Những lần đánh án nghẹt thở nhưng không cần súng của Cảnh sát hình sự

Thứ Năm, 15/12/2011, 08:49

Gần 2 năm trôi qua, nhưng chưa ai quên được câu chuyện buồn ở xã Hang Kia, khi 3 cán bộ của Công an Hòa Bình đã hy sinh trong lúc vây bắt Vàng A Khua - tên trùm ma túy nguy hiểm đang bị truy nã lúc đó.

Từ nhiều năm nay, xã Hang Kia (huyện Mai Châu - Hòa Bình) và xã Lóng Luông (huyện Mộc Châu - Sơn La) - vẫn được gọi là "cái rốn" ma túy của cả nước, đầu mối của nhiều đường dây ma túy lớn đã được lực lượng Công an triệt phá. Nhưng phải đến sau sự hy sinh của 3 cán bộ Công an Hòa Bình - người dân cả nước mới thực sự bàng hoàng về nạn buôn ma túy nhức nhối ở đây.

Quyết tâm xóa sổ 2 điểm nóng ma túy này, suốt nhiều tháng qua, một đoàn công tác của C52 phối hợp với Công an hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La đã kiên trì bám xã, bám bản, kiên trì vận động những đối tượng buôn ma túy đang bị truy nã ở đây ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật và trả lại bình yên cho vùng đất này.

Chuyện trinh sát vào bản "tử thần" mà không hề mang theo súng

Ngày 5/2/2010 có lẽ là một trong những ngày buồn nhất trong lịch sử Công an tỉnh Hòa Bình. Khi vây bắt đối tượng truy nã Vàng A Khua (55 tuổi, trú tại bản Hang Kia 1, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, Hòa Bình) - một tên trùm ma túy khét tiếng nguy hiểm, 3 cán bộ, chiến sĩ của Công an Hòa Bình gồm: Thượng tá Hà Thái Yềm (Phó Trưởng Công an huyện Mai Châu), Thiếu úy Sùng A Trư (Đội CSĐT tội phạm ma túy Công an huyện Mai Châu) và Trung úy Bùi Quốc Đại (PC17 Công an Hòa Bình) đã anh dũng hy sinh. Cố thủ trong ngôi nhà kiên cố, tên trùm ma túy Vàng A Khua đã lạnh lùng xả súng vào lực lượng Công an. Tuy tên Vàng A Khua đã bị tiêu diệt ngay sau đó, nhưng sự hy sinh của 3 cán bộ, chiến sĩ là mất mát lớn và vô cùng đau đớn của Công an tỉnh Hòa Bình nói riêng và của lực lượng Công an nói chung.

Xã Hang Kia (Mai Châu) và xã Lóng Luông (Mộc Châu) là hai xã giáp ranh của hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La, với gần 100% dân cư là bà con người dân tộc Mông. Đây là hai xã nhức nhối nhất về nạn buôn bán ma túy. Phần lớn người Mông ở Hang Kia và Lóng Luông đều có quan hệ họ hàng với nhau. Là "cái rốn" ma túy của cả nước, nơi tập trung những trùm ma túy khét tiếng, cả hai xã có gần 50 đối tượng đang bị truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Thượng tá Đào Trọng Sơn ngồi trò chuyện thân mật với Hờ A Nủ  - đối tượng truy nã đầu tiên ở Lóng Luông ra đầu thú.

Khác với những đối tượng truy nã thông thường, những đối tượng truy nã người Mông đang sống ở Hang Kia và Lóng Luông không bỏ trốn mà vẫn tiếp tục cư trú tại địa phương. Lợi dụng địa hình khó khăn, đồi núi hiểm trở, đường sá độc đạo, những đối tượng đó thường ở ngay trong nhà hoặc lởn vởn quanh bản, khi nghi có Công an mới chạy trốn vào rừng. Điều này đã khiến cho tình hình trật tự ở Hang Kia và Lóng Luông vô cùng phức tạp, mà đỉnh điểm là vụ tên trùm ma túy bị truy nã Vàng A Khua  xả súng làm chết 3 cán bộ, chiến sĩ Công an Hòa Bình và làm nhiều người khác bị thương.

