Lực lượng cảnh sát Pháp trong vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris:

Niềm tin trong gian khó

Thứ Sáu, 05/02/2016, 11:28
Hơn hai tháng đã trôi qua, song Sebastian vẫn bị ám ảnh bởi tấm khiên lớn chi chít các vết đạn mà hai sĩ quan cảnh sát đã mang đến khi họ xông vào nhà hát Bataclan nhằm giải cứu các con tin trong vụ bắt cóc, khủng bố ở thủ đô Paris (Pháp). Đó chỉ là một trong số những câu chuyện đầy cảm động và thấm đẫm nước mắt về lực lượng cảnh sát mà người dân Paris vẫn kể cho nhau nghe mỗi lần nhớ lại đêm kinh hoàng 13-11-2015.


Trong cuộc trò chuyện với phóng viên tờ Daily Mirror hồi cuối năm 2015, Sebastian, một con tin trong nhà hát Bataclan kể rằng, anh và những người khác đã tưởng họ sẽ chết dưới bàn tay của những kẻ khủng bố hung hãn và độc ác nếu không có sự xuất hiện của các thành viên trong lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố Pháp (BAC). Khi đó, những kẻ khủng bố đã dùng khán giả trong nhà hát đứng án ngữ trước cửa chính cùng cửa sổ để làm bia đỡ đạn. Còn lực lượng cảnh sát Pháp thì đang tận dụng mọi cơ hội đàm phán và thời gian (80 phút) để triển khai lực lượng lên kế hoạch giải cứu ít tổn thất nhất. 

Sebastian kể: "Chúng tôi sợ chết run vì chúng đã sát hại rất nhiều người. Khi nhóm cảnh sát vũ trang đầu tiên ập vào hiện trường lúc 10h tối, hàng chục người đã nằm chồng chất trên sàn nhà. Tôi và người ngồi cạnh cứ quỳ mọp xuống. Tiếng súng vang khắp nơi kèm theo những tiếng la hét. Máu đỏ loang lổ quanh sàn nhà. Tôi hoa mắt, ngỡ ḿnh cũng sẽ bỏ mạng nơi đây thì bỗng có cảm giác bị nhấc bổng lên. Một màu đen ập xuống. Chưa kịp định thần thì tôi nghe một tiếng thì thầm nhỏ bên tai: "Anh có sao không?". 

Mở mắt ra, tôi thấy mình cùng một vài người khác nữa đang đứng sau một "bức tường đen" với những lổ thủng nho nhỏ. Hóa ra đó là một tấm khiên lớn mà hai sĩ quan cảnh sát thuộc lực lượng BAC mang tới nhằm giúp chúng tôi thoát khỏi làn đạn của những kẻ khủng bố. Khi đã ra khỏi tầm ngắm đó, chúng tôi chạy thục mạng để thoát thân. Lựu đạn vẫn phát nổ xung quanh và khói thì mù mịt. Đó là những giây phút dài nhất cuộc đời tôi. Tôi đã ngã xuống nằm cạnh chiếc búa cộng lực khi gặp đội cảnh sát giải cứu thứ 2".

Còn với Antoine Leiris, nỗi đau mất người vợ Helene Muyal-Leiris chẳng thể nào nguôi. Một tuần sau cái ngày định mệnh đó, Antoine Leiris đã viết một bức thư dài gửi cho những kẻ khủng bố xả đạn vào người vô tội tại nhà hát Bataclan làm 89 người thiệt mạng. Antoine Leiris viết rằng, những kẻ khủng bố đã cướp đi khỏi cuộc đời anh "một người vô cùng đặc biệt", khiến cậu con trai 17 tháng tuổi của anh bị mồ côi mẹ. Nhưng trong giây phút tuyệt vọng ấy, anh lại được chứng kiến những hình ảnh đẹp về lực lượng cảnh sát Pháp mà không một ngòi bút nào có thể tả xiết. 

Bức thư có đoạn viết: "Các ngươi muốn ta run sợ, muốn nhìn thấy những đồng bào của mình bằng ánh mắt nghi ngờ, muốn ta hy sinh tự do vì an toàn cá nhân. Các ngươi đã nhầm"… Và rồi trong những lần sau khi xuất hiện trên sóng phát thanh, nơi anh làm việc, Antoine Leiris đã mang câu chuyện đau thương của mình để nhắc nhở người dân Pháp nói chung và các cư dân Paris nói riêng về ngày khủng khiếp cũng như công lao to lớn của lực lượng cảnh sát Pháp khi họ giải cứu các con tin, tiêu diệt khủng bố. 

