Những thăng trầm trong cuộc đời đại gia Trầm Bê

Chủ Nhật, 06/08/2017, 15:14
Thành công ngoài mong đợi trong lĩnh vực tài chính, ông Trầm Bê tiếp tục thâu tóm cổ phần của hai Ngân hàng Sacombank và Eximbank. Với uy tín đang nổi như cồn cùng với lượng cổ phần lớn nên giữa năm 2012, ông Trầm Bê giao lại chức ở Ngân hàng Phương Nam cho con trai là Trầm Trọng Ngân để ông nhận chức tại Sacombank.


Ngày 1-8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với ông Trầm Bê, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Sacombank, trong thời hạn 4 tháng để tiến hành điều tra về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại các ngân hàng liên quan. Liên quan đến vụ án này còn có 25 người khác cũng bị khởi tố, trong đó 16 người bị bắt tạm giam...

Vì sao ông Trầm Bê bị bắt?

Vụ việc bắt đầu vào ngày 27-2-2012, Phạm Công Danh lúc đó đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB) làm công văn gửi đến Sở giao dịch 2, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) có trụ sở tại quận 1, TP Hồ Chí Minh đề nghị được vay 2.000 tỷ đồng.

Kèm theo công văn này là bộ hồ sơ bao gồm phương án kinh doanh và thời hạn thanh toán với số tài sản thế chấp gồm 5 lô đất tại khu dự án phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng nằm trong quần thể sân vận động Chi Lăng, TP Đà Nẵng.

Ông Trầm Bê tại Đại hội cổ đông.

Sau khi tiến hành thẩm định, nhận thấy cả 5 lô đất này đều thuộc quyền sử dụng của 5 công ty do Phạm Công Danh thành lập nên Sở giao dịch 2 - Ngân hàng BIDV đã đồng ý cho vay tổng 1.700 tỷ, với thời hạn đến cuối năm 2012 phải thanh toán.

Đến thời hạn thanh toán, do không có tiền trả nên Phạm Công Danh đã họp HĐQT và đề nghị dùng số dư tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng của Ngân hàng VNCB tại các tổ chức tín dụng làm tài sản đảm bảo để đi vay tiền trả nợ.

Sau khi được các thành viên HĐQT đồng ý, ngày 19-4-2013, Phạm Công Danh cùng hai thuộc cấp là Phan Thành Mai, Nguyễn Quốc Viễn đến trụ sở Ngân hàng Sacombank trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 gặp ông Trầm Bê liên hệ vay tiền. Đồng ý với kế hoạch mà ông Danh trình bày, ông Trầm Bê đã cho gặp Phạm Huy Khang và chỉ đạo làm thủ tục để cho vay 1.800 tỷ đồng.

Bước tiếp theo, Khang giao cho Phan Đình Tuệ đưa những thuộc cấp của Danh đến các chi nhánh Sacombank để làm thủ tục vay tiền. Mặc dù Mai Hữu Khương và Nguyễn Quốc Viễn chỉ mang theo 6 bộ hồ sơ photocopy đi theo nhưng do được chỉ đạo từ Trầm Bê nên giám đốc các chi nhánh gồm: Bùi Văn Thành, Trần Thị Hải Triều vẫn làm thủ tục để các công ty do ông Danh lập ra vay tổng số tiền 1.800 tỷ đồng với thời hạn 12 tháng và lãi suất 3%/năm, trong đó Công ty Nhất Nhất vay 250 tỷ đồng, Công ty Quốc Thắng vay 350 tỷ đồng, Công ty Bảo Gia vay 340 tỷ đồng, Công ty Đại Long vay 310 tỷ đồng, Công ty Hương Việt vay 300 tỷ đồng và Công ty Thành Công vay 250 tỷ đồng. Số tiền này được đề nghị trong hồ sơ là chuyển vào tài khoản của Công ty Thiên Long Hải. Tuy nhiên, vào ngày 26-4-2013 thì toàn bộ số tiền 1.800 tỷ đồng lại được chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh mở tại Ngân hàng Á Châu (ACB) chi nhánh Phú Thọ.

