Nóng bỏng cuộc chiến ma túy “hậu” Tàng Keangnam

Thứ Hai, 12/12/2016, 15:11
Cho dù “ông trùm” Tráng A Tàng (Tàng Keangnam, 34 tuổi trú xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La) đã bị bắt, bị tuyên án tử hình cùng 8 đồng phạm (hầu hết đều ở Lũng Xá, Lóng Luông) thì tình hình đấu tranh chống tội phạm ở “rốn” lũ ma túy này vẫn chưa bao giờ hết “nóng”.


1. Ngày 21-9-2016 sau 5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương  TAND tỉnh Bắc Ninh đã tuyên phạt 9 án tử hình và 3 án chung thân dành cho 12 bị cáo trong vụ buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy do "ông trùm" Tàng Keangnam cầm đầu. 

Ra khỏi phòng xử không ít người nghĩ rằng đó là mức án “phù hợp” với tội trạng của các bị cáo. Đặc biệt, trong tất cả các phiên xử trước đó Tàng Keangnam đều nhận tất cả tội lỗi về mình thì án phạt đó có thể coi là dấu chấm hết cho một kỳ án.

Tuy nhiên, ngay cả luật sư bào chữa cho Tàng là ông Phạm Tiến Quyển cũng rất bất ngờ khi nhận được thông báo của tòa về đơn kháng cáo của thân chủ. Trong đơn kháng cáo, Tàng Keangnam cho rằng trong số những tài sản bị tòa sơ thẩm đưa ra phán quyết tịch thu, kê biên để sung công quỹ, có nhiều tài sản không phải do hành vi phạm tội mà có.

"Ông trùm" ma túy này cho rằng, một phần trong khối tài sản của anh ta hình thành từ hành vi kinh tế hợp pháp có thể chứng minh được. Ngoài ra, Tàng Keangnam cũng kháng cáo vì cho rằng, quy trình tố tụng của phiên tòa cấp sơ thẩm có vấn đề khi không triệu tập một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Ông trùm "Tàng Keangnam" trong phiên tòa sơ thẩm lần 3 tại hội trường Trại giam Công an tỉnh Bắc Ninh.

Còn nhớ phiên xử sơ thẩm lần thứ ba (sau hai lần Tòa trả hồ sơ để Cơ quan Công an điều tra bổ sung) khai mạc vào ngày 15-9-2016, Tráng A Tàng ra tòa có nhiều nét khác với những lần trước. Tàng mặc áo sơ mi màu xanh nhạt “đóng thùng” với quần màu đen trông khá là bảnh chọe. Tóc “ông trùm” cũng đã được cắt gọn ghẽ. Không còn ai nhận ra một Tàng Keangnam ngông ngênh, đầy chất “chơi” ngày nào. 

Nhìn kỹ, chúng tôi có thể phát hiện ra trên hai bàn tay của Tàng đeo hai chiếc vòng cùng 5 chiếc nhẫn có màu sắc khá bắt mắt. Trao đổi nhanh với một cán bộ Trại tạm giam tỉnh Bắc Ninh, vị này cho biết trong quá trình thăm nuôi người nhà của Tàng đã gửi cho hắn số vòng, nhẫn kia với hy vọng sẽ đem lại điều tốt lành cho Tàng. 

Cũng theo vị này, trong hơn 3 năm qua các cán bộ chiến sỹ của trại đã khá vất vả để trông giữ 12 can phạm của vụ đại án ma túy này. Có đến 8/12 bị can bị đề nghị mức án tử hình nên các anh lại càng phải “để mắt” tới họ nhiều hơn. Tráng A Tàng cũng là một trong số ít những trùm ma túy có thời gian ở trại tạm giam lâu nhất trong lịch sử.

Phiên tòa đã “nóng” lên ngay từ khi chủ tọa Vũ Công Đồng tiến hành kiểm tra căn cước lý lịch bị can. Bị can Tráng A Tàng và Tráng A Nếnh liên tục giơ tay xin phát biểu. Tàng nói do bị bệnh gout, rất đau chân nên xin được… ngồi trong phiên tòa. Còn Nếnh thì không đồng ý với sự thay đổi luật sư, và từ chối sự bào chữa của hai luật sư mà gia đình hắn thuê. Và trong khi 11 bị cáo đã phải đứng suốt gần 100  phút đồng hồ để nghe vị đại diện VKSND tỉnh Bắc Ninh đọc bản cáo trạng thì riêng Tàng Keangnam được ngồi.

Bước vào phần xét hỏi, 11 bị cáo được đưa ra khỏi phòng, chỉ còn một mình Tàng Keangnam đối mặt với HĐXX. Cũng giống như mọi lần Tàng trả lời một cách khá rành rọt mọi câu hỏi mà HĐXX đặt ra, với sự già dặn có thừa của một ông trùm. Đặc biệt, nếu như hai lần xét xử trước Tàng đã khai nhận đủ 13 hành vi buôn bán ma túy thì lần này Tàng chỉ nhận có… 4 lần, tổng cộng là hơn 500 bánh heroin.

Giờ tuyên án, Tàng nhận án tử với một thái độ bình thản hiếm thấy.

