Những người góp phần khám phá nhiều vụ án

Thứ Tư, 17/05/2017, 16:12
Kiên trì, nhẫn nại, cẩn thận, tỉ mỉ, sáng tạo, không quản khó khăn vất vả, vững vàng chuyên môn và một lòng yêu nghề..., đó là những điều chúng tôi ghi nhận được về tập thể cán bộ chiến sỹ (CBCS) Phòng Cảnh sát Kỹ thuật hình sự (PC54) Công an tỉnh Bình Dương.


Chúng tôi đến Phòng PC54 Công an tỉnh Bình Dương vào đầu giờ sáng một ngày trung tuần tháng 5-2017. Ngoài trời, cơn mưa đầu mùa như trút nước nhưng bên trong các phòng làm việc của đơn vị, những giám định viên, bác sỹ pháp y và cán bộ phụ trách công tác khám nghiệm hiện trường vẫn miệt mài làm việc.

Mặc dù vừa trở về sau một chuyến công tác đường dài và phải tiến hành công tác khám nghiệm thâu đêm nhưng Trung tá Trần Thanh Hoàng Hai, Trưởng phòng PC54 vẫn không một giờ nghỉ ngơi. Anh đón chúng tôi đúng giờ hẹn tại đơn vị rồi giới thiệu tham quan khu vực làm việc của Đội Giám định.

Khi cánh cửa phòng làm việc vừa mở, tôi bị bật ngược trở ra bởi mùi nồng nặc của những loại hóa chất, trong đó chủ yếu là axit. Phải mất khoảng 10 phút làm quen, tôi mới có thể bước vào trong phòng được.

Biết tôi không quen, Trung tá Trương Minh Hùng, Đội trưởng Đội Giám định đưa cho tôi hai chiếc khẩu trang có than hoạt tính, nhưng có lẽ không thể ở lâu bên trong được.

Theo Trung tá Trương Minh Hùng, tất cả CBCS trong Đội đều là những người có thâm niên công tác nên rất "cứng nghề".

Một số CBCS trẻ thì cũng được học hành bài bản và có thể hoàn thành các loại việc như phân tích mẫu vật, mẫu máu, mẫu tóc, mẫu cháy các loại… bất cứ thời gian nào trong ngày, không kể đó là ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết, để có thể cung cấp thông tin nhanh nhất cho cơ quan điều tra làm rõ các vụ án. 

Khi chúng tôi đến nơi làm việc của Đội Khám nghiệm hiện trường, được nghe Thượng úy Trần Hoàng Nam, Phó Đội trưởng kể chuyện khám nghiệm vụ giết người đốt xác phi tang xảy ra vào cuối tháng 1-2013.

Thời điểm ấy, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45) thông báo có một xác chết bị đốt cháy toàn thân ở khu vực bãi đất trống trên đường Võ Văn Kiệt, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và đề nghị phối hợp truy tìm nguyên nhân.

Trung tá Trần Thanh Hoàng Hai - Trưởng phòng PC54 Công an tỉnh Bình Dương.

Thượng úy Nam dẫn đầu một tổ công tác đến ngay hiện trường. Bằng con mắt nghề nghiệp, sau khi quan sát xung quanh nhiều lượt, anh Nam nhận định đây không phải là một vụ cháy lan làm nạn nhân bị ngạt khói trước khi bị đốt mà có thể là vụ tự sát hoặc giết người đốt xác phi tang vì vùng cháy rất gọn ghẽ, xung quanh lại không có cỏ khô, hơn nữa còn ngửi được mùi xăng.

Từ nhận định này, tổ khám nghiệm hiện trường đã nhanh chóng bắt tay vào việc, tuy phía trước nạn nhân đã bị đốt cháy đến tận xương, nhưng khi lật bên dưới lên, tổ công tác đã tìm thấy một miếng vải áo còn sót lại, một vệt than có lằn hình bao bố, một chiếc móc của sợi dây ràng hàng hóa và nhất là một đoạn dây điện còn khá nguyên vẹn.

Mang tất cả những mẫu vật này về phân tích, tổ công tác xác định chính xác đây là một vụ giết người đốt xác phi tang. Nạn nhân bị hung thủ giết ở một nơi khác, sau đó dùng dây điện buộc chân tay lại, cho vào bao bố, buộc lên xe gắn máy rồi chở đến khu vực trên tưới xăng lên đốt.

