Nữ khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới

Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:55
Vào buổi sáng 7-7-2005, chồng của Samantha Lewthwaite là Germaine Lindsay đã lên chuyến tàu điện ngầm tuyến Piccadilly tại thành phố London, Anh. Khi tàu dừng tại ga King Cross, thanh niên 19 tuổi này đã kích nổ qua bom trong chiếc túi mang theo, giết chết 26 hành khách cùng chuyến.


Trong sáng hôm đó, 3 đồng bọn của Germaine đã giết hại thêm 30 nạn nhân theo cùng cách thức. Nhiều ngày sau, goá phụ Samantha Lewthwaite đã đưa ra một tuyên bố công khai với nội dung như sau: "Tôi kịch liệt phê phán và vô cùng khiếp đảm bởi những tội ác của chồng gây ra. 

Tôi là goá phụ của Germaine Lindsay và tôi chưa bao giờ có thể dự đoán hay tưởng tượng ra rằng anh có liên quan đến những hành vi khủng khiếp như thế". Nhưng 10 năm sau lời chia buồn, Samantha Lewthwaite giờ đã là một trong những tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới bởi CIA, MI6, MI5, Interpol vì bị nghi ngờ chủ mưu nhiều vụ đánh bom gây ra cái chết của hàng trăm nạn nhân và có liên quan đến nhiều vụ khủng bố đẫm máu khác. Câu chuyện về cuộc đời của Samantha đã được Netflix kể lại trong bộ phim tài liệu mang tên "World's Most Wanted".

Con nhà lành trở thành khủng bố

Samantha Lewthwaite sinh năm 1983 tại Bắc Ailen. Bố của Samantha là ông Andrew Lewthwaite, một cựu quân nhân người Anh đóng quân tại Bắc Ailen, và mẹ Samantha là bà Elizabeth Lewthwaite. Hai người yêu nhau và lập gia đình trong những năm 1970, và sau khi Samantha chào đời thì ông bà Lewthwaite quyết định chuyển về Anh sống. 

Khác với nhiều tên khủng bố khét tiếng, Samantha không phải sống cảnh loạn lạc khi bố mẹ cô bé quyết tâm định cư tại Anh thay vì tại Bắc Ailen, lúc đó đang lâm vào cảnh chiến tranh, và khi còn nhỏ, cô bé được nhiều người nhận xét là điềm tĩnh và hiền lành, không hề có biểu hiện bạo lực. Cô được bố mẹ cho ăn học đầy đủ, thậm chí còn đỗ vào khoa Nghiên cứu châu Á và châu Phi của Đại học London danh tiếng.

Bước ngoặt của cuộc đời "goá phụ trắng" là vào năm 1994, khi ông bà Lewthwaite quyết định ly hôn lúc con gái tròn 11 tuổi. Theo như bạn bè của Samantha thì cô bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề bởi tan vỡ gia đình, và sau đó Samantha đã tìm kiếm sự an ủi từ những người hàng xóm đạo Hồi - những người mà cô bé cho rằng có tình cảm gia đình mạnh mẽ và gắn bó. 

Cho dù được nuôi dưỡng trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, nhưng cô quyết tâm cải sang đạo Hồi năm 17 tuổi và còn tự đặt cho mình tên mới là Sherafiyah. Bước ngoặt tiếp theo trong đời Samantha là cuộc gặp gỡ với người chồng tương lai Germaine Lindsay tại cuộc biểu tình phản đối việc quân đội Mỹ xâm lược Iraq tổ chức ở công viên Hyde Park, London. 

Đôi trẻ kết hôn ngày 30-10-2002 tại vùng Aylesbury, Anh dưới tên đạo Hồi của cả hai là Asmantara và Jamal. Cha mẹ của Samantha vốn chưa bao giờ đồng ý với việc con gái cải sang đạo Hồi đã từ chối tham dự lễ cưới của cô.

Samantha Lewthwaite hiện là kẻ bị truy nã gắt gao nhất thế giới.

3 năm sau ngày cưới, Germaine Lindsay đã đánh bom tự sát tại ga King Cross, London và giết chết 26 người dân. Lúc này, Samantha đang nuôi con đầu lòng vừa được 14 tháng tuổi và đồng thời đang mang bầu 8 tháng. 6 ngày sau vụ khủng bố, cô mới báo cảnh sát là chồng đã mất tích và sau khi nhận được tin chồng mình là thủ phạm của một trong những vụ đánh bom đẫm máu nhất trong lịch sử nước Anh. 

