Từ các vụ đại án Ngân hàng:

Những lỗ hổng “con voi chui lọt lỗ kim” ?!

Chủ Nhật, 08/01/2017, 12:36
Chưa bao giờ số vụ án liên quan đến sai phạm ngân hàng bị phát hiện nhiều như thời gian qua, với mức thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Từ những vụ án này, nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao các đối tượng có thể tự tung tự tác, "làm xiếc" với nhiều khoản tiền hay rút được một số tiền quá lớn chỉ trong một thời gian ngắn?


Tại sao sự vi phạm pháp luật luôn bị phát hiện chậm khiến hậu quả rất nặng nề?... Mới nhất, vụ án Phạm Công Danh cùng các đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng, xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) cho thấy bài học từ những kẽ hở của chính các quy định liên quan.

Những "chiêu trò" của vị chủ tịch HĐQT gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng

Từ ngày 27-12-2016, Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên xử phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Phạm Công Danh (52 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh), cùng các đồng phạm và những người liên quan.

Trước đó, vào tháng 9-2016 TAND TP Hồ Chí Minh đã xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Danh 18 năm tù về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải nhận 30 năm tù - mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn.

Ngoài ra, tòa còn buộc bị cáo Danh phải hoàn trả tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng (gốc và lãi) ông ta đã rút hoặc vay từ VNCB. Đồng thời, hội đồng xét xử tuyên tiếp tục kê biên những tài sản của bị cáo Danh, tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh để đảm bảo thi hành án.

Phiên tòa phúc thẩm lần này dự kiến kéo dài đến ngày 25-1-2017. Có thể nói, từ vụ đại án này đã bộc lộ nhiều vấn đề cấp bách đối với các nhà quản lý cũng như đối với chính các tổ chức tín dụng, nhằm ngăn chặn những lỗ hổng gây thất thoát tài sản của ngân hàng.

Phải nhắc lại đôi chút nguồn cơn của vụ đại án này. Sau khi được tái cấu trúc vào tháng 9-2012, Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) với dàn lãnh đạo mới đến từ Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh làm Chủ tịch HĐQT.

Theo quy định, một cổ đông nếu là cá nhân thì không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một ngân hàng. Nếu là tổ chức không được quá 15%. Cổ đông và những người có liên quan không quá 20%. Tuy nhiên, quy định này bị vi phạm tại các ngân hàng cổ phần bằng cách nhờ người đứng tên hộ. Thậm chí, có thể nắm cổ phần chi phối như trường hợp này thì Phạm Công Danh đã nắm tới 84% tại VNCB.

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa.

Điều đáng nói, Chủ tịch HĐQT mới của VNCB Phạm Công Danh dù đang là chủ của Tập đoàn Thiên Thanh nhưng ông này hoàn toàn không có bằng cấp hay kiến thức gì về ngân hàng. Ngay về cái bằng cử nhân quản trị kinh doanh số A1825, do trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cấp mà bị cáo này nộp trong hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước để được làm Chủ tịch HĐQT VNCB cũng bị coi là làm giả…

Trong vụ án này, Phạm Công Danh là người chỉ đạo, tổ chức thực hiện; người giúp sức đắc lực cho Danh là Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB -cũng là người không được đào tạo về lĩnh vực ngân hàng, không hề có kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng, nhưng lại được Danh giao viết đề án tái cơ cấu ngân hàng này.

Theo đó, cáo trạng và thẩm vấn tại tòa cho thấy, chỉ chưa đầy 2 năm sau, lợi dụng việc nắm quyền chi phối khi đại diện cho nhóm cổ đông Thiên Thanh, chiếm gần 85% số cổ phần và là Chủ tịch HĐQT VNCB, Danh đã chỉ đạo HĐQT, ban điều hành, ban kiểm soát và các chi nhánh của ngân hàng này thực hiện các hành vi phạm tội, lập nhiều bộ hồ sơ khống để hợp thức hóa việc vay một số tiền khổng lồ. Toàn bộ số tiền này đều được chuyển về tài khoản của Danh; thành lập hơn chục công ty "ma" với những giám đốc "hờ" chỉ để vay tiền, rút ruột ngân hàng; chi lãi suất vượt trần quy định; nâng khống giá trị tài sản thế chấp…

Điều đáng nói, có thể thấy rõ hoạt động tùy tiện, chủ quan của ngân hàng này khi đó, như: lập quỹ dự phòng trên sổ sách, ký biên bản họp HĐQT mà không hề họp, thường xuyên chỉ đạo miệng, việc ghi sổ tay thay chứng từ…

Đơn cử một vài việc "tùy tiện" của Danh, như việc để có tiền chăm sóc khách hàng, giữa năm 2013, Danh đã chỉ đạo cấp dưới nâng cấp hệ thống CoreBanking để lấy 63 tỉ đồng. Danh đã nhờ người thành lập Công ty An Phát để ký hợp đồng cung cấp hệ thống CoreBanking. Sau khi nhận được tiền, Công ty An Phát đã chuyển ngược tiền lại cho Danh để bị cáo tiêu xài.

Ngoài ra, Danh còn chỉ đạo lập khống hợp đồng thuê mặt bằng trên đường Sư Vạn Hạnh và Tô Hiến Thành (quận 10). Đồng thời, thành lập hai Công ty Trung Dung và Hương Việt để giải ngân 600 tỉ đồng tiền thuê hai mặt bằng này (việc thuê hai trụ sở này Danh không thông qua Đại hội đồng cổ đông và chưa báo cáo với Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước).

