Những tranh cãi về Osama bin Laden

Thứ Hai, 27/02/2017, 18:15
Tuyên bố hơn 10 ngày trước (13-2) của Bộ Ngoại giao Pakistan - Mỹ cần xem xét lại những "lỗi lầm" trước đây, khiến dư luận cho rằng, nước này muốn nhắc khéo Washington về vụ tiêu diệt Osama bin Laden gần 6 năm trước.


Bởi trước đó, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố khiến Pakistan tức giận "Tôi có thể phóng thích bác sĩ Shakil Afridi trong vòng hai nốt nhạc". Cả Bộ trưởng Tư pháp Zahid Hamid và Bộ trưởng Nội vụ Chuadry Nisar Ali Khan đều có tuyên bố về việc này trước khi ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức. Theo đó, bác sĩ Shakil Afridi chỉ được giảm án, không được phóng thích.

Sự tức giận của Pakistan

Tờ Sputnik vừa dẫn lại nguồn từ tờ Daily Times cho biết, Pakistan tiếp tục từ chối giao bác sĩ Shakil Afridi cho Mỹ, người có công lớn trong việc giúp tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. "Bác sĩ Shakil Afridi được Mỹ coi là người hùng, nhưng Pakistan coi ông là kẻ phản bội", Bộ trưởng Tư pháp Zahid Hamid đã tuyên bố như vậy khi phát biểu tại cuộc điều trần trước Thượng viện Pakistan hôm 17-1.

Căn nhà cũ của Osama bin Laden bị phá hủy.

Bộ trưởng Zahid Hamid cho biết, bác sĩ Shakil Afridi đã giúp Mỹ trong việc truy tìm dấu vết Osama bin Laden dưới vỏ bọc của chiến dịch chống bệnh bại liệt. "Ông ấy đã làm tổn hại nghiêm trọng đến chiến dịch tiêm phòng bại liệt quốc gia.

Khoảng 50 nhân viên tiêm chủng bị nghi là nhân viên tình báo nước ngoài và đã bị giết", ông Zahid Hamid tuyên bố. Hơn 3 năm trước (tháng 1-2014), 6 cảnh sát nằm trong đội an ninh bảo vệ các nhân viên tham gia chiến dịch tiêm phòng bại liệt trẻ em tại thị trấn Sir Dheri, thành phố Peshawar đã thiệt mạng vì bị các tay súng đánh bom.

Tính từ tháng 12-2012 đến tháng 4-2014, hơn 60 nhân viên y tế, an ninh, cảnh sát tham gia chiến dịch này đã bị giết, phần lớn ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Kể từ đó bệnh bại liệt lại bùng phát ở Pakistan do thiếu vaccine và Taliban liên tục tấn công vào những "chương trình vaccine" vì cho rằng chúng do CIA hậu thuẫn.

Bộ trưởng Zahid Hamid còn nhấn mạnh, bác sĩ Shakil Afridi đã vi phạm luật pháp Pakistan, làm gián điệp cho nước ngoài và gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, nên bị tuyên 33 năm tù (năm 2012), và được giảm xuống còn 23 năm tù (năm 2014).

Gần 3 năm trước (15-3-2014), tòa án thành phố Peshawar tuyên bố giảm từ 33 năm tù xuống còn 23 năm tù cho bác sĩ Shakil Afridi. Quyết định giảm án được đưa ra sau khi người thân của bác sĩ Shakil Afridi và đại diện chính quyền Mỹ kháng cáo.

Bộ trưởng Tư pháp Zahid Hamid khẳng định, Chính phủ Pakistan sẽ không giao Shakil Afridi cho Mỹ và cũng không phóng thích bác sĩ này, bất chấp sức ép từ Washington. Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Chuadry Nisar Ali Khan coi tuyên bố của ông Donald Trump là "thiếu hiểu biết" - Pakistan không phải là thuộc địa của Mỹ và ông ấy nên học cách ứng xử, tôn trọng quốc gia có chủ quyền.

Pakistan từng nhiều lần tuyên bố, việc Osama bin Laden ẩn nấu tại Abbotabad chỉ là "sai sót trong vấn đề an ninh", phủ nhận cáo buộc cho rằng, cơ quan tình báo nước này che giấu trùm khủng bố. Hạ tuần tháng 7-2016, một cuộc tranh cãi đã xảy ra xoay quanh việc giải quyết khu đất, nơi Osama bin Laden từng sinh sống và bị giết tại Abbottabad.

