Những quả bom chưa nổ!

Chủ Nhật, 19/04/2020, 11:01
Thực tế ở nước Đức cho thấy, việc phá dỡ một quả bom còn sót lại từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai không phải là việc dễ dàng chút nào. TNT và các loại thuốc nổ khác trong quả bom không bao giờ hết hạn cả. Tuy vậy, quả bom càng ở dưới đất lâu thì ngòi nổ của nó lại càng chịu nhiều hư hỏng. Do đó, nếu sơ ý và chỉ cần một kích thích nhẹ thôi cũng sẽ làm quả bom phát nổ ngay lập tức.

Một người đàn ông Đức kể lại cái thời khắc khi mà một quả bom đang nằm sâu dưới lòng đất từ cái thời "ngày xửa… ngày xưa" bỗng nhiên được phát hiện ở gần nhà anh ta như sau:

"Tôi đang ngồi trên xe đạp trước cổng trường học của con trai mình, chờ chuông báo hết giờ thì nhận được tin nhắn của vợ. Cô ấy chụp ảnh lại một thông báo trên trang web của Sở Cảnh sát thành phố. Trong bức ảnh có một tấm hình về khu đất đang được xây dựng ở gần nhà tôi cùng với dòng thông báo: "Một quả bom từ Chiến tranh Thế giới thế hai vừa được tìm thấy vào trưa hôm nay tại khu xây dựng ở điểm giao giữa hai phố Grunerstr và Juedenstr. Cảnh sát hiện đã phong toả hiện trường và đội rà phá bom mìn đang thực hiện nhiệm vụ của mình!". Vợ tôi muốn hỏi ý kiến của chồng xem mình nên làm gì trong cái thời điểm nhạy cảm lúc này.

Hai chiếc máy bay B-26 của Mỹ ném bom trên bầu trời Đức giai đoạn từ năm 1940-1945.

Hằng năm ở Đức cũng có hàng nghìn người có chung một câu hỏi tương tự như người vợ của anh chàng nói trên vậy. Trong giai đoạn từ năm 1940 đến 1945, quân đội Đồng minh đã ném hơn 2,7 triệu tấn bom xuống các khu vực bị quân Phát xít Đức chiếm đóng. Người ta ước tính có khoảng 250.000 quả bom chưa phát nổ. Nhiều quả bom không nổ lại chui xuống đất sâu và còn tồn tại dưới lòng những thành phố lớn của Đức như Cologne, Duesseldorf và Bremen… cho đến tận ngày hôm nay.

Các cơ quan chức năng tại Đức trong nhiều thập kỷ liền đã cố gắng phá dỡ số bom mìn nói trên. Chỉ riêng tại thủ đô Berlin của nước này đã phát hiện và loại bỏ được hơn 2.000 quả bom ngầm. Dẫu vậy, các chuyên gia ước tính rằng, với tốc độ xử lý bom mìn còn tồn đọng hiện nay (trung bình 500 tấn bom/ năm) thì sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa để nước Đức có thể loại bỏ hoàn toàn khoảng 15.000 quả bom đang "vô tư ngủ yên" dưới lòng đất thủ đô nước này.

Trong trường hợp câu chuyện được kể ở phần đầu bài viết, quả bom được phát hiện tại một trong những giao điểm đông đúc nhất ở Berlin. Nguy hiểm hơn, ngay gần đó là nhà ga tàu điện ngầm Alexanderplatz. Nếu quả bom phát nổ thì chắc chắn ngoài những thiệt hại tại chỗ, giao thông thủ đô nước Đức sẽ bị tê liệt trong nhiều giờ đồng hồ liền và kéo theo đó là những thiệt hại nghiêm trọng về mọi mặt.

