Những vụ truy bắt bọn buôn người xuyên biên giới

Thứ Hai, 11/05/2015, 16:01
Nắm bắt được tâm lý cho con gái mình lấy chồng người nước ngoài thì chắc chắn sẽ được lột xác, đổi đời mà bọn tội phạm buôn người đã sử dụng những chân rết là người tại địa phương liên tục dùng những lời đường mật ngày đêm dụ dỗ những cô gái mới lớn đưa sang nước ngoài bán cho cánh đàn ông làm vợ và cũng có rất nhiều cô gái bị bán vào các động mại dâm, nhà chứa…

Đại tá Trần Văn Luận – Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Tây Ninh cho biết: Do sự hiểu biết còn nhiều hạn chế nên trong những năm qua, một bộ phận người dân ở vùng sâu, có cuộc sống khó khăn cứ mường tượng rằng cho con gái mình lấy chồng người nước ngoài thì chắc chắn sẽ được lột xác, đổi đời. Nắm bắt được tâm lý đó mà bọn tội phạm buôn người đã sử dụng những chân rết là người tại địa phương liên tục dùng những lời đường mật ngày đêm dụ dỗ những cô gái mới lớn đưa sang nước ngoài bán cho cánh đàn ông làm vợ và cũng có rất nhiều cô gái bị bán vào các động mại dâm, nhà chứa…

Miệt mài truy tìm chứng cứ phạm tội

Đã từng được tham gia một đợt cao điểm truy quét bọn tội phạm buôn người nên tôi biết đây là công việc hết sức khó khăn và phức tạp bởi bọn buôn người thường núp bóng các hình thức tư vấn lao động hoặc môi giới hôn nhân cho người nước ngoài để dụ dỗ các đối tượng là các cô gái ở các vùng quê nghèo ít có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài. 

Càng khó khăn hơn đối với Tây Ninh khi tỉnh này có đến trên 240km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia. Địa hình tiếp giáp chủ yếu là đồng bằng và rừng thưa, chỉ cần mấy chục bước chân là có thể qua lại địa giới hai nước nên trong nhiều năm qua, bọn tội phạm buôn người thường sử dụng địa bàn tỉnh Tây Ninh làm nơi tập kết để sau đó mang bán cho những cánh đàn ông mua về làm vợ hoặc bán cho các nhà chứa ở Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Trung Quốc... 

Lợi dụng địa hình này cùng sự thông thoáng trong công tác quản lý xuất nhập cảnh giữa hai nước Việt Nam – Campuchia, bọn tội phạm dễ dàng chạy sang bên kia biên giới để lẩn trốn khi bị động hoặc công tác truy quét của lực lượng Công an được tiến hành. 

Chính vì vậy mà có những chuyên án, lực lượng Công an chỉ có khoảng gần chục người nhưng phải rải ra khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, miền Bắc và có khi còn phải cắm rừng với thời gian di chuyển liên tục đến hàng trăm ngày mà ăn uống lại thiếu thốn khiến nhiều anh em mắc bệnh đường ruột phải vào bệnh viện điều trị. 

Tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm của mình, các cán bộ, chiến sỹ của phòng luôn quyết tâm đấu tranh để đẩy lùi các loại tội phạm mà nhất là bọn tội phạm buôn người. 

Khó khăn, vất vả thường trực bủa vây, lại rất mỏng về quân số nhưng với quyết tâm triệt phá tận gốc những mầm mống tội phạm buôn người, đồng thời bảo vệ những cô gái thôn quê còn lắm ngây thơ không sa vào cái bẫy đường mật chết người của bọn chúng. Trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Tây Ninh ngoài việc tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tại các huyện, xã, ấp trong tỉnh sử dụng rất nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động để bà con nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của bọn buôn người, còn phối hợp với Công an một số tỉnh phía Bắc triệt phá nhiều đường dây chuyên dụ dỗ các cô gái để bán ra nước ngoài. 

Đặc biệt từ đầu năm 2013 đến nay đã có 3 chuyên án là PN0513, 2PN814 và PN315 được triệt phá thành công, bắt giữ hàng chục đối tượng và giải cứu thành công hàng chục nạn nhân trong đó có nạn nhân lực lượng Công an phải sang đến tận Trung Quốc để giải cứu.

