Nỗi đau bất ngờ từ những cái đầu nóng

Thứ Hai, 12/10/2015, 11:00
Chỉ cần gõ cụm từ: "Án mạng từ những va chạm giao thông" trên công cụ Google, trong 0,37 giây đã "xổ" ra khoảng 350.000 kết quả, cho thấy tình trạng sử dụng "nắm đấm" để giải quyết những tai nạn, va quệt trên đường đã bỏ qua mức đáng lo ngại mà "tiến thẳng" lên báo động. Tội ác đến bất ngờ, đối với cả nạn nhân và đối tượng gây án, cũng bất thình lình như khi va quệt xe vậy.
Sau một giây mất kiểm soát, tính mạng sức khỏe con người, cùng tiền đồ sự nghiệp và gia đình của những người trong cuộc đều có cơ tan nát. Bạo lực luôn tiềm ẩn trên đường phố ở những nền giao thông "hoang dã". Nhận diện về nó để có một phương pháp ứng xử khôn ngoan trong những tình huống va chạm, là điều người dân quan tâm mỗi khi lăn bánh xe ra đường.

Án trong… tích tắc

Chiều 5/5, tại ngã tư Nguyên Hồng - Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) xảy ra một cảnh tượng "chướng mắt" đến cùng cực. Bên cạnh chiếc xe máy và xe đạp điện đổ ra đường là một gã trai trạc 30, dáng vẻ hùng hổ đang túm cổ một cụ già chực đấm, mặc cho cụ đã sợ hãi đến rúm ró, luôn mồm van xin. Chịu hết nổi, người đi đường liền chạy đến giằng tay tên côn đồ ra khỏi ông cụ. Hầm hè một hồi rồi gã cũng chịu dựng xe dậy rồi bỏ đi.

Nạn nhân bị tên Nguyễn Hoàng Anh hành hung.

Tối 17/8 vừa qua, tên Nguyễn Hoàng Anh (19 tuổi, ở phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) đã đánh chảy máu đầu một cụ  già 79 tuổi trên đường Cầu Diễn (đoạn trước cửa trung tâm Toyota Cầu Diễn), chỉ vì vụ va quệt xe đạp trước đó. 

Tên Nguyễn Hoàng Anh (19 tuổi, ở phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội), kẻ đã hành hung cụ già 79 tuổi trên đường Cầu Diễn.

Những vụ xô xát trên may mà còn kịp dừng lại bởi sự can thiệp của lực lượng chức năng hoặc người đi đường. Trên thực tế trong những năm qua, hàng trăm vụ án thương tâm đã xảy ra trên khắp các tuyến đường ở mọi địa phương.

Người dân thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội vẫn chưa quên vụ "xiên" người kinh hoàng xảy ra trên đường Đa Lộc vào chiều 5/3/2015. Chỉ vì va quệt xe máy mà tên Nguyễn Đức Long (22 tuổi) và Nguyễn Văn Quân (21 tuổi) đang tâm dùng dao nhọn đâm chết anh Đinh Trọng Dũng. 

Đại úy Lê Minh Hải (Đội phó Đội điều tra trọng án 1, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội) cho biết: "Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tình trạng bạo lực trên đường phố xuất phát từ các vụ va quệt giao thông đang gia tăng đáng lo ngại. Trong đó có không ít vụ ẩu đả đã biến thành trọng án. Đối tượng gây án không chỉ có đám thanh niên càn quấy, lưu manh côn đồ, mà ngay cả những người dân bình thường, kể cả cán bộ, trí thức cũng có thể "xuống tay" khi bị cuốn vào cuộc tranh cãi căng thẳng.

Công tác điều tra truy tìm hung thủ của "thể loại" án này cũng gặp nhiều khó khăn, vì giữa thủ phạm và nạn nhân thường là không quen biết nhau, sau khi gây án đối tượng di chuyển ngay, nhân chứng hiện trường cũng rất khó truy tìm vì đều đang lưu thông".

Vì đâu nên nỗi

Thiếu úy Lê Nghiệp (Đội CSGT số 4, Công an TP Hà Nội) phân tích: "Va chạm phương tiện khi tham gia giao thông là tình huống xảy ra "như cơm bữa" trên đường. Đặc biệt trong nội đô có mật độ phương tiện và người tham gia giao thông quá đông đúc, trong khi cơ sở hạ tầng đường sá chưa tương thích và ý thức của người tham gia giao thông còn thấp kém, thì các sự cố tai nạn hay va chạm giữa phương tiện lưu thông trên đường là không thể tránh khỏi.

