Nữ cảnh sát Úc bị “sờ soạng” tại đơn vị!

Thứ Hai, 10/10/2016, 10:44
Theo một báo cáo đánh giá văn hóa nơi làm việc của Cảnh sát liên bang Úc (AFP) 46% nữ cảnh sát và 20% nam cảnh sát cho biết họ bị lạm dụng tình dục hoặc bị quấy rối tình dục tại đơn vị trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, 66% nữ cảnh sát và 62% nam cảnh sát cho biết họ bị bắt nạt trong thời gian trên.

Báo cáo trên được công bố ngày 22-8, sau khi Úc điều tra hàng loạt vụ lạm dụng tình dục trong quân đội những năm gần đây.

Người dám tố cáo đều bị “chuyển công tác”

Báo cáo cho biết thăm dò được tiến hành với 2.000 cảnh sát, cho thấy đã có 30 nạn nhân bị hiếp dâm hoặc âm mưu cưỡng hiếp. Những người tham gia cuộc thăm dò đều được giấu tên, cho biết cánh đàn ông thường gọi mỉa mai các nữ cảnh sát “chỉ là một cái âm hộ”. 

Một nữ cảnh sát cho biết cô bị chuyển công tác chỉ vì không chịu “ngủ” với cấp trên. Một nam đồng nghiệp thì nói ngụ ý với một nữ cảnh sát được thăng chức: “Chắc em làm giỏi lắm hả ”. Những nữ cảnh sát khác nói về chuyện thường bị nam cảnh sát sờ ngực, vỗ mông.

Bà Broderick với chỉ huy AFP Colvin ở cuộc họp báo.

Nhiều người nói họ không tin tưởng các cuộc điều tra về đạo đức nghiệp vụ, và những người “dám” trình báo luôn bị đồng nghiệp tẩy chay hoặc bị ảnh hưởng đến nghề nghiệp. Một nữ cảnh sát cho biết: “Vài năm trước, tôi bị một cấp trên tấn công. Tôi không trình báo vì tôi không tin cách cấp trên giải quyết vụ việc”.

Báo cáo cũng cho biết một nam cảnh sát bị phát hiện quấy rối tình dục một đồng nghiệp đã không bị sa thải như qui định. Một nam cảnh sát cho biết: “Lẽ ra anh ta không được phép có quyền với các nữ nhân viên”. 

Nữ cảnh sát Úc thường lãnh nhiệm vụ hỗ trợ nam đồng nghiệp

Các nữ cảnh sát tham gia cuộc thăm dò còn chia sẻ họ gặp nhiều khó khăn để “hòa nhập” văn hóa làm việc vốn đa số là nam giới. Một người nói: “Chúng ta có nhiều bước tiến trong vấn đề bình đẳng giới, nhưng tôi nghĩ vẫn còn có tình trạng lạm dụng tình dục và bắt nạt”.

Báo cáo phê bình rằng tiến trình xử lý báo cáo bị lạm dụng tình dục hay bị bắt nạt khá chậm chạp. Phàn nàn chung là nữ giới rất khó làm việc linh động ở mảng phản ứng nhanh. Một nữ cảnh sát cho hay nếu biết phải làm việc theo ca, cô đã không vào ngành vì cô muốn lập gia đình. Một nam cảnh sát nói phụ nữ có con không thể làm việc toàn thời gian và rất khó trong việc linh động thay đổi ca trực cho họ.

Bà Angela Smith, Chủ tịch công đoàn AFP tuyên dương báo cáo, nói sẽ có kế hoạch giải quyết các cáo buộc về sự bắt nạt và lạm dụng tình dục trong lực lượng: “Tôi đã gặp nhiều người khóc khi kể những vụ việc bị bắt nạt ở đơn vị. Trong 10 vụ thì 9 vụ đều có kết quả là nạn nhân bị chuyển công tác”.