2. Còn nhớ vào tháng 7-2013 ngay sau khi Chuyên án 113T mở màn (lực lượng điều tra tổ chức bắt giữ trùm ma túy Tàng Keangnam và đồng bọn) chúng tôi đã có mặt tại Sơn La và tìm đường vào bản Lũng Xá (là đại bản doanh của "ông trùm"). 

Qua sự giới thiệu của một người quen tại thị trấn Mộc Châu chúng tôi gặp được một người dân tộc Mông (tên Ch.). Anh ta cho biết có thể dẫn chúng tôi vào Lũng Xá. Song Ch. nói với chúng tôi “Nhất cử nhất động đều phải nghe lời tôi. Vào được đến đoạn nào mà không đi được nữa thì quay ra nhé”; và không quên giao hẹn: “Từ Quốc lộ 6 vào đấy chừng khoảng 5km, mỗi km các anh cho xin 100 ngàn đồng”.

Sau khi chúng tôi đồi ý, Ch. liếc nhìn tôi từ đầu đến chân rồi bảo: “Mày trắng quá, vào bếp xoa ít nhọ nồi vào tay chân; rồi mặc bộ quần áo này của tao vào”. Bộ quần áo của Ch. hôi rình – như thể một năm chưa giặt – song tôi vẫn phải nhắm mắt nhắm mũi mặc vào.

Con đường vào bản Lũng Xá bắt đầu bằng một khúc cua rất đẹp. Ngay sát là một sân bóng với hàng chục thanh niên đang say sưa luyện tập. Nhưng qua rặng mận đầu tiên, chúng tôi đã gặp trở ngại thực sự. Con đường toàn đá hộc, lại dốc đứng khiến cho xe gài số một vẫn phải nhích từng đoạn. Người ngồi sau dĩ nhiên cũng phải nhảy xuống hì hụi đẩy. Chỉ có Ch. – người chạy xe côn tay, và đã quen đường là có thể đi một cách tương đối vững. Thỉnh thoảng Ch. phải dừng lại để chờ chúng tôi.

Quãng đường chỉ khoảng 5km, song chúng tôi cứ thế vừa đi vừa… bò lặc lè hết gần 1 giờ đồng hồ thì Ch. bảo dừng lại. Đảo mắt khắp nơi, Ch. nói qua 2 con dốc kia là tới bản Lũng Xá, còn bản Tà Dê thì rẽ phải. Từ đoạn này là hết sức phải cẩn thận. Vượt qua hai con dốc, những mái nhà san sát nhau đã thấy thấp thoáng đằng xa. Ch chỉ tay: “Bản Lũng Xá đấy”. Anh vừa dứt lời, trước mặt chúng tôi đã xuất hiện mấy người dân tộc phi xe máy băng băng xuống. Họ gườm gườm nhìn chúng tôi, rồi hỏi với giọng líu lô.

Ch nói với họ một chặp, song đều chỉ nhận được những cái lắc đầu. Ch quay lại nói với chúng tôi: “Bản đang có chuyện, người lạ không được vào”. Nhân lúc Ch nói chuyện, chúng tôi đã chụp được một vài kiểu ảnh bằng chiếc camera nhỏ xíu gắn ở ngực áo, nên cũng thuận lòng quay về.

Theo Đại tá Phạm Văn Chình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) Bộ Công an - xã Lóng Luông, (Vân Hồ, Sơn La) là địa bàn đặc biệt phức tạp về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy. Cả xã có 11 bản thì hầu hết các bản đều có người nghiện, người mua bán, vận chuyển ma túy. Họ coi đây là nghề kiếm sống chính của bản thân.

Tuy thuộc diện xã nghèo nhưng hiện nay nhiều đối tượng trong xã có nhà cao cửa rộng và có khoảng 100 ô tô đắt tiền. Cuộc sống của những tên trùm mua bán ma túy có thể như đế vương. Trong đó có 4 bản đặc biệt phức tạp là Tà Dê, Lũng Xá, Co Tang, Lóng Luông. Tại những bản này, hầu hết các gia đình đều có người liên quan đến ma túy, thậm chí một số con em cán bộ xã, trưởng bản, bí thư chi bộ liên quan đến ma túy. Chính vì vậy mà công tác phòng, chống tội phạm ma túy ở đây gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình hình phức tạp của tội phạm và tệ nạn ma túy ở Lóng Luông, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã có nhiều chương trình, kế hoạch chỉ đạo các ngành, các cấp có nhiều những cố gắng đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, nhưng tình hình tội phạm ma túy ở huyện Vân Hồ nói chung, xã Lóng Luông nói riêng vẫn còn diễn biến phức tạp.

Theo thống kê, xã Lóng Luông có 1.084 hộ, 5.295 nhân khẩu, 87% là người dân tộc Mông, trong đó có khoảng 150 người nghiện ma túy, 50 đối tượng nghi liên quan đến mua bán ma túy, 18 đối tượng tù tha về, 148 đối tượng đã bị bắt đi tù vì phạm tội ma túy. Hiện tại có 35 đối tượng truy nã về ma túy đang cố thủ ở nơi cư trú, tự trang bị vũ khí, tuyên chiến với lực lượng chức năng, co cụm thành các ổ, nhóm tiếp tục mua bán ma túy.

