Những vụ vượt ngục không tưởng: Trực thăng và đường hầm triệu đô - Kỳ 2

Thứ Hai, 30/07/2018, 12:38
Faid không phải tù nhân đầu tiên ở Pháp vượt ngục bằng trực thăng. Trước y đã có nhiều người làm như vậy, trong đó có một người được mệnh danh là “Vua đào tẩu bằng trực thăng”. Trong khi đó, năm 2015 người ta phải sững sốt khi phát hiện một tên trùm ma túy đã trốn thoát bằng đường hầm dài kỷ lục.


Ngày 1-7, tên trộm khét tiếng nước Pháp Redoine Faid đã biến mất khỏi nhà tù ngay giữa lòng Paris bằng trực thăng trong một cuộc vượt ngục không tưởng. Hiện cảnh sát vẫn chưa tìm ra dấu vết của y. Trước Redoine Faid, cũng có nhiều cuộc vượt ngục khiến giới an ninh phải đau đầu vì thủ đoạn quá tinh vi...

3 lần vượt ngục bằng trực thăng

Với 3 lần tổ chức vượt ngục bằng trực thăng, tên tội phạm người Pháp Pascal Payet được giới xã hội đen gắn cho cái tên “Vua đào tẩu bằng trực thăng”. Hắn cũng là người nắm giữ kỷ lục về những vụ vượt ngục bằng máy bay trực thăng cho đến nay, theo Hiệp hội Phi công và chủ sở hữu máy bay trực thăng.

Pascal Payet 

Sinh ra tại Montpellier, Payet trải qua thời thơ ấu tại Lyon trước khi định cư ở Marseille. Năm 1988, hắn bị kết tội hành hung người khác. Ngày 20-11-1997, Payet tham gia tấn công một chiếc xe chở tiền của Ngân hàng Trung ương Pháp, khiến một bảo vệ tử vong. Hắn đã bị bắt cùng với Éric Alboreo tại Paris vào tháng 1-1999 và bị tuyên phạt 30 năm tù giam vì tội giết người và âm mưu cướp xe ngân hàng. Tuy nhiên, hắn chỉ ngồi tù hơn 2 năm. Ngày 12-10-2001, hắn trốn thoát khỏi một nhà tù ở Luynes bằng máy bay trực thăng cùng với Frédéric Impocco. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau Impocco đã bị bắt lại.

Hai năm sau, ngày 14-4-2003, Payet lại cướp một chiếc máy bay khác và quay lại nhà tù Luynes để giải thoát 3 tù nhân cũng đang thụ án tại đây gồm: Franck Perletto, Michel Valero và Éric Alboreo, những tên này đã bị bắt cùng với Payet trong vụ cướp xe ngân hàng năm 1999. Và, 3 tuần sau những tên này bị bắt trở lại.

Đến tháng 1-2005, Payet bị kết án 30 năm tù vì tội giết người trong vụ cướp xe bọc thép năm 1997 ở Salon-de-Provence, cộng thêm 6 năm tù vì tội vượt ngục năm 2001 và 7 năm tù vì tổ chức vượt ngục năm 2003. Tháng 12-2005, Payet đã gửi thư kiến nghị và đăng trên blog, chỉ trích điều kiện giam giữ trong nhà tù. Trước đó, hắn nhiều lần tuyệt thực để phản đối việc bị chuyển nơi giam giữ quá nhiều (9 lần trong 30 tháng), bởi hắn là một trong những tù nhân đặt dưới sự giám sát đặc biệt cao và bị biệt giam.

Thế nhưng, vào ngày 14-7-2007, lợi dụng lễ Quốc khánh Pháp, 4 người đàn ông bịt mặt đã cướp một chiếc máy bay trực thăng tại sân bay Cannes - Mandelieu đến nhà tù Grasse giải thoát cho Payet. Sau đó, bọn chúng đã bỏ máy bay cùng viên phi công xuống Brignoles, cách thành phố Toulon 38km và nhanh chóng rời đi.

Ngày 21-9-2007, Payet đã bị bắt lại trong một cuộc vây ráp ở Mataró, ngoại ô của Barcelona, Tây Ban Nha. Ngày 25-6-2008, Payet bị Tòa án Alpes-Maritimes kết án 15 năm tù với loạt tội danh như cướp có vũ trang và chống lại người thi hành công vụ. Nơi giam giữ của Payet cho đến nay vẫn được giữ bí mật. Như vậy, dù có vợ và 2 con, nhưng Payet đã trải qua hầu hết thời thanh xuân trong nhà giam.

