữ không thể làm điều này hoặc phụ nữ không thể làm điều kia, nhưng tôi có thể nói tự hào rằng, những người phụ nữ này ngang hàng và đôi khi tốt hơn so với những người lính nam", ông Pramod Kushwaha chia sẻ với hãng Reuters. 

Theo hãng Bloomberg, đây là lực lượng SWAT toàn mỹ nhân đầu tiên ở Ấn Độ và 36 phụ nữ, những người đã vượt qua tiêu chuẩn xưa cũ, cùng định kiến về vai trò của nữ giới trong lực lượng SWAT. Được biết, 36 thành viên của đội SWAT đều xuất thân từ khu vực phía Đông Bắc, vốn bị rung chuyển bởi các cuộc nổi loạn của phe ly khai và được cho đã bị chính phủ “bỏ rơi” trước thời của Thủ tướng Narendra Modi.

Lần đầu tiên Ấn Độ thành lập đội SWAT với  toàn bộ thành viên là nữ giới.

Được biết, để trở thành thành viên SWAT, những nữ nhân viên kể trên phải trải qua quá trình tuyển mộ và khóa huấn luyện đặc biệt bởi lực lượng Vệ binh an ninh quốc gia chống khủng bố và đơn vị cảnh sát đặc nhiệm New Delhi. 

Họ phải biết trèo tường, bắn tỉa, vượt qua các tòa nhà cao tầng, phá vỡ trần nhà thủy tinh, được huấn luyện môn võ cận chiến Krav Maga của Israel, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, cùng khả năng xử lý chất nổ. 

Hiện 36 thành viên SWAT thuộc biên chế của lực lượng phản ứng nhanh, sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công khủng bố, bắt cóc con tin hoặc những mối đe dọa an ninh tại thủ đô New Delhi. 

Theo giới truyền thông, thành viên lực lượng đặc nhiệm SWAT được trang bị súng AK-47, súng máy MP5, súng lục Glock 17 hoặc 26 và thiết bị hỗ trợ tầm nhìn ban đêm.

“Nam giới mạnh hơn hay nữ giới mạnh hơn. Đó chỉ là quan điểm xã hội. Không ai mạnh hơn. Không ai yếu hơn cả”, 1 thành viên trong đội SWAT tuyên bố. Lễ ra mắt đội SWAT toàn nữ - 36 thành viên diễn ra nhân dịp 71 năm Quốc khánh Ấn Độ và nhiệm vụ đầu tiên của họ là bảo vệ an toàn cho Thủ tướng Narendra Modi, khi ông đọc diễn văn chào mừng sự kiện này. 

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 71 năm, Ấn Độ có một đội SWAT toàn nữ và việc này nhằm khẳng định năng lực của phụ nữ trong quá trình phát triển đất nước có số dân đứng thứ hai thế giới. 

“Tôi sẽ luôn nhớ ngày có cơ hội được bảo đảm an ninh cho một trong những sự kiện trọng đại của đất nước”, thành viên đội đặc nhiệm Sumata Rabta trả lời hãng PTI. Giới truyền thông coi việc triển khai đội SWAT toàn nữ là thông điệp mang tính tích cực để giải quyết vấn đề trọng nam khinh nữ hiện nay ở Ấn Độ. 

Ấn Độ là quốc gia có tình trạng bất bình đẳng giới tương đối phổ biến, bị xếp đứng thứ 120/131 thế giới về tỷ lệ nữ giới tham gia lao động. Theo thống kê, hiện lực lượng cảnh sát Ấn Độ chỉ có 7% nữ giới, trong khi mục tiêu đặt ra là 33%.

Các thành viên trong đội SWAT toàn nữ của Ấn Độ.
Trước khi đội SWAT toàn nữ xuất hiện, Ấn Độ từng cho ra mắt đội nữ phi công tiêm kích đầu tiên của nước này. Gần 1 năm trước (8-10-2017), hãng Sputnik dẫn lời Tư lệnh không quân Ấn Độ Birender Singh Dhanoa cho biết, Không quân có đội phi công tiêm kích nữ đầu tiên, làm chủ những chiếc MiG-21 Bison sẵn sàng tham gia chiến đấu. 

"Chúng tôi xem xét biên chế các nữ phi công tiêm kích đầu tiên vào đơn vị vận hành MiG-21 Bison. Điều đó sẽ giúp họ rèn luyện kỹ năng do MiG-21 có nhiều tính năng vận hành thủ công hơn các máy bay hiện đại", Tư lệnh không quân Birender Singh Dhanoa tuyên bố. 

3 nữ phi công được điểm danh khi đó là Avani Chaturvedi, Bhawana Kanth và Mohana Singh, sau khi họ hoàn tất khóa huấn luyện trên phi cơ phản lực Hawk, trước khi gia nhập lực lượng chiến đấu vào tháng 11-2017. 

Trước khi có quyết định cho phép phụ nữ gia nhập đơn vị tiêm kích chiến đấu, Không quân Ấn Độ là lực lượng chỉ dành cho nam giới. 

Theo giới truyền thông, Không quân Ấn Độ đang vận hành khoảng 785 tiêm kích các loại, trong đó có 245 máy bay MiG-21. Và hiện MiG-21 vẫn là một trong những loại máy bay chiến đấu chủ lực của Ấn Độ. 

Trọng Hậu
.
.
.