Theo quy định của ngành Ngân hàng thì phải thẩm định nguồn vốn tự có, nguồn vốn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án và khả năng hoàn trả nợ vay nhưng ông Trầm Bê và các thuộc cấp đã không thực hiện theo quy định mà vẫn cho lập các báo cáo kiểm tra giám sát vốn vay và khẳng định khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Việc làm này của ông Trầm Bê có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngay sau khi ông Trầm Bê, Phan Huy Khang cùng các cộng sự bị bắt, đại diện Ngân hàng Sacombank đã có cuộc gặp gỡ báo chí để thông báo nội dung việc ông Trầm Bê bị khởi tố là do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng theo kết luận của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, Sacombank không có thiệt hại gì trong vụ cho Ngân hàng Xây dựng vay tiền vì đã thu được cả vốn lẫn lãi theo đúng kỳ hạn. Đại hội cổ đông nhiệm kỳ 2017-2021 đã bầu ra Ban kiểm soát mới, trong đó ông Dương Công Minh được bầu làm Chủ tịch HĐQT và đang hoạt động theo đề án tái cấu trúc ngân hàng theo sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Con đường trở thành "đại gia" của ông Trầm Bê

Ông Trầm Bê sinh năm 1959 tại tỉnh Trà Vinh, là người Việt gốc Hoa. Do cuộc sống quanh năm vất vả, khốn khó nên sau giải phóng, ông quyết định rời bỏ quê hương theo chân bạn bè cùng trang lứa lên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp và bắt đầu bằng nghề làm thuê kiếm sống.

Trải qua thời gian tích cóp được chút tiền bạc, ông quyết định mua một mảnh đất nhỏ cạnh một con rạch ở phường 6, quận 6, TP Hồ Chí Minh rồi cải tạo mở cửa hàng buôn bán tạp hóa.

Đến năm 1991 khi nhận thấy thị trường chế biến lâm sản xuất khẩu có bước phát triển mạnh, ông dốc toàn bộ tài sản tích cóp được mở Công ty Chế biến lâm sản Đông Anh và tự mình làm giám đốc. Để tạo sự ảnh hưởng lớn hơn trên thị trường, năm 1995, ông Trầm Bê đã đầu tư nâng cấp Công ty Chế biến lâm sản Đông Anh lên tầm cao mới, đồng thời thuê người giỏi nghề về làm giám đốc để ông có nhiều thời gian đi quan hệ ngoại giao trên cương vị Chủ tịch HĐQT.

Đến năm 1999, nhận thấy thị trường bất động sản bước vào thời kỳ sôi động, ông cùng các cộng sự đi khảo sát khắp các khu vực có nhiều đất đai chưa quy hoạch ở TP Hồ Chí Minh để tìm đối tác hợp tác đầu tư hoặc mua kinh doanh. Sau hàng tháng trời đi khảo sát, nhận thấy quỹ đất ở khu vực huyện Bình Chánh còn rất nhiều, hơn nữa khu vực này là cửa ngõ của TP Hồ Chí Minh nối với các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên tương lai chắc chắn sẽ phát triển rất nhanh và ông quyết định dốc hầu bao mua cổ phần của Công ty Phát triển nhà Bình Chánh (BCCI) với số lượng cổ phiếu đủ để ông được đứng vào hàng ngũ thành viên HĐQT.

Thời kỳ này BCCI với quỹ đất trống được giao rất lớn nên phát triển như vũ bão và danh tiếng Trầm Bê cũng bắt đầu nổi như cồn. Sẵn có đầu óc kinh doanh, lại thu được lợi nhuận lớn từ BCCI, năm 2001, ông Trầm Bê kết hợp với hai vị bác sỹ là Nguyễn Hải Nam và Lâm Trung Lương cùng góp vốn xây dựng Bệnh viện Đa khoa Triều An nằm trên đường Kinh Dương Vương thuộc phường An Lạc, huyện Bình Chánh (nay là quận Bình Tân), với sự đầu tư phòng ốc hiện đại có thể sánh với phòng ốc của khách sạn 3 sao cùng hàng loạt trang thiết bị y tế hiện đại bậc nhất trong nước.