Hành trình phá án

Theo lời kể của Thượng tá Nguyễn Hồng Sang, Phó trưởng Phòng PC45, Công an tỉnh Tây Ninh, người trực tiếp ra tỉnh Bắc Giang và sang biên giới Trung Quốc để giải cứu nạn nhân: Trong những tháng cuối năm 2012, đầu năm 2013, tại địa bàn các huyện Trảng Bàng, Tân Châu liên tục xảy ra hiện tượng một nhóm người phụ nữ đứng tuổi tự giới thiệu là giám đốc trung tâm tư vấn lao động và môi giới hôn nhân tìm đến những hộ gia đình có con gái đã đến tuổi trưởng thành ở vùng sâu, vùng xa. Với thủ đoạn giới thiệu cho đi làm ở nước ngoài với mức lương hậu hĩnh hoặc lấy chồng giàu sang để cả gia đình mau chóng được đổi đời, đã có hàng chục cô gái nhẹ dạ cả tin sập bẫy của chúng.

Nhằm triệt phá băng nhóm tội phạm này, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã nhanh chóng tung các trinh sát giỏi nghề vào cuộc. Trong quá trình thu thập chứng cứ phạm tội, lực lượng Công an đã vấp phải những trở ngại không hề nhỏ bởi đa số người dân mới gửi con cho đám buôn người này đều tin rằng con mình đã được đến “thiên đường” và chắc chắn gia đình sẽ được đổi đời nên ngoài việc bao che cho băng nhóm tội phạm, họ còn nhất quyết không chịu hợp với cơ quan Công an. 

Mọi việc đang dần đi vào ngõ cụt thì đột nhiên một người đàn ông tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu tìm đến trình báo sự việc cô con gái tên T. của ông bị dụ dỗ đưa sang Trung Quốc bán cho một người đàn ông làm vợ. Sau một thời gian bị hành hạ cả về tinh thần lẫn thể xác ở xứ người, cô gái kia đã trốn khỏi nhà chồng đến một địa phương khác và may mắn gặp được một người Việt Nam đang làm ăn buôn bán ở đó giúp gọi điện thoại về thông báo cho gia đình tìm cách giải cứu. 

Từ thông tin này, lực lượng Công an nhanh chóng mở hướng điều tra mới và phát hiện không những chỉ có một mà còn rất nhiều cô gái khác ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu bị đường dây tội phạm này bán sang các nhà chứa và bị bắt phải bán dâm cho khách làng chơi nên đã cho thiết lập chuyên án mang bí số PN0513.

Sau một thời gian với hàng loạt khó khăn, vất vả trong công tác củng cố chứng cứ phạm tội, vào lúc 5h30 ngày 12/7/2013, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Công an huyện Trảng Bàng bắt quả tang các đối tượng: Lê Thị Mười, sinh năm 1963, ngụ tại ấp An Thành, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng; Phan Thị Hạnh Dung, sinh năm 1972, ngụ tại ấp Thuận Lợi, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng; Nguyễn Đặng Trúc Quân, sinh năm 1992, ngụ tại ấp 1, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu đang chuẩn bị đưa hai nạn nhân ra tỉnh Bắc Giang để làm thủ tục đưa sang Trung Quốc bán cho đàn ông mua làm vợ. 

Tiếp tục truy xét, ngay trong đêm 12/7/2013, lực lượng Công an đã bắt thêm các đối tượng là các chân rết trong đường dây này gồm các tên Trần Đức Nhân Tôn, sinh năm 1988, ngụ tại ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng; Thái Hoàng Sơn, sinh năm 1950; Thái Hoàng Em, sinh năm 1967; Nguyễn Thành Phong, sinh năm 1979, ngụ tại ấp 3; Phạm Thị Mỹ, sinh năm 1956, ngụ ấp Năng Rền, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng và ngay ngày hôm sau bắt tiếp các tên cầm đầu gồm: Từ Thị Huệ, sinh năm 1981; Nguyễn Thị Bình, sinh năm 1961; Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1971, ngụ tại thôn Trại Mật, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Theo lời khai của đối tượng cầm đầu Từ Thị Huệ: Đầu năm 2012, Huệ lấy chồng là một người Trung Quốc. Sau vài tháng sống ở quê chồng, phát hiện số lượng phụ nữ ở nước sở tại rất ít nên có nhiều đàn ông đến tuổi trưởng thành phải tìm đến các nước khác liên hệ với các trung tâm môi giới hôn nhân để cưới vợ. Cũng có rất nhiều người do hoàn cảnh kinh tế không khá giả gì nên tìm cách liên hệ với các băng nhóm buôn người để mua vợ. Nhận thấy đây là cơ hội để kiếm tiền bất chính, Huệ bàn với chồng về Việt Nam tìm những người phụ nữ ở các vùng quê đưa sang Trung Quốc bán kiếm lời.

