Nơi Cảnh sát không cần mang súng khi tuần tra

Thứ Ba, 31/01/2017, 07:00
Iceland (còn có tên gọi khác là Băng Đảo) là một đảo quốc thuộc khu vực châu Âu và là một trong những quốc gia thưa dân nhất thế giới (với diện tích 103.000km2 nhưng chỉcó 333.000 dân).


Kinh tế Iceland phát triển mạnh mẽ, cùng với hệ thống phúc lợi xã hội vào hàng tốt nhất thế giới. Đất nước này xếp thứ 5 thế giới về thu nhập bình quân đầu người và thứ nhất thế giới về chỉsố phát triển con người (HDI).

Iceland có các ngành dịch vụ, tài chính rất phát triển. Iceland là một thành viên của các tổ chức: Liên Hiệp Quốc, NATO, EFTA, EEA, OECD nhưng không tham gia Liên minh châu Âu. Có rất nhiều điều đặc biệt ở quốc gia này, trong đó có việc cảnh sát không cần mang súng khi đi tuần tra công khai.

Cảnh sát Iceland (trực thuộc Bộ Nội vụ) chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho toàn bộ phần lãnh thổ trên bộ của đất nước (phần đường thủy chịu trách nhiệm của lực lượng Bảo vệ bờ biển). Dưới Tổng hành dinh đặt tại Thủ đô Reykjavík, cảnh sát Iceland chia làm 9 vùng, trong đó lớn nhất là cảnh sát đô thị Reykjavik đảm bảo an ninh cho vùng Thủ đô.

Hình ảnh gần gũi với nhân dân của cảnh sát Iceland.

Dưới cảnh sát vùng là các đồn cảnh sát được đặt tại các khu vực dân cư hoặc các khu vực trọng yếu. Năm 1803, những cảnh sát đầu tiên được tuyển chọn để giữ an ninh cho vùng Reykjavík và đến năm 1891 thì lực lượng cảnh sát chính thức được thành lập trên toàn lãnh thổ.

Trải qua hơn 200 năm hoạt động nhưng năm 2013 mới xảy ra vụ đối tượng nổ súng lần đầu tiên vào lực lượng cảnh sát khiến một cảnh sát hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại ngoại ô Thủ đô.

Khi đến Iceland, du khách sẽ không bao giờ thấy cảnh sát mặc quân phục mang theo súng khi tuần tra mà thay vào đó, cảnh sát mang theo gậy ba toong và bình xịt hơi cay. Ngay cả trong xe tuần tra của cảnh sát, kể cả cảnh sát vùng Thủ đô cũng không đem theo súng.

Tuy nhiên, toàn bộ cảnh sát đều được huấn luyện và có kỹ năng sử dụng súng thành thạo với nhiều vũ khí khác nhau. Họ được phép sử dụng súng trong một số trường hợp khẩn cấp và nghiêm trọng nhất định như chống khủng bố, bắt cóc con tin, chống bạo loạn, cảnh sát bị nổ súng tấn công trước, trong một số chiến dịch đặc biệt hoặc các tình huống đe dọa đến an ninh quốc gia, bảo vệ yếu nhân…    

Vậy có phải đất nước này cấm hoàn toàn việc sử dụng súng trong cuộc sống dân sự? Không. Mà còn ngược lại khi có đến 1/3 dân số nước này sử dụng súng để phục vụ mục đích săn bắn. Iceland xếp thứ 15 trên thế giới về tỷ lệ dân số sở hữu súng trên thế giới.

Vậy tại sao cảnh sát Iceland không cần mang theo súng khi tuần tra? Câu trả lời là do rất hiếm khi xảy ra tội phạm ở quốc gia này. Tỷ lệ tội phạm giết người thấp thứ ba thế giới (chỉ cao hơn Liechtenstein và Singapore) với mức 0,3 vụ/100.000 dân (có năm chỉ xảy ra 1 vụ giết người). Nguyên nhân là do Iceland có dân trí cao khi mọi người dân đều được hưởng nền giáo dục tiên tiến miễn phí từ mẫu giáo tới hết phổ thông trung học.

