Những loại vũ khí được chú ý trong năm 2018

Thứ Tư, 28/02/2018, 08:02
Năm 2017 không phải là một năm hạnh phúc cho thế giới, nhưng chắc chắn đó là một năm có nhiều loại vũ khí được công bố hoàn thành, sắp đi vào sử dụng hoặc được nhiều nước trang bị.

Tên lửa chống hạm

Khi nói về tên lửa chống hạm, Mỹ và Nga luôn so kè nhau. Liên Xô trước đây và Nga hiện nay đang thực hiện chiến dịch này từ những năm 1950. Nga và Trung Quốc có nhiều mô hình đang được sử dụng. Trong khi đó, Mỹ vẫn đang sử dụng Harpoon tầm ngắn từ những năm 1970. 

Năm 2017, Lockheed Martin đã ký hợp đồng trị giá 86,5 triệu USD để chế tạo 22 tên lửa đạn đạo đầu tiên phóng từ máy bay ném bom B-1 và máy bay chiến đấu F-18. Mỹ đang lên kế hoạch trang bị thêm tên lửa chống hạm tầm xa cho hải quân hơn là chỉ chú trọng vào không quân.

Năm 2017, Nga tuyên bố rằng tên lửa chống hạm mang tên Zircon đã được thử nghiệm thành công. Zircon có tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh Mach 5 hoặc Mach 6 (6.125–7.350 km/g), có thể vô hiệu hóa các tên lửa phòng thủ vì tốc độ bay của nó rất nhanh. Tầm bắn của Zircon từ 250-500 km ở tầm thấp và 740 km ở tầm cao. 

Lần thử nghiệm thành công mới nhất của Zircon vào ngày 3-6-2017. Triển vọng đó đã khiến Mỹ và nhiều nước lo ngại rằng các tàu sân bay mới và đắt tiền của họ sẽ làm mồi cho tên lửa Zircon. Năm 2018, tên lửa Zircon sẽ được trang bị cho tuần dương hạng nặng Đô đốc Nakhimov.

Tên lửa phòng không

Đình đám nhất có lẽ là Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ triển khai ở Hàn Quốc, gây sóng gió trong quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc với Trung Quốc. Đây là hệ thống được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trung bình và trung gian. 

THAAD được phát triển để chống lại các cuộc tấn công tên lửa Scud của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Tên lửa này không mang đầu đạn hạt nhân nhưng dựa vào động năng của động lực để tiêu diệt tên lửa. 

Hải quân Mỹ cũng có một chương trình tương tự, là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis trên biển. THAAD ban đầu được dự kiến triển khai vào năm 2012, nhưng sau đó đẩy nhanh hơn, vào năm 2008. THAAD đã được triển khai ở Các tiểu Vương quốc Arab, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc.

S-400 là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay do Phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz của Nga thiết kế. Đây là một phiên bản mới của S-300 và có tầm bắn xa nhất thế giới (chưa kể S-500 đang được thử nghiệm). S-400 có thể phát hiện mục tiêu cách xa 600 km và cao 40-50 km, có thể theo dõi đồng thời 300 mục tiêu. 

Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực sự S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm, nó có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27 km cũng như các mục tiêu bay thấp cách mặt đất chỉ 5-10 m - đây là điều mà không một hệ thống tên lửa phòng không nào cùng thời của bất cứ quốc gia nào có thể thực hiện được. S-400 có thể tiêu diệt khí cụ bay của đối phương trong khoảng cách 400 km và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60 km. 

So với hệ thống đối thủ MIM-104 Patriot PAC-3 của Mỹ, S-400 vượt trội về mọi thông số: Thời gian triển khai chiến đấu nhanh hơn (5 phút so với 30 phút), tầm bắn xa hơn (400 km so với 240 km), số mục tiêu có thể theo dõi cao hơn (300 so với 100), cự ly phát hiện mục tiêu lớn hơn (600 km so với 350 km) cũng như có thể đánh chặn mục tiêu bay nhanh hơn (4,8 km/giây so với 2 km/giây). 

Cho đến nay, Nga đã triển khai S-400 tới nhiều khu vực thuộc biên giới Nga, trong đó có cả Crimea. Nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc quan tâm muốn mua.

Máy bay không người lái

Theo báo cáo gần đây, trong 10 năm tới, các loại máy bay không người lái (UAV) sẽ có mức tăng trưởng năng động nhất trong ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu. 

Các nhà phân tích từ Teal Group dự đoán sản lượng UAV trên toàn cầu sẽ tăng từ 4,2 tỷ USD/năm vào năm 2017 lên 10,3 tỷ USD/năm vào năm 2026. Chi phí nghiên cứu quân sự của UAV sẽ tăng thêm 26 tỷ USD từ nay đến năm 2026. Mỹ là nước đi đầu trong việc áp dụng UAV, nhất là ở chiến trường Iraq và Afghanistan.

Ảnh minh họa.

