Những quốc gia thay đổi luật kiểm soát súng sau thảm sát

Thứ Ba, 21/06/2016, 16:05
Vụ thảm sát tại một câu lạc bộ đêm dành cho người đồng tính ở Orlando, Mỹ hôm 12/6 làm 49 người thiệt mạng, 53 người bị thương một lần nữa lại gây nên những tranh cãi về vấn đề kiểm soát súng đạn ở Mỹ. Bài viết mới đăng tải trên tờ Global Post cho hay, một số quốc gia trên thế giới từng rơi vào hoàn cảnh tương tự như Mỹ đã thành công trong việc giảm án mạng liên quan đến súng đạn nhờ siết chặt quy định kiểm soát súng.


Australia

Việc thắt chặt quy định về súng đạn của Australia được thực hiện sau khi xảy ra hàng loạt vụ giết người tồi tệ nhất trong lịch sử. Vào ngày 28/4/1996, một hung thủ đã xả súng vào khách du lịch ở Port Arthur, Tasmania làm 35 người chết, 23 người bị thương. 12 ngày sau, Chính quyền Australia công bố quy định mới về kiểm soát súng.

Theo đó mua lại hơn 600.000 khẩu súng ngắn và súng trường bán tự động (chiếm khoảng 1/5 số lượng súng ở Australia) đã được thực thi. Bên cạnh đó, quy định mới cũng yêu cầu người sở hữu súng phải được đăng ký riêng và người mua phải đưa ra được "lý do chính đáng" mới được mua súng.

Súng trường bán tự động AR-15.

Kết quả nghiên cứu mới nhất được đăng tải trên tờ The Sydney Morning Herald, quy định về kiểm soát súng đạn của Australia đã làm giảm 74% số vụ tự tử bằng súng. Số vụ giết người liên quan đến súng cũng giảm 59%.

Cựu Thủ tướng Australia John Howard, người đứng đầu Chính phủ vào thời điểm luật kiểm soát chặt chẽ súng được thông qua vào năm 1996 đã viết trên tờ The Age rằng: "Australia trở nên an toàn hơn sau luật kiểm soát súng được ban hành vào năm 1996. Chính phủ liên bang và các tiểu bang có trách nhiệm tiếp tục thực thi pháp luật, đảm bảo tính hiệu quả của các quy định. Chúng tôi phải học tập rất nhiều điều từ nước Mỹ nhưng khi nói đến súng đạn, chúng tôi đã lựa chọn con đường đi hoàn toàn khác".

Scotland

Vào ngày 13/3/1996, một sát thủ đã xả súng vào một trường tiểu học ở Dunblane, Scotland, giết chết 16 trẻ em và giáo viên trước khi tự sát. "Vụ thảm sát ở Dunblane có rất nhiều điểm tương đồng với vụ thảm sát ở Newtown, Conn, Mỹ năm 2012", ông Harry McEwan, 71 tuổi, người đã sống ở Dunblane 30 năm cho biết. Hãng tin Reuters cho biết, sau vụ thảm sát ở Dunblane, Scotland đã ban hành luật kiểm soát súng, trong đó cấm người dân sở hữu súng ngắn.

Hãng tin CNN cho biết, số vụ tội phạm liên quan đến súng ở Scotland đã giảm trong những năm gần đây. Tội phạm liên quan đến súng đạn ở Scotland giảm 44% trong thời kỳ 2002-2003 và 2010-2011.

Phần Lan

Phần Lan là một quốc gia có "văn hóa sở hữu súng" từ rất lâu, thời kỳ "đỉnh cao", khoảng 1,5 triệu người sở hữu vũ khí/số dân 5 triệu người. Những quy định về kiểm soát súng đạn ở Phần Lan thay đổi sau hai vụ xả súng kinh hoàng tại trường học vào năm 2007 và 2008.

Hiện trường vụ xả súng ở câu lạc bộ đêm ở Orlando hôm 12/6 vừa qua.

Ngày 7/11/2007, một thiếu niên ở Tuusula xả súng giết chết 8 người trước khi tự sát tại trường trung học Jokela. Một năm sau, vào ngày 23/9/2008, một tay súng bắn chết 10 người trong khuôn viên của trường Kauhajoki.

Theo hãng tin AFP, trước sự gia tăng những vụ nổ súng, Phần Lan đã quyết định tăng độ tuổi tối thiểu được phép sở hữu súng ngắn từ 15 tuổi lên 20 tuổi, tuổi để sở hữu súng săn cũng được nâng lên 18. "Không người dân nào trong đất nước như Phần Lan cần phải sở hữu súng ở nhà", Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Erkki Tuomioja cho biết vào tháng 8/2011 sau khi tên Anders Behring Breivik tiến hành vụ thảm sát kinh hoàng ở nước láng giềng Na Uy làm 93 người thiệt mạng.

Mỹ là quốc gia có số vụ tấn công bằng súng đạn cao hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Trong 5 năm trở lại đây, ở Mỹ xảy ra hàng loạt vụ xả súng gây rúng động thế giới. Tháng 12/2012, tại Sandy Hook Elementary ở Newtown, Conn xảy ra vụ thảm sát khiến 20 trẻ em và 6 người lớn thiệt mạng. 9 tháng sau đó, một vụ nổ súng tại khu vực của Hải quân Mỹ tại Washington, DC đã giết chết 13 người. 

Ngày 2/4/2014, một vụ nổ súng tại căn cứ quân sự Fort Hood làm 4 người chết và 16 người bị thương. Tại khu vực này vào năm 2009, một bác sĩ tâm thần cũng đã xả súng giết chết 13 người, làm bị thương 32 người. Ngày 2/12/2015, hai tay súng được cho là "được truyền cảm hứng từ IS" đã nổ súng tại khu vực y tế công cộng ở San Bernardino làm chết 14 người và 22 người bị thương.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.