Nigeria- khi tội phạm lừa đảo… “lên mạng”!

Thứ Tư, 23/12/2020, 08:29
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam vấn nạn lừa đảo qua mạng Internet mới chỉ thật sự được chú ý từ hơn một thập niên trở lại đây mà thôi. Ấy thế nhưng, đối với các quốc gia phương Tây, người ta đã phải đối mặt với những kẻ lừa đảo trực tuyến ngay từ những ngày đầu khi mà Internet mới ra đời.


Một trong những “kịch bản” lừa bịp xuất hiện sớm nhất mà bọn tội phạm “biểu diễn” trên mạng Internet diễn ra như sau: “Nạn nhân bất ngờ nhận được email từ một địa chỉ không quen biết. Tác giả bức thư tự giới thiệu bản thân mình là hoàng tử; hay triệu phú đến từ đất nước Nigeria xa xôi. Nhưng vì cuộc nội chiến kéo dài dai dẳng tại quốc gia khốn khổ ấy mà người này rất muốn đưa cả gia đình mình ra nước ngoài sinh sống. Song tiếc thay, anh ta lại không thể tìm ra cách nào hợp lý nhất để chuyển được tiền từ ngân hàng Nigeria sang Mỹ, Anh, Thuỵ Sỹ, v.v… Với lý do đó, “vị hoàng tử” “nhà chẳng có gì, ngoài điều kiện” kia sẽ sẵn sàng trả nạn nhân một khoản kếch sù để làm người trung gian chuyển tiền. Thế nhưng trước hết nạn nhân phải chuyển cho tác giả bức thư một… khoản tiền để… “làm tin” cái đã, v. v…”.

Trò “diễn” lừa bịp tưởng như đơn giản này đã khiến cho không biết bao nhiêu người điêu đứng do đã dại dột dốc cạn ví để lấy những “đồng tiền xương máu” của mình ra những mong một bước… “lên tiên”, vì sẽ có một khoản thù lao “không hề nhỏ”. Ấy thế nhưng “trò bịp rẻ tiền” nói trên cũng lại kích thích trí tò mò của “một bộ phận không nhỏ” công chúng, chỉ bởi tâm lý đám đông.

Bên ngoài đại bản doanh của một nhóm lừa đảo.

Một câu hỏi mang tính thời sự được đặt ra: hà cớ sao những kẻ lừa đảo lại chọn Nigeria, một quốc gia châu Phi nghèo đói, bị chiến tranh tàn phá trong nhiều thập kỷ liên tiếp để làm địa chỉ “làm tin”?! Chẳng phải là, giả làm công dân một đất nước giàu có sẽ dễ dàng “qua mắt” mà thuyết phục được nạn nhân một cách dễ dàng hơn ư?! Thật ra, câu trả lời khá là đơn giản: bản thân những kẻ lừa đảo đến từ Nigeria. Đặc biệt hơn, cuộc sống thực ngoài đời của họ còn thú vị hơn rất nhiều những câu chuyện bịp bợm do chính họ “vẽ” ra.

Từ sự lựa chọn… đơn giản, đến…

Tình hình chính trị - xã hội ở đất nước Nigeria tuy đã có rất nhiều cải thiện từ hơn 20 năm trở lại đây, song trên thực tế, hiện tại quốc  gia này vẫn bị xếp trong nhóm những quốc gia nghèo nhất thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình toàn quốc đạt mức 23,1%; riêng với nhóm thanh niên là 36,5%. Mức lương trung bình hàng tháng nằm trong khoảng dao động từ $480 đến $645 đối với nhóm đã tốt nghiệp đại học. Họ khó có thể bù đắp các chi phí sinh hoạt hằng ngày trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát tăng đến mức phi mã: 11,4%/năm. Trong khi đó, tình hình thị trường việc làm Nigeria dự báo sẽ xấu đi do ảnh hưởng của bất ổn chính trị khu vực; do đại dịch COVID-19 và do biến đổi khí hậu.