Nhẹ là va đụng xe làm lệch lạng tay lái, hay những cú thúc vào đuôi xe mỗi khi đường bị ùn tắc, hoặc khi chờ dừng đèn đỏ. Nặng thì là các pha "đấu đầu" khiến đổ phương tiện và người ra đường, gây thương tích và hư hỏng xe. Nguyên nhân dẫn đến va chạm thì nhiều vô số. Đó có thể là việc phanh gấp dừng xe đột ngột, sang đường không bật tín hiệu xi nhan, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, phóng nhanh vượt ẩu không làm chủ tay lái…

Một đối tượng bị xử lý về tội giết người vì có hành vi cắt cổ nạn nhân sau vụ va chạm giao thông.

Là lực lượng trực tiếp điều tiết và kiểm soát giao thông trên đường, chúng tôi thấy hình như cứ va chạm là có cãi vã. Ban đầu luôn là những câu chửi sẵng giọng: "đi kiểu gì thế?"; "mắt mù à?".

 Nếu người có lỗi biết nhường nhịn, nói câu xin lỗi thì mọi việc trôi qua. Nhưng gặp phải tay nóng nảy, chống chân dựng xe xuống hỏi: "mày chửi ai đấy?", thế là thành chuyện. Nguy hiểm nhất là đám thanh niên đi thành đoàn vài xe, nhiều người "vô phúc" va quệt với đám này nên bị đánh hội đồng trước mắt hàng trăm con người, nhưng không ai dám lên tiếng bênh vực hay vào giải cứu".

Được biết, trong quá trình tác nghiệp trên đường, Thiếu úy Nghiệp cùng đồng đội đã nhiều lần… kiêm nhiệm luôn chức năng ngăn chặn các cuộc ẩu đả. Bởi nếu không làm thế thì hậu quả xảy ra chưa biết thế nào, nhưng trước tiên phố xá sẽ bị tắc nghẽn. Không ít vụ nhờ có sự can thiệp kịp thời của CSGT mà án mạng đã không xảy ra trên đường.

Giữ mình sau... va chạm

Võ sư Đào Hoàng Long (Huấn luyện viên võ thuật Nhất Nam) kể về một kỷ niệm khó quên: "Một lần tôi đi xe máy trên đường Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, bị 2 cậu choai choai "tóc xanh tóc đỏ" vượt ẩu va chạm vào làm cả 2 bên suýt ngã. Chúng dừng xe, sửng cồ định lao vào đánh tôi. Tất nhiên để hạ gục lũ nhóc đấy với tôi không đến 1 giây, nhưng tôi vẫn ôn tồn xin lỗi, mặc dù chính chúng làm tôi suýt ngã. Thấy tôi nói năng từ tốn, điềm đạm nên chúng chẳng có cớ gì gây hấn. Rồi những người đi đường sốt ruột vì bị ùn tắc nên giục cả 2 bên giải tán, nên đã không xảy ra chuyện gì đáng tiếc".

Võ sư Long tâm sự lúc đấy cũng nóng mắt vì bị 2 thằng đáng tuổi con cháu chửi "mày đi kiểu gì?", nhưng lại nghĩ việc nhỏ không đáng để "động thủ" và nếu ra đòn thì sẽ làm chúng đau. Rồi sự việc sẽ phát triển ra ngoài tầm kiểm soát, nên anh tha cho chúng bằng cách nhã nhặn nhận lỗi về mình. Câu chuyện này chứa đựng một triết lý ứng xử sâu sắc, đó là trong những tình huống có thể bùng phát thành bạo lực ngay tức khắc, cần phải tự hỏi mình xem có đáng đôi co cãi vã để tranh giành phần thắng hay không. Câu trả lời dứt khoát là không.

Th.s Nguyễn Cao Cường (Giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội) phân tích: "Không chỉ TNGT mới cướp đi mạng sống con người, mà cách hành xử sau va chạm cũng có thể khiến người ta mất mạng như chơi. Có quá nhiều lý do dẫn con người ngày nay tiến gần hơn đến những hành vi ứng xử bạo lực. Có thể thấy lối cư xử nóng vội, hung hãn cục súc, tranh giành hơn thua, coi thường pháp luật, tính mạng sự sống của người khác… luôn thường trực trong nhiều người ở mọi hoàn cảnh.

