Nỗi "thống khổ" của cảnh sát Đức

Thứ Năm, 04/02/2016, 16:00
Lãnh đạo Cục Hình sự liên bang Đức (BKA) Holger Munch vừa bày tỏ mối lo ngại sau khi số vụ tấn công nhằm vào các cơ sở tị nạn ở nước này ngày càng gia tăng, đồng thời cho biết sẽ truy bắt và trừng phạt nghiêm những kẻ cực hữu có tư tưởng kỳ thị người nước ngoài. 


Theo lãnh đạo BKA, các cơ sở tị nạn đã trở thành mục tiêu bị tấn công nhiều hơn với động cơ kỳ thị người nước ngoài và đây là tình trạng đáng báo động. Theo thống kê của BKA, trong năm 2015, số vụ tấn công các cơ sở tị nạn ở Đức đã tăng gấp 5 lần so với năm 2014. Và tình trạng tấn công nhằm vào các cơ sở tị nạn ở bang Nordrhein-Westfalen là đặc biệt nghiêm trọng, khi tại đây số vụ tấn công tăng trung bình 8 lần, lên 214 vụ.

BKA cho biết, đã có tổng cộng 1.005 vụ tấn công vào các cơ sở tị nạn trong năm 2015, trong đó có 901 vụ tấn công mang tư tưởng cực hữu cấp tiến, và có tới 173 trường hợp tấn công bạo lực, tăng mạnh so với 28 vụ của năm 2014.

Cảnh sát Đức đứng gác bên ngoài ga trung tâm Cologne.

Cảnh báo của lãnh đạo BKA được đưa ra cùng thời điểm người đứng đầu Cục Bảo vệ Hiến pháp liên bang Đức (BfV) Hans-Georg Maaßen cho biết, số lượng phần tử Hồi giáo Salafi ở Đức ngày càng tăng mạnh, khiến các nhà bảo vệ Hiến pháp nước này phải báo động về tình trạng hiện nay khi lực lượng Salafi tìm cách chiêu mộ thành viên từ những người tị nạn. Bởi số trường hợp Salafi ở Đức đã là 8.350 người, tăng mạnh từ mức 7.900 người hồi tháng 9-2015.

BfV còn cảnh báo, tính đến nay đã có khoảng 790 đối tượng Salafi từ Đức tới Syria và Iraq để tham chiến trong các nhóm và tổ chức cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Và khoảng 1/3 số đối tượng này đã trở về Đức, trong khi khoảng 130 người bị tiêu diệt ở Syria hoặc Iraq. Theo người đứng đầu BfV Hans-Georg Maaßen, nguy cơ nước Đức bị tấn công vẫn ở mức độ cao, do đó lực lượng bảo vệ Hiến pháp nói riêng và cảnh sát Đức nói chung đều phải căng mình để chống lại tình trạng này.

Và để tạo điều kiện cho cảnh sát Đức tác nghiệp, chính phủ Đức vừa thông qua dự luật, theo đó sẽ đẩy nhanh việc trục xuất những người nước ngoài phạm tội ở Đức. Dự luật được chính phủ thông qua hôm 27-1 là kết quả thương đàm trước đó giữa Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere và Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas nhằm mạnh tay hơn với tội phạm người nước ngoài. Bởi các vụ quấy rối trong đêm Giao thừa vừa qua đã và đang khiến dư luận Đức "nổi sóng", nên Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere và Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas đều phải đưa ra những đề xuất mạnh tay; đồng thời cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ có thể giải quyết bằng giải pháp trên bình diện châu Âu.

Bởi theo ông Thomas de Maiziere, cần giảm số lượng người tị nạn vào châu Âu một cách lâu dài và rõ rệt ngay trong những tuần đầu của tháng 2, và cần thực thi ngay các kết quả đàm phán đã đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Nội vụ Đức cũng cho biết, châu Âu cần nhanh chóng tìm ra một giải pháp có tính pháp lý liên quan tới khả năng kéo dài kiểm soát biên giới nhằm hạn chế người tị nạn vào "lục địa già".

Ngày 26-1, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Natasha Bertaud cho biết, Liên minh châu Âu đã miễn cưỡng cho phép một số quốc gia trong khối Schengen tái kiểm soát biên giới trong 2 năm để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay. Tuy nhiên quyết định cuối cùng về vấn đề này sẽ thuộc thẩm quyền của Ủy ban châu Âu.

Nhưng để thực thi theo kế hoạch của Bộ trưởng Thomas de Maiziere, Đức cần bổ sung thêm 2.000 cảnh sát mới có thể kiểm soát người di cư. Đây là kiến nghị của Phó Chủ tịch Công đoàn Cảnh sát Đức Jorg Radek đưa ra hôm 26-1.

Theo ông Jorg Radek, để đối mặt với áp lực từ dòng người tị nạn hiện nay, Bộ Nội vụ cần huy động thêm 2.000 cảnh sát tới khu vực biên giới (cao gấp đôi số cảnh sát đã được triển khai) mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Theo giới truyền thông, Quốc hội Đức vừa thông qua ngân sách năm 2016 để bổ sung thêm 300 cảnh sát tăng cường cho lực lượng biên phòng nhằm quản lý cuộc khủng hoảng người tị nạn ở biên giới. Nhưng với tình trạng nhân lực mỏng hiện nay, cảnh sát chỉ có thể lấy dấu vân tay và xử lý dữ liệu sinh trắc học cho khoảng 1.000 người tị nạn/ngày, trong khi hiện có khoảng 2.000 người di cư tới Đức/ngày.

Nhiều lãnh đạo cảnh sát thẳng thắn tuyên bố, với số nhân lực như hiện nay họ không thể theo dõi và kiểm soát khoảng 600.000/1,1 triệu người nhập cư vào Đức. Theo tờ Daily Mail (Anh), tình hình người nhập cư tấn công tình dục ở Đức vẫn đang tiếp diễn và ngày càng phức tạp. Cảnh sát Đức cũng xác nhận, tình trạng người nhập cư tấn công tình dục và cướp giật trong đêm giao thừa vừa qua không chỉ diễn ra ở Cologne, mà ở 12/16 bang của Đức.

Quốc Dũng
.
.
.