Những vụ vượt ngục không tưởng: “Đánh bại” Klong Prem - Kỳ 1

Thứ Tư, 18/07/2018, 11:58
Ngày 1-7, tên trộm khét tiếng nước Pháp Redoine Faid đã biến mất khỏi nhà tù ngay giữa lòng Paris bằng trực thăng trong một cuộc vượt ngục không tưởng. Hiện cảnh sát vẫn chưa tìm ra dấu vết của y. Trước Redoine Faid, cũng có nhiều cuộc vượt ngục khiến giới an ninh phải há hốc vì kinh ngạc.


Với nhiều lớp hàng rào dây thép gai có điện, những bức tường cao hàng chục mét cùng hào nước sâu và đội ngũ quản tù nghiêm khắc, nhà tù Klong Prem Bangkok ở Thái Lan được xem là nơi không thể trốn thoát. 

Tuy nhiên, vào tháng 8-1996, một tử tù đã vượt thoát khỏi “địa ngục trần gian” này trong một cuộc đào tẩu đã được viết thành tiểu thuyết và dựng thành phim. Đó là tử tù David McMillan, người Anh.

Nhà tù “lò bát quái”

Nhà tù Klong Prem có hình dáng vuông vức với những khu nhà được bố trí khiến mới nhìn vào người ta có cảm giác như một hình bát quái. Xung quanh nhà tù là hào nước sâu, tường cao và những hàng rào kẽm gai có điện. Quản giáo tại nhà tù luôn thực hiện mọi hoạt động tuần tra, canh gác và giám sát vô cùng nghiêm ngặt. 

Theo Wikipedia, nhà tù này có sức chứa lên đến 20.000 tù nhân. Nhà tù chia thành 2 khu, khu nữ và nam. Trong nhà tù có Viện Cai nghiện và điều chỉnh hành vi trung ương, còn được gọi là "Bambat Phiset" và bệnh viện. Thống kê vào năm 2002 cho biết khu nam tù nhân của nhà tù này đang giam giữ 1.158 người nước ngoài trong tổng số 7.218 tù nhân từ 56 quốc gia.

Nhà tù Klong Prem ban đầu là một nhà tù tạm thời được xây dựng vào năm 1944 tại huyện Lard Yao, là một hệ quả của nhu cầu trong Thế chiến II khi Thái Lan đang có chiến tranh với Anh và Mỹ. Năm 1959, nó được sử dụng như một trung tâm đào tạo nghề cho những người "hành động và cư xử như xã hội đen". 

Năm 1960, nhà tù Klong Prem cũ ở đường Maha Chai (nay là Bảo tàng Bangkok Corrections) trở nên quá chật chội vì số lượng tù nhân quá đông. Do đó, tất cả các tù nhân được chuyển đến khu vực trung tâm dạy nghề. 

Bộ Nội vụ khi đó thành lập một nhà tù tạm thời bằng cách chia một phần thành trung tâm đào tạo nghề và các phần khác thành nhà tù tạm thời Lard Yao. Năm 1972, Bộ Nội vụ nước này đã ban hành lệnh thiết lập nhà tù ở đường Maha Chai thành "nhà tù tạm giam Bangkok" và nhà tù ở huyện Lard Yao thành “nhà tù Trung tâm Klong Prem”.

Tù nhân người nước ngoài ở nhà tù Klong Prem đông đến nỗi Ban quản giáo nhà tù có thể tổ chức các giải bóng đá World Cup. Các đội bóng 10 người được Ban quản giáo chọn ra để đại diện cho Nigeria, Nhật Bản, Mỹ, Italia, Pháp, Anh, Đức và Thái Lan. 

Một trận đấu World Cup trong nhà tù gồm 2 hiệp, mỗi hiệp 20 phút. Các đội bóng tranh tài trên mặt sân rộng bằng phân nửa sân bóng tiêu chuẩn. Đội vô địch sẽ được trao một bản sao cúp vàng vô địch World Cup, được làm bằng gỗ trong xưởng của nhà tù.

Con đường sa ngã

David McMillan

David McMillan sinh ngày 9-4-1956 tại London trong một gia đình trung lưu. McMillan bắt đầu lao vào con đường phạm tội khi kết thân với Wynne Wilson, một “bố già” khét tiếng trong giới xã hội đen ở thành phố Melbourne. McMillan được giao làm “con lừa” vận chuyển ma túy và heroin từ các quốc gia Nam Á như Pakistan, Afghanistan, Ấn Độ đến Anh qua Australia. 

Năm 1995, trong một đợt trấn áp tội phạm buôn lậu ma túy tại Khu người Hoa (Chinatown) ở thủ đô Bangkok, Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ McMillan với tang vật là 21kg heroin và 32 giấy thông hành giả. McMillan bị giam giữ tại nhà tù trung tâm Klong Prem với cáo buộc buôn bán ma túy.

Bên trong nhà tù Klong Prem.

