Những nẻo đường buôn lậu vũ khí: Buôn lậu thời 4.0

Thứ Sáu, 02/11/2018, 10:05
Thương mại vũ khí đã mang về 374,8 tỷ USD cho 100 công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới trong năm 2016, theo ước tính của SIPRI Top 100. Giá trị bình quân của thương mại vũ khí quốc tế ước tính khoảng 80-90 tỷ USD/năm (không bao gồm doanh số bán nội địa).

Thị trường vũ khí bất hợp pháp được ước tính tương đương 10-20% tổng giá trị thương mại vũ khí trên toàn thế giới, tức khoảng 10 tỷ USD mỗi năm.

Ngày nay, những kẻ mua vũ khí lậu không cần phải đi săn tìm sục sạo ở các khu chợ bất hợp pháp, mà chỉ cần ngồi ở nhà, lướt điện thoại thông minh và gửi đi một tin nhắn. Bằng cách này, họ thậm chí có thể mua được cả xe tăng và tên lửa, nếu đang ở Syria hay Iraq.

Chợ đen trực tuyến

Theo một nghiên cứu hồi cuối năm 2017 của Foreign Policy (FP), Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể đã rút lui, nhưng các chiến binh khác ở Syria đã buôn lậu hàng ngàn vũ khí trong các chợ đen công khai có thể truy cập trên Telegram (một ứng dụng nhắn tin qua internet), bao gồm hàng chục loại súng trường của Mỹ và các bộ phận tên lửa chống tăng tương tự hệ thống tên lửa chống tăng CIA đã trang bị cho quân nổi dậy chống chế độ Bashar al-Assad.

Những chợ đen này đã thu hút hơn 5.000 người dùng và phục vụ cho những người mua và người bán chủ yếu ở tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria. Tỉnh này vốn là nơi có nhiều nhóm phiến quân khác nhau, bao gồm các nhóm có khả năng được cung cấp vũ khí tiên tiến từ CIA, nhưng nhóm Hayat Tahrir al-Sham có liên quan đến al-Qaeda là lực lượng mạnh nhất từ trước đến nay.

Một số vũ khí do Mỹ sản xuất hiện đang có mặt trên các thị trường này có thể được đưa vào Syria trước đây như một phần chương trình đào tạo của Lầu Năm Góc để huấn luyện và trang bị cho các chiến binh ở miền Bắc Syria để chống lại IS. 

Chính quyền Barack Obama đã chấm dứt nỗ lực này vào tháng 10-2015, sau khi các chỉ huy được Mỹ đào tạo bị bắt cóc và bị al-Qaeda tước vũ khí ngay sau khi từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria. 

Dù vậy, nhưng vũ khí Hoa Kỳ từ chương trình vẫn tiếp tục “sống” trong thị trường vũ khí bất hợp pháp. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ trong số hàng ngàn vũ khí được các chiến binh Syria buôn bán trên thị trường đen trực tuyến qua ứng dụng nhắn tin Telegram.

Các chợ đen trên một số ít kênh Telegram cho phép bất kỳ ai có liên kết đăng hình ảnh vũ khí để bán hoặc liên hệ với người bán. Nó giống như một chatroom, trong đó người bán đăng tải hình ảnh của vũ khí với một vài mô tả về mặt hàng, mức giá đề xuất, hoặc vị trí mà một người mua có thể nhận vũ khí. Người mua có thể đăng yêu cầu công khai về vũ khí mà họ muốn mua hoặc nhắn tin trực tiếp cho người bán để thương lượng về giá và địa điểm giao nhận hàng.

Một mẩu quảng cáo vũ khí trên chợ đen trực tuyến.

Các chợ vũ khí này hoạt động như một loại phương tiện truyền thông xã hội. Nhiều giao dịch trên chợ diễn ra trong các khu vực nổi dậy, việc thiếu sự kiểm soát của chính phủ khiến người mua và người bán không cần phải giấu tên, số điện thoại và địa điểm giao nhận. Thủ phủ của tỉnh Idlib và thành phố Jisr al-Shughur là một trong những địa điểm được nhắc đến nhiều nhất.

Theo FP, thị trường vũ khí Telegram hoạt động theo cách tương tự với các chợ vũ khí truyền thông xã hội khác đã nổi lên trong những năm gần đây, bao gồm cả thị trường Facebook cho vũ khí ở Iraq và Libya. Facebook đã chính thức cấm bán vũ khí trên nền tảng của nó, nhưng các thị trường như vậy vẫn tồn tại trong các khu vực xung đột như Iraq.

Đủ loại vũ khí

FP cho biết có thể xác định 28 loại súng trường khác nhau được rao bán với số hiệu và số seri của Bộ Quốc phòng Mỹ.  Ngoài ra, các kênh này còn chạy quảng cáo cho súng trường tấn công AK-103 và AK-104 của Nga do Kalashnikov Concern chế tạo; súng trường tấn công M70 AK-pattern từ Zastava Arms của Serbia… Thị trường Telegram có súng máy hạng nặng M02 Coyote 12.7mm. Các phóng viên trước đó đã ghi lại sự phân hóa súng máy Coyote từ Zastava qua Ảrập Xêút và vào tay các phiến quân Syria.

Trong nhiều bài đăng, người bán cung cấp thuốc nổ được lấy từ bom chùm của Nga; các loại tiền chất nổ, bao gồm cả túi nitrat ammonic dán nhãn Mert Global, một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hàng ngàn vũ khí được các chiến binh Syria buôn bán trên thị trường chợ đen trực tuyến.

Máy bay không người lái thương mại đã nổi lên như những công cụ chiến tranh trong cuộc xung đột Syria. Các chợ Telegram có cả máy bay 4 cánh thương mại như loại Phantom 3 do DJI Trung Quốc sản xuất, xe bọc thép, xe tăng T-55 cũ có giá 150.000 USD, một chiếc xe chiến đấu bộ binh BMP giá 38.000 USD…

Các chiến binh ở Syria đã sử dụng các hệ thống phòng không di động do người sử dụng (MANPADS) - tên lửa phòng không chống đạn - trong suốt cuộc chiến Syria, nhắm vào máy bay tầm thấp của chế độ Assad. 

Nếu chúng rơi vào tay của một tổ chức khủng bố, chúng sẽ thành một vũ khí đặc biệt mạnh: Các chuyên gia kiểm soát vũ khí từ lâu đã lo ngại rằng MANPADS có thể được sử dụng để tấn công máy bay dân sự hoặc máy bay tầm cao. 

Ở các nước như Iraq và Libya, nơi MANPADS dồi dào sau sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein và Qaddafi, Mỹ đã cố gắng giảm rủi ro với các chương trình mua lại. 

Tại Syria, xác định ít nhất có 8 loại MANPADS hiện diện trong tay các nhóm nổi dậy kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào năm 2011. Ông Matt Schroeder, một chuyên gia về MANPADS tại Small Arms Survey, đã xem xét hình ảnh của 3 quảng cáo MANPADS riêng biệt.

Văn Cường (Còn tiếp)
.
.
.