Có người cho rằng đó là hệ quả của nhịp sống công nghiệp, con người chịu sức ép rất lớn về thời gian, căng thẳng thậm chí là stress trong cuộc sống. Khi không được trang bị đầy đủ về kỹ năng sống, chỉ cần một ức chế tâm lý nhỏ không được "tháo ngòi" nổ, sẽ bùng nên thành những hành động mất kiểm soát. Hiểu được điều này, nếu chẳng may bản thân rơi vào tình huống va chạm giao thông, cần có những ứng xử lịch sự như đỡ người bị nạn dậy, dựng xe, kiểm tra thương tích rồi lựa lời xin lỗi họ (dù nguyên nhân va chạm do bất kỳ bên nào).

Việc cư xử nhún nhường như làn nước mát có thể xoa dịu những "cái đầu nóng", bởi vì đa phần người ta cũng không muốn gặp chuyện lôi thôi, rầy rà ở trên đường và cũng đều đang bận rộn với công việc của mình. Bản nhân tôi luôn tâm niệm câu: "Việc to làm cho nhỏ, việc nhỏ coi như không có", để tập trung sức lực vào công việc của mình, thời gian và hơi sức đâu mà phung phí vào những việc vô bổ, cứ tránh đi là tốt nhất.

Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi việc chẳng may va quệt với đám côn đồ hay thanh niên càn quấy. Không cần biết "nếp tẻ" gì, chúng sẵn sàng rút đồ lao vào tấn công kẻ va chạm với mình. Khi đó, cần xác định bảo toàn tính mạng đặt lên hàng đầu. Cần thoát ly phương tiện rồi bỏ chạy thật nhanh đến nơi có lực lượng CSGT hay trụ sở các cơ quan, nhà dân để tránh cơn cuồng nộ của những kẻ hung hãn".

Chia sẻ với quan điểm trên, Võ sư Long nói: "Bản thân tôi trong những tình huống có nguy cơ diễn biến phức tạp, kể cả không do lỗi của mình nhưng thấy người ta bị nạn hoặc thiệt hại, tôi sẵn sàng cho tiền họ. Đó không phải là việc bồi thường, mà là sự chia sẻ với người không may. Tôi tin cách ứng xử văn hóa của bất kỳ bên nào, cũng sẽ làm cho sự việc trong vòng kiểm soát.

Đó cũng chính là triết lý "bất tranh" mà cổ nhân đã dặn dò hậu sinh. Bởi vì tôi đã không tranh giành đúng sai với anh nên dẫu anh có muốn tranh cũng không được. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp mượn cớ va chạm để "ăn vạ", nhằm đòi tiền bồi thường một cách quá đáng. Nếu không nghe sẽ đánh hoặc gọi người đến đánh. Sự việc lúc này mang bản chất là cưỡng đoạt tài sản.

Cách xử trí tốt nhất là gọi điện thoại báo Công an đến giải quyết. Đồng thời, mỗi người dân nên có ý thức chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra với mình. Việc sở hữu những kỹ thuật tự vệ, chiến đấu là điều cần thiết trong những tình huống chẳng đừng, khi mà không có cơ quan pháp luật nào kịp thời can thiệp và người đi đường lại quá vô cảm".

Đại úy Lê Minh Hải (Đội phó Đội điều tra trọng án 1, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội).

Đại úy Lê Minh Hải khuyến cáo: "Đừng để những việc nhỏ nhặt trong đời sống, tỷ như va chạm giao thông biến thành trọng án. Mỗi người trước khi hành xử điều gì đó, cần bình tĩnh suy xét. Vì chỉ một thời khắc mất kiểm soát, bị cuốn theo diễn biến sự việc, có thể sẽ để lại những tổn thất cùng nỗi đau cho gia đình và xã hội".

"Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" - câu tiền nhân dặn dò vẫn thấm đẫm giá trị trong cuộc sống hôm nay. Mọi tình huống va chạm, đều có thể bỏ qua và xoa dịu nhau bằng lời nói. Tại sao không chọn cách ứng xử này mà biến nó thành sự hằn học, hận thù, và rồi nỗi đau cũng bắt đầu từ đó?

Đào Trung Hiếu
.
.
.