Quyết tâm "hạ nhiệt" và dần đi đến xóa sổ điểm nóng ma túy này, Thông tư 71 đã ra đời (thông tư liên ngành của Bộ Công an - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao - Tòa án nhân dân Tối cao), đã có chính sách đặc biệt khuyến khích các đối tượng truy nã là người Mông ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Đây là một chính sách vô cùng nhân đạo của Đảng và Nhà nước với dân tộc Mông ở Hang Kia và Lóng Luông.

Nhiều tháng qua, các trinh sát của C52 phối hợp với Công an Hòa Bình đã vận động được 14/15 đối tượng truy nã ở Hang Kia ra đầu thú. Thành công ở Hang Kia, một tổ công tác đặc biệt của C52 phối hợp với PC52 và PC17 (Công an Sơn La) lại đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đầy khó khăn này ở xã Lóng Luông, một xã hiện đang có 32 đối tượng truy nã là tội phạm ma túy. Lên Lóng Luông bây giờ luôn có mặt 20 cán bộ, chiến sĩ của Tổ công tác đặc biệt 135, đang ngày ngày bám dân, bám bản, kiên trì kêu gọi, vận động các đối tượng ra đầu thú.

Thượng tá Đào Trọng Sơn (Trưởng phòng 4, C52) kể, khi đi vận động các đối tượng truy nã ở đây ra đầu thú, ngoài việc lên danh sách các đối tượng truy nã cần vận động, anh và các thành viên trong Tổ công tác đặc biệt 135 còn phải nắm được đầy đủ các mối quan hệ của các đối tượng này, từ cha mẹ, anh chị em, vợ con đến các trưởng bản, để tìm hiểu xem ai là người có mối quan hệ thân thiết nhất với các đối tượng này và có thể thuyết phục các đối tượng ấy ra đầu thú. Khi đã có trong tay các thông tin cần thiết, các anh chủ động đi vào bản, tìm cách tiếp cận gia đình và thân nhân các đối tượng này, để thuyết phục họ vận động con em ra đầu thú.

Thời gian làm công tác đặc biệt ở Hang Kia, Thượng tá Đào Trọng Sơn nhớ nhất là khi đi vận động hai chú cháu Khà A Cáu, Khà A Giàng. Khà A Cáu và Khà A Giàng là hai chú cháu ruột, cùng bị truy nã trong những vụ án ma túy lớn đình đám đã bị triệt phá năm 2004 do đối tượng Trương Thị Chung cầm đầu. Chính Khà A Cáu (trú tại xã Hang Kia, huyện Mai Châu) là kẻ đã cung cấp cho Trương Thị Chung và đồng bọn trong đường dây ma túy lớn này 71 bánh heroin để mang về Hà Nội tiêu thụ. Khi đường dây này được bóc tách, các đối tượng đã bị đưa ra xét xử với 5 án tử hình, 4 án chung thân. Nhưng riêng Khà A Cáu đã bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã đặc biệt.

Khà A Cáu không trốn ở đâu xa mà trốn ngay ở bản. Ban ngày, Khà A Cáu vẫn đi lao động bình thường trên nương. Ban đêm vẫn về nhà ngủ. Thế nhưng chỉ cần nghe thấy động, Cáu lập tức vác súng chạy vào rừng cố thủ. Rất nhiều lần Công an Hòa Bình tìm cách bắt Cáu nhưng đều thất bại. Khi tiếp cận đối tượng truy nã Khà A Cáu, Thượng tá Đào Trọng Sơn và các thành viên trong tổ công tác đều xác định đây là đối tượng đặc biệt nguy hiểm, lúc nào cũng có hàng "nóng" bên cạnh. Nhưng các anh vẫn vào nhà, gửi thư kêu gọi đầu thú, nhờ gia đình chuyển cho Khà A Cáu.

Cầm chắc trong tay bản án tử hình, nên khi nhận được thư kêu gọi, Khà A Cáu rất ngạc nhiên biết rằng nếu ra đầu thú, Cáu chỉ phải nhận mức án chung thân. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng Cáu cũng đã đồng ý tiếp xúc với Thượng tá Đào Trọng Sơn và các cán bộ Công an. Nhưng Cáu vẫn giữ tinh thần đề phòng, và không quên "nắn gân" các cán bộ.

