Nỗ lực "cứu" thỏa thuận hạt nhân Iran

Thứ Năm, 10/05/2018, 10:34
Hạ tuần tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tiếp kiến 2 nhà lãnh đạo của 2 quốc gia quyền lực nhất châu Âu: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ðức Angela Merkel.


Không phải vô cớ mà 2 nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu thực thi kiểu ngoại giao “xa luân chiến” với Tổng thống Mỹ. Thực ra, họ đang muốn tác động đến người đứng đầu Nhà Trắng để giữ lại thỏa thuận hạt nhân Iran (viết tắt là JCPOA), vì sắp đến thời hạn chót 12-5 mà Tổng thống Mỹ kêu gọi các đồng minh châu Âu thắt chặt các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Bt đng ln

Sau khi nhậm chức, ông Trump có xu hướng xem xét và thậm chí hủy bỏ hầu hết các quyết định của người tiền nhiệm Barack Obama, như rút khỏi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), rút khỏi Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu, đóng băng đàm phán Hiệp định Tự do thương mại với Liên minh châu Âu và thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng chịu chung số phận.

Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố “đây là thoả thuận tệ hại nhất mà nước Mỹ từng đàm phán” và cho rằng thỏa thuận này quá có lợi cho Iran và sẽ không thể ngăn tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa của Iran. Vì thế, ông Trump muốn đình chỉ việc thực hiện thỏa thuận này. Bất đồng quan điểm về JCPOA cũng chính là một trong các lý do khiến ông Trump sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson và thay bằng Giám đốc CIA Mike Pompeo.

Trong khi đó, các nước châu Âu lại luôn cho rằng JCPOA là trụ cột để xây dựng một khu vực Trung Đông phi hạt nhân và ổn định lâu dài. Thực chất, giữa Mỹ với các nước châu Âu như Pháp từ lâu nay luôn có một độ vênh nhất định trong cách nhìn nhận về Iran và ngược lại, quan hệ của Iran với châu Âu cũng khác quan hệ giữa Iran với Mỹ. 

Điều này bắt nguồn từ lịch sử, với cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran cách đây gần 40 năm và sự cố bắt cóc con tin trong Tòa Đại sứ Mỹ tại Iran. Kể từ đó, Mỹ và Iran xem nhau như kẻ thù, nhất là khi Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Saudi Arabia, đối thủ địa chính trị và tôn giáo của Iran trong khu vực.

Nói cách khác, cách tiếp cận của Mỹ với Iran từ trước đến nay luôn mang tính đe dọa và kiềm chế. Tuy nhiên, các nước châu Âu lại có cách tiếp cận mềm dẻo hơn bởi các nước này không bị Iran coi là kẻ thù hàng đầu và các nước châu Âu luôn có mối quan tâm về kinh tế đối với Iran, một đất nước rất giàu tài nguyên năng lượng. 

Vì thế, bất đồng hiện nay giữa Mỹ và Pháp hay châu Âu nằm ở chỗ, một bên muốn xoá bỏ thoả thuận cũ để tìm cách kiềm chế về quân sự và chính trị mạnh hơn với Iran, còn một bên muốn duy trì thoả thuận hiện tại.

Quân bài của Tổng thống Pháp

Trước khi lên đường đến Mỹ, Tổng thống Macron đã xác định rất rõ rằng chuyến đi này có 4 vấn đề quan trọng cần bàn thảo với Tổng thống Trump, là hồ sơ hạt nhân Iran, cuộc chiến ở Syria, quan hệ thương mại Mỹ - châu Âu và vấn đề chống biến đổi khí hậu, trong đó chủ đề quan trọng nhất và cấp bách nhất chính là thỏa thuận hạt nhân Iran.

Để dung hòa với Mỹ, ông Macron đến Mỹ mang theo đề xuất về một thỏa thuận bổ sung mới với mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực và cắt giảm chương trình tên lửa đạn đạo của quốc gia này. 

Ông Macron đã miêu tả về 4 trụ cột chính cần theo đuổi xuyên suốt, gồm chương trình hạt nhân Iran hiện đang nằm trong nội dung chính của thỏa thuận gốc (hạn chế mọi hoạt động hạt nhân của Iran cho đến năm 2025) và 3 trụ cột khác sẽ nêu trong nội dung của thỏa thuận bổ sung. 

Ba trụ cột này khá “tương thích” với những quan ngại của Tổng thống Mỹ gồm hoạt động hạt nhân Iran sau năm 2025 khi các điều khoản “cuối giai đoạn” bắt đầu có hiệu lực, các hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo của Iran và những biện pháp chính trị giúp kiềm chế tầm ảnh hưởng của Iran tại các quốc gia trong khu vực gồm Yemen, Syria, Iraq và Libya.