Từ thông tin quý giá này, đến ngày 10-2-2013, các trinh sát Phòng PC45 đã bắt được hung thủ Lê Trung Hiếu (39 tuổi) tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh và làm rõ nạn nhân là bà Trương Thị Mỹ Hạnh (SN 1965), ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Lúc đầu Lê Trung Hiếu liên tục kêu oan, nhưng khi tổ công tác khám nghiệm hiện trường của Phòng PC54 Công an tỉnh Bình Dương đưa ra đoạn dây điện thu được tại hiện trường có màu sắc, kích cỡ, chủng loại và dấu cắt trùng khớp với loại dây điện mà Hiếu sử dụng tại nhà mình thì Hiếu mới khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Trước khi ra tay sát hại nạn nhân, đối tượng Lê Trung Hiếu sống như vợ chồng với bà Trương Thị Mỹ Hạnh tại quận 12, TP Hồ Chí Minh. Sống chung được một thời gian, bà Hạnh phát hiện Hiếu thấy mình có chút tài sản nên chỉ ăn bám và lợi dụng chứ không hề có tình cảm yêu thương nên đã chủ động nói lời chia tay.

Không đạt được mục đích của mình, Hiếu bắt đầu nung nấu ý định sát hại bà Hạnh để hả cơn giận, vừa để cướp tài sản. Biết bà Hạnh đang điều trị bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, 17h 30’ ngày 31-1-2013, Hiếu tìm đến giả bộ an ủi chăm sóc và tình nguyện đi pha thuốc cho bà Hạnh uống. Trong lúc pha thuốc, Hiếu lén lấy thuốc diệt chuột hòa chung mang cho bà Hạnh uống, sau đó đỡ lên võng nằm.

Lúc này một người hàng xóm chạy qua thấy bà Hạnh nằm co giật trên võng mới cất tiếng hỏi thì Hiếu nói bị say rượu và yêu cầu người này về để bà Hạnh nghỉ ngơi, sau đó lấy xe gắn máy chạy về nhà mình ở quận Gò Vấp.

Đến sang hôm sau, Hiếu quay trở lại thấy bà Hạnh đã tử vong. Sợ bị lộ nên lột toàn bộ nữ trang trên người bà Hạnh, khóa chặt cửa lại rồi chạy ra chợ mua một chiếc bao bố, 10 lít xăng, sau đó trở về nhà ở Gò Vấp cắt một đoạn dây điện chuẩn bị phi tang xác nạn nhân.

22h cùng ngày, Hiếu quay trở lại lấy dân điện trói chân tay bà Hạnh theo tư thế ngồi, cho vào bao tải chở đến khu đất trống trên đường Võ Văn Kiệt, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một tưới xăng lên đốt.

Nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng, sau khi đốt xác, Hiếu lấy xe gắn máy mang đến bến xe Miền Đông gửi rồi ném chìa khóa, cà vẹt xe vào thùng rác, sau đó ra cửa hàng điện thoại mua sim rác gắn vào điện thoại của bà Hạnh rồi tự nhắn vào máy của mình với nội dung chửi bới thậm tệ.

Khám nghiệm hiện trường một vụ trọng án.

Theo Trung tá Trần Thanh Hoàng Hai, để làm tốt nhiệm vụ công tác kỹ thuật hình sự, ngoài việc giỏi nghề, vững vàng nghiệp vụ, đòi hỏi người làm công tác này phải có thần kinh thép và lòng yêu nghề vô bờ, bởi nếu không thì chỉ cần một lần tiếp cận với tử thi đã bị phân hủy hoặc chết cháy, vài lần hít thở hóa chất trong phòng làm việc của bộ phận giám định là… bật bãi liền. Chính vì vậy, trong mỗi vụ việc cụ thể nếu không phải dự những buổi họp quan trọng hoặc có việc trọng đại trong gia đình thì bất kể là ngày hay đêm, ngày lễ hay Tết, ban chỉ huy đơn vị đều bám sát đoàn công tác.

Sự có mặt của cán bộ lãnh đạo ngay tại hiện trường vừa giúp cho CBCS yên tâm làm chuyên môn của mình, đồng thời có thể xử lý những tình huống đột xuất xảy ra. Đối với một số người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thì công tác vận động, thuyết phục những người thân trong gia đình nạn nhân hiểu, ủng hộ cho giải phẫu khám nghiệm tử thi là một việc phức tạp. 

