Nữ hoàng "Vương quốc lầu xanh" lừng danh nhất trong lịch sử Mỹ

Thứ Tư, 02/05/2012, 14:43

Đã có hàng ngàn mụ đàn bà kinh doanh nhà thổ trên khắp thế giới nhưng không ai nổi tiếng nhiều mưu lược như Polly Adler, ả xứng đáng với danh hiệu "Nữ hoàng lầu xanh thành New York", không những thế tiếng tăm của ả còn vang danh khắp nước Mỹ. Và xuyên suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm của nước Mỹ, không ai có thể qua mặt được Polly Adler về "nghề kinh doanh" nhạy cảm này.

Bằng nhiều chiêu lọc lõi trong ngành kinh doanh xác thịt Polly Adler đã ngang nhiên chỉ tay lên trời dõng dạc tuyên bố sẽ đạt tới mục tiêu trở thành "Quý bà kiêu hùng nhất nước Mỹ". Trong suốt 20 năm đứng trên đỉnh cao hoàng kim của mình, "đại tú bà" Polly Adler đã điều hành hàng tá lầu xanh trên khắp khu phố giàu có Manhattan, quyền uy của Polly rộng lớn đến nỗi, ả đã tự in danh thiếp cho riêng mình, một cái danh thiếp có hình con vẹt đậu trên cành cây, đại bản doanh của ả nằm ở Khu Đông Manhattan.

Polly Adler rất ngại khi ai đó nói đến mô hình làm ăn của mình là "nhà thổ", với thị, gọi là hội sở nghe có vẻ chân chính hơn. Trong cái "hội sở" đó, khách hàng có thể đến để giao dịch hợp đồng kinh doanh hay tổ chức một bữa tiệc riêng tư của cá nhân mình…

"Hành nghề" sau khi bị cưỡng hiếp và nạo phá thai ở tuổi 17

Polly Adler cũng giống như nhiều mụ "tú bà" khác, ả không phải sinh ra là đã có máu mưu mô hiểm độc trong người mà giống như nhiều mụ đàn bà làm nghề chăn dắt gái làng chơi, ả bước vào "nghề" như một định mệnh vô tình và cũng lắm bi kịch.

Tên khai sinh của Polly Adler là Pearl Adler, ả chào đời vào ngày 16/4/1900 tại Yanow (Nga), là con gái đầu trong một gia đình có 9 người con. Mục tiêu thủa đầu đời của cô gái nhỏ Pearl Adler là cố gắng tham gia một phòng tập thể dục dụng cụ ở Pinsk (Cộng hoà Belarus) để hoàn tất chương trình giáo dục. Thay vì dự định đi học ở Pinsk, cha của Pearl Adler - vốn là một thợ may - đã chuyển cả gia đình đến Mỹ cùng một lúc. Nhưng Pearl là người đầu tiên trong gia đình đến Mỹ trước tiên, lúc đầu cô sống cùng với gia đình những người bạn bè thân thiết ở Holyoke, tiểu bang Massachusetts, tại đó Pearl làm phụ việc nhà và chăm chỉ học tiếng Anh.

Khi Thế chiến I bùng nổ, khoản tiền do cha chu cấp từ quê nhà đã bị cắt giảm một nửa, không còn nhiều tiền để trang trải, buộc Pearl phải chuyển đến sống với người anh họ ở Brooklyn (thành phố New York), tại đây Pearl đã đi học và làm việc cho một nhà máy sản xuất áo nịt ngực với mức lương 5 USD/tuần.

Ở tuổi 17, Pearl bị lão quản đốc nhà máy cưỡng hiếp và mang bầu. Khi cái thai ngày một lớn, không thể giấu được nữa, Pearl đau đớn tìm gặp một bác sĩ để làm thủ tục nạo phá thai. Với cái giá 150 USD để thực hiện phá thai kể ra đã ngoài tầm với của Pearl vì cô chỉ có đúng 35 USD. Vị bác sĩ thương tình cô công nhân bất hạnh đã đồng ý làm thủ tục với cái giá chốt là 25 USD và "số tiền thừa, cô dùng để mua giầy và vớ mà đi". Kể từ khi biết cô em họ mang thai, người anh họ của Pearl (Polly) đã đuổi cô ra khỏi nhà.

Nghèo khó, túng bấn, không một xu dính túi, Pearl lê từng bước chân khó nhọc tìm đến Manhattan và tiếp tục kiếm sống bằng cách làm ở một nhà máy cho mãi đến năm 1920, khi một người bạn cùng phòng giới thiệu Pearl với một người buôn rượu lậu tên là Tony. Tony tâm sự với Pearl rằng mình đã có mối tình với một người phụ nữ nổi tiếng đã có chồng, và muốn tách ra khỏi người đàn bà này để đến với mối tình mới. Tony thỏ thẻ nếu Pearl (Polly) đồng ý làm người tình của Tony thì người đàn ông này sẽ thuê nhà và trả tiền thuê nhà hàng tháng cho cô.