Mọi công dân đều được khuyến khích làm việc và cống hiến cho xã hội, có định hướng nghề nghiệp rõ ràng và có khả năng tìm được công việc phù hợp nên tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. Các chế độ phúc lợi về y tế, bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội rất tốt tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định.

Tỷ lệ dân số sở hữu súng cao nhưng Iceland kiểm soát rất chặt việc cấp phép sử dụng súng. Các cửa hàng bán súng phải được kiểm soát chặt chẽ và kiểm tra thường xuyên.

Chỉ những người đủ 18 tuổi trở lên, không có tiền án, tiền sự, nhân thân tốt, phải có giấy khám sức khỏe và chứng nhận điều kiện tâm thần của cơ quan y tế có thẩm quyền, phải trải qua khóa huấn luyện và thi đạt chứng chỉ kỹ năng sử dụng súng… mới được xem xét cấp giấy phép.

Cảnh sát Iceland được đào tạo, huấn luyện và tổ chức tốt với các biện pháp nghiệp vụ hiệu quả, trong đó là công tác phòng ngừa. Họ sử dụng các biện pháp quản lý an ninh hiện đại và kết nối với cơ sở dữ liệu xã hội của các ngành khác để phục vụ công việc. Các mâu thuẫn trong nội tại nhân dân được cảnh sát phát hiện, phòng ngừa và xử lý sớm thông qua hệ thống thông tin và đội ngũ cộng tác viên sâu rộng.

Cảnh sát tiếp nhận thông tin nhanh chóng qua số điện thoại khẩn 112 và nhanh chóng có mặt tại hiện trường để xử lý, tránh trường hợp bùng phát thành vấn đề nghiêm trọng. Cảnh sát với phong cách gần gũi, tận tụy thường xuyên tiếp xúc, gắn bó và trao đổi thông tin với người dân. Trong mắt người dân, cảnh sát rất thân thiện và họ luôn sẵn sàng giúp đỡ cảnh sát mọi điều có thể vì đó chính là những người bảo vệ cuộc sống bình yên cho họ.

Vì thế, trong nhiều tình huống với hình ảnh cao đẹp và được tôn trọng trong mắt dân, cảnh sát có thể nhanh chóng thuyết phục và xử lý mà không cần sử dụng đến bạo lực trấn áp. Cảnh sát Iceland định hướng ngày càng gần dân hơn. Thậm chí ngày 30-9-2016 vừa qua, Chính phủ Iceland còn quyết định đóng cửa Học viện Cảnh sát quốc gia. Thay vào đó, cảnh sát sẽ được đào tạo bậc đại học tại Trường Đại học Akureyri theo hướng "dân sự hóa".

Đối với những tội phạm ít nghiêm trọng, người phạm tội do lỗi vô ý và có nhân thân tốt, cảnh sát ưu tiên hướng xử lý nhắc nhở xử phạt hành chính hoặc đề nghị Tòa án cho phép được cải tạo tại gia, tạo điều kiện cho người phạm tội được khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, đối với những đối tượng ngoan cố, phạm tội nghiêm trọng, cảnh sát kiên quyết xử lý đến tận gốc vấn đề và đề nghị các hình phạt nghiêm khắc để đủ sức răn đe. Cảnh sát thân thiện nhưng cũng rất nghiêm túc khi làm việc, rất minh bạch trong thực thi nhiệm vụ.

Trong vòng 20 năm gần đây, không có bất kỳ hành vi tiêu cực nào liên quan đến tham nhũng bị phát hiện trong lực lượng cảnh sát. Mọi cảnh sát được trả lương xứng đáng và đều phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để không muốn, không thể, không dám tham nhũng hay tiêu cực.

Đến Iceland, du khách cảm nhận một đất nước hiện đại, bình yên với nhiều cảnh đẹp, người dân hiếu khách và những cảnh sát thân thiện, nụ cười nở trên môi. Dù họ không mang súng tuần tra nhưng quyền uy và sự tôn trọng đối với họ luôn được toát ra từ bộ quân phục và phong thái rất chuyên nghiệp…

Đoàn Nguyễn
.
.
.