Cũng giống như việc thành lập đề án CoreBanking, sau khi tiền được chuyển vào hai công ty, dòng tiền được chuyển ngược lại để Danh rút chi cho các công ty của Tập đoàn Thiên Thanh…

Đáng chú ý là tại thời điểm đó, VNCB đã được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt của Tổ giám sát - Ngân hàng Nhà nước. Điều này đặt ra nghi vấn một lỗ hổng lớn - đó là vai trò, trách nhiệm của các cá nhân Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và Tổ Giám sát tại VNCB vào thời điểm bị kiểm soát đặc biệt đối với các giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên. Về phần này, cơ quan điều tra đã tách riêng trong một vụ án khác để điều tra về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" của 4 bị can là thành viên Tổ giám sát của NHNN đặt tại VNCB và các cá nhân có liên quan…

Theo tính toán thì tổng thiệt hại mà Danh và đồng phạm gây ra được xác định lên tới hơn 9.000 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động tín dụng, quản lý kinh tế của Nhà nước.

Bài học lớn nhất về quản trị Ngân hàng

Một vụ án khác cũng có liên quan mật thiết với vụ án này, đó là vụ án Hà Văn Thắm (44 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương - OceanBank) cùng 16 người bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố với 3 tội danh bao gồm Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng vào hồi đầu tháng 10 vừa qua.

Theo cơ quan điều tra, vào đầu năm 2012, Chủ tịch HĐQT OceanBank muốn thâu tóm một số Ngân hàng TMCP nên gặp bà Hứa Thị Phấn - đại diện nhóm cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) - đặt vấn đề mua lại Ngân hàng này.

Tháng 2 năm đó, bà Phấn để người cháu (Phó Tổng giám đốc TrustBank) đại diện cho nhóm cổ đông của mình ký hợp đồng bán gần 85% cổ phần với giá gần 4.500 tỷ đồng cho Thắm, kèm theo việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và quyền được sở hữu tài sản bảo đảm từ các khoản vay hơn 3.500 tỷ đồng, khoản đầu tư 920 tỷ đồng và một số nghĩa vụ khác của bà Phấn.

Sau khi cho người vào tiếp quản điều hành, Thắm phát hiện Ngân hàng này có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng... 

Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank bị đề nghị truy tố với 3 tội danh.

Qua giới thiệu, Thắm gặp và đặt vấn đề bán lại TrustBank cho Danh (lúc đó đang là Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) và Danh đồng ý mua. Đầu tháng 10-2012, bà Phấn ký lại hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho Danh với giá hơn 4.600 tỷ đồng. Từ đây là những màn "làm xiếc" của ba nhân vật Thắm, Danh và Phấn liên tục diễn ra.

Cụ thể, cuối năm đó Thắm, Danh và Phấn thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ OceanBank và thế chấp bằng tài sản của Phấn. Số tiền này Danh chuyển lại để tất toán cho 5 khoản vay của nhóm Phấn tại TrustBank và được ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần của nhóm Phấn.

Hợp đồng vay mượn này được thực hiện thông qua pháp nhân của Công ty Trung Dung (công ty con của Thiên Thanh). Giám đốc công ty này - Trần Văn Bình (vốn là lái xe, được Danh nhờ đứng tên pháp lý) đã ký hợp đồng vay. Tổng tài sản đảm bảo cho khoản vay này chỉ khoảng hơn 70 tỷ đồng.

Thắm và thuộc cấp tham gia phê duyệt hợp đồng này đã không thẩm định các tài sản dẫn đến thiệt hại cho OceanBank. Cơ quan điều tra xác định, trừ đi các tài sản bảo đảm, Oceanbank bị thiệt hại hơn 343 tỷ đồng từ hợp đồng cho Danh vay.Việc này đã vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng, cho vay không đảm bảo, vượt quá giới hạn quy định, các tài sản đảm bảo khoản vay không có thật thậm chí không có tài sản...

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng xác định, Thắm chủ trương và chỉ đạo cho các thuộc cấp chi trả lãi ngoài huy động vốn góp cho các khách hàng với số tiền lớn trái quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất, gây thiệt hại cho OceanBank hơn 984 tỉ đồng.

Và cũng như Danh, bằng các thủ đoạn thành lập các công ty "sân sau", Thắm cũng lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình chỉ đạo thuộc cấp thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn rút tiền của Ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng…

Theo kết luận của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, vụ án tiêu cực tại OceanBank và các đơn vị liên quan là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thời gian phạm tội kéo dài từ năm 2011 đến 2014 với thủ đoạn đặc biệt tinh vi, có sự tiếp tay của nhiều người từ lãnh đạo Ngân hàng tại hội sở cho đến các chi nhánh. Việc phạm tội mang tính chất có hệ thống và tổ chức.

Trao đổi với báo chí, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO, người là luật sư của Phạm Công Danh trong phiên tòa phúc thẩm đại án VNCB, cho rằng bài học lớn nhất dành cho các Ngân hàng sau các vụ đại án tham nhũng ở các Ngân hàng, đó là bài học về quản trị Ngân hàng. Các vụ án đều giống nhau ở chỗ bắt nguồn từ những nguyên tắc quản trị Ngân hàng bị phá vỡ, hoặc không có điều kiện bảo đảm thực thi.

Chỉ cần một vài quy trình bị bẻ gãy, hàng trăm tỷ đồng có thể bị xâm phạm, chiếm đoạt dễ dàng. Chỉ cần một cá nhân nắm hoàn toàn quyền chi phối và không màng đến rủi ro pháp lý, hàng nghìn tỷ đồng của Ngân hàng có thể "bốc hơi".

Ánh Xuân
.
.
.