Không chấp nhận cảnh sát phạm tội hình sự

Trong buổi họp báo công bố báo cáo, Ủy viên AFP Andrew Colvin thừa nhận “có nhiều thứ cần phải thay đổi” và xin lỗi những cảnh sát bị bắt nạt và bị lạm dụng tình dục. Ông nói: “Chúng ta không thể tha thứ những hành động này” và hứa sẽ điều tra hình sự đối với những tố cáo nghiêm trọng, nếu các nam- nữ cảnh sát chịu đứng ra tố giác. 

Ông nói: “Tôi cho rằng lực lượng và người dân sẽ bị sốc trước những phát hiện này. Đấy là những hành vi mà tôi chỉ có thể gọi đó là tội phạm. Nếu đó là hành vi phạm pháp, họ sẽ bị xử lý kỷ luật. Chúng tôi không thể là một cơ quan bảo vệ pháp luật minh bạch khi trong nội bộ có kẻ vi phạm pháp luật. Tôi phát bệnh khi có người thuộc lực lượng lại là những kẻ phạm tội”.

Ông Colvin cũng nhấn mạnh sẽ có một cuộc cải tổ văn hóa làm việc trong lực lượng cảnh sát, sẽ thực hiện 24 đề xuất được ghi trong báo cáo, nhất là lập một đơn vị độc lập để điều tra về những phàn nàn và hỗ trợ các nạn nhân. Ông gọi đơn vị này sẽ là “nơi an toàn” cho người tố cáo. Ông đề nghị các nạn nhân muốn tố cáo thì hãy bí mật nói chuyện với bà Broderick, và ông hứa hoạt động này sẽ được giữ bí mật, bảo đảm nạn nhân không bị “đày đọa tiếp” một khi họ tố cáo.

Ảnh minh họa.

Ông Colvin nói trước đây từng có vài cuộc điều tra nạn tấn công tình dục trong lực lượng Cảnh sát liên bang Úc, nhưng tính vô danh của cuộc thăm dò khiến không thể nói các vụ việc đã được xem xét hay chưa. Ông cũng thừa nhận AFP không triệt để trong việc thăng chức nhiều nữ cảnh sát, và khẳng định báo cáo cho thấy AFP là một “câu lạc bộ của bọn con trai”. 

Ông nói:  “Chúng tôi là một lực lượng mà nam giới chiếm đa số. Tôi không thể vẫy đũa thần và thay đổi mọi sự trong một sớm một chiều. Phụ nữ trải nghiệm làm việc ở AFP rất khác với nam giới. Và tôi cần tạo sự thay đổi, vốn sẽ mất thời gian cùng nỗ lực thực hiện từ cấp chỉ huy. Đó là lý do tôi công bố báo cáo này”.

Tác giả cuộc thăm dò là cựu ủy viên điều tra kỳ thị giới tính Elizabeth Broderick. Bà đã bỏ ra 6 tháng để phỏng vấn người tham gia. 

Nhiều nữ cảnh sát cho biết họ đã được khen thưởng và có sự nghiệp tốt trong AFP, nhưng đa số cho biết họ bị nhiều thách thức, như khó hòa nhập vào một “văn hóa nam giới chiếm đa số”, hoặc phải “tự chứng minh” và phải làm việc ở một môi trường kỳ thị giới tính. Những nữ cảnh sát khác nói họ chật vật lựa chọn nên theo ngành hay xuất ngũ để lập gia đình. 

Họ cũng gặp khó khăn khi phải xin nghỉ phép để chăm sóc con cái. Bà Broderick đề nghị Cảnh sát Úc phải tạo môi trường làm việc linh động hơn, thông qua việc thay đổi ca trực cùng sự phân công hợp lý hơn.

Báo cáo cũng cho thấy có ít phụ nữ trong lực lượng Cảnh sát liên bang. Tính đến tháng 4-2016, phụ nữ chỉ chiếm 35% trong toàn lực lượng. Dù vậy, bà Broderick nhận xét rằng không có lý do nào để người dân giảm lòng tin vào AFP “Ngược lại là đằng khác. Khi làm việc với lãnh đạo lực lượng, tôi đã nhận thấy nỗ lực thay đổi của họ”. Bà xác nhận ông Colvin là “một chỉ huy can đảm”, dám đối đầu với các vấn nạn của AFP.

Kim Hương (theo The Australian)
.
.
.