Nguyên nhân tội phạm ma túy phức tạp, chính là do lợi nhuận lớn. Đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn nghèo nàn, lạc hậu, công tác quản lý, giáo dục của xã hội chưa tốt, nhiều con em cán bộ xã tham gia mua bán, vận chuyển ma túy nên tội phạm ma túy đã lợi dụng mua chuộc, lôi kéo họ vào con đường mua bán ma túy.

Để hoạt động mua bán ma túy được thuận lợi, che mắt cơ quan pháp luật, Tàng đã xây dựng đường dây mua bán ma túy đều là người thân trong gia đình, là người có chức sắc trong họ hàng, dòng tộc, trong bản. 

Tàng tham gia vận chuyển ma túy từ nhỏ. Khi lớn lên có đủ vốn liếng, kinh nghiệm; đồng thời dựa vào bố là trưởng bản, anh em họ hàng là Công an viên, Bí thư chi bộ, Phó trưởng bản, Tàng đứng ra tổ chức đường dây lớn. 

Tàng có mối quan hệ rất thân thiết với các đối tượng người Lào, chỉ cần Tàng gọi điện thoại là số người Lào này sẽ mang cho Tàng hàng trăm bánh heroin, để tập kết ở nhà Tráng A Chư sau đó bán cho các đối tượng khác.

Các cơ quan chức năng đều biết được đường dây mua bán trái phép chất ma túy của đại gia đình Tráng A Tàng cầm đầu, đã có nhiều biện pháp đấu tranh, cả tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục Tráng A Chư (bố Tàng) thuyết phục các con đầu thú từ bỏ mua túy. 

Tuy nhiên, Tráng A Chư chẳng những không khuyên can con cháu, không cộng tác với chính quyền trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng đấu tranh phòng, chống ma túy mà còn khống chế dân bản không cho cộng tác với cơ quan Công an, nếu Công an vào bắt đối tượng phạm tội ma túy thì hô hào dân bản chống đối, cản trở lực lượng Công an.

Khi các lực lượng chức năng phối hợp với UBND huyện tổ chức khám, chữa bệnh, phát thuốc, chăn màn cho nhân dân thì bố con Tráng A Tàng khống chế không cho dân bản khám chữa bệnh, nói là sẽ thuê xe đưa dân bản về Bệnh viện Trung ương khám tốt hơn; cấp chăn màn cho dân bản thì chúng không cho người dân nhận, nếu nhận về thì đốt đi…

Ngoài ra, những ngày lễ, Tết Tráng A Tàng còn mời ca sỹ ở Lào, ở Hà Nội về hát phục vụ dân bản 2 - 3 ngày. Khi cán bộ vào kiểm tra, chúng cho người giữ lại, khi tổ chức xong thì mới cho về. 

Mặc dù chính quyền cơ sở biết, muốn thay trưởng bản, bí thư chi bộ nhưng khi đưa ra bầu, gia đình Tráng A Tàng đã dùng uy, quyền, tiền vận động nhân dân bầu cho người thân của mình, chúng tuyên bố “bầu trưởng bản phải bầu người có ô tô, tiền tỷ”. Người dân ở đây luôn lo sợ thế lực của gia đình Tráng A Tàng, không ai dám đấu tranh nên cuối cùng lại bỏ phiếu cho Tráng A Chư là trưởng bản.

Khi lực lượng chức năng vào Tà Dê, Lũng Xá để điều tra, xác minh, truy bắt tội phạm thì Tráng A Chư đặt điều kiện “muốn vào bản chỉ được đi 2 người, phải báo trước cho trưởng bản 2 - 3 ngày, thông báo vào làm gì, khi vào bản chỉ làm việc với trưởng bản, đi đâu có người đưa đi,…”. Chính vì vậy, công tác phòng, chống tội phạm ma túy ở đây gặp rất nhiều khó khăn, không hiệu quả.

Lực lượng chức năng cũng đã trao đổi với một số già làng, trưởng bản khi về dự Hội nghị điển hình tiên tiến về phòng, chống ma túy xã ở Lóng Luông tìm cách để triệt xóa ma túy nơi đây. Nhiều già làng, trưởng bản xã Lóng Luông phải thốt lên rằng: “Nếu Đảng, Nhà nước không quan tâm đấu tranh xóa bỏ tệ nạn ma túy ở Lóng Luông thì cơn bão ma túy sẽ quét, giết hết người Mông”….

Thực tế khi lực lượng chức năng theo chân các đoàn công tác vào các bản tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân “nói không với ma túy”, chỉ thấy ông bà già, trẻ con. Còn các nam thanh, nữ tú không thấy ai hết. Hỏi ra được biết người thì đi tù, người thì chết vì HIV, người thì đang trốn truy nã ở Lào hoặc lên rừng.

Thế mới biết cuộc chiến chống ma túy ở Lũng Xá vẫn còn lắm gian nan!

Minh Minh
.
.
.