Những khuyến cáo mới của cảnh sát châu Á

Thứ Hai, 14/03/2016, 09:45
Hãng Reuters vừa dẫn tuyên bố hôm 8-3 của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết, các chiến binh IS đã lên kế hoạch bắt cóc Thủ tướng Najib Razal, cùng 2 bộ trưởng và tấn công trung tâm hành chính Putrajaya bằng chất nổ.


"Ngày 30-1-2015, có khoảng 14 người liên quan tới IS định bắt cóc Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Quốc phòng", ông Ahmad Zahid tiết lộ. Bộ trưởng Nội vụ Malaysia cũng cho biết, cảnh sát nước này đã phá âm mưu của IS và mặc dù chúng không chính thức mở chi nhánh ở Malaysia, nhưng một số người ở đây vẫn chịu ảnh hưởng và nhận lệnh từ mạng lưới IS ở Syria.

Vẫn theo lời ông Ahmad Zahid, từ tháng 9-2014 đến tháng 5-2015, IS đã lên 4 kế hoạch tấn công vào những địa điểm quan trọng ở Malaysia, bao gồm thủ đô Kuala Lumpur, Putrajaya và bang Kedah, để thực hiện các âm mưu, cũng như bắt cóc lãnh đạo đất nước đòi tiền chuộc.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi.

Trước đó, Giám đốc Chi nhánh đặc biệt thuộc Cảnh sát Hoàng gia Malaysia Mohamad Fuzi Harun cho biết, hiện có 47 người Malaysia (30 nam, 9 nữ và 8 trẻ em) tham gia IS. Và cảnh sát đã thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế sự lan tỏa tư tưởng IS bằng cách cộng tác với Cục Nhập cư, Sân bay quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) và Interpol để theo dõi các điểm nhập cảnh.

Theo người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia Indonesia, Thiếu tướng Anton Charliyan, cảnh sát nước này vừa bắt thêm 4 kẻ tình nghi liên quan tới các vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô Jakarta hồi tháng 1. Và 4 đối tượng này biết về âm mưu tấn công tại Jakarta 1 tháng trước khi xảy ra các vụ đánh bom hôm 14-1 khiến 8 người chết.

Trước đó, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Indonesia, Tướng Badrodin Haiti cho biết, 19 nghi can bị bắt vì có liên quan trực tiếp đến vụ khủng bố hôm 14-1 tại Jl.MH Thamrin, trung tâm thủ đô Jakarta. Trong đó có 2 đối tượng đã bị kết án, số còn lại đến từ 5 nhóm khủng bố khác nhau ở Indonesia. Và tính đến nay, cảnh sát Indonesia đã bắt tổng cộng 43 nghi can có liên quan tới vụ tấn công kể trên.

Trong một diễn biến liên quan, Chuẩn tướng Cảnh sát Agus Rianto khẳng định, Indonesia là quốc gia an toàn và lực lượng cảnh sát cùng quân đội tiếp tục phối hợp để duy trì an ninh và nước này đang nghiêm túc nghiên cứu những cảnh báo của Australia về nguy cơ khủng bố. Bởi theo giới chức Australia, những kẻ khủng bố đang lên kế hoạch tấn công tại Indonesia, do đó họ yêu cầu các du khách nước này cẩn thận khi đến Indonesia, đặc biệt là tới hòn đảo du lịch Bali.

Tờ The Sydney Morning Herald vừa dẫn lời Giáo sư Robert Pape, Giám đốc Dự án Chicago về an ninh và khủng bố cảnh báo, IS có âm mưu tấn công các thành viên trong liên minh tham gia không kích tổ chức này ở Iraq, Syria và Australia đang nằm trong "tầm ngắm" của IS.

Theo ông Robert Pape, trong vòng 4-6 tháng tới, IS có thể sẽ thực hiện các cuộc tấn công chống lại các quốc gia có hành động quân sự chống lại họ. Và điều này chứng tỏ, IS đã chuyển mục tiêu ra ngoài khu vực Trung Đông, hướng tới các mục tiêu của phương Tây.

Ngày 8-3, lực lượng an ninh, cảnh sát cùng các phương tiện nghiệp vụ đã được tăng cường triển khai tại nhiều thành phố lớn ở Ấn Độ để đối phó với nguy cơ tấn công khủng bố sau khi có tin, 10 phần tử thuộc Lashkar-e-Taiba (LeT) đã xâm nhập lãnh thổ nước này bằng đường biển ngoài khơi bang Gujarat. Nguy cơ khủng bố tăng cao trong bối cảnh Ấn Độ đang tổ chức kỳ họp Quốc hội ở thủ đô New Delhi.

Bộ trưởng Nội vụ Rajnath Singh đã chủ trì cuộc họp an ninh cấp cao ở New Delhi, bao gồm các quan chức Cục tình báo quốc gia (IB), Cơ quan Nghiên cứu và Phân tích tình báo (RAW), để đánh giá về nguy cơ tấn công khủng bố, cũng như triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh. Lãnh đạo cơ quan cảnh sát Gujarat PC Thakur cho biết, cảnh sát bang này đã được tăng cường tại các địa điểm công cộng, trụ sở công quyền để giám sát và phát hiện các đối tượng có liên hệ với khủng bố. 

Theo khuyến cáo của Văn phòng châu Á-Thái Bình Dương thuộc Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), tội phạm xuyên biên giới đang trở thành vấn nạn nghiêm trọng ở Đông Nam Á bởi sự kiểm soát lỏng lẻo các đường biên giới. Theo ước tính của UNODC, các hoạt động buôn bán bất hợp pháp ở Đông Á và Thái Bình Dương hiện tạo ra nguồn thu hơn 100 tỷ USD, nhiều hơn GDP của cả Myanmar, Lào và Campuchia cộng lại. Do đó, UNODC cảnh báo, việc dỡ bỏ kiểm soát biên giới mà các nước trong khu vực đang hướng tới sẽ là cơ hội cho các loại hình tội phạm xuyên quốc gia phát triển. Đại diện khu vực của UNODC, ông Jeremy Douglas nhấn mạnh, các quốc gia Đông Nam Á phải hợp tác nhiều hơn nữa để tăng cường kiểm soát loại tội phạm này phát triển.
Nhiệm Bình
.
.
.