Cách tiếp cận mới của Tổng thống Macron đối với JCPOA, đồng thời giữ nguyên thỏa thuận gốc trong khi đàm phán về những thỏa thuận bổ sung, được xem là nỗ lực xoa dịu sự phản đối gay gắt của người đồng cấp Mỹ và dung hòa với quan điểm của Paris rằng không thể xóa bỏ thỏa thuận lịch sử năm 2015. 

Đây cũng là đề xuất từng được chia sẻ với các quốc gia châu Âu khác tham gia thỏa thuận là Anh và Đức.

Báo giới quốc tế nhận định “nước cờ” này của Tổng thống Macron là cách để “kéo dài thời gian” tìm cách cứu vãn thỏa thuận gốc mà bản thân ông chủ Điện Élysée thừa nhận “không có phương án nào tốt hơn”. Tuy nhiên, bước đi của ông Macron quá nhiều rủi ro và khó có thể khả thi.

Câu trả lời cũng không cần phải đợi lâu bởi Iran ngay lập tức đã phản đối. Chưa đầy 24 giờ sau đó, Tổng thống Iran Rouhani đã đưa ra một chính sách rõ ràng và đầy thách thức với ý tưởng thay đổi nội dung JCPOA. 

Ông Rouhani khẳng định “hoặc là kết thúc hoặc là không. JCPOA nếu tồn tại thì sẽ tồn tại với nguyên vẹn nội dung”. Không chỉ Iran mà ngay cả ở châu Âu, nơi các quốc gia vẫn liên tục kêu gọi Washington duy trì thiện chí xây dựng thỏa thuận thay vì phá bỏ, những tiếng nói bảo vệ thỏa thuận nguyên bản cũng liên tục được đưa ra từ EU, Đức, Nga.

Chuyến đi không như ý của Thủ tướng Đức

Trong khi đó, chuyến đi của bà Merkel lại dường như không mấy có sức ép với ông Trump. Tờ Le Figaro của Pháp đã có bài viết nhan đề “Bà Merkel buộc phải nhún mình”, nhấn mạnh Thủ tướng Đức không được đón tiếp với nghi thức cấp Nhà nước như lãnh đạo Pháp. Theo tờ Le Figaro, 3 lý do khiến bà Angela Merkel phải chấp nhận cách đón tiếp không vẻ vang này.

Trang bìa tuần báo Ðức Der Spiegel số cuối tháng 4-2018, với hàng tít "Ai có thể cứu phương Tây?".

Thứ nhất, Thủ tướng Đức - từng được coi là “người cuối cùng bảo vệ các giá trị phương Tây, sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống” bị nguyên thủ Mỹ coi như một “vật cản”, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, theo chuyên gia Jan Techau về các quan hệ Đức - Mỹ, Quỹ German Marshall Fund, Berlin. Trong thời gian tranh cử, Donald Trump liên tục lên án thâm hụt thương mại với Đức, hối thúc Berlin tăng đóng góp quân sự trong khuôn khổ NATO… 

Thứ hai, bên cạnh các nguyên nhân sâu xa, giữa hai lãnh đạo Đức - Mỹ “hoàn toàn không có quan hệ thân tình”. Cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Thủ tướng Merkel và Tổng thống Trump ở Washington vào tháng 3-2017 đã để lại ấn tượng xấu. Năm ngoái, lãnh đạo Đức từng nhấn mạnh là Liên minh châu Âu gần như không thể trông cậy được gì ở Mỹ.

Lý do thứ ba không kém phần quan trọng là vị thế của Thủ tướng Merkel tại Đức đã suy yếu mạnh, với một liên minh cầm quyền mong manh. 

Báo Đức Der Spiegel - số ra mới nhất có bài viết mang tựa đề “Ai có thể cứu phương Tây?” - nhận định: “Đức lại một lần nữa trở thành quốc gia chầu rìa của chính trị quốc tế”, hình ảnh trang bìa với nền là Tổng thống Trump bốc lửa, phía trước là bà Merkel co rúm sợ hãi, đứng cạnh Tổng thống Pháp rất tự tin. 

Cuộc không kích của liên quân tại Syria cho thấy rõ thế bị động của Berlin trong chính trị quốc tế. Thủ tướng Đức chỉ dành cho các đồng minh một sự “ủng hộ” về chính trị. Tổng thống Pháp thì cho biết liên quân không thể trông cậy được ở Đức, vì Quốc hội Đức - định chế có vai trò quyết định - phải mất đến hàng tuần thảo luận mới ra được giải pháp.

Tuy nhiên, ngay cả Tổng thống Macron cũng không thể “tự tin” sau đề xuất mới khi cho rằng Tổng thống Trump có thể vẫn rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vì những lý do chính trị trong nước. Như vậy, kết quả của sứ mệnh “cứu hộ” thỏa thuận hạt nhân Iran phải chờ ít nhất tới ngày 12-5 mới rõ ràng.

Bàng Cương
.
.
.