Nhiều thanh thiếu niên Nigeria tốt nghiệp cấp ba hay đại học mà không có bất kỳ cơ hội việc làm nào. Do đó, người ta đành phải dựa vào cái “vốn tự có” để sống. Ấy là,  ngoài vốn kiến thức tiếng Anh sơ đẳng, họ còn có sự năng động, nhạy bén của giới trẻ với thế giới công nghệ. Hồi thập niên 1990 của thế kỷ trước, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác đã từng dày công xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng Internet tại Nigeria, với mong muốn kết nối được quốc gia này với thế giới. Và công nghệ sẽ giúp cho Nigeria sớm thoát khỏi cảnh nghèo đói lạc hậu, tối tăm. Lúc bây giờ, chắc hẳn sẽ không có bất kỳ ai nghĩ đến khả năng, những kẻ lừa đảo lại là người sử dụng và kiếm lời đầu tiên từ Internet, tại Nigeria.

Có vô số cách để thanh niên Nigeria lừa đảo những người nước ngoài nhẹ dạ cả tin. Ngoài gửi email hứa hẹn kể trên, họ còn có thể lân la làm quen với nạn nhân trên mạng xã hội, rồi tìm cách tán tỉnh, nhằm mục đích trở thành bạn trai. Phương pháp này quan trọng ở  khâu  chuẩn bị. Trước hết, kẻ lừa đảo phải tìm được nạn nhân thích hợp; mà thường là thành viên của các hội, nhóm tìm người yêu. Sau đó họ “kỳ công” xây dựng nên một bộ profile thật đẹp - phải có thật nhiều ảnh nhà đẹp, xe sang, vàng bạc châu báu, v.v… Nhưng điều quan trọng nhất là, “nhân vật chính” cho “vở diễn trò lừa” nhất định phải sở hữu một cái tên và bức ảnh chân dung sao cho trông thật… “Tây”. Các nạn nhân rất dễ bị những tấm hình cùng sự “thích là nhích” không ngừng nghỉ của kẻ lừa đảo để rồi cuối cùng phải siêu lòng, với cái kết “tiền mất tật mang”.

Trước đây những kẻ lừa đảo thường hoạt động chủ yếu trên ứng dụng Yahoo Messengers nên được gọi là “Yahoo boy”. Cái tên này bây giờ chuyển thành “G-boy”, hoặc “G-man” do các nạn nhân hầu hết bị lừa qua mạng xã hội. Một G-boy có thể kiếm được khoảng $300 cho một phi vụ “diễn” nếu thành công. Nhiều người Nigeria làm việc cả năm cũng chưa chắc kiếm được từng đó. Vậy là các G-boy nghiễm nhiên trở nên vừa giàu có, vừa nổi tiếng, là ước mơ của không ít người. Chính vì thế cho nên người ta không lấy gì làm khó hiểu khi mà ngày càng có rất nhiều cậu học sinh Nigieria xác định ngay từ trên ghế nhà trường rằng, mình sẽ làm giàu bằng nghề lừa đảo. Một số trường hợp đặc biệt thậm chí còn nhờ thế mà học hành chăm chỉ hơn để bổ sung kiến thức tiếng Anh và tin học.

Tang vật cảnh sát Nigeria thu giữ được từ một kẻ lừa đảo trực tuyến.

 …"Chuyên nghiệp hoá, hiện đại hoá", và…

Như một lẽ dĩ nhiên, những kẻ lừa đảo không phải phi vụ nào cũng thành công. Có khi chúng đã kỳ công gửi đi một nghìn email mới có được một nạn nhân trả lời lại thư. Đấy là chưa kể khả năng bị vạch trần và truy cứu trách nhiệm hình sự. Trước sự “rủi ro” cao như thế, vậy giới lừa đảo Nigeria đã làm gì để tăng khả năng “sinh tồn” của bản thân?! Lại là một câu trả lời thật đơn giản: chúng thực hiện “trò diễn” của mình bằng cách chuyên nghiệp hoá.

