Những vụ án điển hình trong làng báo quốc tế

Thứ Ba, 05/07/2016, 15:49
Trong khi Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos bày tỏ vui mừng về việc bà Salud Hernandez-Mora, phóng viên thường trú tờ El Mundo của Tây Ban Nha tại Colombia, được trả tự do, thì nữ nhà báo này đã tố cáo bị Quân đội Giải phóng Quốc gia Colombia thu giữ máy móc, thiết bị tác nghiệp và bị yêu cầu phải đi theo chúng, trong lúc đang làm việc tại khu vực biên giới với Venezuela.

Trong khi Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos bày tỏ vui mừng về việc bà Salud Hernandez-Mora, phóng viên thường trú tờ El Mundo của Tây Ban Nha tại Colombia, được trả tự do (hạ tuần tháng 5), thì nữ nhà báo này đã tố cáo bị Quân đội Giải phóng Quốc gia Colombia (ELN) thu giữ máy móc, thiết bị tác nghiệp và bị yêu cầu phải đi theo chúng, trong lúc đang làm việc tại khu vực biên giới với Venezuela. Chính phủ Colombia từng tuyên bố, sẽ trả 32.000 USD để đổi lấy tự do của nữ nhà báo Salud Hernandez-Mora và hiện chưa rõ vì sao ELN lại phóng thích bà.

Từ những "sự cố lặt vặt"

Nữ phóng viên người Nga Anna Baranova của hãng Russian Today đã bị một người biểu tình đeo mặt nạ đánh vào đầu, khi đang đưa tin trực tiếp về cuộc biểu tình phản đối luật lao động sửa đổi ở Paris hôm 17-5. Mặc dù đội mũ bảo hiểm ghi chữ "Press - Báo chí" màu trắng, nhưng Anna Baranova vẫn bị đánh vào đầu, trong khi một người khác đứng trước mặt cô vỗ tay khiêu khích. 

Nữ phóng viên người Italia Giovanna Pancheri, làm việc cho hãng truyền thông Sky TG24 vừa bị một thanh niên mặc áo trùm đầu tấn công, khi đang tường thuật trực tiếp ở Molenbeek, ngoại ô Brussels, Bỉ. Người này cảnh cáo cô và người quay phim và vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh căng thẳng đang ở mức cao tại thủ đô của Bỉ. 

Esmeralda Labye bị thanh niên phía sau sàm sỡ.

Còn nữ phóng viên Esmeralda Labye của đài RTBF (Bỉ) đã bị một số thanh niên sờ mó khi đang ghi hình lễ hội đường phố ở Cologne. Trước đó (4-5), hàng nghìn nhà báo Ai Cập đã xuống đường kêu gọi Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi bãi nhiệm Bộ trưởng Nội vụ và xin lỗi vì cuộc đột kích của cảnh sát vào một văn phòng báo chí, bắt giữ 2 nhà báo Mahmoud El Sakka và Amr Badr, làm việc cho trang tin đối lập Bawabet Yanayer.

Ngày 19-5, Israel đã phóng thích Mohammed al-Qiq, phóng viên kênh truyền hình Al-Majd của Arabia Saudia hoạt động tại Bờ Tây (bị bắt ngày 21-11-2015), nhưng không được xét xử. Việc này diễn ra sau khi Mohammed al-Qiq tuyệt thực 94 ngày, và Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này. 

Trước đó (9-5), luật sư Ralf Hoecker, đại diện của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức đã chính thức bắt đầu các thủ tục pháp lý để ngăn chặn lãnh đạo hãng truyền thông Axel Springer của Đức tiếp tục ủng hộ ngôi sao truyền hình đã có những phát ngôn xúc phạm ông Tayyip Erdogan. 

Giám đốc điều hành Axel Springer Mathias Doepfner đã ủng hộ danh hài Jan Boehmermann, người có nhiều lời lẽ chế nhạo và xúc phạm Tổng thống Tayyip Erdogan trong một bài thơ trào phúng hồi cuối tháng 3 vừa qua. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cho phép điều tra hình sự đối với danh hài Jan Boehmermann sau khi Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu truy tố ông.

