Những người đảm bảo an ninh nơi bờ Địa Trung Hải

Thứ Tư, 25/01/2017, 09:16
Hy Lạp, đất nước của những huyền thoại khoa học, đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và giờ đây thuộc nhóm các nước phát triển trên thế giới. Miền đất được coi là tiền đồn của châu Âu bên bờ Địa Trung Hải phải chịu nhiều thử thách, trong đó có nhiều khó khăn về đảm bảo an ninh trật tự, nhưng với sự đồng lòng của chính quyền, người dân và nhất là sự nỗ lực của lực lượng cảnh sát, Hy Lạp đang là điểm đến tương đối yên bình, thu hút du khách và các nhà đầu tư trên thế giới.


Trước đây, công tác đảm bảo an ninh trật tự ở Hy Lạp thuộc quyền quản lý của quân đội. Nhưng ngày 1/10/1984, đạo luật đầu tiên về cảnh sát ở quốc gia gia này được ban hành, đánh dấu sự ra đời Cảnh sát quốc gia Hy Lạp (NGP) với vai trò là cơ quan chính phủ độc lập, trực thuộc Bộ Trật tự công cộng và bảo vệ công dân. NGP hiện có quân số 55.000 sỹ quan và một số nhân viên dân sự hỗ trợ.

Cảnh sát Hy Lạp họp bàn phương án công tác.

Do tiền thân là bộ phận thuộc quân đội nên hiện nay hệ thống cấp bậc hàm và tổ chức của NGP vẫn còn một số nét khá tương đồng với quân đội. Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Hy Lạp mang cấp hàm Trung tướng chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động của NGP, có một số Phó Tư lệnh giúp việc.

Tại cơ quan đầu não đặt tại thủ đô Athens, NGP có các Cục, Văn phòng, Trung tâm nghiệp vụ và Học viện Cảnh sát. NGP gồm 2 miền cảnh sát là cảnh sát miền Nam và cảnh sát miền Bắc; dưới cảnh sát miền là cảnh sát vùng, dưới cảnh sát vùng là cảnh sát thành phố và cấp thấp nhất là đồn cảnh sát.

Cảnh sát miền Bắc gồm cảnh sát vùng Đông Macedonia và Thrace, Trung Macedonia, Tây Macedonia, Thessaly, Epirus, Bắc Aegean. Cảnh sát miền Nam bao gồm cảnh sát vùng Trung Hy Lạp, Peloponnese, Tây Hy Lạp, Quần đảo Ionian, Nam Aegean, Crete…

Ngoài ra, NGP còn có một số đơn vị chuyên biệt như đơn vị cảnh sát đường không, đơn vị huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ, đơn vị cảnh sát đặc biệt chống khủng bố…

Tất cả mọi sỹ quan cảnh sát Hy Lạp đều được tuyển chọn, đào tạo kỹ lưỡng tại Học viện Cảnh sát hoặc các cơ sở đào tạo khác của cảnh sát hoặc gửi đi đào tạo ở các trường đại học ngoài ngành. Tất cả các sỹ quan chỉ huy các cấp đều có bằng đại học trở lên.

Cảnh sát Hy Lạp thường xuyên cử sỹ quan tới hoặc được các giảng viên của Cục Cảnh sát điều tra liên bang Mỹ (FBI), Mật vụ Anh (MI5) và Interpol, Europol tới giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm. Họ luôn cập nhật các kiến thức, kinh nghiệm và các chính sách cảnh sát tiên tiến nhất trên thế giới vào hoạt động của mình giúp cho hiệu quả công việc cao.

Ngoài ra, cảnh sát Hy Lạp cũng tổ chức một số khóa huấn luyện cho cảnh sát một số nước ở Đông Âu và châu Phi. Là thành viên của Interpol, Europol, NGP đã tham gia tích cực cùng cảnh sát các nước trong các chiến dịch đặc biệt chống tội phạm quốc tế do Interpol và Europol chủ trì với trách nhiệm và hiệu quả cao, thể hiện sự chuyên nghiệp.