Các quốc gia khác đang quan tâm đến việc mua sắm các hệ thống UAV trang bị tốn kém hơn. Máy bay điều khiển không người lái RQ-4 Global Hawk của Northrop Grumman - được Không quân Mỹ sử dụng ngày càng được xuất khẩu nhiều sang các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản.Trong khi đó, Australia đã bày tỏ sự quan tâm đến phiên bản hải quân Triton MQ-4C. 

Tháng 11-2017, Northrop công bố họ đã cung cấp Triton đầu tiên cho Hải quân Mỹ, với một hệ thống thứ hai được đưa ra vào cuối năm nay. 

Trung Quốc cũng đã xuất khẩu các sản phẩm UAV sang các nước Trung Đông như Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, Iraq và Ai Cập, Uzbekistan và Nigeria. Israel thì tăng cường sản xuất UAV như IAI Heron và Elbit Hermes 900, cả hai đều được Bộ Quốc phòng Israel sử dụng. 

Dự báo, chẳng bao lâu nữa, các UAV ngày càng tiên tiến có thể thay thế cho nhiều máy bay chiến đấu cồng kềnh, tốn kém và thiếu chính xác.

Xe tăng

T-14 Armata là một loại xe tăng chủ lực thế hệ thứ tư do Nga sản xuất, phục vụ trong lực lượng Lục quân Nga từ năm 2016. Nó được đánh giá là loại xe tăng hiện đại và tốt nhất trên thế giới vào thời điểm hiện tại dù chưa có cơ hội thực chiến. 

Xe tăng T-14 Armata được lắp đặt trên hệ thống xe bệ thiết giáp bánh xích hạng nặng thế hệ thứ tư Armata do Nga chế tạo. Nó sử dụng một số tính năng từ xe tăng T-95 mà chỉ có một vài nguyên mẫu được xây dựng. Khoang đạn được cách biệt ra khỏi tổ lái để tăng độ an toàn. Trong khi đó, động cơ được nâng cấp mạnh hơn và giáp, pháo chính cùng hệ thống nạp đạn tự động sẽ được củng cố. 

Pháo chính của xe cũng được cải tiến, bao gồm cả việc trang bị loại pháo 152mm. Các loại xe đời cũ như T-54, T-62 có tháp pháo gồm 3 người, đến T-64, T-72 còn 2 người (hệ thống nạp đạn tự động đã thay thế người nạp đạn), và đến T-14 Armata tháp pháo hoàn toàn không còn người bên trong.

Với tất cả những lo ngại rằng chiếc T-14 Armata mới của Nga đã làm cho xe tăng của phương Tây trở nên lỗi thời, vì vậy xe tăng của phương Tây cuối cùng được nâng cấp lớn. M1 Abrams là loại xe tăng chủ lực do Hãng General Dynamics của Mỹ sản xuất năm 1980. 

Tên hiệu xe được đặt theo tên của Creigton Williams Abrams Jr, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ kể từ tháng 12-1972 đến trước khi ông qua đời vào năm 1974. 

Hiện tại, đây là loại xe tăng chiến đấu chủ lực thông dụng nhất trong quân đội Mỹ. Nhận rõ những hạn chế sau hàng loạt cuộc chiến của Mỹ trên thế giới, M1 Abrams được cải tiến thành M1SEP V3, với bộ giáp, bộ cảm biến và điện tử cải tiến. Phiên bản SEP V4 sắp tới sẽ có cải tiến đạn dược cho khẩu pháo 120mm.

Vũ khí lazer

Ngày 3-8-2017, Hải quân Mỹ bắt đầu xúc tiến kế hoạch đưa vào sử dụng hệ thống vũ khí bằng tia lazer mới, dự kiến năm 2020 sẵn sàng đưa vào hoạt động. 

Văn phòng điều hành Chương trình Hải quân cho Hệ thống chiến tranh tích hợp đánh giá cao Hệ thống vũ trang laser số 1 (SEASABER), một loại laser có công suất 60 kW sẽ được đưa vào tàu khu trục lớp Arleigh Burke, tàu sân bay, tàu khu trục. 

Máy bay USS Ponce là loại máy bay đầu tiên của Hải quân được sử dụng cho mục đích phòng thủ sử dụng Hệ thống vũ khí laser. Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ cho biết, một loại laser tên lửa đạn đạo mới, được bắn từ máy bay không người lái sẽ tấn công tên lửa ngay sau khi phóng.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có loại vũ khí laser đáng chú ý tại Triển lãm quốc phòng quốc tế đầu năm 2017 ở Dubai, gọi là Laser Silent Hunter. Laser Silent Hunter có công suất 50-70 KW, mạnh hơn hệ thống vũ khí lazer 33 KW (LaWS), hiện đang được triển khai trên tàu USS Ponce của Mỹ, đủ để đánh bật xe ô tô bằng cách đốt cháy động cơ từ cách đó 1,6 km. 

Silent Hunter có thể được mở rộng và trang bị hệ thống radar để bổ sung cho hệ thống theo dõi quang học hồng ngoại, giúp nó có khả năng chống lại các tên lửa, pháo binh, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu.

Huy Bảo (tổng hợp)
.
.
.