Thượng tá Sơn kể: "Có lầ anh em chúng tôi vào nhà gặp Khà A Cáu, Cáu vừa tiếp chuyện cán bộ, vừa lấy khăn ra lau khẩu súng K54 đến bóng loáng. Sau đó, Cáu còn ra ngoài cổng, bắn chỉ thiên lên trời mấy phát rất "vô thưởng vô phạt". Biết Cáu "dọa" mình, nhưng chúng tôi vẫn cười nói vui vẻ và hết sức thân thiện với Cáu. Dần dần nhận ra thiện chí của chúng tôi, Cáu ra đầu thú và kêu gọi cả chú ruột đang bị truy nã ra đầu thú. Một đối tượng truy nã nguy hiểm như thế được chúng tôi thuyết phục đã chấp nhận ra đầu thú, với anh em trong tổ công tác, đó thực sự là một niềm vui lớn".

Từ nhiều năm nay, việc vào những bản Mông ở Hang Kia và Lóng Luông là việc vô cùng khó. Bất kể người lạ nào xuất hiện, những người dân trong bản cũng biết và lập tức đón chặn ở đường để hỏi lý do vào bản. Thượng tá Sơn kể, có trường hợp cán bộ ở tỉnh xuống xã công tác, làm dự án thủy lợi nhưng chủ quan không báo trước cho trưởng bản đã bị người Mông của bản giữ lại, phải có Công an xã xuống giải quyết mới được về. Vì thế, việc các cán bộ, chiến sĩ Công an xuất hiện ở bản là một việc khá nguy hiểm, bởi người dân trong các bản ở Hang Kia và Lóng Luông có quá nhiều đối tượng truy nã nên tuyệt nhiên không bao giờ chào đón Công an. Biết là thế, nhưng Thượng tá Đào Trọng Sơn và các đồng chí trong tổ công tác đặc biệt vẫn ngày ngày xuống bản mà không hề mang theo súng phòng thân.

Thượng tá Sơn cho biết: "Chúng tôi xác định mình vào bản, gặp bà con trong bản, gặp gia đình đối tượng với thiện chí thực sự và cũng muốn cho họ hiểu thiện chí ấy, nên anh em bảo nhau tuyệt đối không mang theo súng. Nếu có tình huống khó khăn gì thì sẽ tùy cơ ứng biến mà giải quyết. Nhưng chúng tôi cũng tin rằng, người dân hai xã Hang Kia và Lóng Luông đều hiểu được thiện chí của các cán bộ Công an, nên cũng sẽ không gây khó khăn gì cho chúng tôi.

Vào bản, chúng tôi vào từng gia đình, nói chuyện với người già kính cẩn như con cháu, thân mật với các anh chị trong nhà như anh em. Chúng tôi cùng ăn cơm, cùng uống rượu, nhưng không quên thực hiện nhiệm vụ của mình, tuyên truyền các gia đình này kêu gọi con em ra đầu thú. Việc kêu gọi không dễ. Vì những lần đầu tiên vào nhà đối tượng, chúng tôi không bao giờ gặp được trực tiếp đối tượng mà chỉ gặp được người nhà họ. Nhưng chúng tôi vẫn gửi thư kêu gọi đầu thú kèm theo những chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, rồi nhờ gia đình chuyển cho các đối tượng này.

Thông tư 71 thực sự là một chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Đối tượng truy nã nào ra đầu thú, nếu khung án tử hình, sẽ được giảm xuống chung thân, nếu chung thân sẽ được giảm xuống án có thời hạn. Sau khi ra đầu thú, các đối tượng sẽ được xét xử tại TAND tỉnh mà đối tượng đang cư trú và sẽ được ưu tiên chấp hành án tù ngay tại trại giam của tỉnh. Đối tượng nào còn vướng víu chuyện gia đình, vợ con, sẽ được cho phép có thời gian chuẩn bị 2 - 3 năm, khi thực sự sẵn sàng mới phải đi trả án".