Những năm gần đây, do chiến tranh xảy ra liên miên ở nhiều nước Trung Đông dẫn tới làn sóng người dân ở những nước này buộc phải rời bỏ quê hương tìm đến châu Âu lánh nạn gây nên cuộc khủng hoảng về người nhập cư mà các nước châu Âu đang phải  đau đầu xử lý.

Trong đó, Hy Lạp do khoảng cách địa lý ở gần nên là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất từ làn sóng này, trong đó chủ yếu người tị nạn đến bằng đường biển Địa Trung Hải. Hy Lạp là cửa ngõ vào châu Âu qua biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, Hy Lạp phải đón nhận làn sóng người xin tị nạn tràn vào châu Âu đến từ Syria, Iraq cũng như Afghanistan.

Theo số liệu của Liên hiệp quốc, trong tổng số gần 700.000 người nhập cư trái phép vào EU kể từ đầu năm, trên 500.000 người qua các hòn đảo của Hy Lạp và phần lớn muốn tới Đức hoặc Thụy Điển. Cảnh sát Hy Lạp là những người giữ nhiệm vụ tuần tra, hướng dẫn và đảm bảo an ninh trật tự cho những người tị nạn, một nhiệm vụ rất khó khăn mà theo đánh giá của một số sỹ quan cảnh sát Hy Lạp là còn khó khăn và tế nhị hơn nhiều nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm của họ.

Bên cạnh đó, các băng nhóm buôn bán ma túy quốc tế, buôn người cũng gia tăng hoạt động tại Hy Lạp và biến Hy Lạp thành điểm trung chuyển người, ma túy từ các nước Đông Âu, Châu Á, Châu Phi, Nam Mỹ tới các nước châu Âu khác (Anh, Pháp, Đức, Nga…).

Giúp đỡ người tị nạn.

Điều này, buộc cảnh sát Hy Lạp phải tăng quân số và các biện pháp kiểm soát biên giới. Mặc dù Hy Lạp vẫn có tỷ lệ tội phạm thuộc dạng thấp ở Châu Âu nhưng đáng lo ngại là liên tục 5 năm trở lại đây, tỷ lệ này đang tăng dần.

Để đảm bảo an ninh, cảnh sát Hy Lạp đã có kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc tái cơ cấu lại mô hình tổ chức, tăng cường ứng dụng tin học và khoa học, kỹ thuật trong công tác cảnh sát, đẩy mạnh đào tạo thực tế cho các sỹ quan, tối ưu hóa các mô hình phòng, chống tội phạm… Cùng với đó là việc ưu tiên phát huy nhân tố con người với việc xây dựng phẩm chất sỹ quan cảnh sát tinh thông nghiệp vụ, đầy sức mạnh và bản lĩnh trí tuệ, hết mình vì nhiệm vụ và bảo vệ nhân dân, bảo vệ lẽ phải.

Cảnh sát tuần tra ở Hy Lạp có thể không quá “hầm hố” như cảnh sát một số nước khác nhưng vẫn toát lên được sự nghiêm nghị, quyền lực cần thiết mà không xa rời dân. Hình ảnh người sỹ quan cảnh sát Hy Lạp tận tình giúp đỡ những người tị nạn Syria trốn chạy khỏi chiến tranh là hình ảnh đẹp ngời về trách nhiệm và tính nhân văn của những người cảnh sát nơi bờ Địa Trung Hải.

Miền đất được coi là tiền đồn của châu Âu bên bờ Địa Trung Hải phải chịu nhiều thử thách, trong đó có nhiều khó khăn về đảm bảo an ninh trật tự, nhưng với sự đồng lòng của chính quyền, người dân và nhất là sự nỗ lực của lực lượng cảnh sát, Hy Lạp đang là điểm đến tương đối yên bình, thu hút du khách và các nhà đầu tư trên thế giới.
Nguyễn Văn Inh
.
.
.