Khu đất này rộng 3.530 m2, có giá trị hơn 285.000 USD và sau khi Osama bin Laden chết, nơi đây được trao cho chính quyền tỉnh Khyber Pakhtunkhwa quản lý và họ đã phá huỷ ngôi nhà cùng hàng rào. Kể từ đó, khu đất này chưa được sử dụng vì các cuộc tranh cãi không hồi kết giữa giới chức địa phương với quân đội.

Thái độ của Mỹ

Khi đưa ra bản án hôm 24-5-2012, tòa không nói bác sĩ Shakil Afridi từng làm việc cho CIA, chỉ nói ông phạm tội cung cấp tiền bạc và chữa trị cho những phần tử Hồi giáo hiếu chiến.

Ngoài bản án 33 năm, bác sĩ Shakil Afridi còn bị tòa phạt 3.500 USD và nếu ông không nộp khoản tiền này, mức án sẽ tăng thêm 3 năm tù. Điều đáng nói, bác sĩ Shakil Afridi không có mặt tại tòa khi thẩm phán tuyên án, không được tự bào chữa và cũng không được mời luật sư.

Nhiều người coi bản án 33 năm tù là phản ứng của Pakistan đối với Mỹ trong việc bác sĩ Shakil Afridi trợ giúp CIA tiêu diệt Osama bin Laden. Sau đó (29-8-2013), bác sĩ Shakil Afridi lại bị tòa xét xử.

Ngày 22-11-2013, tòa truy tố bác sĩ Shakil Afridi phạm tội giết người - sát hại một bệnh nhân từ năm 2005 ở bệnh viện Khyber Agency. Một quan chức tư pháp Pakistan giấu tên cho rằng, việc xét xử bác sĩ Shakil Afridi đã được thực hiện không đúng trình tự và thẩm phán đưa ra phán quyết đã vượt quá thẩm quyền.

Vì không được chấp nhận yêu cầu nên cuối tháng 5-2012, Thượng viện Mỹ đã thông qua quyết định cắt 33 triệu USD viện trợ cho Pakistan. "Hành động đó không thể chấp nhận được khi Islamabad buộc tội phản quốc với bác sĩ Shakil Afridi, người đã giúp chúng tôi tiêu diệt trùm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới", Thượng nghị sĩ Richard Durbin tuyên bố.

Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Pannetta và Ngoại trưởng Hillary Clinton đều tuyên bố, chính quyền Pakistan đã sai lầm khi bắt và tuyên án đối với bác sĩ Shakil Afridi. Đồng thời kêu gọi nước này thả tự do cho Shakil Afridi bởi việc làm của bác sĩ là vì lợi ích của Pakistan và Mỹ.

Gần 3 năm trước (hạ tuần tháng 5-2014), CIA đã cho ngừng hẳn chương trình tiêm vaccine giả và thừa nhận, họ cần bảo đảm an toàn tính mạng cho các nhân viên y tế tham gia chiến dịch này.

Ngày 20-5-2014, hãng AFP trích lá thư gửi tới Hội đồng Quan hệ Đối ngoại - một trong những Viện nghiên cứu chính sách hàng đầu của Mỹ, Cố vấn chống khủng bố Nhà Trắng Lisa Monaco cho biết, bác sĩ Shakil Afridi đã giúp CIA tìm ra nơi ẩn náu của Osama bin Laden ở thành phố Abbottabad, Pakistan.

Bác sĩ Shakil Afridi.

Mỹ mới công bố 49 tài liệu giải mật về Osama bin Laden và đó là những thông tin cuối cùng liên quan tới trùm khủng bố này. Theo đó, đến khi chết Osama bin Laden vẫn coi Mỹ và đồng minh phương Tây là mục tiêu tấn công chính.

Tổ chức Al-Qaeda đã cố gắng mở rộng ảnh hưởng của chúng trong những ngày đầu của làn sóng biểu tình "Mùa xuân Arab" ở Trung Đông. Còn Osama bin Laden coi "Mùa xuân Arab" là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng. Và trong những ngày cuối cùng trốn tránh ở Paksitan, Osama bin Laden vẫn cố gắng kiểm soát Al-Qaeda.

Mặc dù không dùng điện thoại hay internet, nhưng Osama bin Laden và các phó tướng vẫn liên lạc thường xuyên về hoạt động của những chi nhánh Al-Qaeda ở Nigeria, Bắc Phi, Pakistan, Yemen.

Osama Bin Laden bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ bắn chết hôm 2-5-2011, khi đang ẩn náu tại một căn nhà ở thành phố Abbottabad. Kể từ đó đến nay, Mỹ đã có 4 lần công bố tài liệu có liên quan tới Osama bin Laden. Những tài liệu này được Mỹ thu được tại nơi trùm khủng bố ẩn náu ở Abbottabad.

