Những sai phạm tại nhà tù Guantanamo

Chủ Nhật, 20/03/2016, 22:36
Việc 6 chuyên gia Liên hợp quốc về nhân quyền gửi thư chung yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama (26-2) đảm bảo việc điều tra những cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với các phạm nhân bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo tiếp tục dấy lên đề nghị đóng cửa "địa ngục trần gian" này.


Bởi cách đây gần 2 tháng (11-1), nhân dịp tròn 14 năm lần đầu tiên Mỹ chuyển tù nhân tới giam giữ tại Guantanamo, phần lãnh thổ chiếm đóng trái phép của Cuba, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi Washington nhanh chóng đóng cửa nhà tù này. Nhưng theo quyết định mới đây của Quốc hội Mỹ (trong Luật Ngân sách 2016), không cho phép chuyển tù nhân tại nhà tù Guantanamo tới các cơ sở giam giữ khác.

Tâm nguyện bất thành của Tổng thống Barack Obama

Mặc dù hoan nghênh kế hoạch đóng cửa nhà tù Guantanamo của Tổng thống Barack Obama, nhưng 6 chuyên gia Liên hợp quốc kể trên vẫn cho rằng, hồ sơ của nhà tù này chỉ được khép lại sau các cuộc điều tra về những cáo buộc tra tấn, cùng những vi phạm khác đối với quyền của tù nhân. Ngày 23-2, ngay sau khi Tổng thống Barack Obama trình kế hoạch đóng cửa nhà tù Guantanamo, Thượng nghị sỹ người Mỹ gốc Cuba Marco Rubio lập tức trình dự luật ngăn cản ông chủ Nhà Trắng thay đổi hiện trạng pháp lý của căn cứ này mà không thông qua Quốc hội.

Cũng trong ngày 23-2, người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết, sẽ trình Quốc hội kế hoạch của Tổng thống Barack Obama liên quan tới việc đóng cửa nhà tù Guantanamo, nơi đang giam giữ 91 tù nhân. Ngày 25-2, Ngoại trưởng John Kerry khẳng định, kế hoạch đóng cửa nhà tù Guantanamo không phải là bước chuẩn bị cho việc trả lại căn cứ này cho Cuba. 

Trước đó (30-6-2015), ông John Kerry đã bổ nhiệm ông Lee Wolosky, cựu Giám đốc Trung tâm về các mối đe dọa xuyên quốc gia thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ làm Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao về việc đóng cửa nhà tù Guantanamo. 

Để đóng nhà tù Guantanamo, Tổng thống Barack Obama đề xuất 13 cơ sở trên đất Mỹ để tiếp nhận các tù nhân từ đây, trong đó có các cơ sở ở Nam Carolina, Colorado, Kansas cùng 6 cơ sở giam giữ trong các căn cứ quân sự Mỹ hiện nay. Và trong số 91 tù nhân đang bị giam tại Guantanamo, 34 tù nhân sẽ được chuyển tới các nước khác trong năm nay, 47 tù nhân khác sẽ được chuyển tới nước thứ ba hoặc quốc gia bản địa.

Tổng thống Barack Obama trình Quốc hội bản kế hoạch chi tiết đóng cửa nhà tù Guantanamo hôm 23-2 sau khi có những đánh giá nghiêm túc cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các cơ quan an ninh-tình báo Mỹ. Theo thống kê, chi phí dành cho nhà tù Guantanamo tốn khoảng 400-450 triệu USD/năm, trong khi chi phí để chuyển tất cả số tù nhân và đóng cửa cơ sở này chỉ khoảng 290-475 triệu USD/năm. 

Các nghị sỹ đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội luôn phản đối chủ trương của Tổng thống Barack Obama với lý do, việc đưa các phần tử khủng bố vào giam giữ bên trong lãnh thổ Mỹ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Do đó, Nhà Trắng đang tính tới bước đi đơn phương để đóng cửa nhà tù Guantanamo. Bởi ông Barack Obama muốn đóng cửa nhà tù gây tranh cãi này trước khi rời nhiệm sở vào đầu năm 2017.

"Nhật ký Guantanamo"

Được xuất bản tại 13 quốc gia hơn 1 năm trước (20-1-2015), "Nhật ký Guantanamo" - cuốn tự truyện của Mohamedou Ould Slahi, nghi can khủng bố đang bị giam tại nhà tù Guantanamo đã lột trần những bí mật tại một trong những nơi không nên tới nhất trên thế giới. Nhưng để cuốn "Nhật ký Guantanamo" dày 466 trang tới tay bạn đọc, luật sư của Mohamedou Ould Slahi đã phải tranh đấu suốt 7 năm trời. Và ngay sau khi xuất bản, "Nhật ký Guantanamo" lập tức gây chấn động thế giới bởi sự thật, cùng những bí mật trần trụi, tàn bạo tại nhà tù luôn bị Mỹ tìm cách che giấu. 

Mohamedou Ould Slahi bị gọi đi thẩm vấn tại Mauritania chỉ 3 tuần sau vụ khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ. Sau đó, anh bị đưa tới thủ đô Amman, bị thẩm vấn, biệt giam hơn 7 tháng, sau đó người của CIA đưa tới căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan. Và 2 tuần sau, anh bị áp giải bằng máy bay tới nhà tù Guantanamo từ tháng 8-2002 và ngồi tù với số hiệu 760. 