Kể về vụ khám nghiệm tử thi tên Thân trong một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại tỉnh Bình Dương nhưng nạn nhân ở tận TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, xảy ra vào đêm 10-5-2017 (vì tôn trọng phong tục của đồng bào địa phương nên trong bài viết đã đổi tên nạn nhân).

Theo lời kể của anh Hai, nạn nhân này là người dân tộc thiểu số, bị tai nạn trong lúc điều khiển xe gắn máy trên đường đi làm tại khu công nghiệp ở Bình Dương. Sau khi được đưa vào bệnh viện tỉnh cấp cứu, các bác sỹ xác định nạn nhân bị chấn thương sọ não, hôn mê sâu nhưng máu bên trong chảy quá nhiều, tạo áp lực cao nên không thể mổ được.

Nhận thấy không thể cứu chữa được, gia đình nạn nhân đã năn nỉ các bác sỹ cho phép đưa về nhà để lo hậu sự. Biết gia đình can thiệp vào vụ việc, cơ quan điều tra đã đề nghị phòng PC54 vào cuộc tiến hành mổ khám nghiệm tử thi, nhưng khi các bác sỹ pháp y đến bệnh viện thì người thân của nạn nhân không đồng ý, bởi theo phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số thì khi một người nào đó ra đi, không ai được phép đụng vào da thịt, trừ thầy mo, thầy cúng.

Đứng trước hai vấn đề giằng co mà các anh thường gặp phải là: Tôn trọng phong tục tập quán của gia đình nạn nhân hay kiên quyết làm theo quy định của pháp luật là phải khám nghiệm pháp y để xác định rõ ràng cái chết của nạn nhân chỉ đơn thuần là tai nạn giao thông hay còn một lý do nào khác?

Trung tá Hai quyết định, cứ để gia đình đưa nạn nhân về rồi tìm cách thuyết phục họ đồng ý cho giải phẫu tử thi sau. Biết công việc này không hề đơn giản, Trung tá Hai quyết định đến khu vực nhà nạn nhân cư ngụ tìm hiểu tình hình, sau đó nhờ các cấp chính quyền địa phương giúp đỡ và anh đã thuyết phục được già làng cùng xắn tay vào cuộc. Sau nhiều giờ thương thảo, gia đình có vẻ xuôi tai nhưng bảo cứ về đi, có gì sẽ gọi sau. 

Hơn 11h đêm ngày 10-5, cha của nạn nhân gọi điện thoại thông báo gia đình đã đồng ý, nhưng muốn làm gì thì làm, trước 6h sáng mai (11-5) phải xong để gia đình còn giao cho thầy mo làm "phép".

Chỉ có gần 6 tiếng đồng hồ vừa chuẩn bị phương tiện, dụng cụ, điều động bác sỹ pháp y vừa phải giải phẫu tử thi, lại phải vượt qua quãng đường dài trên 250 cây số, nhưng đây là nhiệm vụ khẩn cấp nên

Trung tá Hai cùng một tổ công tác lập tức lên đường. "Cũng may trên đường đi mọi chuyện đều thông suốt nên anh em đã kịp hoàn thành công việc trước 6h sáng theo nguyện vọng của gia đình…"- Trung tá Hai chia sẻ.

Cũng theo Trung tá Hai, trong đời làm nghề, anh cùng đồng đội đã gặp phải những chuyện mà sau này nhớ lại vẫn thấy rùng mình. Đơn cử như khám nghiệm hiện trường vụ giết người cướp của rồi đốt xác phi tang hồi cuối tháng 1-2013.

Thời điểm ấy, thương anh em làm việc thâu đêm mà không có chút gì lót dạ, một người dân ở gần đó đã mua tặng một số ổ bánh mì thịt. Khi anh em cầm bánh mì lên cắn thì cảm giác bên trong có nhân thịt quay mà mùi của nó giống mùi thịt cháy của nạn nhân. Thế là tất cả gần hai chục CBCS đều ôm bụng nôn mửa, nhưng vì đây là sự vô tình của người mua nên Trung tá Hai đã lập tức động viên anh em và tất cả đã trấn tĩnh lại, chấp nhận nhịn đói để hoàn thành công việc.

Đức Cương
.
.
.