Những người phụ nữ chuyên đi gỡ mìn ở Angola

Thứ Hai, 04/11/2019, 09:00
Suzana Soares, 28 tuổi, bắt đầu tham gia dự án dọn bom mìn Halo với vai trò đầu bếp, sau đó chuyển đến đội dọn mìn và hiện đang là chỉ huy trưởng cho biết việc đảm đương công việc và cuộc sống riêng không hề đơn giản, cô đi làm xa phải để con lại cho chị gái chăm sóc. Nhưng những gì thu được rất xứng đáng.


2046 mới sạch bom mìn

Nội chiến Angola bắt đầu năm 1975 và tới khi nó kết thúc vào năm 2002, hơn 500.000 người Angola đã thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời; nông thôn, thành phố đầy rẫy bom mìn sót lại.

"Khi được biết dự án không chỉ tuyển đàn ông, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải chứng minh rằng phụ nữ cũng có thể làm điều này, bằng cách trở thành một trong số người dọn mìn", Maria Niva, 19 tuổi, một trong những phụ nữ trẻ nhất nhóm, nói. Niva là một trong những người đã vinh dự được gặp Hoàng tử Harry trong cuộc viếng thăm của hoàng tử tới Huambo vào tháng 9 nhằm thúc đẩy chiến dịch rà phá bom mìn khởi xướng bởi cố Công nương Diana.

Zeferina Victori làm sạch mìn tại làng  Cabio.

"Lần đầu tiên tôi thấy một vụ nổ, vâng, tôi sợ. Nhưng rồi cũng quen dần", Niva mỉm cười, "Một sự thay đổi lớn đang đến với Angola. Cuối cùng nơi đây cũng sẽ an toàn, và điều đó thật tuyệt vời".

Không thể ước lượng con số chắc chắn còn bao nhiêu bom mìn tại Angola. Các phe phái tham chiến không để lại bản đồ. Dự án Halo với 381 nhân viên chia thành 28 nhóm công tác, cho đến nay đã xử lý khoảng 100.000 quả mìn (thuộc 75 loại khác nhau sản xuất tại 22 quốc gia khác nhau).

Chỉ riêng ở Cuito Cuanavale, nơi diễn ra trận chiến lớn nhất ở châu Phi kể từ sau Thế chiến II, từ tháng 8/1987 đến tháng 3/1988, 35.000 quả mìn đã được dọn sạch. Trên khắp Angola ước tính vẫn còn 1.100 bãi mìn, trong đó có thể còn tới 500.000 quả.

Khả năng Angola có thể đáp ứng cam kết theo Hiệp ước Ottawa 1997 về việc không còn bom mìn tới năm 2025 phụ thuộc vào việc có nhận được đủ số chi phí ước tính 214 triệu bảng Anh (264 tài trợ hoàn toàn) bởi các tổ chức quốc tế như Chính phủ Mỹ và Anh hay không.

Alex Vines, người đứng đầu chương trình khu vực châu Phi tại Chatham House cho biết, với tốc độ nhận viện trợ hiện tại, phải đến tận 2046 Angola mới có thể sạch bom mìn.

Cuộc điều tra năm 2014 đã ghi nhận 88.000 trường hợp nạn nhân may mắn sống sót trong các vụ bom mìn tàn dư sau chiến tranh phát nổ (con số thực tế có lẽ cao hơn). Những vụ nổ do tàn dư bom mìn vẫn tiếp tục xảy ra ngay cả trong các khu vực đã được làm sạch.

Rất căng thẳng và xe cứu thương luôn túc trực

Những người phụ nữ ở trại Cabio thức dậy lúc 5h, mang ủng và đồng phục, xếp hàng bên ngoài lều để báo danh với khuôn mặt vẫn còn ngái ngủ. Năm phút sau, họ mang theo đồ bảo hộ lên chiếc xe tải chở ra khu vực gần đường sắt.

Mặc dù đã được đào tạo bài bản (mỗi người đều đã tham gia khóa học rà phá bom mìn kéo dài một tháng), mỗi ca làm việc đều bắt đầu bằng một phần hướng dẫn, diễn tập thao tác, một lời nhắc nhở về những rủi ro, nguy hiểm của công việc này. Xe cứu thương trực chờ ngay bên cạnh khu vực làm việc.

Xong màn hướng dẫn, họ tản ra các điểm ở rìa bãi mìn đã được vạch sẵn. Tiếng còi báo hiệu bắt đầu công việc vang lên. Khi có tiếng còi thứ hai, họ bò trên mặt đất, di máy dò kim loại quanh một khoảng đất hình chữ nhật nhỏ đã được đánh dấu. Nếu máy dò không kêu, họ sẽ di chuyển tiếp và lặp lại.

Bên cạnh họ là những xô dụng cụ chuyên dụng. Halo thường sử dụng máy móc hạng nặng để dọn mìn ở một số nơi khác nhưng không thể làm vậy tại Cabio do sự biệt lập và thiếu thốn của khu vực. Công việc ở đây phải được thực hiện bằng tay, từng phân một. Nó rất căng thẳng, và cứ sau mỗi ca khoảng nửa tiếng họ phải nghỉ giải lao 10 phút.

Tín hiệu vui

Mìn nổ giết chết nhiều trâu bò, khiến nhiều gia đình trong làng lâm vào cảnh nghèo đói. Dân làng đã cầu xin sự giúp đỡ, rồi khiếu nại nhưng không nhận được bất kỳ câu trả lời nào. 

Tuy nhiên, vào tháng 1/2018, Halo Trust - tổ chức từ thiện của Anh, đã đưa một nhóm 18 người phụ nữ Angola làm công việc rà phá mìn đến ngôi làng. Sau khi loại bỏ 197 quả mìn và 50 quả bom chưa phát nổ ở khu vực lân cận, nhóm này hy vọng sẽ "dọn dẹp" xong ngọn đồi làng Cabio vào tháng 11, vừa đúng lúc đất được trả lại cho dân làng.

Nhóm những người phá mìn này là một phần của dự án hỗ trợ tạo việc làm cho 100 phụ nữ nhằm cải thiện cuộc sống, kết hợp với việc làm sạch các khu vực còn sót lại bom mìn sau chiến tranh.

Cho đến nay, 78 người đã được tuyển. Phần lớn họ rà phá bom mìn, một số người làm những việc khác như nấu nướng. Với một phần năm số người tham gia, đây là công việc đầu tiên của họ. Nhiều người là mẹ đơn thân, ba phần tư số thành viên trong đội có ba người phụ thuộc trở lên. Công việc mang lại một nguồn thu nhập ổn định, và một số người rất vui vẻ chia sẻ họ đã có thể mua đất, xây nhà.

Tuy vậy, những gì những người phụ nữ này nhận được không chỉ là tiền. Rà phá bom mìn là công việc vô cùng nguy hiểm và mang lại lợi ích to lớn cho Angola, một trong những quốc gia có nhiều tàn dư bom mìn nhất trên thế giới. Công việc này giúp họ nhận được cái nhìn đầy trân trọng từ xã hội.

Nguyễn Hưng
.
.
.