Không còn cảnh những cá nhân riêng lẻ đi lừa đảo nữa. Bây giờ đã có những “ông trùm” có kinh nghiệm lâu năm đứng ra quản lý mọi chuyện. Họ tuyển mộ “nhân viên” trong số bạn bè, hàng xóm, v.v… và đồng thời, sử dụng chính ngôi nhà của mình làm nơi ở cho những người này. Mọi hoạt động sống hằng ngày đều thực hiện tập trung trong nhà, trừ lúc “làm việc”. Cứ vào khoảng thời gian từ 10 giờ đêm cho đến 7 giờ sáng ngày  hôm sau, cả nhóm lại kéo nhau ra quán Internet. Hãy thử tưởng tượng ra trước mắt một sân khấu như thế này: Trong một căn phòng im  lìm, hàng chục con người ngồi sát cạnh nhau, người nào người nấy gõ canh cách xuống bàn phím. Hơi nóng từ thùng máy; từ buổi đêm Nigeria khiến ai ai cũng phải cởi trần mà vẫn mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Trong căn phòng đóng cửa kín mít, tưởng như có người chết ngạt được.

Một “công xưởng” như thế trong một đêm ngột ngạt như thế có thể gửi đi được xấp xỉ 5.000 email; tin nhắn các loại, không khác gì những kẻ đi câu nhẫn nại nhất trần gian. Trong trường hợp hiếm hoi khi mà “cá cắn câu”, những đối tượng lừa đảo lập tức mở ra cuốn sách “kim chỉ nam” của mình. Đây là một tập tài liệu được các đối tượng truyền tay nhau mà trong đó có ghi chép đầy đủ mọi “đường đi nước bước”. Cuốn sách chỉ rõ cách giải quyết cho từng trường hợp: từ cách mấy ngày sau khi “cá căn câu” mới lại gửi một bức thư thăm hỏi; những từ ngữ cần có trong thư để tạo cảm giác người viết ngây ngô. Cuối cùng là hàng loạt các câu hỏi đi kèm trả lời nhằm lúc nạn nhân tỏ ra nghi ngờ và chất vấn kẻ lừa đảo.

Đội xe của những kẻ lừa đảo Nigeria.

“Điểm cuối” của bất kỳ “miếng da lừa” nào cũng là chuyển tiền. Các đối tượng lừa đảo cần một phương thức lừa đảo không thể huỷ hay lần ra được địa chỉ của chúng, nếu không nạn nhân có thể sẽ huỷ việc chuyển tiền hay yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền lần theo dấu vết kẻ phạm tội. Đây là lý do họ chọn các dịch vụ chuyển tiền quốc tế như Western Union và MoneyGram; ngân phiếu bưu điện hay séc thủ quỹ. Một số đối tượng nhanh nhạy hơn gần đây còn lợi dụng cả những đồng tiền kỹ thuật số còn khó truy lần hơn cả tiền mặt.

Giống như bất kỳ doanh nhân nhạy bén nào, các “ông trùm” chuyên lừa đảo trực tuyến ở Nigeria đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh. Ngày nay không chỉ các tài khoản ngân hàng, mà rất nhiều thông tin cá nhân khác như địa chỉ nhà; số điện thoại, đặc điểm nhân thân, v.v… cũng có giá trị thị trường. Những kẻ lừa đảo bán thông tin thu thập được từ nạn nhân cho các công ty quảng cáo; công ty bảo hiểm v.v…

Hoặc không, chúng cung cấp cho chính các đối tượng lừa đảo khác - trong việc dựng “profile” giả mạo đã nhắc đến; các đối tượng phạm pháp luôn ăn trộm ảnh và thông tin của người khác để tạo vỏ bọc. Bởi thế cho nên đã từng xảy ra rất nhiều những câu chuyện không thể bi - hài hơn: có nhiều người đàn ông phương Tây có ngoại hình “đẹp như một hoàng tử vùng Trung Đông”; gia cảnh “chẳng có gì ngoài điều kiện” bỗng dưng một ngày đẹp trời nọ, bất ngờ nhận được điện thoại từ người lạ buộc tội lừa đảo. Thế rồi sau khi đã khổ công truy lần ra, người ta mới phát hiện có kẻ đã mạo danh mình làm chuyện phi pháp.