Nhiều đối tượng đang trốn chui chốn lủi trong rừng, khi nhận được thư kêu gọi đầu thú của cán bộ Công an, đã bỏ rừng về nhà, mời Thượng tá Sơn và các anh em trong tổ công tác đến uống rượu thân tình. Có thể ngồi uống rượu với các đối tượng truy nã, trò chuyện thân mật như anh em, với một trinh sát truy nã tội phạm có kinh nghiệm lâu năm như Đào Trọng Sơn, đó vẫn là một cảm giác mới mẻ. Nhưng anh bảo, được những đối tượng mình đang vận động đầu thú mời uống rượu cùng mâm, ăn cơm cùng bát, có nghĩa là việc vận động của các anh đã có những tín hiệu thành công. Quả nhiên, sau những lần uống rượu có hôm say đến nỗi ngủ ngay ở nhà chính đối tượng truy nã ấy, Đào Trọng Sơn và các thành viên trong tổ công tác đã nhận được cam kết đầu thú của rất nhiều đối tượng ở Hang Kia và Lóng Luông.

Kể về việc vận động đối tượng truy nã ở Hang Kia ra đầu thú, Thượng tá Đào Trọng Sơn cho biết việc vận động ở Hang Kia đã thành công hết sức tốt đẹp khi 14/15 đối tượng đã ra đầu thú. Có đối tượng ra đầu thú đã khóc khi nói: "Mình mà biết thế này mình ra đầu thú từ lâu rồi". Riêng đối tượng còn lại, các anh vẫn đang kiên trì thuyết phục. Bản thân đối tượng cũng đã xin thời gian suy nghĩ rồi sẽ đầu thú: "Chúng tôi chủ trương thu phục đối tượng bằng tình cảm, để họ tình nguyện ra gặp Công an. Vì thế, nếu họ còn cảm thấy lăn tăn trong lòng, chúng tôi cũng không vội vã mà cho họ thời gian suy nghĩ. Tôi tin với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, họ sẽ hoàn toàn bị thuyết phục. Sau chuyến vận động này, chúng tôi ai cũng mong bà con trong bản sẽ hiểu tất cả những việc chúng tôi đang làm không ngoài mục đích trả lại sự bình yên cho mảnh đất này, để cán bộ Công an đến bản chơi có thể được bà con chào đón như chào đón một người thân".

Trinh sát trải lòng

Thượng tá Lê Xuân Hiến (Phó phòng PC52 - Công an Sơn La), Tổ trưởng Tổ công tác 135 đang đóng ở xã Lóng Luông cho biết, suốt mấy tháng nay, 20 cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác thường xuyên túc trực ở xã Lóng Luông, ngày ngày xuống bản để vận động bà con. Chiều chiều, sau khi từ bản về, các anh còn chơi thể thao với thanh niên trong các bản gần đó, để tạo được sự gần gũi, thân thiện với người Mông ở Lóng Luông. Tính đến thời điểm chúng tôi lên, các anh đã vận động được 18 đối tượng truy nã ra đầu thú.

Thượng tá Lê Xuân Hiến, Phó phòng PC52 - Công an Sơn La (ngoài cùng, bên trái, khi làm công tác vận động đầu thú ở Lóng Luông).

Thượng tá Lê Xuân Hiến tâm sự: "Khi vào bản vận động đầu thú, chúng tôi ngồi uống rượu với đối tượng truy nã thân mật như anh em, người hơn tuổi được gọi là anh, người ít tuổi phải xưng em. Tiếp xúc với họ, chúng tôi mới biết không phải đối tượng nào bị truy nã cũng là trùm ma túy giàu có. Ở Lóng Luông có rất nhiều trùm ma túy giàu có đi xe hơi xịn, nhưng cũng có những người chỉ đi xách thuê và rất nghèo khó. Họ được những ông trùm lớn nói lời ngon ngọt, đồng ý đi xách thuê chỉ để lấy ít tiền mua cái xe máy, sắm cái tivi cho vợ con. Nhưng có những người vừa đi được chuyến đầu tiên đã bị bắt hoặc bị phát giác, có khi đến tiền công xách thuê cũng chưa kịp nhận. Không ít người Mông ở đây rơi vào hoàn cảnh đó, phạm tội vì thiếu hiểu biết. Để rồi phải chốn chui lủi trong rừng, thỉnh thoảng mới dám về nhà, khiến gia cảnh đã khó càng thêm khó, vợ con ngày càng nheo nhóc".

