Những vụ nổ súng mới tại Mỹ

Thứ Tư, 18/04/2018, 12:36
Chỉ chưa đầy 3 ngày đã xảy ra 2 vụ nổ súng tại khu vực Vịnh San Francisco, bang California, một lần nữa, vấn đề này lại được dư luận Mỹ tranh luận, nhất là khi 1 người da màu bị bắn chết đúng thời điểm tưởng niệm 50 năm mục sư Martin Luther King qua đời.

Theo báo cáo của Cảnh sát thành phố Fremont, bang California, người của họ đã nổ súng tiêu diệt 1 đối tượng đang bị truy nã, có mang theo vũ khí tối 5-4. Việc này diễn ra khi người của Sở cảnh sát Fremont cùng các cảnh sát mật của cơ quan này xác định hắn đang di chuyển trên một phương tiện giao thông. Và khi đối tượng rút súng nã đạn về phía lực lượng thực thi pháp luật, hắn đã bị cảnh sát tiêu diệt.

Trước đó (4-4), cảnh sát thành phố New York đã bắn chết 1 người da màu được họ mô tả là "có tư thế chỉa súng" về phía lực lượng chức năng. Đây là vụ cảnh sát bắn chết người da màu mới nhất và vụ việc xảy ra tại khu phố Brooklyn đông người da màu sinh sống.

Hiện trường vụ cảnh sát bắn chết người da màu mới nhất xảy ra tại Mỹ.

Cảnh sát trưởng Sở Cảnh sát New York, ông Terence Monahan cho biết, đường dây nóng 911 đã tiếp nhận 3 cuộc gọi thông báo về một người đàn ông cầm súng chĩa vào người đi đường. Khi 4 cảnh sát tới hiện trường, họ nhìn thấy đối tượng chĩa một vật dường như là súng về phía họ trong tư thế của một người cầm súng hai tay. Và người này tử vong sau khi bị bắn 10 phát súng.

Theo tờ New York Daily News, nạn nhân tên Saheed Vassell, 34 tuổi, là người gốc Jamaica làm nghề thợ hàn. Ông Eric Vassell, cha của nạn nhân xác nhận Saheed Vassell bị rối loạn lưỡng cực nhưng không chịu chữa trị và "không uống thuốc đã nhiều năm qua".

Tuy nhiên, cái chết của Saheed Vassell đã khiến người dân trong khu vực xuống đường biểu tình trước đồn cảnh sát. Gần 1 tháng trước (18-3) tại thành phố Sacramento, bang California, cảnh sát đã bắn chết một thanh niên da màu khi nhầm tưởng chiếc điện thoại di động mà đối tượng cầm trong tay là khẩu súng.

Vụ việc đã khiến dư luận Mỹ hết sức phẫn nộ, kéo theo các cuộc tuần hành phản đối trong nhiều ngày sau đó. Dư luận quan tâm tới cuộc biểu tình của khoảng 200 người trong đêm 30-3 tại thủ phủ bang California cùng nhiều cuộc biểu tình diễn ra sau khi kết quả khám nghiệm tử thi ông Stephon Clark mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của cảnh sát về vụ bắn chết 1 người da đen không mang vũ khí.

Bởi cảnh sát đã bắn ông Stephon Clark 20 phát súng khi người đàn ông này chỉ cầm điện thoại di động. Nhưng cho đến nay vụ án này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ngoài các vụ nổ súng của cảnh sát kể trên, thung lũng Silicon cũng vừa lên tiếng kêu gọi kiểm soát súng đạn sau vụ xả súng tại văn phòng YouTube ở bang California, khiến ít nhất 3 người bị thương và nghi phạm đã tự sát sau đó. Vụ xả súng tại văn phòng YouTube ở San Bruno, bang California, và thủ phạm Nasim Aghdam là nữ giới, đã tự sát tại hiện trường.

Cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ động cơ gây án. Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Donald Trump đã được thông báo về vụ việc và chính quyền liên bang đang theo dõi sát sao tình hình ở San Bruno. "Chấm dứt bạo lực súng đạn - Đừng để điều đó tái diễn", Giám đốc công nghệ Uber Dara Khosrowshahi bày tỏ trên mạng Twitter.

Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey nhấn mạnh, ông và công ty không thể không phản ứng, suy nghĩ và cầu nguyện để những vụ xả súng không tái diễn ở các trường học, công sở và các điểm công cộng.

Cảnh sát Mỹ ở hiện trường vụ bắn chết Saheed Vassell tại Brooklyn.

Theo giới truyền thông, Cục Quản lý rượu, bia, thuốc lá, vũ khí và chất nổ (ATF) không nắm được chính xác số lượng đạn, vũ khí hóa học và các khí tài quân sự thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Và cảnh báo này vừa được Tổng Thanh tra Michael Horowitz đề cập trong báo cáo công bố hôm 2-4.

Theo đó, 31.000 đơn vị đạn dược không có trong dữ liệu của ATF và hơn 275 cơ sở, văn phòng trên nước Mỹ chưa thống kê. Việc không kiểm kê chính xác làm tăng nguy cơ đạn dược thất lạc, bị đánh cắp hoặc tráo đổi mà không bị phát hiện. Cũng theo báo cáo này, mỗi năm ATF thu giữ khoảng 23.000 đơn vị vũ khí các loại, sở hữu hơn 35.000 khẩu súng, Taser - vũ khí gây sốc điện và bộ phận giảm thanh.

Chính quyền thành phố New York vừa thông qua dự luật, cấm các nghi phạm bạo hành gia đình được quyền sở hữu súng. Theo đó, thẩm phán có quyền ra lệnh cho các nghi phạm bạo hành gia đình phải nộp toàn bộ số vũ khí sát thương đang sở hữu. Và những nghi can mắc tội này không được quyền mua súng ở bất kỳ đâu. Giới chức Mỹ kỳ vọng, đạo luật mới sẽ giúp giảm thiểu tình trạng bạo hành gia đình liên quan tới súng đạn.
Trịnh Huyền My
.
.
.