Để hình thành một đường dây khép kín, cuối năm 2012, Huệ về quê ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang móc nối với Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Văn Hải để hai đối tượng này vào tỉnh Tây Ninh móc nối với Mười, Dung, Quân và Tôn, sau đó tiếp tục về tỉnh Sóc Trăng kết nạp thêm các đối tượng Sơn, Là, Mỹ, Em, Phong. 

Theo chỉ đạo của Huệ, cứ mỗi khi kết nạp được một đối tượng vào đường dây, Bình và Hải sẽ ứng trước cho mỗi đối tượng 10 triệu đồng và hứa sẽ trả công cho mỗi lần tìm được “hàng” từ 10 đến 20 triệu đồng tùy theo độ tuổi và mức độ xấu – đẹp của các cô gái. 

Công việc của các mắt xích tại chỗ là tìm xuống các xã vùng sâu, vùng xa, nhất là khu vực biên giới tiếp giáp với Campuchia dụ dỗ các cô gái mới lớn con nhà nghèo cho tiền rồi hứa sẽ giới thiệu cho lấy chồng ngoại để được giàu có, đổi đời. Đặc biệt nếu cô gái nào chấp nhận thì gia đình còn nhận được ngay những món tiền hậu hĩnh và sau này sẽ tiếp tục được nhận đều hằng tháng… 

Với chiêu thức này, chỉ chưa đầy 6 tháng, đường dây này đã dụ dỗ hàng trăm cô gái nhẹ dạ, cả tin ở vùng sâu, vùng xa  thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đưa sang Trung Quốc bán.

Sau khi khai thác nhanh các đối tượng vừa bị bắt, ngay trong đêm ấy, các trinh sát một mặt phải giải cứu ngay cô gái mà gia đình vừa cung cấp thông tin trước đó, mặt khác chia đội hình thành nhiều mũi tức tốc lên đường. Mũi thứ nhất liên hệ với Công an các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu để xác minh tên tuổi các nạn nhân. Mũi thứ hai liên hệ với Công an tỉnh Bắc Giang để xin thêm lực lượng hỗ trợ truy tìm bọn tội phạm. Mũi thứ 3 do Thượng tá Sang trực tiếp chỉ huy phối hợp với Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, đồng thời liên hệ với kênh ngoại giao để truy tìm, giải cứu nạn nhân.

Tiếp tục đấu tranh với các băng nhóm tội phạm buôn bán phụ nữ, vào lúc 21h ngày 22/10/2014, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh, các trinh sát Phòng PC45 Công an tỉnh Tây Ninh bắt quả tang hai đối tượng có quốc tịch Trung Quốc là Xia Rong Lei và Wu Hua Peng đang làm thủ tục để đưa 3 cô gái ra Hà Nội tiếp tục hành trình bằng đường bộ sang bán cho đàn ông Trung Quốc làm vợ. 

Lần theo đầu mối này, đến ngày 24/10/2014, lực lượng Công an đã bắt được các đối tượng là các mắt xích quan trọng trong đường dây gồm: Nguyễn Thị Sương, sinh năm 1958, ngụ tại ấp An Bình, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; Nguyễn Thị Tắt, sinh năm 1975, ngụ tỉnh Kiên Giang; Nguyễn Thị Ngọc Hiền, sinh năm 1980, ngụ tỉnh Đồng Nai và Du Quốc Thắng, sinh năm 1969, ngụ TP Hồ Chí Minh. 

Trong vụ án này, lực lượng Công an đã truy bắt tổng cộng 9 đối tượng, trong đó có 5 đối tượng là người có quốc tịch Trung Quốc, giải cứu thành công 16 cô gái trở về với gia đình tại các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Long An, Đồng Nai.

Cũng với thủ đoạn trên, tại Chuyên án 2PN814, các đối tượng Xia Rong Lei, Wu Hua Peng đã móc nối với Nguyễn Thị Sương đã dụ dỗ được 166 phụ nữ, trong đó bán trót lọt 147 phụ nữ sang các nước Hàn Quốc, Trung Quốc với giá từ 200 đến 250 triệu đồng một người. Số phụ nữ còn lại đang được bọn tội phạm này tìm cách đưa đi thì bị lực lượng Công an tóm gọn.