McMillan bị giam giữ tại buồng giam số 030 nằm ở tầng 3 cùng với 18 tù nhân khác đều là người nước ngoài. Nhờ có nhiều tiền, cuộc sống trong tù của McMillan tốt hơn hẳn so với các tù nhân khác. Hắn có đầu bếp và phục vụ riêng, chuyên phục vụ hắn những món ăn được chế biến từ hàng mua ở siêu thị. 

Trong phòng giam, hắn được bố trí một góc sinh hoạt riêng có cả tivi, radio và kệ sách. Tuy nhiên, trước đe dọa sẽ bị án tử hình và sẽ bị chuyển đến nhà tù trung tâm Bang Kwang, McMillan đã âm thầm lên kế hoạch vượt ngục.

Hắn đã tận dụng tối đa những giờ lao động ở ngoài, quan sát kỹ lưỡng khu vực trong - ngoài phòng giam. Để có thể vượt qua hàng rào dây kẽm gai có điện, hắn tìm cách để có được một đôi ủng cao su. Ngoài ra, hắn tích cóp rất nhiều thứ “đạo cụ” khác như đèn pin, ô... và bí mật gom được một số quần áo cũ của các phạm nhân khác, cộng thêm cái rèm cửa tháo rời. 

Sau đó, hắn cắt nhỏ ra thành từng đoạn, rồi bện lại thành một cái dây dài - đủ để leo từ buồng giam ở tầng 3 xuống mặt đất. Hắn giấu sợi dây này ở góc phòng riêng của mình. Sau đó, McMillan bắt tay vào việc cưa song sắt cửa sổ phòng giam bằng một cái cưa nhỏ. Toàn bộ quá trình cưa được thực hiện vào những ngày mưa gió nên âm thanh không thể lọt ra ngoài.

Cuối cùng, hắn quyết định vượt ngục. McMillan sau này tiết lộ, trên thực tế chỉ có một thanh song sắt bị cắt, lỗ quá nhỏ để có thể chui qua nên hắn đã phải cởi bỏ quần áo, chỉ còn chiếc quần lót. Sau đó, hắn sử dụng thang vải đã bện trước đó để leo từ tầng 3 xuống đất. 

Sau khi tiếp đất, hắn dùng tấm ván lấy từ kệ sách để làm thang và trèo qua 6 hàng rào dây kẽm gai. Tiếp đó, hắn chui xuống hệ thống cống ngầm của nhà tù dài khoảng 2,5m trước khi trèo qua hàng kẽm gai thứ 7 có điện. Hắn đã vượt qua hàng rào này nhờ đôi ủng cao su cách điện. 

Sau đó, hắn vượt qua hào nước, leo qua một tường rào và thoát ra đường Maha Chai. Lúc đó trời mưa lớn, việc quan sát từ bên trong nhà tù ra phía ngoài rất khó bởi mưa giăng kín, McMillan điềm nhiên che ô đi. Một số lính canh nhìn thấy McMillan, nhưng không ai nghĩ đó là kẻ vượt ngục.

Vào sách, lên phim

Sáng sớm hôm sau, quản giáo nhà tù Klong Prem mới phát hiện McMillan đã đào thoát. Vụ vượt ngục táo bạo khi đó gây chấn động dư luận Thái Lan và khiến 4 giám thị cao cấp và 11 giám thị quản lý 11 buồng giam ở tầng thứ ba bị giáng chức, kỷ luật.

Sau khi vượt ngục khỏi nhà tù Klong Prem, McMillan kiếm được một giấy thông hành giả và mua vé máy bay đến Singapore. Tiếp đó, hắn trốn sang Pakistan và tiếp tục xây dựng các đường dây buôn lậu ma túy đến Australia, Bỉ và Anh. 

Đến năm 2002, McMillan bị bắt giữ tại sân bay Heathrow thủ đô London với 2,3kg heroin và lĩnh án 5 năm tù giam. Năm 2007, ra tù, McMillan chuyển đến sinh sống tại khu Kesington và xin làm công nhân cho một xưởng bao bì y tế tại thành phố Dorking. 

Tháng 12-2008, Nhà xuất bản Mainstream của Anh đã cho xuất bản cuốn sách có tựa đề “Màn vượt ngục của McMillan”, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tháng 6-2009, McMillan xuất hiện như một khách mời trong một tập phim “Deadliest Men 2: Living Dangerously” dài 50 phút của đạo diễn Danny Dyer, được phát sóng trên truyền hình Bravo. 

Không lâu sau, David McMillan cho ra mắt cuốn tự truyện “Man Who Got Away”, kể lại hành trình vượt ngục khỏi nhà tù Klong Prem của mình. 

Tháng 9-2012, David McMillan bị Tòa án Croydon tuyên phạt 6 tháng tù giam vì buôn bán, tàng trữ ma túy trái phép.

(Còn tiếp)

Hồng Định
.
.
.