Điều đáng nói ở đây là thái độ bình tĩnh mà người dân Berlin đón nhận tin tức mỗi khi phát hiện ra những trái bom ngủ yên trong lòng đất. Quay trở lại với ông bố nói trên, anh ta đón con về nhà, rồi sau đó cả gia đình lập tức thực hiện cuộc di tản ra khỏi khu vực bán kính 300 m kể từ vị trí quả bom.

Thực tế ở nước Đức cho thấy, việc phá dỡ một quả bom còn sót lại từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai không phải là việc dễ dàng chút nào. TNT và các loại thuốc nổ khác trong quả bom không bao giờ hết hạn cả. Tuy vậy, quả bom càng ở dưới đất lâu thì ngòi nổ của nó lại càng chịu nhiều hư hỏng. Do đó, nếu sơ ý và chỉ cần một kích thích nhẹ thôi cũng sẽ làm quả bom phát nổ ngay lập tức.

Gia đình người Đức nói trên nhận được thông báo di tản đến nhà sinh hoạt cộng đồng ở ngay sát ga tàu điện ngầm Alexanderplatz. Mọi bước trong việc di tản đều có sự hiện diện của các lực lượng cảnh sát để hướng dẫn người dân. Đồng thời, cảnh sát còn sử dụng các công cụ mạng xã hội như WhatsApp để liên tục cập nhật cho người dân về tiến trình liên quan tới việc phá bom. Cộng với tính kỷ luật cố hữu của người Đức, cảnh sát nước này đã rất thành công trong việc bình ổn tâm lý người dân và giữ nhiệm vụ trật tự.

Đến tám giờ tối, khu phố nơi quả bom được phát hiện không còn một bóng người dân thường. Một điều kỳ diệu đã xảy ra khi mà chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ cảnh sát đã di tản được hơn 1900 người ra khỏi một khu vực dân cư đông đúc. Vì nhà sinh hoạt cộng đồng đã chật kín, nên vài người đã được cảnh sát đưa đến một khách sạn và toà nhà văn phòng chính quyền quận để trú chân qua đêm. 

Lúc nào người dân cũng có thể xem tường thuật trực tiếp qua TV đội phá dỡ bom mìn làm việc tại hiện trường. Quả bom do quân Phát xít Đức sản xuất, nhưng ngòi nổ lại là loại của Liên Xô (cũ). Trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến, không quân Liên Xô (cũ) thu giữ nhiều tấn bom mìn của Phát xít Đức. Số bom này lại được máy bay Liên Xô (cũ) ném xuống khu vực quân Đức đóng quân.

Quả bom nói trên không phải là vật liệu nổ to nhất từng được nhà chức trách Đức phát hiện. Vào mùa hè năm 2011, nước sông Rhine rút sâu, để lộ ra một quả bom nặng 1.814 kg nằm ngay giữa đáy sông. Cảnh sát khi đó đã phải di tản một lúc hơn 45.000 người ra khỏi khu vực có bán kính 900 m kể từ vị trí quả bom đang nằm.

Hiểu được hiểm hoạ tiềm tàng của bom mìn còn sót lại từ chiến tranh, chính quyền Đức đã có nhiều quy định khác nhau để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. Ví dụ như khi một công trình chuẩn bị đi vào xây dựng, nhà thầu phải thuê một chuyên gia phân tích hình ảnh để kiểm tra ảnh chụp từ máy bay thời Chiến tranh Thế giới thứ hai xem trong khu vực thi công liệu có sót bom mìn không - trong thời chiến, máy bay trinh sát thường xuyên bay qua khu vực mà máy bay ném bom hoạt động gần đây để kiểm tra tầm thiệt hại do bom đạn gây ra.

Năm 2017, một quả bom nặng 1,4 tấn do người Anh ném xuống lòng thành phố Frankfurt được phát hiện. Cảnh sát phải di tản hơn 60.000 người khi đó, một con số không hề nhỏ gì. Đặc biệt hơn, trong số những người di tản có bệnh nhân của hai bệnh viện và mười nhà dưỡng lão, nhân viên của sở cảnh sát và thư viện thành phố, cùng toàn bộ những người đang ở trong Ngân hàng Trung ương Đức.