Đường hầm 1,6km

Ngày 11-7-2015, tên trùm ma túy Mexico Joaquín Guzmán Loera, biệt danh "El Chapo" (Gã Lùn) đã có một cuộc vượt ngục gây sửng sốt toàn thế giới, vì con đường hầm hắn đào để vượt ngục có chiều dài kỷ lục lên đến 1,6km. Đường hầm nằm sâu dưới lòng đất 10m, cao 1,7m và rộng 75cm, được trang bị đèn điện, ống dẫn khí và vật liệu xây dựng chất lượng cao, Guzmán sử dụng thang để leo. Có một chiếc xe máy được tìm thấy trong đường hầm và đây có thể là phương tiện “Gã Lùn” dùng để vận chuyển vật liệu.

El Chapo.

Cuộc vượt ngục của Guzman được dựng lại như sau:  Lúc 20 giờ 50  ngày 11-7-2015, Guzmán đi vào khu nhà tắm, và khi các quản giáo không để ý hắn đã cậy mở một tấm lưới sắt trên sàn nhà tắm leo xuống một đường hầm nằm dưới nhà tù, rồi lên xe máy chạy theo đường hầm để ra ngoài...

Hầm ngầm vượt ngục dài 1,6km. 

Các nhà chức trách đánh giá hoạt động xây dựng tuyến đường hầm có quy mô lớn, được lên kế hoạch cẩn thận, chính xác và phải có bản vẽ về nhà tù. Tuy nhiên những điều này không phải là khó khăn với đồng bọn của Guzman. 

Dựa theo thông tin từ hàng xóm của tòa nhà đang xây dở, thì chỉ có khoảng 4-5 người tham gia làm đường hầm, nhưng họ làm việc tới 10 giờ mỗi ngày, trong gần 1 năm. 

Để tạo được đường hầm vượt ngục dài nhất từ trước đến nay, họ đã phải đào và vận chuyển tới 3.250 tấn đất ra khỏi tòa nhà xây dở - hoạt động cần tới 379 chuyến xe tải cỡ lớn. 

Họ cũng buộc phải đảo hướng đường hầm 2 lần để tránh các khu vực nhạy cảm trong nhà tù. Ước tính “Gã Lùn” đã chi khoảng 2,5 triệu USD cho việc xây dựng đường hầm này.

Điều kỳ lạ là nhân viên nhà tù Altiplano được trang bị radar và các thiết bị điện tử có khả năng kiểm tra lòng đất nhưng lại không phát hiện được kế hoạch của “Gã Lùn”. Một chuyên gia an ninh thuộc Viện Nghiên cứu khoa học hình sự Mexico, nhận xét: " Điều này cho thấy hoặc các thiết bị điện tử, radar không hoạt động tốt, hoặc chúng đã bị ai đó tắt đi".

Tốn rất nhiều công sức và tiền bạc cho cuộc vượt ngục, nhưng Guzman chỉ được hưởng tự do được nửa năm. Ngày 8-1-2016, hắn đã bị Hải quân Mexico bắt lại. Ngày 19-1-2017, Guzmán bị dẫn độ bằng máy bay đến Mỹ để đối mặt với cáo trạng hình sự liên quan đến việc lãnh đạo băng đảng Sinaloa.

Tạp chí Forbes bình chọn Guzmán là người giàu thứ 10 tại Mexico vào năm 2011, với giá trị tài sản khoảng 1 tỷ USD. Cục Phòng chống Ma tuý Hoa Kỳ coi y là "Bố già của thế giới ma túy".

Băng đảng Sinaloa của Guzmán đã buôn lậu nhiều tấn cocaine từ Colombia qua Mexico sang Hoa Kỳ và có chân rết trên khắp nước này. Băng đảng này còn tham gia vào việc sản xuất, buôn lậu và phân phối methamphetamine Mexico, cần sa, thuốc lắc (MDMA) và heroin trên khắp Bắc Mỹ và châu Âu. Thời điểm bị bắt năm 2014, Guzmán đã tuồn nhiều loại ma tuý vào Mỹ hơn bất cứ các băng đảng nào khác.

Hồng Định
.
.
.