Hôm chúng tôi đến thăm tổ công tác ở Lóng Luông, Thượng tá Lê Xuân Hiến và anh em trong tổ công tác vừa đến nhà Sồng A Phứ - một đối tượng truy nã đang được các anh vận động ra đầu thú. Thượng tá Hiến kể, Trước đây Sồng A Phứ lúc nào cũng sống trong tâm trạng phập phồng, lo sợ, nhìn thấy người bán kem cũng tưởng là Công an, đêm cứ nghe thấy tiếng chó sủa là ôm súng chạy vào rừng. Nhưng khi được cán bộ Công an đến vận động, cùng uống rượu với cán bộ, Sồng A Phứ đã bắt đầu bày tỏ mong muốn ra đầu thú.

Nhà Sồng A Phứ rất nghèo, xuống nhà đến bộ ấm chén để uống nước cũng không có. Hôm Thượng tá Hiến và anh em xuống chơi, vì quý cán bộ, Sồng A Phứ đã nằng nặc bắt vợ chạy đi mượn bộ ấm chén về mời cán bộ uống nước. Vợ Phứ đi đâu đến hơn nửa tiếng, mới thấy mang về một bộ ấm chén cái lành, cái mẻ và một ít chè được gói tạm bợ trong tờ giấy, chắc là xin của nhà nào đó trong bản. Hoàn cảnh của Sồng A Phứ cũng rất đặc biệt, bố Phứ nghiện. Gia đình có 5 người con thì 3 người bị bắt đi tù.

Trong vụ án của Phứ, chú Phứ đã bị tử hình, còn Phứ thì vẫn tiếp tục bỏ trốn. Càng bỏ trốn, càng không yên tâm làm ăn, càng nghèo. Gia đình Phứ cứ ở mãi trong vòng luẩn quẩn đó cho đến ngày Phứ biết về chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Được Thượng tá Hiến trò chuyện, khuyên nhủ, phân tích cặn kẽ, Phứ đã đồng ý sẽ ra đầu thú trong thời gian tới.

Theo Thượng tá Hiến, công tác vận động đối tượng truy nã ra đầu thú ở Lóng Luông đến thời điểm này có thể coi là khá thành công, khi 18 đối tượng đã ra đầu thú, có những bản như bản Pa Kha của Lóng Luông, nhờ sự phối hợp tốt với trưởng bản và các hội trong bản, tổ công tác đã kêu gọi được toàn bộ các đối tượng truy nã của bản ra đầu thú. Hiện còn 2 bản Lũng Xá và Tà Dê của Lóng Luông là hai bản mà anh em trong Tổ công tác 135 đang gặp nhiều khó khăn nhất, vì hai bản này tập trung nhiều trùm ma túy lớn nhất. Vì thế anh em trong tổ công tác vẫn ngày ngày xuống Lũng Xá và Tà Dê, kiên trì thuyết phục từng gia đình có đối tượng truy nã, bằng mọi giá thuyết phục các đối tượng sớm tỉnh ngộ và ra đầu thú.

Đối tượng đầu tiên ra đầu thú tâm sự chuyện đời

Theo lời giới thiệu của Thượng tá Lê Xuân Hiến và Thượng tá Đào Trọng Sơn, chúng tôi đến bản Pa Kha gặp Hờ A Nủ (39 tuổi), bị truy nã năm 2009. Hờ A Nủ là trường hợp đầu tiên ra đầu thú. Hờ A Nủ tâm sự: "Nhà mình làm kinh tế khá lắm. Nhiều năm nay mình chạy xe chở ngô, có tháng kiếm được 30 - 40 triệu. Mình dám khẳng định là đồ đạc trong nhà mình, không có cái nào mua bằng tiền bất chính. Toàn tiền làm ăn chân chính cả đấy. Mình làm ăn chân chính có thể giàu không kém những người buôn ma túy là mấy, nên chẳng muốn phạm tội. Mình phạm tội cũng chỉ vì thiếu hiểu biết và nghe theo lời rủ rê của bạn bè. Năm 2009, mình bị Sái A Cưa, một người trong bản nhờ đưa đi Hòa Bình để chuyển ma túy. Sau này Cưa bị bắt khai ra mình, mình sợ quá nên trốn".