Không chỉ các thanh niên không nghề nghiệp mà thậm chí ngay cả một số đối tượng có chức có quyền cũng tham gia lừa đảo qua Internet. Tên Emmanuel Nwude giữ chức giám đốc Ngân hàng Hợp tác Nigeria đã lừa được ngân hàng Banco Noreste của Brazil tổng cộng 242 triệu USD trong khoảng thời gian từ 1995 - 1997. Hắn và đồng bọn đã công phu dàn dựng kịch bản để khiến ban quản trị Banco Noreste tin rằng,  Emmanuel là giám đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria. Hai phần năm tổng tài sản của Banco Noreste được đổ vào dự án xây dựng sân bay “ma” mà thực chất là tài khoản ngân hàng của Emmanuel. Cho đến khi vụ việc được làm sáng tỏ đã đẩy thị trường tài chính Brazil vào cảnh hỗn loạn, còn Banco Noreste sụp đổ sau một tuần. Đây cũng là vụ lừa đảo ngân hàng lớn thứ ba trong lịch sử.

Lừa đảo ảo, nhưng… hậu quả thật!

Hậu quả nạn nhân của các vụ lừa đảo qua mạng Internet khó có thể thống một cách đầy đủ, chi tiết được. Ngoài thiệt hại trực tiếp về tài sản, người bị lừa còn phải trải qua một cú sốc tinh thần vô cùng khủng khiếp. Những trường hợp ở mức độ nhẹ cũng trở nên sống thu mình lại; đánh mất lòng tin, lòng bao dung rộng lượng. Mà những kẻ lừa đảo thường nhắm đến các nạn nhân vốn đã có sẵn tiềm năng về tài chính; về tâm lý, như trong trường hợp của ông Leslie Fountain tại Cambridgeshire, Anh. Chuyện rằng, trong lúc cái ông  Leslie ấy đang phải gánh món nợ £25.000 thì bỗng dưng, cũng lại là một ngày đẹp trời, ông ấy nhận được tin mình đã thắng sổ xố độc đắc.

Hai thành viên băng nhóm Yahoo Plus Plus cùng những gì còn lại của nạn nhân.

Nhưng để nhận được giải thưởng, ông Leslie Fountain phải trả một khoản phí. Đến khi nhận ra mình bị lừa, Leslie trở nên trầm cảm, và cuối cùng ông đổ xăng lên người và việc cuối cùng là châm lửa tự thiêu. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với một nữ sinh viên Trung Quốc du học tại Anh. Hoặc là trong vụ giết nhân viên toà đại sứ Nigeria tại Ba Lan Michael Lekara Wayid. Thủ phạm là cụ Jiri Pasovský, 72 tuổi. Trong cơn nóng giận dẫn đến hoàn toàn mất kiểm soát bản thân sau khi nghe Michael giải thích rằng, toà đại sứ không thể giúp mình đòi lại khoản tiền đã bị lừa, ông cụ mới rút súng bắn chết nạn nhân.

Thảm kịch còn diễn ra ở tại Nigeria. Những kẻ tội phạm thường có điểm chung: rất mê tín, đặc biệt tại một đất nước dân trí kém, nhiều hủ tục như Nigeria. Họ thường xuyên tìm đến các bà đồng để cầu cúng và xin “bùa”. “Bùa” ở đây là một bộ phận cơ thể nào đó như móng tay, ngón chân, mắt… Ngoài ra, người xin bùa còn phải làm nhiều việc kỳ dị khác như cõng xác người trên lưng; dùng dao tự rạch da thịt mình; ngủ trong nghĩa địa, v.v…Cuối cùng xuất hiện cả một ngành “kinh doanh” mới chuyên phục vụ nhu cầu tâm linh của những đối tượng lừa đảo. Đó có thể là một nhóm đào mộ nhằm mục đích trộm xác; các thầy lang “dởm” bốc thuốc có chứa bột xương người, và những kẻ giết người.