Bà Nancy Hollander, luật sư của Mohamedou Ould Slahi cho biết, thân chủ của mình chưa bao giờ bị cáo buộc điều gì và người ta cũng không tìm thấy bằng chứng nào chống lại tù nhân mang số 760. Nếu không có sức chịu đựng phi thường, Mohamedou Ould Slahi sẽ khó vượt qua các lần tra tấn và cuộc sống hà khắc tại nhà tù Guantanamo. Và nếu không kiên trì và quyết tâm, anh sẽ không thể viết về nỗi sợ hãi, cũng như sự lo lắng, hồi hộp, bất lực, kinh hoàng... trong cuốn nhật ký được khai bút từ đầu thu năm 2005, trong phòng giam ở trại Echo, sau khi được phép dùng giấy và bút.

Nhưng mọi trang nhật ký của Mohamedou Ould Slahi viết ra đều bị coi là mật ngay từ đầu, phải nộp cho Chính phủ Mỹ xem xét, bị đóng dấu Secret (mật), và bị coi là "không tiết lộ cho nước ngoài" (noforn). Và trước khi được giải mật, cuốn nhật ký của Mohamedou Ould Slahi đã bị bôi đen tới hơn 2.500 lần. Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết, quyết định xóa cái gì trong cuốn nhật ký được đưa ra sau cuộc thảo luận tốn nhiều thời gian giữa Bộ Quốc phòng và các cơ quan tình báo. 

Và cuốn "Nhật ký Guantanamo" được xuất bản không lâu sau khi Thượng viện Mỹ công bố báo cáo gây sốc về các chương trình tra tấn tù nhân của CIA, và được công bố trong thời điểm phe Cộng hòa tăng cường ngăn chặn Tổng thống Barack Obama hoàn thành lời hứa đóng cửa nhà tù Guantanamo trong năm 2015. Nhà xuất bản Canongate cho biết, "Nhật ký Guantanamo" là một trong những cuốn sách quan trọng nhất mà họ từng xuất bản, và Mohamedou Ould Slahi là nhà văn thực sự, có tài bẩm sinh.

Những cái nhất của nhà tù Guantanamo

Gần 10 năm trước (19-4-2006), nhằm xoa dịu phản ứng gay gắt của dư luận quốc tế đối với các vụ lính Mỹ ngược đãi tù nhân ở nhà tù Guantanamo, và Lầu Năm Góc lần đầu tiên công bố danh sách, bao gồm tên và quốc tịch của 558 tù nhân bị coi là "phần tử khủng bố" đang bị giam giữ tại đây. 

Ngày 14-1, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter thông báo, đã chuyển 10 tù nhân từ nhà tù Guantanamo tới Oman và đây là đợt di chuyển tù nhân đầu tiên trong năm 2016, và là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Barack Obama nhằm đẩy nhanh tiến trình đóng cửa nhà tù gây tranh cãi này. 

Việc đóng cửa nhà tù Guantanamo là quyết định hành pháp đầu tiên của Tổng thống Barack Obama kể từ khi ông lên nắm quyền. Vào lúc cao điểm (dưới thời Tổng thống George W. Bush), nhà tù Guantanamo từng giam giữ tới 800 tù nhân và đa phần không qua xét xử.

Gần nửa năm trước (23-9-2015), Lầu Năm Góc đã bất ngờ trả tự do cho Abdul Shalabi (bị bắt năm 2001), từng là vệ sĩ của Osama bin Laden, và tù nhân này chưa bao giờ bị cáo buộc bất kì tội danh nào. Ngày 29-8-2013, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo, 2 phạm nhân người Algeria bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo đã được chuyển về nước. Và đây là lần đầu tiên Mỹ chuyển phạm nhân ở Guantanamo tới một nước khác sau khi Tổng thống Barack Obama tái khẳng định đóng cửa nhà tù này. 

Mặc dù bị tố cáo tham gia các trại huấn luyện của Al Qaeda ở Afghanistan và có âm mưu kích nổ một quả bom bức xạ, nhưng Binyam Mohamed vẫn trở thành tù nhân đầu tiên được phóng thích khỏi nhà tù Guantanamo sau khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền đầu năm 2009. Mohammed Jawad trở thành tù nhân trẻ nhất tại nhà tù Guantanamo và đã thông qua luật sư khởi kiện Chính phủ Mỹ để đòi bồi thường cho những gì từng phải chịu đựng khi sống trong "địa ngục trần gian", nhưng bất thành. 

Từ hạ tuần tháng 8-2009, luật sư của Mohammed Jawad cho biết, khi bị lính Mỹ bắt (năm 2002), chàng thanh niên này mới 12 tuổi, mãi tới trung tuần tháng 8-2009, cậu mới được phóng thích khi bước vào tuổi 19 và trở về Afghanistan. Nhưng cáo buộc của luật sư đã bị Bộ Quốc phòng Mỹ phủ nhận, nhất là độ tuổi của Mohammed Jawad khi bị bắt với tội danh ném lựu đạn làm bị thương 2 binh sĩ Mỹ và phiên dịch của họ.

Anh Phương
.
.
.