Những vụ tai nạn tàu ngầm ở Nga

Thứ Năm, 16/04/2015, 18:00
Không chỉ dư luận xứ sở bạch dương, mà nhiều nước trên thế giới, nhất là giới chuyên môn đang quan tâm tới vụ hỏa hoạn của tàu ngầm hạt nhân K-266 Orion (được chuyển giao cho hải quân Nga từ tháng 12/1992, và thuộc Dự án 949A lớp Antey) bởi đây không phải lần đầu tiên Nga gặp phải sự cố về tàu ngầm. Hơn 1 năm trước (tháng 3/2014), tàu ngầm hạt nhân K-148 Krasnodar đã ngừng hoạt động và đang tháo dỡ tại nhà máy đóng tàu Nerpa thì bất ngờ bốc cháy.
Trước đó (tháng 9/2013), tàu ngầm hạt nhân tấn công K-150 Tomsk đã bị cháy khi đang được đại tu tại nhà máy ở Primorye (vùng Viễn Đông). Tháng 12/2011, một vụ cháy do hàn đã xảy ra đối với tàu ngầm K-84 Yekaterinburg thuộc lớp Delta-IV, khiến 9 người bị thương và thiệt hại lên đến hàng chục triệu USD…

Ngày 8/4, một ủy ban đặc biệt đã mở cuộc điều tra về vụ cháy để đưa ra đánh giá  cụ thể về thiệt hại. Theo người phát ngôn xưởng đóng tàu Zvyozdochka, ông Yevgeni Gladychev cho biết, sau nhiều giờ phun bọt để dập lửa, lực lượng cứu hộ đã nhấn chìm cầu tàu, nơi tàu ngầm hạt nhân Orion đang đậu để sửa chữa, và đám cháy đã được khống chế hoàn toàn vào tối 7/4.

Giới truyền thông cho biết, tàu ngầm hạt nhân K-266 Orion thuộc biên chế sư đoàn tàu ngầm 11 của Hạm đội Biển Bắc đã bị bà hoả hỏi thăm khi đang đậu sửa chữa tại xưởng đóng tàu Zvyozdochka thuộc tỉnh Arkhangensk. Tàu ngầm K-266 Orion được chuyển tới xưởng Zvyozdochka tháng 11/2013 để kiểm tra theo kế hoạch, và dự kiến hoàn thành trong năm 2016.

Theo kết quả điều tra ban đầu, ngọn lửa bùng lên từ khu vực cách nhiệt tại khoang ăn số 9 của tàu và hỏa hoạn có thể do vi phạm quy định an toàn khi hàn. Tối 7/4, kênh truyền hình Russia-24 dẫn lời Chủ tịch Tổng Công ty Đóng tàu thống nhất Nga (USC), ông Alexey Rakhmanov cho biết, tàu ngầm hạt nhân Orion không bị hư hại nghiêm trọng sau đám cháy, thủy thủ đoàn đã ở trên tàu, đạn dược đã được dỡ khỏi tàu, lò phản ứng hạt nhân đã ngừng hoạt động.

Tư lệnh Hải quân Nga Viktor Chirkov cùng các quan chức hải quân cấp cao đã tới hiện trường ngay sau khi biết tin. Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga từ chối bình luận về các thông tin liên quan đến vụ hỏa hoạn tại xưởng đóng tàu Zvyozdochka.

Gần 7 năm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anatoly Serdyukov, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Alexander Kolmakov và Tư lệnh hải quân, Đô đốc Vladimir Vysotsky đã có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả ngay sau khi biết tin về sự cố trên tàu ngầm hạt nhân tấn công Akula II.

Bởi tàu ngầm hạt nhân tấn công Akula II gặp nạn khi mới hạ thuỷ hồi hạ tuần tháng 10/2008 và đang chạy thử. Và theo kết quả điều tra, tàu ngầm hạt nhân tấn công Akula II đã gặp nạn khi hệ thống phòng cháy chữa cháy đột nhiên khởi động và phun khí freon khiến 20 người (3 thuỷ thủ và 17 công nhân ) bị chết ngạt, còn 21 người khác đã được điều trị kịp thời ngay sau khi hít phải khí độc này.