Ngay khi mới khai trương, bệnh viện này đã thu hút được rất nhiều bệnh nhân là người giàu có đến khám chữa bệnh. Cũng trong thời gian này, ông Trầm Bê còn thành lập Công ty Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn, nhưng nhận thấy trong lĩnh vực xuất khẩu thanh long chưa có thiết bị chiếu xạ theo tiêu chuẩn quốc tế nên đã quyết định đầu tư và trở thành đơn vị độc quyền trong chiếu xạ thanh long cho đến tận năm 2009.

Sau khi thành công trên nhiều lĩnh vực, năm 2004, ông Trầm Bê tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực tài chính với việc mua một lượng lớn cổ phần của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) và trở thành thành viên HĐQT ngay sau đó.

Để "xếp ghế" cho các con, trong các năm 2007 và 2008, ông Trầm Bê cho ra đời hai công ty trực thuộc Ngân hàng Phương Nam gồm Công ty Vàng bạc đá quý Phương Nam cho con gái là Trầm Thuyết Kiều làm Phó Giám đốc và Công ty Chứng khoán Phương Nam cho con trai út là Trầm Khải Hòa làm Chủ tịch HĐQT.

Thành công ngoài mong đợi trong lĩnh vực tài chính, ông Trầm Bê tiếp tục thâu tóm cổ phần của hai Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn thương tín (Sacombank) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Với uy tín đang nổi như cồn cùng với lượng cổ phần lớn nên giữa năm 2012, ông Trầm Bê giao lại chức ở Ngân hàng Phương Nam cho con trai là Trầm Trọng Ngân để ông nhận chức tại Sacombank.

Cơ quan CSĐT tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với bị can Trầm Bê và Phan Huy Khang.

Trong các năm 2013 và nửa đầu năm 2014, nhận thấy Ngân hàng Phương Nam hoạt động thiếu hiệu quả, ông Trầm Bê lập tức có văn bản kiến nghị cho sáp nhập với Sacombank và được Ngân hàng Nhà nước đồng ý vào tháng 8-2015, qua đó nâng tầm Sacombank thành một trong số 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam.

Thành công nhiều, thất bại cũng không ít, nhưng ông Trầm Bê rất ít khi xuất hiện trước công chúng hoặc báo chí, kể cả khi đại hội cổ đông thì ông cũng đề nghị chỉ quay phim để lưu trữ nội bộ chứ không được đưa ra ngoài. Hai lần ít ỏi ông này xuất hiện trên báo chí là vào năm 2005 khi con trai lớn Trầm Trọng Ngân bị Bình Kiểm bắt cóc đòi tiền chuộc là 10 triệu USD.

Đối diện với các điều tra viên khi ấy, Bình Kiểm trả lời rằng thời điểm đó ít ai biết về tiếng tăm của ông Trầm Bê, nhưng với thông tin mà đám đệ tử thu thập được, Bình biết ông này có rất nhiều tiền và việc đặt giá 10 triệu USD cũng vẫn còn là ít.

Lần thứ 2 ông Trầm Bê xuất hiện trên báo chí là vào tháng 10-2012 khi Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã thế giới có công văn gửi Công an tỉnh Trà Vinh về việc ông này đã từng lưu giữ rồi để trộm đột nhập dinh thự ở xã Hàm Giang, huyện Trà Cú lấy đi một chiếc sừng tê giác nghi là bất hợp pháp.

Khi mới biết thông tin, ông Trầm Bê vẫn bình chân như vại và chỉ đến khi nhiều tờ báo đăng tải với nhiều luồng thông tin gây bất lợi cho thanh danh của mình thì ông buộc phải xuất đầu lộ diện trên báo chí để thanh minh về việc khi mất đã trình báo cơ quan Công an và chiếc sừng tê giác này là do một người bạn tặng trong dịp lễ tân gia nhà và cũng đã được cơ quan quản lý việc buôn bán quốc tế các động vật hoang dã nguy cấp Nam Phi và Việt Nam chứng thực…

Đức Cương
.
.
.