Băng đảng “Yahoo Plus Plus” gồm ba tên Macaulay Desmond Oghenemaro; Emese Emudiaga Kelvin và Onoriode Enaike. Hằng ngày chúng lái một chiếc xe thật sang chảnh lượn lờ khắp các phố. Gặp cô gái nào có vẻ “dễ dàng”, chúng buông lời tán tỉnh rồi mời cô ta vào trong xe uống rượu. Chúng chuốc cho nạn nhân thật say, đem cô ta đến một chỗ vắng vẻ mà thực hiện những hành vi ghê rợn: móc mắt; cắt vú, và mổ ngực lấy tim. Những bộ phận của nạn nhân được chúng đem đến nhà thầy cúng Ojokojo Robinson Obajero, biệt danh trong thế giới ngầm là “Jazz man”. Bốn ngày sau đó ông thầy cúng đưa chúng những gói tro từ nội tạng người đã được yểm bùa để chúng bán cho các đối tượng lừa đảo.

Những kẻ thủ ác phi nhân tính nói trên chỉ bị cảnh sát bắt giữ sau khi đã lấy mạng nạn nhân thứ năm của mình. Giới báo chí kịch liệt chỉ trích các cơ quan chức năng đã quá chậm trễ trong việc ngăn chặn tội phạm. Ngược lại, cảnh sát Nigeria cho biết, trong cả năm cái chết, họ không hề nhận được thông tin báo cáo mất tích hay phát hiện tử thi nào cả. Họ không nói rõ lý do vì sao lại như thế. Thứ nhất, khí hậu Nigeria nóng nực, lại có nhiều loài quạ và chó hoang nên xác chết để ngoài trời dễ bị tiêu huỷ. Thứ hai, người dân Nigeria không hề tin lực lượng cảnh sát do tình trạng quan liêu, bạo hành và tham nhũng xảy ra tràn lan sẽ truy tìm ra thủ phạm, do đó người ta chả hề thiết tha với việc báo án nữa.

Đi tìm "thuốc giải" ?!

Cả Nigeria lẫn cộng đồng quốc tế đều không có “viên thuốc thần” nào giải quyết một lúc vấn đề lừa đảo qua Internet. Nhưng có rất nhiều điều mà các bên liên quan có thể làm để cải thiện tình hình như chấn chỉnh lại toàn bộ đội ngũ cảnh sát Nigeria; tăng khung hình phạt đối với tội phạm trực tuyến, hay kết nối với những người gặp vấn đề tâm lý nhằm giúp họ vượt qua khủng hoảng. Tuy vậy biện pháp hàng đầu vẫn là phải giải quyết ngay những vấn đề cơ bản nhất thuộc nền kinh tế Nigeria.

Mà trong đó trước hết phải mở rộng thị trường lao động; tăng mức lương cho người lao động. Vì lẽ, “nhàn cư vi bất thiện” chính là nguyên nhân đẩy hàng loạt thanh thiếu niên - những chủ nhân tương lai của Nigieria - vào con đường phạm pháp. Đồng thời với đó, kiểm soát tốt lạm phát, và thu hẹp khoảng cách giàu -  nghèo. Có vẻ như, chỉ với những giải pháp mang tính tình thế trước mắt nói trên may ra mới có thể hạn chế được phần nào nạn lợi dụng Internet để phạm tội của “một bộ phận không nhỏ” người dân ở một quốc gia nghèo khổ nhất Trung Phi, đó là Nigieria
Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.
.