Theo người phát ngôn của hải quân Nga, Đại tá Igor Dygalo cho biết, tàu ngầm hạt nhân tấn công Akula II tuy đang trong quá trình chạy thử, nhưng vẫn chở hơn 200 người, trong đó có 81 thuỷ thủ. Và khi gặp sự cố, tàu ngầm hạt nhân tấn công Akula II không bị hỏng vẫn trở về căn cứ an toàn hôm 9/11/2008. Sau vụ tai nạn kể trên, Tư lệnh hải quân Vladimir Vysotsky đã ra lệnh ngừng các cuộc thử nghiệm theo kế hoạch.

118 thuỷ thủ bị chết trong vụ đắm tàu ngầm nguyên tử Kursk hôm 12/8/2000 là tổn thất lớn nhất của hải quân Nga trong lĩnh vực này. Tàu ngầm nguyên tử Kursk gặp sự cố từ hôm 12/8/2000, nhưng mãi tới ngày 14/8/2000, người dân Nga mới biết chuyện. Tư lệnh hải quân, Đô đốc Kuroedov đã thông báo với Tổng thống Putin về kết quả khảo sát tàu ngầm Kursk được tiến hành ngay sau khi xảy ra 2 tiếng nổ khiến nó bị chìm xuống đáy biển Baren ngày 12/8/2000.

Vụ hỏa hoạn của tàu ngầm hạt nhân K-266 Orion.

Tàu Kursk được hạ thủy từ giữa năm 1994, nhưng tới tháng 1/1995 mới chính thức hoạt động. Ngay sau khi biết tin, hải quân Nga đã áp dụng mọi công tác cứu hộ có thể, thậm chí phải nhờ tới sự giúp đỡ của bên ngoài. Nhưng mãi tới ngày 19/8/2000, tàu ngầm LR5 của Anh mới bắt đầu công tác cứu hộ.

Và theo lời bình của giới truyền thông Mỹ: LR5 chỉ kịp lượm xác thuỷ thủ đoàn bên trong tàu Kursk. Sau khi đáp máy bay tới bờ biển Bắc để dự lễ tưởng niệm 118 thuỷ thủ bỏ mạng trong tai nạn tàu ngầm nguyên tử Kursk, ngày 23/8/2000, Tổng thống Putin đã nói với đài truyền hình Nga rằng: tôi thấy mình có trách nhiệm và có lỗi lớn trong thảm kịch này.

Đồng thời cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Sergeyev, Tư lệnh hải quân Kuroedov và Chỉ huy hạm đội biển Bắc Popov đã đệ đơn xin từ chức, nhưng chưa được ông chấp thuận. Chính phủ Nga đã cam kết trả 10 năm lương cho gia đình thân nhân của 118 thủ thủ bị nạn. Các hoạt động từ thiện, quyên góp giúp đỡ cho thân nhân của họ đã được tiến hành trên khắp nước Nga.

Gần 9 năm trước (7/9/2006), tàu ngầm hạt nhân Daniil Moskovsky thuộc hạm đội biển Bắc của Nga đột nhiên bốc cháy khiến 2 thuỷ thủ bị chết. Khi xảy ra sự cố tàu Daniil Moskovsky đang neo đậu ngoài khơi phía Bắc bán đảo Rybachiy, gần biên giới với Phần Lan. Tuy vụ cháy bất ngờ xảy ra và gây thiệt hại về người nhưng không có nguy hiểm về phóng xạ.

Và cơ quan chức năng đã nhanh chóng làm rõ nguyên nhân vụ cháy - hoả hoạn xảy ra tại khoang điện cơ.

Trọng Hậu
.
.
.