Hơn 2 tháng trước (25-3), một thẩm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ đã hoãn phiên tòa xét xử 2 nhà báo đối mặt với cáo buộc gián điệp và hỗ trợ khủng bố vì họ viết bài cáo buộc chính phủ đã buôn lậu vũ khí cho Syria. 

Tổng biên tập tờ Cumhuriyet Can Dundar và Trưởng văn phòng Ankara Erdem Gul, có thể lĩnh án chung thân, nếu bị kết tội. Và để có tư liệu viết về ngành công nghiệp đẻ thuê ở Ấn Độ - kiếm hơn 1 tỷ USD/năm, nữ phóng viên của tờ The Guardian Julie Bindel đã quyết định "vào hang cọp". 

Và khi tận mắt chứng kiến những phụ nữ tới bệnh viện đăng ký dịch vụ đẻ thuê, Julie Bindel thấy xót xa cho họ - vì tiền (nhận gần 6.400 USD/ca) nên họ phải chấp nhận rời nhà trong thời gian mang thai vì xã hội không coi đó là việc làm kiếm tiền chính đáng, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Các vụ án điển hình

Ông Andy Parker, cha của Alison Parker, nữ phóng viên bị bắn chết trong chương trình truyền hình trực tiếp ở thị trấn Moneta, bang Virginia, Mỹ, hôm 26-8-2015, tuyên bố ông sẽ trở thành người đấu tranh cho việc kiểm soát súng đạn. 

Hai phóng viên Alison Parker và Adam Ward của đài WDBJ7 đã bị bắn trong chương trình phỏng vấn trực tiếp gần 10 tháng trước (26-8-2015) và nghi phạm là Vester Flanagan, cựu đồng nghiệp của họ (tự sát trong lúc chạy trốn cảnh sát). Adam Ward chết sau khi mới đính hôn với nhà sản xuất Melissa Ott, còn Alison Parker yêu người dẫn chương trình Chris Hurst. 

Sốc và đau buồn là những cảm xúc mà người yêu của 2 phóng viên bị bắn chết khi đang trên sóng trực tiếp trải qua. Và vụ nã súng vào 2 phóng viên khi đó từng trở thành đề tài giật gân trên mạng. 

Trước đó, nhà báo James Edwin Richards đã bị sát hạt tại nhà riêng ở Venice, bang California ngày 18-10-2000 vì đã vạch trần sự thực về các vụ xả súng, buôn bán ma túy, trộm cắp… Gần 9 năm trước (tháng 8-2007), cây bút điều tra của tờ Oakland Post Chauncey Bailey đã bị một người đàn ông đeo mặt nạ bắn nhiều phát vào người trên đường phố Oakland. Sát thủ Devaughndre Broussard ra đầu thú ngày hôm sau cùng tuyên bố: hạ thủ vì tức giận bởi bài điều tra tiệm bánh mì Your Black Muslim Bakery, nơi hắn làm việc. Nhưng phải 2 năm sau, FBI mới làm rõ được kẻ đứng sau cái chết của ông Bailey, đó là chủ tiệm bánh Yusuf Bey 4 - thuê sát thủ khi biết nhà báo này chuẩn bị phanh phui các hành vi phạm tội của hắn.

Ngày 27-8-2015, hai nhà báo Eric Laurent và Catherine Graciet bị bắt quả tang sau khi nhận tiền từ một đại diện hoàng gia Morocco tại thủ đô Paris, Pháp. Hai nhà báo Pháp kể trên bị bắt với cáo buộc tống tiền nhà vua Morocco Mohammed VI. 

Luật sư Eric Dupond-Moretti, đại diện cho chính quyền Morocco tuyên bố, 2 nhà báo Eric Laurent, Catherine Graciet muốn đổi 2 triệu euro lấy việc không xuất bản một cuốn sách chứa nhiều thông tin nhạy cảm của nhà vua Morocco Mohammed VI. Nhưng luật sư Eric Moutet, đại diện cho nhà báo Catherine Graciet đã phản ứng lại tuyên bố của luật sư Eric Dupond-Moretti. 

