Nô lệ tình dục IS "hồi sinh" nhờ "cuộc cách mạng" trong tôn giáo

Thứ Năm, 06/07/2017, 11:20
Nỗi lo sợ nhất đối với những cô gái Yazidi ở miền Bắc Iraq bị các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt cóc và hãm hiếp là bị cộng đồng chối bỏ sau khi "trở về từ cõi chết". Tuy nhiên, giờ đây, những cô gái này đã được hồi sinh nhờ "cuộc cách mạng" trong tôn giáo của họ.

Câu chuyện của người phụ nữ bị bán "qua tay" 7 lần

Không ai đi giày ở Lalish. Ngôi làng thiêng liêng đến nỗi tất cả du khách đều phải đi bộ trên đôi chân trần. Lalish nằm trong một thung lũng hẹp, giữa những ngọn núi khô cằn, bụi bặm ở miền bắc Iraq, gần biên giới người Kurd, nơi có cụm đền thờ vô cùng tôn kính của tín đồ Yazidi. Tại trung tâm của Lalish có hồ nước nằm sâu trong một hang động nhỏ. Từ nhiều thế hệ, các nghi thức như tắm trẻ sơ sinh, lễ cưới, người chết đều được thực hiện tại hồ nước này.

Một buổi chiều muộn gần đây, một nhóm phụ nữ xuất hiện, trang trọng và im lặng. Họ run rẩy gỡ tấm khăn choàng, rửa mặt và cầu nguyện. Tất cả đều là những nô lệ tình dục sống sót trở về từ tay IS. Họ đã được hồi sinh nhờ "cuộc cách mạng" trong tôn giáo. "Ở Lalish, chúng tôi được tự do", Nour, 28 tuổi, một nạn nhân của nô lệ tình dục nói. Chồng cô vẫn đang mất tích, cô và ba đứa con nhỏ bị chấn thương nghiêm trọng sau 15 tháng bị giam giữ. "Nghi lễ, những bộ quần áo trắng này làm cho tôi vui vẻ. Đã nhiều lần tôi muốn tự tử nhưng nghĩ phải tiếp tục sống vì con cái", Nour nói.

Nour là một trong rất nhiều nạn nhân người Yazidi trong vụ tấn công của IS vào tháng 8-2014. Nam giới và phụ nữ lớn tuổi bị thảm sát, cơ thể bị chôn vùi trong những ngôi mộ sơ sài. 

Trong khi đó, phụ nữ trẻ bị bắt làm nô lệ tình dục. Các chiến binh IS đã thiết lập một hệ thống nô lệ tình dục. Họ đã thành lập các thị trường buôn bán phụ nữ ở nhiều thị trấn - nơi bé gái từ 9 tuổi được đưa ra đấu giá. Thị trường buôn bán phụ nữ trực tuyến phát triển mạnh.

"Tôi đã bị bán bảy lần và nhiều phụ nữ còn có cuộc sống tồi tệ hơn tôi", Nour nói về câu chuyện của đời mình. Khi bị bắt, Nour có hai con gái và mang thai cậu con trai thứ ba. Tình trạng mang thai đã giúp cô thoát khỏi tình trạng nô lệ tình dục. Sau khi sinh, cô và ba đứa con được đưa đến một phòng cưới ở Mosul. "Mỗi ngày, các chiến binh sẽ đến và bảo chúng tôi đứng lên. Họ lựa chọn những người xinh đẹp hơn, ngay cả khi người đó đã có gia đình", Nour nói. Cô cố tình làm cho mình trở nên xấu xí, bẩn thỉu để không được lựa chọn.

Sau đó, Nour được chuyển đến thành phố Palmyra. Tại đây, phụ nữ và con cái của họ bị giam giữ trong một ngôi nhà lớn. Mỗi ngày, các chiến binh đưa một số người đi bán tại thị trường nô lệ. "Các chiến binh đã bán hầu hết phụ nữ, cho đến khi chỉ còn tôi và ba người khác. Một chiến binh đã mua tôi. Đó là một người đàn ông Syria, 26 tuổi, rất độc ác. Hắn ta thường xuyên cưỡng hiếp và đánh con gái tôi. Sau hai tuần, Nour trốn thoát nhưng lại rơi vào tay một chiến binh ở Raqqa", Nour kể tiếp. 

Nour còn bị bán vài lần nữa, người "chủ sở hữu" cuối cùng là một người đàn ông Palestine ở Raqqa. Người đàn ông này mua cô trên thị trường nô lệ trực tuyến.

Những phụ nữ từng bị IS bắt cóc là nô lệ tình dục làm lễ tại ngôi đền ở Lalish, miền bắc Iraq.

"Cuộc cách mạng" trong  tôn giáo

Với những phụ nữ Yazidi, bị bắt cóc và trở thành nô lệ tình dục được coi là "dấu chấm hết trong cuộc đời". Khi thoát khỏi bàn tay của IS để trở về với cộng đồng, phụ nữ Yazidi không được chấp nhận. Có trường hợp, các cô gái bị chính người thân trong gia đình giết hại vì cái gọi là "giết người danh dự".

"Tôi thấu hiểu những khó khăn mà người phụ nữ Yazidi phải đối mặt sau khi sống sót trở về. Năm 2007, khi cô gái Yazidi chuyển sang đạo Hồi để kết hôn, gia đình cô sẽ thực hiện vụ giết người danh dự. Rất may hiện nay, mọi việc đã thay đổi", Khider Domle là một học giả, nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền ở Iraq nói.

Domle và một số nhà hoạt động nhân quyền khác nói rằng, để có được "cuộc cách mạng tôn giáo" trong cộng đồng người Yazidi, họ đã phải thuyết phục nhà lãnh đạo tinh thần cao nhất của người Yazidis là Khurto Hajji Ismail.

Ông Khurto Hajji Ismail đã gặp hai người phụ nữ đầu tiên thoát khỏi IS và nghe câu chuyện của họ. Ông quyết định bỏ quy định đã tồn tại hàng thế kỷ và tuyên bố, những người trở về từ IS vẫn là thành viên và xứng đáng được cộng đồng Yazidi chào đón.

Mạnh Tường (Tổng hợp)
.
.
.