Những ngành nghề mới ở Trung Quốc sau dịch COVID-19

Thứ Năm, 16/07/2020, 16:47
Chính phủ Trung Quốc quyết định chính thức công bố các ngành nghề mới để đa dạng hóa thị trường lao động trong nước sau sự đình trệ kinh tế và thu hút nhiều người làm việc trong ngành Internet.

Mới đây, Bộ Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc đã bổ sung 9 nghề mới mới vào danh sách các nghề nghiệp chính thức. Đó là các nghề như chuyên gia tiếp thị Internet, nhà điều hành ứng dụng blockchain và nhân viên tiếp thị streamer… 

Chính phủ Trung Quốc quyết định chính thức công bố các ngành nghề mới để đa dạng hóa thị trường lao động trong nước sau sự đình trệ kinh tế và thu hút nhiều người làm việc trong ngành Internet.

Chín ngành nghề mới

Đó là các ngành nghề: Chuyên gia kỹ thuật blockchain; Quản trị mạng của chính quyền thành phố (giám sát khiếu nại, theo dõi việc thực hiện chỉ thị, ghi nhận các vấn đề phát sinh v.v.); Nhân viên tiếp thị internet; Chuyên viên kiểm tra trong lĩnh vực bảo mật thông tin; Nhà điều hành ứng dụng blockchain; Gia sư qua mạng; Nhân viên trong lĩnh vực y tế; Chuyên viên đánh giá năng lực làm việc của người cao tuổi; Nhân viên điều hành thiết bị sản xuất phụ gia.

“Đại dịch đã chỉ ra rằng các lập trình viên có thể làm việc tốt từ xa. Điều này khiến cho những người sống ở vùng sâu vùng xa và thị trấn nhỏ có nhiều cơ hội tốt hơn để làm việc trong các công ty nghiêm túc. Đây là một sự thay đổi cơ bản”, – chuyên gia nói. 

Mới đây, các chuyên gia của Viện Giáo dục Tiến bộ cho biết sau đại dịch, chuyên gia tư vấn khủng hoảng, chuyên gia số hóa, SMM và các nhà quản lý nội dung, cũng như các chuyên gia quản lý thời gian cũng có thể là những nghề sáng giá và có nhu cầu cao.

Ông Li Hongjiang, giảng viên Học viện Quan hệ Lao động Trung Quốc, cho rằng với  sự phát triển công nghệ, một số ngành nghề mới sẽ xuất hiện, và nhiều ngành nghề không có nhu cầu trong xã hội sẽ biến mất và nhu cầu thị trường sẽ thay đổi. 

Theo chuyên gia này, điều quan trọng là phải cập nhật danh sách như vậy một cách kịp thời để thông báo cho mọi người biết về những cơ hội mới. Điều này hỗ trợ chống thất nghiệp, xác định hướng phát triển của thị trường lao động và nâng mức lương trong các ngành nghề mới. Tuy nhiên, yêu cầu đối với công việc cũng tăng lên. 

“Các ngành nghề trong danh sách là tất cả những ngành nghề xuất hiện gần đây và có nhu cầu tăng nhanh hơn những nghề khác. Điều rất quan trọng là chính thức đưa chúng vào hệ thống quốc gia và kịp thời thông báo cho mọi người biết về các nghề mới này”, ông Li Hongjiang nói.

Chuyên gia kỹ thuật blockchain, một trong những ngành nghề mới ở Trung Quốc.

Ngoài ra, việc lập danh sách sẽ củng cố tên gọi chính thức của các ngành nghề mới. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà tuyển dụng tìm nhân viên và người lao động tìm việc làm.

“Các quốc gia công bố tên gọi chính thức các ngành nghề mới để tránh các vấn đề về tuyển dụng và tìm kiếm việc khi tên gọi nghề nghiệp không chuẩn và để giảm thất nghiệp. 

Đồng thời, điều này góp phần tăng nhu cầu đối với các ngành nghề mới, xác định điều kiện về chế độ đãi ngộ và yêu cầu đối với người lao động. Điều đó cũng giúp các trường đại học xác định các chuyên ngành mới phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động”.

Thực tế, ngay từ trước khi xảy ra dịch COVID-19, tại Trung Quốc đã xuất hiện nhiều nghề mới với nhu cầu lớn về nhân lực, trong đó tập trung chủ yếu liên quan tới lĩnh vực công nghệ cao như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật… 

Tháng 4-2019, Bộ Nguồn nhân lực và an sinh xã hội, Tổng cục Giám sát quản lý thị trường và Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc công bố 13 ngành nghề mới, bao gồm: quản trị viên kỹ thuật số, kỹ thuật viên trí tuệ nhân tạo (IoT), kỹ thuật viên dữ liệu lớn (big data), kỹ thuật viên điện toán đám mây, kỹ thuật viên mô hình thông tin xây dựng (BIM), nhân viên vận hành thể thao điện tử, nhân viên chơi thể thao điện tử, nhân viên vận hành máy bay không người lái, quản lý nông nghiệp, nhân viên lắp đặt và chạy thử internet vạn vật, nhân viên vận hành hệ thống robot công nghiệp, nhân viên vận hành bảo dưỡng hệ thống robot công nghiệp.

Các nghề nghiệp mới công bố chủ yếu ở các lĩnh vực công nghệ cao, tập trung vào các việc làm chuyên môn kỹ thuật cao ra đời trong quá trình nâng cấp cơ cấu ngành nghề, ra đời trên cơ sở chuyển đổi ngành nghề truyền thống dưới tác động của khoa học công nghệ, hoặc các ngành nghề phái sinh dựa trên sự ứng dụng rộng rãi của công nghệ thông tin.

Xã hội Trung Quốc hiện có nhu cầu rất lớn đối với các ngành nghề mới này, chế độ đãi ngộ cũng như thu nhập khá cao. Đơn cử như nghề quản trị viên công nghệ số đang thiếu đến 1 triệu người, với mức thu nhập mỗi năm có thể lên tới 250.000 nhân dân tệ (khoảng 37.000 USD).

Việc làm sau đại dịch

Sau đại dịch COVID-19, các ngành nghề mới sẽ xuất hiện trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ông Mei Xinyu, nhà nghiên cứu tại Học viện Thương mại Quốc tế và Hợp tác Kinh tế của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: “Sau suy thoái kinh tế, tuy các biện pháp phòng ngừa sẽ không còn nghiêm ngặt nữa, nhưng yêu cầu giám sát vệ sinh cao sẽ trở thành chuẩn mực mới, điều này sẽ khiến một số ngành nghề mới xuất hiện trong lĩnh vực này. Ngoài ra, giám sát vệ sinh và các biện pháp liên quan đã mang đến cho các doanh nhân các hướng làm việc mới”.

Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại các thành phố của Trung Quốc cuối quý I-2020 là khoảng 3,66%. Theo Thời báo Hoàn cầu, gần 10% tổng số lao động nhập cư từ nông thôn Trung Quốc (khoảng 25 triệu người) có thể mất việc do đại dịch. Họ sẽ phải tái đào tạo để có nghề mới.

Minh Trang (tổng hợp)
.
.
.