Bởi năm 2012, 2 nhà báo kể trên đã xuất bản cuốn "Ông vua tham lam, câu chuyện chưa kể về Morocco", mô tả hoàng gia Morocco thao túng đất nước và coi nhà vua Mohammed VI giống như ông vua Midas tham vàng. Sau khi cuốn "Ông vua tham lam, câu chuyện chưa kể về Morocco" xuất bản, tờ nhật báo El Pais của Tây Ban Nha cũng bị cấm phát hành tại Morocco vì đã trích đăng nội dung cuốn sách này. 

Và Nhà xuất bản Seuil cũng xác nhận 2 nhà báo Pháp đang chuẩn bị ra mắt một cuốn sách khác nói về nhà vua Mohammed VI. Nhà báo Catherine Graciet chuyên viết về các đề tài gai góc trong xã hội Arab, còn nhà báo Eric Laurent từng ra mắt cuốn "Giới ngân hàng nhận bạc tỉ, chúng ta nhận khủng hoảng", gây chấn động giới tài chính.

Tới vai trò của ICIJ

Với sự vào cuộc của gần 400 phóng viên đến từ hơn 100 cơ quan báo chí trên thế giới, Hiệp hội Báo chí điều tra quốc tế (ICIJ) đã gây chấn động dư luận bằng việc tiết lộ "Hồ sơ Panama" hồi thượng tuần tháng 4 vừa qua. Đây là lần hợp tác lớn nhất của các thành viên ICIJ. Và cho đến nay, nhiều chính trị gia, doanh nhân, người nổi tiếng, cùng các tập đoàn lớn trên thế giới vẫn đang bị cuốn vào dòng chảy thông tin bởi những tiết lộ từ "Hồ sơ Panama". 

Các nhà báo đã tạo dấu ấn mạnh khi tiết lộ nguồn thông tin lớn gấp 1.000 lần so với WikiLeaks từng công bố 6 năm trước. Và những phóng viên tham gia điều tra, làm rõ thông tin có trong "Hồ sơ Panama", được đặt trực tiếp dưới sự chỉ huy của Phó Giám đốc ICIJ, bà Marina Walker. Nhưng việc thu thập và tiếp cận với nguồn thông tin là 2 phóng viên Frederik Obermaier và Bastian Obermayer của tờ Suddeutsche Zeitung (Đức).

Dư luận cũng quan tâm tới việc Tòa án Luxembourg xét xử 3 bị cáo Antoine Deltour, Edouard Perrin và Raphael Halet (từ hạ tuần tháng 4) vì có liên quan tới việc tiết lộ "tài liệu Luxleaks". Việc tiết lộ 28.000 trang tài liệu khiến hơn 340 công ty lớn "lộ sáng" vì trốn hàng tỷ USD tiền thuế tại Luxembourg (thượng tuần tháng 11-2014) đã khiến tên tuổi của nhà báo Pháp Edouard Perrin nổi như cồn. Khi đó, khoảng 80 nhà báo thuộc ICIJ đến từ 26 quốc gia đã cùng nhau làm rõ thông tin có từ 28.000 trang tài liệu kể trên và "tài liệu Luxleaks" được khoảng 40 tờ báo, cùng trang tin quốc tế đăng tải.

Vì là tác giả của 2 cuốn sách ''Sự tham lam'' và ''Đường Thánh giá'' (đề cập tới bê bối tài chính và quản lý trong những năm qua tại một trong những nơi được coi là bí nhất thế giới), từng gây chấn động dư luận và bán hết ngay trong ngày đầu tiên phát hành, nên dư luận thực sự quan tâm tới phiên xét xử hồi trung tuần tháng 3 của 2 nhà báo Emiliano Fittipaldi và Gianluigi Nuzzi. Tòa thánh Vatican đã chính thức khai đình xét xử và nếu 2 nhà báo Emiliano Fittipaldi và Gianluigi Nuzzi bị kết tội, sẽ xảy ra rắc rối về ngoại giao và chính trị với chính phủ Italia. Tòa án Vatican từng yêu cầu chính phủ Italia dẫn độ 2 nhà báo Emiliano Fittipaldi và Gianluigi Nuzzi và theo điều 116 Luật Hình sự của Vatican, những người bị buộc tội làm lộ bí mật của Tòa thánh sẽ phải đối mặt với mức án từ 3 đến 8 năm tù.
Trịnh Huyền My
.
.
.