Những vụ mua bán tàu ngầm đình đám

Thứ Hai, 29/05/2017, 11:43
Pháp mở cuộc điều tra xung quanh vụ bán 4 tàu ngầm lớp Scorpene trị giá 6,7 tỷ euro năm 2008 giữa nhà cung cấp khí tài hải quân Pháp DCNS và Brazil.


Hãng Reuters vừa dẫn lại thông tin của tờ Le Parisien đề cập tới quyết định của các công tố viên tài chính Pháp mở cuộc điều tra xung quanh vụ bán 4 tàu ngầm lớp Scorpene trị giá 6,7 tỷ euro năm 2008 giữa nhà cung cấp khí tài hải quân Pháp DCNS và Brazil.

Theo thông tin của tờ Le Parisien, các công tố viên quyết định động thủ vì nghi ngờ Pháp giành được hợp đồng bán tàu ngầm cho Brazil là nhờ hối lộ.

Văn phòng công tố tài chính quốc gia Pháp (PNF) đã mở cuộc điều tra sơ bộ (từ tháng 10-2016) về "vụ hối lộ quan chức ngoại giao" để giành hợp đồng bán tàu ngầm nhân trong chuyến thăm Brazil của Tổng thống Pháp khi đó là ông Nicolas Sarkozy. Nhưng khi được hỏi về thông tin đăng trên tờ Le Parisien, PNF không xác nhận cũng không bác bỏ.

Theo hãng AFP, cuộc điều tra vẫn đang diễn ra, còn theo người phát ngôn DCNS, họ tuân thủ luật pháp "ở mọi nơi trên thế giới".

Theo thông tin đăng trên Twitter hôm 21-5, các công tố viên Pháp cho biết, họ đã trao đổi với người đứng đầu Tòa án Tối cao Brazil, nhưng không đề cập tới thông tin của tờ Le Parisien đăng tải hôm 20-5.

Tàu ngầm lớp Scorpene.

Giới truyền thông cho biết, Thanh tra nhà nước Thái Lan vừa quyết định thành lập một ủy ban để điều tra việc Chính phủ nước này tự ý mua 1 chiếc tàu ngầm của Trung Quốc.

Bởi theo hợp đồng được Tham mưu trưởng Hải quân Thái Lan, Đô đốc Luechai Ruddit ký với đại diện Tập đoàn Đóng tàu và Viễn dương Trung Quốc (CSOC), ngày 24-5, Bangkok phải thanh toán một phần hợp đồng đã ký cho Bắc Kinh. Và chiếc tàu ngầm lớp Nguyên S26T có trị giá 13,5 tỉ baht (khoảng 393 triệu USD) và cuộc thanh tra được thực hiện theo yêu cầu của Hiệp hội Các tổ chức bảo vệ hiến pháp và đảng Pheu Thai.

Theo ông Srisuwan Janya, Tổng thư ký Hiệp hội Các tổ chức bảo vệ hiến pháp, việc mua sắm của chính phủ có nhiều khuất tất và thiếu minh bạch, đe dọa lợi ích quốc gia, nên cần phải điều tra làm rõ để tránh tổn thất cho Thái Lan.

Nhưng theo người phát ngôn của hải quân, Đô đốc Jumpol Loompikanon cho rằng, quyết định mua tàu ngầm của quân đội không vi phạm điều luật nào của hiến pháp mới. Và trước đó, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố, Bangkok không có trách nhiệm thông báo hay cần sự phê chuẩn từ cơ quan lập pháp.

Theo tờ The Bangkok Post, Thái Lan sẽ mua 3 chiếc tàu ngầm lớp Nguyên S26T với tổng trị giá khoảng 36 tỷ baht (khoảng 1 tỷ USD), trong đó 700 triệu baht được thanh toán trong vòng 45 ngày, sau khi ký hợp đồng.

 Và Trung Quốc đồng ý cung cấp miễn phí tên lửa CM-708 khi bán chiếc tàu ngầm đầu tiên cho Thái Lan. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng, Chuẩn tướng Kongcheep Tantravanich, Chính phủ đã bí mật bật đèn xanh cho thương vụ mà không họp báo.

"Chúng tôi không có ý định giấu giếm, nhưng không phải mọi vấn đề được chính phủ thông qua đều phải truyền đạt cho báo giới", ông Kongcheep Tantravanich nhấn mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan từng xác nhận, Hải quân Hoàng gia Thái Lan từng có ý định mua tàu ngầm trong giai đoạn 2008-2009, nhưng kế hoạch này bị trì hoãn.

Mặc dù Bộ trưởng Tư pháp Israel Avichai Mendelblit yêu cầu cảnh sát nước này điều tra hợp đồng mua tàu ngầm giữa công ty ThyssenKrupp của Đức với Israel từ ngày 24-11-2016, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức nào được công bố.

Được biết, Israel đã nhận 5 tàu ngầm do công ty ThyssenKrupp sản xuất, và dự kiến chiếc thứ 6 sẽ được bàn giao trong năm 2017. Và đã đàm phán để mua thêm 3 tàu ngầm, với trị giá 1,3 tỷ USD cũng của công ty ThyssenKrupp, để thay thế số tàu ngầm cũ trong hạm đội Dolphin (hoạt động từ năm 1999).

Nhưng thương vụ này vấp phải sự chỉ trích và phản đối của các chỉ huy lực lượng vũ trang cùng một số chuyên gia Bộ Quốc phòng - họ cho rằng chi phí mua tàu ngầm quá cao.

Theo giới truyền thông, vụ việc phát sinh sau khi có xung đột lợi ích liên quan tới vai trò của ông Dan Shimron (David Shimron), luật sư riêng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, và cũng là đại diện của công ty ThyssenKrupp tại Israel.

Và ông Dan Shimron đã lợi dụng mối quan hệ với Thủ tướng Benjamin Netanyahu để thúc giục Chính phủ mua tàu ngầm, bất chấp sự phản đối của các quan chức quốc phòng.

Theo giới quân sự, lực lượng tàu ngầm trên thế giới nói chung và tại Đông Á nói riêng đang ở thế cân bằng động. Do đó, việc chạy đua chế tạo, mua sắm tàu ngầm của các nước hữu quan đang khiến dư luận quan tâm.

Giới quân sự cho rằng, mặc dù tàu ngầm là một trong 5 thành tố của lực lượng hải quân, nhưng đóng vai trò quan trọng.

Hơn 60 năm trước, chiếc tàu ngầm nguyên tử đầu tiên trên thế giới mang tên Nautilus do Mỹ chế tạo được hạ thủy (21-1-1954), và theo ước tính của Hải quân Mỹ, khoảng 40% lực lượng tàu ngầm tiêu chuẩn của thế giới tập trung ở châu Á-Thái Bình Dương với trọng tâm là khu vực phía Tây.

Thiện Lân
.
.
.