Những tình huống bi hài trên đường phá án

Cũng theo lời kể của Thượng tá Sang, do không thông thuộc địa hình, địa vật, lại không biết thời tiết khắc nghiệt của địa hình miền núi phía Bắc nên hầu hết anh em trong đoàn khi ra đến Lạng Sơn đều bị cảm sốt virus. Có đêm 3 cán bộ, chiến sỹ đang đi trinh sát thì lên cơn sốt rét cấp tính, toàn thân tê cứng, chỉ còn lại một mình anh là mạnh khỏe nhưng giữa vùng rừng núi hoang vắng chỉ toàn là tiếng hú của thú rừng nên không thể nào tìm nơi mua thuốc hoặc nhờ người dân đưa về được. 

Không còn cách nào khác, Thượng tá Sang đành phải lựa chọn giải pháp đi nhặt những cành khô mang đốt để anh em được sưởi ấm cơ thể cố gắng chịu đựng đến sáng hôm sau. Bệnh tật cứ liên tục hoành hành nhưng với quyết tâm cao, chỉ ít ngày sau đó các trinh sát đã giải cứu thành công 5 cô gái bị bán sang Trung Quốc làm vợ và các nhà chứa.

Công tác giải cứu 5 cô gái đã được hoàn tất nhưng việc đưa các cô gái từ biên giới Trung Quốc về Hà Nội, rồi từ Hà Nội về TP Hồ Chí Minh còn gặp những tình huống dở khóc dở cười. 

Theo Thượng tá Sang, trên hành trình đưa các cô gái từ cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn về Hà Nội, bốn trong năm cô gái đột nhiên kêu đau bụng có kinh. Đang đi giữa đường rừng vào ban đêm nên chạy hàng chục cây số mà vẫn không thể nào tìm thấy được nhà dân hoặc tiệm tạp hóa để mua băng vệ sinh. Cuối cùng, một trinh sát đã đề nghị tất cả đàn ông con trai trong đoàn mỗi người nộp một cái khăn tắm để các cô chống chọi qua cơn đau bụng bất đắc dĩ này. 

Về đến Hà Nội, nhờ các tổ chức xã hội giúp đỡ phòng nghỉ, anh Sang mới phát hiện tất cả các cô gái vừa được giải cứu không ai có giấy tờ tùy thân vì bị bọn chủ chứa tịch thu hết và đặc biệt không cô nào có tiền trong túi. Kiểm tra trong túi mình chỉ còn 1,5 triệu đồng, Thượng tá Sang chia ngay 1 triệu đồng cho 5 cô để họ mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân, 500 ngàn còn lại anh dằn túi cho chuyến hành trình dài hơn 2.000km từ Hà Nội vào tỉnh Tây Ninh.

Nói về loại hình tội phạm này, Đại tá Trần Văn Luận, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Tây Ninh cho biết: Trước hết do cuộc sống của một bộ phận bà con nhân dân ở vùng sâu, vùng xa vì những lý do khác nhau đang gặp nhiều khó khăn, vất vả. Đa số những người này đều không được học hành đến nơi đến chốn, lại không có điều kiện giao tiếp với bên ngoài nên nhận thức xã hội của họ còn yếu kém. 

Chính từ những hạn chế ấy mà khi bọn tội phạm buôn người đến “vẽ” ra một cuộc sống vương giả thì họ tin ngay và chấp nhận giao con cái cho chúng với hy vọng được đổi đời. 

Cũng phải nói rằng, loại tội phạm buôn người chúng hoạt động hết sức tinh vi, xảo quyệt. Có những vụ án, mặc dù bị bắt quả tang nhưng trong khoảng một tuần đầu tiên, tất cả các đối tượng này giả bộ hoàn toàn không quen biết nhau và đặc biệt ngoan cố không chịu hợp tác với cơ quan Công an. Có những đối tượng như Huệ và Bình còn đòi kiện ngược lại cơ quan Công an vì cho rằng chúng chỉ môi giới hôn nhân theo pháp luật chứ không vi phạm gì hết. Chỉ đến khi lực lượng Công an đưa ra những bằng chứng xác thực không thể chối cãi thì cả bọn mới cúi đầu nhận tội.

Cuộc chiến đấu chống những kẻ buôn người vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng với các cán bộ, chiến sỹ Phòng PC45 Công an tỉnh Tây Ninh, khi các băng nhóm tội phạm bị triệt phá, nạn nhân được giải cứu an toàn đó mới là niềm hạnh phúc nhất đối với các anh.

Đức Cương
.
.
.