Những tranh cãi xung quanh đạo luật nghe lén điện thoại tại Mỹ

Thứ Sáu, 01/02/2013, 12:24

Mặc dù Tổng thống Barack Obama đã ký đạo luật cho phép các cơ quan tình báo Mỹ nghe trộm các cuộc đàm thoại và đọc lén e-mail của công dân nước ngoài bị tình nghi hoạt động gián điệp và khủng bố từ ngày 30-12-2012, nhưng những cuộc tranh cãi xung quanh chủ đề này vẫn được dư luận và giới chuyên môn quan tâm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Gia hạn thêm 5 năm và bao nhiêu nữa?

Trong thông báo trên website của Nhà Trắng, người ta giải thích mục đích của đạo luật này là nhằm tăng hiệu quả ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố chuẩn bị từ nước ngoài nhắm vào nước Mỹ. Bởi sau khi Tổng thống Barack Obama ký gia hạn thêm 5 năm đối với đạo luật Giám sát tình báo nước ngoài (FISA), cơ quan chức năng không cần có sự cho phép của tòa án vẫn có quyền nghe trộm các cuộc nói chuyện điện thoại và kiểm duyệt e-mail của người nước ngoài bên ngoài nước Mỹ. Theo quy định của tòa án Mỹ, đặc nhiệm phải có giấy phép khi theo dõi công dân Mỹ. Nhưng với đạo luật FISA, người ta được phép làm vì lợi ích quốc gia.

Cách đây 5 năm (2008) đạo luật FISA mới chính thức được thông qua và hết hạn vào cuối năm 2012 cho dù việc này diễn ra (trong bí mật) sau vụ khủng bố 11/9/2001 và bị tiết lộ trên tờ New York Time từ tháng 12/2005. Đạo luật FISA được ban hành dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush cho dù trước đó (năm 1978), một đạo luật về theo dõi tình báo nước ngoài của Mỹ từng được ban hành nhưng chỉ cho phép nghe lén điện thoại trong nước Mỹ vì lý do an ninh. Sau khi được Tổng thống George W.Bush ký, dự luật FISA chính thức thay thế Luật kiểm tra, giám sát tình báo nước ngoài.

Tuy Tổng thống Barack Obama ký gia hạn đạo luật FISA sau khi được Thượng viện (với 73 phiếu thuận và 23 phiếu chống) và Hạ viện (với 301 phiếu thuận và 118 phiếu chống) thông qua, nhưng vẫn bị dư luận chỉ trích bởi bị coi là xâm phạm quyền riêng tư cá nhân của người dân Mỹ. Hơn nữa, việc trao cho các cơ quan tình báo quá nhiều quyền hạn sẽ dẫn tới khả năng đạo luật FISA bị lạm dụng. Ngoài ra, còn phải kể tới khả năng tin tặc có thể lợi dụng điểm yếu của công nghệ thông tin để khai thác trái phép dữ liệu trên mạng. Dư luận cũng quan ngại việc này sẽ tạo ra một tiền lệ ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Những hệ luỵ khó lường

Hơn 2 năm trước (28/9/2010), khi đạo luật FISA được Nhà Trắng chỉnh sửa để trình lưỡng viện thông qua, vấn đề này từng gây xôn xao dư luận Mỹ bởi Tổng thống Barack Obama quyết định mở rộng chủ đề nhạy cảm kể trên. Bởi sau khi được thông qua, tất cả dịch vụ trực tuyến như Facebook (mạng xã hội), Skype (gọi điện qua máy tính), BlackBerry (cung cấp e-mail mã hóa)… đều được trang bị kỹ thuật để phục vụ yêu cầu nghe trộm của cơ quan chức năng.

Giới truyền thông đưa tin, trong khi Thượng nghị sĩ Ron Wyden đề xuất sửa đổi đạo luật FISA và công bố thêm thông tin cũng như việc sử dụng chương trình giám sát bí mật này, thì Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện (cơ quan chịu trách nhiệm giám sát mọi hành vi lạm dụng có thể có của chính phủ) cũng thừa nhận: có thể một số công dân Mỹ sẽ tình cờ bị theo dõi. Một số nghị sĩ còn đề nghị chính phủ phải công bố "đã có bao nhiêu công dân Mỹ bị theo dõi theo chương trình này".

Cơ quan chức năng nhấn mạnh, để ngăn chặn tội phạm và khủng bố, họ đã yêu cầu được nghe trộm, chặn thu và phục hồi những bức thư điện tử đã được mã hóa. Được biết, những cuộc tranh cãi giữa giới công nghệ thông tin và giới thực thi luật pháp Mỹ đã và đang diễn ra hết sức căng thẳng và chưa có hồi kết.

Cách đây hơn 2 năm (19/6/2010), cựu Thủ tướng Italia Berlusconi đã thu hút sự ủng hộ của người dân đối với dự luật hạn chế nghe trộm gây tranh cãi bằng việc đưa ra tuyên bố gây sốc - khoảng 10 triệu người dân nước này đã bị nghe trộm điện thoại. Ngày 26/4/2010, phiên họp tại Quốc hội Ấn Độ bị trì hoãn tới 2 lần vì sự phản đối và chất vấn của các nghị sỹ đối lập xung quanh bê bối nghe trộm điện thoại của một số Bộ trưởng được tiết lộ.

Tòa án liên bang Canada cho phép (tháng 10/2009) Cơ quan tình báo an ninh nước này (CSIS) nghe trộm các cuộc điện thoại của những nghi can khủng bố người Canada, kể cả khi họ đang ở nước ngoài cho dù trước đó (năm 2008) từng yêu cầu CSIS ngừng các hoạt động giám sát điện tử quốc tế. Trước đó (tháng 9/2008), cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva từng phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích sau khi cơ quan tình báo quốc gia bị cáo buộc nghe trộm điện thoại các quan chức thuộc Viện Kiểm sát tối cao. Tư dinh của cựu Tổng thống Philippines Gloria Arroyo (tháng 5/2007) và Tổng thống Venezuela Hugo Chavez từng bị nghe trộm (tháng 2/2007)…

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.
.