Nhiều nghi vấn không lời giải

Theo giới chuyên môn, để giúp CIA, bác sĩ Shakil Afridi đã dàn dựng chương trình tiêm vaccine giả để lấy mẫu ADN của Osama bin Laden ở Abbotabad, nơi trùm khủng bố ẩn nấp. Sau khi bị bắt, bác sĩ Shakil Afridi bị lực lượng an ninh Pakistan cáo buộc có liên hệ với các phần tử khủng bố.

Theo giới truyền thông, bác sĩ Shakil Afridi đang bị giam giữ cẩn mật tại một nhà tù ở Pakistan và trong 5 năm qua, ông chưa một lần gặp luật sư của mình, chỉ vài cuộc thăm hỏi chóng vánh của vợ và các con. Có người nói rằng, cho dù có được thả tự do, nhưng không ai biết sẽ còn những mối đe doạ nào từ bên ngoài đang chờ đợi bác sĩ Shakil Afridi.

Trong khi bác sĩ Shakil Afridi ngồi tù, luật sư Samiullah Afridi bất ngờ bị một kẻ không rõ danh tính nã súng vào ôtô và tử vong tại thành phố Peshawar, hôm 17-3-2015. Vì từng bào chữa cho bác sĩ Shakil Afridi nên cái chết của luật sư Samiullah Afridi được dư luận quan tâm. Và cho đến nay hung thủ vẫn chưa bị bắt.

Luật sư Samiullah Afridi từng tuyên bố, thân chủ của mình không được đối đãi đúng mực trong tù. Luật sư Samiulla Afridi bị ám sát cùng ngày với một nữ nhân viên y tế cùng một sĩ quan cảnh sát bị bắn chết khi đang tiêm phòng bại liệt cho trẻ em ở tây bắc Khyber Pakhtunkhwa.

Mặc dù trong e-mail gửi tới các cơ quan truyền thông, nhóm Taliban ở Pakistan đã nhận trách nhiệm về vụ sát hại luật sư Samiullah Afridi - để trả thù cho cái chết của Osama bin Laden, nhưng nhiều người không đồng tình với lời thú tội kể trên.

Hai tháng sau khi Osama bin Laden bị tiêu diệt, Giám đốc chi nhánh CIA ở Pakistan Mark Kelton phải tức tốc về Mỹ trong tình trạng bệnh nặng mà không rõ nguyên nhân. Được biết, ông Mark Kelton là người chỉ đạo những khâu chuẩn bị cuối cùng cho cuộc đột kích vào khu nhà ở Abbottabad, tiêu diệt Osama bin Laden.

Khi đó, tờ Washington Post dẫn lời quan chức CIA cho rằng, việc ông Mark Kelton đột ngột đổ bệnh có liên quan tới Cơ quan Tình báo Pakistan. Ngày 29-7-2016, mạng tin quốc phòng Ấn Độ dẫn phát biểu của ông SD Pradhan, nguyên Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, theo đó New Delhi từng trao đổi với Washington các thông tin liên quan tới chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden.

Ông SD Pradhan còn cho biết, Mỹ nghi ngờ vai trò của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng vì lợi ích chiến lược ở Afghanistan nên Washington đã không có bất kỳ hành động nào.

Thông tin đăng tải trên Sofrep, trang web chuyên về các chiến dịch của những lực lượng đặc nhiệm Mỹ công bố từng gây chú ý bởi tiết lộ, lực lượng SEAL đã nã hàng trăm viên đạn vào trùm khủng bố và đó có thể là lý do bức ảnh thi thể của Osama bin Laden không bao giờ được công khai.

Sofrep cho rằng, việc xả hơn một trăm viên đạn vào một thi thể đã chết, là cảnh tượng rất khó chấp nhận và hành động đó vi phạm luật về chiến tranh. Hạ tuần tháng 8-2016, cựu đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ Matt Bissonnette, 40 tuổi, người viết cuốn "No Easy Day" dưới bút danh Mark Owen, phải trả Chính phủ Mỹ 6,6 triệu USD vì vi phạm thỏa thuận không tiết lộ thông tin mật.

Matt Bissonnette thừa nhận đã mắc sai lầm khi không gửi sách cho giới chức duyệt trước khi xuất bản. "No Easy Day" được xuất bản năm 2012, kể về cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ để tiêu diệt Osama bin Laden. Số tiền kể trên là tất cả lợi nhuận và tiền bản quyền của cuốn "No Easy Day". Matt Bissonnette có 4 năm để trả số tiền này.

Trịnh Huyền My
.
.
.