Dĩ nhiên trong hoàn cảnh túng bấn, vô gia cư, việc hứa "giúp đỡ" của Tony đối với Pearl thật không khác nào "buồn ngủ vớ được chiếu manh". Pearl gật đầu cái rụp, và chính từ mối quan hệ bí mật với Tony, đã mở ra một chương khác trong cuộc đời của cô gái di cư.

Viết trong hồi ký của mình, Pearl nói: "Tôi không xin lỗi vì quyết định chóng vánh của mình, vả lại cũng không còn sự lựa chọn nào khác. Vì tiếp tục sinh tồn và vươn lên, tôi phải tự quyết định chính đường đi của mình". Pearl (Polly) được Tony thuê cho một căn hộ 2 phòng trên đường Riverside và bắt đầu tháng ngày "tìm kiếm" những phụ nữ trẻ cho Tony, nhờ những nỗ lực "không mệt mỏi" Pearl đã kiếm được 100 USD/tuần, một số tiền khá lớn đối với thu nhập của công chức Mỹ thời kỳ đó.

Năng đi đêm cũng có ngày gặp ma. Một tối nọ, 2 sĩ quan cảnh sát lù lù xuất hiện ở cửa căn hộ của Pearl và áp giải cô ra xe. Pearl bị buộc tội hành nghề môi giới mại dâm, nhưng vụ này nhanh chóng chìm xuồng vì cảnh sát thiếu bằng chứng. Sau một thời gian nép mình hoạt động tại một cửa hàng bán đồ lót, Pearl Adler đã quay trở lại tệ nạn mại dâm. Bước một, Pearl Adler tìm cách kết bạn với cảnh sát, mỗi vụ Pearl gần như bị bắt giữ thì ả đã "lót tay" cho cảnh sát 100 USD sau đó vụ việc lại chìm xuồng.

Khi công việc "kinh doanh" phát đạt, Pearl (Polly) bèn lui tới cư ngụ trong các căn hộ to lớn sang trọng, luôn tu sửa lại nội thất của những nơi đó, nơi Pearl thích lui tới nhất là Everleigh Club ở Chicago. Đỉnh cao thời hoàng kim của Pearl Adler trong suốt thời kỳ thực thi Luật cấm nấu và bán rượu, ngôi nhà của Pearl được xây dựng ngay trong lòng Majestic Hotel, ở số 215 đường 75 Tây, Manhattan, bề ngoài là một khách sạn thanh lịch, nhưng bên trong là nhiều cầu thang chìm và các căn phòng bí mật.

Bên cạnh những "nhà thổ" truyền thống với gương soi mạ vàng, Pearl Adler còn có những "nhà thổ" cách khác. Giống như các bậc "tú bà" tiền bối ở Chicago, Pearl (Polly) Adler đối xử với nhân viên của mình như một khoản đầu tư chứ không phải là một loại hàng hoá, ả dạy họ các quy tắc ăn uống thượng lưu, khuyến khích họ đọc sách, luôn nhắc nhở họ phải luôn tự khẳng định và vươn lên chứ không thể "sống bình an" mãi mãi. Mỗi ả gái điếm dưới quyền điều hành của Pearl Adler đều được ả trọng dụng cho họ "làm việc" đến độ tuổi 30 hoặc cao nhất là 40 rồi sau đó thải hồi hoặc chuyển nghề khác.

Sau khi thị trường chứng khoán Mỹ bị sụp đổ vào năm 1929, Pearl (Polly) Adler e sợ ngành "kinh doanh" của mình sẽ không đứng vững được doanh số nhưng trái ngược lại chuyện kinh doanh của ả phát đạt khủng khiếp. Hàng tá đàn ông đứng chờ ngoài cửa khu nhà ả, họ hy vọng sẽ được "vui vẻ" nhằm quên đi sự mất mát về tài sản.

Nhưng của cải là phù du. Tháng 8/1930, Toà án Tối cao New York đã bổ nhiệm Thẩm phán Samuel Seabury nhằm tiến hành một cuộc điều tra quy mô lớn nhất trong lịch sử Mỹ về nạn tham nhũng của giới chức địa phương. Trước đó, Pearl Adler đã nhận được một cú điện thoại cảnh báo nặc danh: "Trốn đi Polly, hãy ra khỏi nhà ngay. Họ (cảnh sát) đang trên đường đến đưa trát hầu toà".

"Tú bà" Polly Adler lấy tay che mặt khi diện kiến trước phiên toà xét xử.

