Những khuyến cáo từ bê bối thịt bò “bẩn” tại Ba Lan

Thứ Tư, 13/02/2019, 21:12
Việc phát hiện 1 ca nhiễm BSE (còn gọi là bệnh bò điên) ở Ba Lan đang thu hút sự quan tâm của dư luận “lục địa già”, bởi diễn ra trong bối cảnh nước này đang điêu đứng vì bê bối liên quan đến thịt bò “bẩn”.


Giới chức Ba Lan khẳng định, đây là trường hợp cá biệt và không gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Và ca nhiễm BSE được phát hiện từ hôm 24-1 tại làng Mirsk, khu vực giáp với Cộng hòa Czech và Đức, đã được xử lý nhanh chóng. 

Nhiều quốc gia đã quyết định cắt giảm lượng thịt bò nhập khẩu từ Ba Lan sau khi đoạn phim phóng sự của đài TVN24 về việc giết mổ bò bệnh tại một lò mổ ở Kalinowo, thuộc thị trấn Ostrow Mazowiecka, ngoại ô thủ đô Warsaw được công bố. Tuy việc giết mổ thịt bò “bẩn” diễn ra và không có nhân viên thú y nào có mặt tại hiện trường, nhưng số thịt này vẫn được đánh dấu “đã tuân theo thủ tục pháp lý quy định”. 

Theo đài TVN24, số bò bị bệnh hoặc tàn tật được lò giết mổ ở Kalinowo mua với giá rẻ, nhưng bán ra thị trường với giá của thịt bò sạch. Và giới chức Ba Lan đang mở cuộc điều tra về vụ việc này, sau khi lò mổ kể trên bị đóng cửa. Theo giới truyền thông, một nhóm điều tra của Ủy ban châu Âu đã tới tại Warsaw để kiểm chứng độ xác thực của vụ việc kể trên.

Thịt được bày bán tại một khu chợ ở Ba Lan.

6 năm trước (2013-2019), Ba Lan từng rơi vào vụ bê bối khi hàng tấn thịt ngựa được chế biến thành thịt bò để xuất khẩu tới các quốc gia châu Âu. Do đó, vụ bê bối thịt bò “bẩn” đã khiến giá thịt bò tại Ba Lan giảm mạnh và ước tính có thể gây thiệt hại cho các nhà sản xuất nước này tới 160 triệu USD trong năm 2019. 

Theo xác nhận của người đứng đầu ngành thú y của Ba Lan Pawel Niemczuk, nước này đã xuất khẩu 2.700kg thịt bò nghi không đảm bảo an toàn thực phẩm tới các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Pháp, Romania, Thụy Điển, Hungary, Estonia, Phần Lan, Tây Ban Nha, Litva, Bồ Đào Nha và Slovakia. 

Theo lời ông Pawel Niemczuk, thịt bò “bẩn” tuy được đưa tới 20 địa điểm bán ở Ba Lan, nhưng đã bị thu hồi nên không gây hậu quả. Giới chức Ba Lan cho biết, dù chưa có quốc gia nào quyết định tạm ngừng nhập khẩu thịt bò của nước này, nhưng tình trạng giới hạn lượng nhập khẩu đã xuất hiện. 

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Ba Lan cũng nhấn mạnh, vụ việc kể trên đã bị cường điệu hóa và đe dọa tới hình ảnh của ngành chế biến thịt nước này, cũng như ngành thực phẩm thế giới. Theo thống kê, Ba Lan sản xuất khoảng 560.000 tấn thịt bò mỗi năm, trong đó từ 80% đến 85% số thịt này được xuất khẩu.

Thông báo từ Ủy ban châu Âu (EC), thịt bò “bẩn” có nguồn gốc từ Ba Lan đã được phát hiện tại 14 nước thành viên EU. 10 ngày trước (2-2), Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, họ đã xác định được hơn 140kg thịt bò “bẩn” nhập từ Ba Lan còn trôi nổi trên thị trường, trong đó có những sản phẩm đã bán cho khách hàng. Cụ thể, 145kg còn lại trong tổng số gần 800kg thịt bò “bẩn” nhập vào thị trường Pháp đã được xác định tại các cơ sở bán buôn, cửa hàng thịt hoặc ở các nhà hàng. 

Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Didier Guillaume cho biết, 9 công ty của nước này đã nhập khẩu số thịt bò kể trên từ một lò mổ ở làng Kalinowo, cách thủ đô Warsaw của Ba Lan hơn 100km về phía Đông Bắc. 

Cũng trong ngày 2-2, Đài phát thanh Cộng hòa Czech dẫn thông báo của Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, cơ quan chức năng Czech đã trả lại và tiêu hủy một nửa số lượng thịt bò nghi không đảm bảo an toàn thực phẩm nhập từ Ba Lan. 

Theo thông tin từ Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp Czech, khoảng 300kg thịt bò "bẩn" của Ba Lan đã được vận chuyển sang nước này, trong đó 100kg được hoàn trả, số còn lại đã được bán cho người tiêu dùng.

Một trang trại nuôi bò ở Ba Lan.

Trước đó, Cơ quan Thực phẩm quốc gia Thụy Điển (NFA) xác nhận, 240kg thịt bò "bẩn" của Ba Lan đã được nhập khẩu vào Thụy Điển và bán cho 4 công ty của nước này. 

Theo đại diện của NFA, những công ty liên quan tới vụ việc kể trên từ chối bình luận trước khi có kết quả điều tra rõ ràng. Cơ quan Thực phẩm và thú y Latvia cũng xác nhận, 27kg thịt bò từ một lò mổ của Ba Lan tiếp nhận bò bệnh đã được chuyển tới các nhà kho trong chuỗi cửa hàng ăn phổ biến Lido tại nước này. 

Theo người phát ngôn của Cơ quan Thực phẩm và thú y Latvia, bà Ilze Meistere cho biết, hiện chỉ còn 9kg thịt bò “bẩn” còn lưu kho tại Lido, vì 18kg đã được chế biến thành xúc xích, nhưng số thực phẩm này chưa được các nhà hàng sử dụng. Theo thông báo của giới chức Estonia, nước này đã nhập khoảng 350kg thịt bò “bẩn” từ Ba Lan, nhưng không phân phối ra các cửa hàng. 

Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.