Đội phá dỡ bom mìn trước khi thực hiện nhiệm vụ.

Lấy một ví dụ khác. Cùng lúc quả bom gần nhà ga Alexanderplatz được phát hiện, tại Cologne người ta cũng phát hiện ra một quả bom khác nặng 453kg do người Mỹ sản xuất. Cảnh sát phải di tản hơn 10.000 người ngay giữa giờ làm việc trước khi đội phá dỡ bom mìn có thể làm việc được. Tuy vậy, không ai tỏ ra mất bình tĩnh cả. Người phát ngôn viên của chính quyền thành phố Cologne đưa ra một thông cáo báo chí với mấy dòng sau đây: "Người dân, chính quyền và cảnh sát Cologne đều đã quen với việc phát hiện và phá dỡ bom mìn còn sót lại từ chiến tranh… Chỉ trong năm ngoái, đội phá dỡ bom mìn của cảnh sát đã loại bỏ được 25 quả bom còn nằm sâu trong lòng đất!". 

Trong khi những người dân được di tản đã chìm trong giấc ngủ an lành thì, đó mới là thời điểm đội phá dỡ bom mìn chính thức bắt tay vào việc tháo ngòi nổ cho quả bom. Làm theo đúng quy trình, các chuyên gia chỉ cần từ 11 giờ 45 phút tối đến 12 giờ 13 phút để tháo dỡ hoàn toàn ngòi nổ. Quả bom này sẽ được cẩu lên xe tải chở ra ngoại ô Berlin. Ngày hôm sau nó sẽ được kích nổ tại một khu đất vắng người dành riêng cho việc tiêu hủy.

Vậy là người dân Berlin chưa cần phải tốn công mất trọn một đêm để kết thúc việc di tản. Tảng sáng hôm sau các gia đình đã bắt đầu trở lại với ngôi nhà thân yêu của mình. Ông bố kể trên lại có thể ung dung đạp xe đạp chở con đến trường. Còn cô vợ xinh đẹp của anh ta thì lại tha hồ vô tư "buôn dưa lê, bán dưa chuột" với các bà nội trợ  hàng xóm thông qua WhatsAp - mọi chuyện qua nhanh đến mức còn có người phàn nàn một cách rất hồn nhiên và đáng yêu rằng: "Sao chẳng thấy nổ gì cả?! Đúng là… mất vui!".

Cái cách mà người dân và các ngành chức trách tại thủ đô Berlin của nước Đức đối phó với một quả bom chưa phát nổ xem ra thật xứng đáng để các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam chúng ta tham khảo nhằm rút ra những bài học bổ ích để xử lý có hiệu quả với số vật liệu nổ còn sót trong lòng đất sau mấy cuộc chiến tranh ác liệt. Cứ như những kinh nghiệm "xương máu" của người Đức trong quá trình xử lý vật liệu nổ còn sót lại trong chiến tranh thì, điều quan trọng nhất là phải tránh cho tình hình không bị trở nên rối loạn một cách bất thường và nhất là nhất định phải ngăn chặn được nạn thông tin giả có cơ hội lan tràn dẫn tới hiện trạng gây mất trật tự xã hội. 

Cảnh sát vì thế mà phải luôn hiện diện để hướng dẫn, thông báo người dân trong quá trình di tản, tránh trường hợp khiến họ bị "hẫng". Ngoài ra thì cũng phải thường xuyên diễn tập phòng tránh bom mìn trong dân cư đến khi nào mỗi người nhận thức được rằng, mình nên làm gì khi đang trong hoàn cảnh an lành thì phát hiện ra một quả bom còn sót lại sau chiến tranh tại khu vực bản thân và gia đình đang sinh sống, kể cả trong trường hợp bị bất ngờ nhất.

Lê Vũ (tổng hợp)
.
.
.