Buôn lậu qua đường chuyển phát nhanh:

Những kẽ hở cần được khắc phục

Thứ Tư, 12/12/2018, 17:09
Mặc dù các đơn vị chuyển phát nhanh (CPN) đều có những quy định kiểm tra hàng đủ điều kiện mới tiếp nhận và lưu thông, tuy nhiên, thực tế đã có nhiều hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ như súng đạn, ma tuý lọt qua khâu tiếp nhận của “con đường” này.


Nhiều người cho rằng, các đối tượng đã sử dụng rất nhiều mánh khoé trong việc đóng hàng khiến nhân viên bưu cục không thể phát hiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc các đơn vị CPN để lọt hàng cấm cần phải xử lý hình sự, chứ chỉ phạt hành chính vẫn chưa đủ sức răn đe.

Liên tiếp hàng cấm được chuyển qua đường CPN

Ngày 20-4-2018, Cục Hải quan Hà Nội phối hợp với Tổng cục Hải quan, Viện Khoa học hình sự, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an Hà Nội phối hợp với cơ quan liên quan đã tổ chức khám xét, niêm phong kiện hàng nhập khẩu từ Hà Lan, Bỉ về Việt Nam theo đường CPN. Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện kiện hàng này có các hộp bánh, kẹo và 5 túi cà phê cỡ lớn màu tím. 

Kết quả mở túi cà phê này, bên trong là hàng nghìn viên nén (26.860 viên) màu hồng hình trái tim, là ma tuý tổng hợp có trọng lượng 9,35kg. Đây là đơn mang số EA 139268691 BE. 7.2.2018, Bỉ. Người gửi: XYI Tonggan (địa chỉ tại Bỉ). Người nhận là Hoàng Thị Nghĩa (quận Lê Chân, TP Hải Phòng).

Hàng nghìn viên ma tuý tổng hợp được cơ quan chức năng thu giữ khi vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh.

Gần đây nhất, ngày 11-9-2018, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an TP Hà Nội qua trình báo của người bị hại đã phát hiện một kiện hàng thông qua đường CPN, bên trong chứa một khẩu súng ngắn. Sau quá trình làm việc, cung cấp thông tin, cơ quan chức năng đã xác định gói hàng của một vị khách gửi vào các ngày  2-7, 5-7 bằng hình thức CPN từ Quảng Ninh đến Bến Tre. 

Tiến hành kiểm tra, công ty CPN trên đã phát hiện trong gói hàng được chuyển đi Quảng Ninh của vị khách trên có 1 khẩu súng ngắn bằng kim loại màu đen, bên trong có 5 viên đạn bằng kim loại; 1 khẩu súng ngắn bằng kim loại sáng màu, bên trong có 5 viên đạn kim loại và 1 thiết bị đi kèm kiểu nòng súng được chuyển đến huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Không chỉ là những loại vũ khí quân dụng, các đối tượng còn lợi dụng đường CPN để mua bán các loại mô hình súng, đồ chơi nguy hiểm. Trong một lần kiểm tra công ty CPN phát hiện kiện hàng không bình thường nên đã trình báo sự việc đến Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội. Quá trình kiểm tra, đã phát hiện và thu giữ hàng chục khẩu súng ngắn đồ chơi dạng súng K54, AK, các loại đạn; đồng thời xác định chủ sở hữu của lô hàng là Dương Mạnh Hùng (29 tuổi, trú tại phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình). 

Qua đấu tranh, đối tượng Hùng đã khai nhận khoảng tháng 6-2018, Hùng bắt đầu tìm mua các loại súng đạn, lựu đạn, mô hình đồ chơi từ nước ngoài để đưa vào Việt Nam kinh doanh. Hình thức mua bán của Hùng chủ yếu qua các trang mạng xã hội như Facebook, zalo. Hùng thường xuyên sử dụng Youtube để rao bán hàng, mời chào khách. 

Các loại súng mô hình bật lửa, Hùng mua với giá 40 nghìn đồng/chiếc, bán lại cho khách 100 nghìn đồng/chiếc; các loại súng mô hình K54, K59, CZ83 đối tượng mua với giá 50 nghìn đồng/khẩu, bán lại cho khách là 200 nghìn đồng/khẩu. 

Riêng với súng đồ chơi dạng AK47, M4A1 đối tượng mua 400 nghìn đồng/khẩu, bán lại 1 triệu đồng/khẩu. Sau khi khách đặt hàng, Hùng sử dụng dịch vụ CPN để giao hàng. Dù là đồ chơi, nhưng các loại súng này đều có độ sát thương cao vì đều bắn bằng đạn bi, hoặc đạn thạch anh.

Súng đạn cũng là mặt hàng được vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh.

Cần mạnh tay xử lý

Việt Nam hiện có gần 300 doanh ngiệp được cấp phép hoạt động cung cấp dịch vụ bưu điện. Trong khi cơ quan chức năng kiểm soát rất chặt chẽ, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở để thực hiện vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường CPN. Chúng sử dụng những thủ đoạn hết sức tinh vi như chia nhỏ từng bộ phận của súng, gửi thành nhiều lần để chuyển vào cho người có nhu cầu một cách kín đáo, vừa dễ qua mắt nhân viên CPN bưu điện vừa an toàn. 