Ủy ban Samuel Seabury  rất muốn biết lý do tại sao Pearl Adler chưa một lần bị truy tố vì tội tổ chức mại dâm dù đã bị bắt rất nhiều lần. Bị toà án New York để mắt tới, Pearl Adler đã "lặn" đến Miami và tạm trú trong một khách sạn tại đây dưới cái tên giả, theo công bố của hồ sơ toà án New York. Sau 6 tháng lẩn trốn, Pearl (Polly) Adler đã quay về lại New York vào tháng 5/1931. Sáng ngày kế tiếp, khi Pearl vừa choàng tỉnh giấc, đã có 2 viên chức từ Ủy ban Samuel Seabury xuất hiện ngay ngưỡng cửa căn hộ, trát toà án đã đưa thẳng tới nhà ả tú bà.

Thẩm phán Samuel Seabury tự đặt câu hỏi của riêng ông về Pearl Adler. Có hay không việc Thị trưởng Walker và các chính trị gia khác tại Toà thị chính Tammany đã tổ chức những sự kiện quan trọng tại tư dinh của Pearl Adler? Thẩm phán Samuel Seabury chất vấn: "Chúng tôi đã tìm thấy một tấm séc thanh toán tiền lương của cảnh sát, phải chăng "đạo diễn" là do bà, đúng không bà Pearl Adler?". Nhưng ả tú bà vẫn khăng khăng bào chữa: "Đúng là có tấm séc đó, nhưng nó không phải là chữ viết tay của tôi".

Không bỏ cuộc, Thẩm phán Samuel Seabury nói: "Hãy suy nghĩ kỹ đi, bà Adler. Cố nhớ lại tất cả và trả lời câu hỏi của chúng tôi vào ngày mai". Một vài cảnh sát từng nhúng tay giao dịch với Pearl Adler đã bị kết án mặc dù ả tú bà vẫn ngoan cố đi lòng vòng việc khai báo của mình, Adler tin rằng cuộc điều tra của toà án đã vô hình trung giúp đỡ cho việc "kinh doanh" của ả. Pearl Adler viết trong hồi ký: "Khi tôi quay lại "kinh doanh", lúc cuộc điều tra của Samuel Seabury đang diễn ra…đã khiến cho cuộc sống của tôi dễ dàng hơn. Cảnh sát không còn làm tôi nhức đầu nữa; không còn phải "hối lộ" 100 USD nữa, không còn việc quấy rầy điện thoại để tăng "hạn ngạch" mỗi tháng…".

Án phạt 30 ngày tù và mong muốn được học xong trung học sau khi hoàn lương 

Nhưng Pearl Adler đã không may mắn dưới thời kỳ thắng cử của Thị trưởng Fiorello LaGuardia. Vị tân Thị trưởng đã ra lệnh bắt giữ trùm băng đảng Lucky Luciano và đe dọa tới toàn bộ Sở Cảnh sát New York rằng "nên nhanh chóng rút chân ra khỏi vũng bùn" và tịch thu hàng trăm máy đánh bạc. Tân Thị trưởng Fiorello LaGuardia còn ra quyết định "cải tạo rác rưởi làm trong lành New York", đến tháng 7/1936, Pearl (Polly) Adler bị bắt giữ tới lần thứ 16. Tú bà nhận tội đã bỏ ra một khoản phí đáng kể nhằm duy trì khu căn hộ tai tiếng và bị quản thúc 24 giờ/ngày trong suốt 30 ngày tại Nhà tạm giữ phụ nữ, ngay cạnh khu buồng giam các gái mại dâm thuộc hạng "quá lứa lỡ thì".

Pearl Adler viết trong hồi ký: "Chỉ có thể cải huấn những phụ nữ này trong nhà tù bằng thức ăn nhạt nhẽo và đối xử khắc nghiệt". Sau khi được phóng thích, tú bà Pearl Adler đã quay lại tìm kiếm một công việc hợp pháp. Một người bạn ở New Jersey lo ngại nếu kết thân làm ăn với "Quý bà Polly" có thể sẽ làm sụt giảm uy tín của ông ta. Một chủ hộp đêm nói rằng Pearl muốn trở thành một đối tác làm ăn hoàn hảo nếu cảnh sát để cho bà ta tự do một mình.

Một chủ nhà hàng xin lỗi tương tự khi Pearl (Polly) Adler ngỏ ý muốn làm ăn. Pearl Adler quay trở lại nghề nghiệp cũ trước khi "khởi nghiệp". Năm 1943, Pearl chuyển tới Burbank, California, và giải nghệ từ nghề kinh doanh tình dục. Trước khi qua đời vì căn bệnh ung thư vào năm 1962, Pearl mới muộn mằn nhận ra mục tiêu cao quý nhất của đời mình là hoàn thành cấp trung học. Mụ tú bà hoàn lương đến phút cuối vẫn kiêu hãnh tự gọi mình là "quý bà danh dự"

T. Hải (theo New York Daily News)
.
.
.