Antoine Leiris thậm chí còn nhiều lần trở lại khu vực quanh hiện trường các vụ tấn công, gặp gỡ các nạn nhân và hỏi họ về những pha giải cứu kinh hoàng mà lực lượng cảnh sát đã thực hiện. Với anh, dù lực lượng cảnh sát không thể cứu được người vợ, song họ vẫn là những anh hùng của thời bình, những người đã mang lại sự sống và niềm tin cho người dân Pháp vào đúng thời khắc đau thương nhất. 

Antoine Leiris kể rằng, lợi thế là một nhà báo nên anh đã được một nạn nhân là phụ nữ mới mang thai 3 tháng kể trong nước mắt về một sĩ quan cảnh sát đã cứu cô để rồi bị thương ở chân. Hay như câu chuyện của một cụ già ở phía Nam thủ đô Paris đã được một sĩ quan cảnh sát khác lấy thân che người cho khi có những tiếng lựu đạn và tiếng nổ bom… 

Còn tại sân vận động Stade de France, ý tưởng của một sĩ quan cảnh sát đã tạo nên hình ảnh tuyệt đẹp đặc trưng của nước Pháp. Đó là dòng người xếp hàng lặng lẽ rời khỏi sân vận động trong nỗi sợ hãi, hoang mang bao trùm bởi loạt vụ đánh bom khủng bố được xoa dịu bởi những nụ cười và cái nhìn đầy khích lệ, động viên từ lực lượng an ninh Pháp. Họ vừa hướng dẫn người dân bình tĩnh rời khỏi các khán đài một cách tuần tự, không chen lấn xô đẩy, vừa cất cao giọng hát Quốc ca để từ đó các khán giả cũng tự hòa mình theo lời hát, tạo nên một sức mạnh ý chí mà không kẻ thù nào có thể khuất phục.

Hãng Reuters dẫn một nguồn tin từ lực lượng cảnh sát Pháp cho hay, trong đêm khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris khiến cả thế giới chấn động, cảnh sát Pháp đã bắn hơn 5.000 viên đạn và hai tháng tiếp sau đó, cảnh sát đã thực hiện gần 100 cuộc bố ráp khác nhau ở khắp mọi miền với quyết tâm truy lùng bằng được thủ phạm của những vụ tấn công. 

Trong thời gian đó, ngoài lực lượng cảnh sát thông thường, có 3 đơn vị đặc nhiệm được giao những trọng trách như giải cứu con tin ở nhà hát Bataclan hoặc tiến hành các cuộc đột kích. Đó là lực lượng BAC, đội tìm kiếm và can thiệp (BRI) và đội đặc nhiệm nghiên cứu, hỗ trợ, can thiệp và thương thuyết (RAID). Thành viên của 3 đội này cho đến nay vẫn luôn được đặt trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng chiến đấu và trực lễ Tết 24/24. Sự tận tâm với công việc của lực lượng cảnh sát Pháp trong thời gian qua, như nhận định của tờ The Mirror dần khắc ghi trong lòng dân chúng Pháp. 

Một số tờ báo Pháp còn đùa rằng, cảnh sát Pháp không cần thực hiện bất kể một chiến dịch tuyên truyền và đánh bóng hình ảnh nào nữa bởi từ chính hiệu quả công việc mà họ đang đảm đương là thước đo đánh giá quan trọng nhất của người dân. Những cái nhìn thiện cảm đối với lực lượng này cũng ngày càng được nhân rộng. 

Bằng chứng là ngay đối với cả cái chết của một chú chó cảnh sát mang tên Diesel, cộng đồng mạng cũng đã bày tỏ sự xúc động, xót xa và chia sẻ nhiều dòng ca ngợi, tiễn biệt. Theo phát ngôn viên cảnh sát Paris, cảnh khuyển Diesel mới 7 tuổi, thuộc giống chó chăn cừu của Bỉ và là thành viên thuộc biên chế của RAID. Diesel là một trong những chú chó đầu tiên được cử xâm nhập vào một căn hộ ở Saint-Dennis rạng sáng 18-11-2015, nơi có ít nhất 6 chiến binh thánh chiến đang cố thủ và sẵn sàng liều chết tấn công cảnh sát.

Sông Thương
.
.
.