Một nhân viên  CPN của một công ty chuyển phát trên địa bàn quận Hà Đông chia sẻ: “Bọn em cũng chỉ đơn thuần là nhân viên, kiểm tra gói hàng của khách thì chỉ đối chiếu hàng có thuộc phạm vi cấm hay không. Chúng em không có nghiệp vụ mà có thể phát hiện được những loại hàng họ giấu tinh vi. 

Ví dụ họ cho ma tuý vào bên trong các mặt hàng khác thì làm sao chúng em có thể phát hiện ra được, thực sự là rất khó. Ở một số đơn vị chuyển phát khác, đối với những khách hàng quen họ gần như không bao giờ kiểm tra. Khách đến ném kiện hàng ở đó rồi đi, cũng không có nhân viên nào tiếp nhận và kiểm tra”.

Các đối tượng đóng hàng cấm vào các hộp thực phẩm để qua mặt nhân viên bưu cục.

Một điều tra viên của cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội cho rằng, việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm thông qua đường CPN có chi phí khá rẻ, thời gian giao hành nhanh. Bên cạnh đó thì nhân viên kiểm tra hàng của CPN cũng khó lòng phát hiện được, bởi họ không có nghiệp vụ. Chính vì thế CPN – EMS đang trở thành một đường vận chuyển mà các đối tượng lợi dụng, hướng tới.

Tuy nhiên, việc nhân viên CPN không có nghiệp vụ, hoặc các đối tượng sử dụng cách thức đóng hàng tinh vi cũng chỉ là một trong những nguyên nhân. Theo quan sát của chúng tôi, tại một vài điểm CPN, khách đến gửi hàng rất nhiều, nhân viên không cần biết bên trong hộp carton hay sau lớp túi nilon màu tối là mặt hàng gì, chỉ cần trả lời vài câu hỏi qua loa của nhân viên bưu cục là gói hàng đó được chấp nhận chuyển đi theo địa chỉ yêu cầu.
Rượu là mặt hàng cấm vận chuyển bằng con đường CPN nhưng cơ quan chức năng vẫn thường xuyên bắt giữ và xử lý.

Theo như anh Bá Cường (chuyên bán hàng quần áo online) thì các nhân viên CPN kiểm tra khá sơ sài, thậm chí không kiểm tra nếu là khách quen, thường xuyên gửi. “Tôi nói thật, chưa cần nói đến các hàng cấm, hàng nóng mà chỉ cần chuyển những loại hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hoá đơn chứng từ đã đủ “chết” rồi. Tôi thường xuyên gửi quần áo, những đơn nhỏ cho khách qua đường CPN, họ chẳng bao giờ kiểm tra cả. Bạn bè tôi rất nhiều người mua hàng theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc về Việt Nam xuất lẻ. Sau đó các đại lý đó lại đăng bán online, vận chuyển hàng theo đường CPN rất nhiều. Như vậy không phải buôn lậu thì là gì?”.

Luật sư Trương Quốc Hoè, Trưởng văn phòng Luật sư Interla cho biết: “Điều 12, Luật Bưu chính quy định vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính. Tuy nhiên tình trạng này vẫn còn diễn ra rất mạnh. 

Cụ thể, hàng cấm gồm các bưu kiện gửi có nội dung gây kích động, mất an ninh; bưu kiện chứa văn hóa phẩm trái với đạo đức xã hội như sách báo, tài liệu văn hoá phẩm. 

Ngoài ra, còn có các bưu phẩm chứa vũ khí, chất gây nổ, chất độc, chất phóng xạ, ma tuý... Trong quá trình nhận hàng hoá, nhân viên bưu cục CPN đã phớt lờ quy định, cho qua. Dù thực tế, những phi vụ hàng lậu, hàng cấm sau đó đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bóc gỡ cho thấy, những mặt hàng dễ bị phát hiện và các nhân viên bưu điện chắc chắn biết rằng đó là mặt hàng cấm nhưng vẫn dễ dàng lọt qua việc thẩm định của các nhân viên bưu cục. 

Do vậy, việc quy trách nhiệm là điều không hề khó mà quan trọng là nhà chức trách phải mạnh tay xử lý và xử lý từ cái gốc của vấn đề. Ngoài ra, tại Điều 7 Luật này cũng nêu rõ các đơn vị, công ty cung cấp dịch vụ chuyển hàng, CPN, giao hàng tiết kiệm không được gửi, nhận, vận chuyển các loại hàng hóa cùng các hành vi bị cấm. 

Thế nhưng, nhiều vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm vẫn xảy ra cho thấy, việc xem nhẹ quy định của pháp luật cần phải được xử lý nghiêm và xử lý hình sự mới đủ sức răn đe”.

Luật sư Hoè cũng viện dẫn, đối chiếu với vụ việc nêu trên, việc làm rõ hành vi vận chuyển hàng nghìn viên ma tuý tổng hợp trái phép và vận chuyển đồ chơi nguy hiểm thuộc loại hàng hóa cấm sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép thì cần phải được xử lý bằng hình sự đối với những đối tượng liên quan đến hoạt động CPN, chứ không thể chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính là xong. Nếu không mạnh tay thì tình trạng này vẫn xảy ra là điều khó tránh khỏi.

 
Song Anh
.
.
.