Theo Thượng tá Đào Trọng Sơn đến nhà Hờ A Nủ, chúng tôi mới biết Nủ rất thân với Thượng tá Sơn và các đồng chí trong Tổ công tác 135. Nủ ngồi trò chuyện vui vẻ với Thượng tá Sơn, kể đủ chuyện công việc, nhà cửa, vợ con và xin lại số điện thoại của Thượng tá Sơn mà Nủ làm mất hôm trước. Nủ bảo: "Có số điện thoại của anh Sơn, thỉnh thoảng Nủ gọi để kể chuyện cho đỡ buồn và mời xuống nhà uống rượu".

Hờ A Nủ hồn nhiên kể, khi được các cán bộ Công an đến kêu gọi đầu thú, Hờ A Nủ mừng lắm. Nủ quyết định ký giấy đồng ý ra đầu thú mà không một chút lo sợ. Nhiều đối tượng truy nã nghe Nủ ra đầu thú ban đầu đã ngăn cản Nủ, vì sợ Nủ bị cán bộ "lừa". Nhưng Nủ bảo, Nủ tin cán bộ, tin Đảng và Nhà nước. Hờ A Nủ kể: "Khi tôi ra đầu thú, nhiều người nói: 'Cứ cho thằng Hờ A Nủ đi gặp Công an trước. Nó không chết thì mình đi đầu thú. Nó chết thì mình không đi".

Khi thấy Hờ A Nủ ra đầu thú mà vẫn được cán bộ Công an cho về nhà, tiếp tục chạy xe chở ngô và làm ăn bình thường, chờ ngày ra tòa xét xử, thì nhiều đối tượng truy nã ở bản Pa Kha và các bản khác của Lóng Luông cũng bắt đầu rục rịch theo Nủ ra đầu thú. Bản thân Hờ A Nủ cũng tích cực đi vận động các đối tượng trong bản đang bị truy nã ra đầu thú để được hưởng khoan hồng như Nủ. Hờ A Nủ kể: "Ngày xưa còn làm ăn lương thiện, mình chơi thân với các cán bộ Công an của xã lắm. Mỗi khi đi đám cưới, gặp các cán bộ, là ngồi uống rượu như anh em, tay bắt mặt mừng. Nhưng từ khi có lệnh, mình chẳng bao giờ dám ngồi uống rượu với các anh ấy nữa. Giờ đã đầu thú rồi, mình lại được ngồi uống rượu với cán bộ như anh em, mình vui lắm".

Một đối tượng truy nã của bản Pa Kha được Hờ A Nủ kêu gọi ra đầu thú là Hờ A Chánh ( SN 1981). Hờ A Chánh rất đẹp trai và có nụ cười hiền lành rất đặc trưng của một chàng trai Mông. Hờ A Chánh kể về hoàn cảnh phạm tội của mình rất ngây thơ, thật thà: "Có người vào bản, nhờ mình dẫn đi mua ma túy và hẹn trả mình tiền công. Mình dẫn đi mua. Nhưng mua được ma túy, nó không trả mình tiền công như đã hứa. Lúc nó bị bắt, nó lại khai ra mình". Từ khi bị truy nã năm 2010, Hờ A Chánh không bao giờ được ăn ngon, ngủ yên. Ở nhà suốt ngày, nhưng chỉ cần nghe tiếng chó sủa, lá Chánh chạy vào rừng. Hờ A Chánh bảo may nhờ có các cán bộ đến vận động, Hờ A Chánh mới được ra đầu thú và được trở lại cuộc sống bình thường. Giờ đêm nào Hờ A Chánh cũng ngủ ngon, không phải thắc thỏm lo Công an đến bắt như trước.

Chia tay Lóng Luông sau khi gặp những đối tượng người Mông đã ra đầu thú và nghe họ tâm sự về niềm vui và sự biết ơn của họ với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, chúng tôi thấy vui mừng khi thấy gần 2/3 các đối tượng truy nã ở đây đã ra đầu thú. Hi vọng, trong thời gian không xa, sự bình yên sẽ trở lại với Lóng Luông, khi mà ma túy không còn là vấn nạn nhức nhối, không còn là nỗi ám ảnh của người dân ở vùng đất này

Lan Hương
.
.
.