Ngay sau vụ khủng bố, ngôi nhà nơi hai mẹ con sống đã bị những kẻ giấu mặt tấn công bằng bom xăng và cơ quan chức năng phải đưa Samantha cùng con vào chương trình bảo vệ nhân chứng. Cho tới tận lúc này, "goá phụ trắng" vẫn đóng rất tròn vai một người vợ tội nghiệp và không hề bị nghi ngờ.

Vào tháng 9-2005, "goá phụ trắng" trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận sau khi bán câu chuyện toàn những lời dối trá về cuộc đời của hai vợ chồng cho tờ báo lá cải The Sun với giá 30.000 bảng Anh. 

Đầu tiên, trái với lời nhận xét của Samantha rằng chồng mình mới chỉ cải đạo gần đây và đã bị "tẩy não" bởi những phần tử cực đoan, gia đình Germaine Lindsay cho hay hắn đã công khai theo đạo Hồi từ năm 15 tuổi. Hơn thế nữa, người thân của các nạn nhân không hề tin những lời mô tả của Samantha về chồng, và việc người phụ nữ này đổ hết tội của Germaine cho người khác là một hành vi xúc phạm cái chết thương tâm của những con người vô tội.

 Dư luận bắt đầu nghi ngờ rằng có thể Samantha thực ra không hề ngây thơ như cô ta liên tục tuyên bố khi người phụ nữ này đặt tên cậu con trai mới sinh là Shahid - trong tiếng Ả Rập từ này có nghĩa là "kẻ tử vì đạo", giống như một cách tưởng nhớ và tôn vinh những tội ác của kẻ khủng bố Germaine Lindsay. 

Sau đó, quá trình điều tra cuộc khủng bố ở London cho thấy Samantha thực chất đã liên hệ với kẻ đầu sỏ Mohammad Sidique Khan một thời gian dài trước khi chuỗi đánh bom tự sát làm rúng động nước Anh xảy ra vào tháng 7-2005. Chỉ một thời gian ngắn sau khi Samantha trả lời phỏng vấn The Sun, cô ta đã biến mất khỏi nước Anh cùng hai con nhỏ.

Trong vài năm tiếp theo, Samantha sinh thêm một em bé với một người đàn ông vô danh và tiếp tục di chuyển đến Nam Phi, nơi cô ta hạ sinh đứa con thứ 4. Samantha ở lại Tanzania một khoảng thời gian và cuối cùng chọn dừng chân ở Kenya. 

Chính tại Kenya vào năm 2011, cảnh sát đã bắt giữ một nhóm khủng bố mà họ nghi có liên hệ với nhóm vũ trang đạo Hồi tại Somalia Al-Shabab. Nhóm khủng bố này âm mưu tấn công các khách du lịch phương Tây tại thành phố Mombasa vào Giáng sinh năm đó, và một trong nghi phạm chính là Germaine Grant đã bị bắt.

Sau khi tóm được Germaine Grant, cảnh sát tiếp tục khám xét những căn nhà hắn đứng tên hoặc hay lui tới. Lực lượng chống khủng bố tại Mombasa tình cờ gặp một người phụ nữ da trắng theo đạo Hồi tại một trong những căn nhà đó. Khi được yêu cầu trình giấy tờ tuỳ thân, cô ta đã cho cơ quan chức năng xem hộ chiếu có tên Natalie Webb do Bộ Nội vụ Nam Phi cấp. 

Nhận thấy hộ chiếu là thật, cộng với việc người phụ nữ tên Natalie đang sống cùng vài đứa con nhỏ, lực lượng chống khủng bố đã cho rằng Natalie không thể nào có liên quan đến một âm mưu khủng bố. 

Sau khi đã ra về được nhiều giờ đồng hồ thì họ mới nhận được tin tình báo rằng Natalie Webb chính là người goá phụ năm nào Samantha Lewthwaite. Tuy nhiên, khi lực lượng chống khủng bố quay lại thì "Natalie" đã cao chạy xa bay.

Trong quá trình khám xét nhà riêng của Samantha vào tháng 1-2012, cảnh sát đã tìm thấy vũ khí, nguyên liệu chế tạo bom, một khoản tiền mặt rất lớn đựng trong túi rác màu và một máy tính xách tay chứa các bản hướng dẫn cách tạo bom, cũng như một bức thư Samantha viết gửi cho Osama bin Laden. 

Bức thư chứa đầy những lời lẽ cuồng tín như "tình yêu tôi dành cho ngài không có gì có thể sánh được", và "Chúng tôi ở lại để hoàn thành những gì ngài đã bắt đầu, để kiếm tìm chiến thắng tới khi chúng tôi tử vì đạo".

Samantha cùng chồng đầu là tên khủng bố Germaine Lindsay.

Nhiều cơ quan tình báo cùng truy lùng "Goá phụ trắng"

 Samantha không đơn thuần chỉ là một kẻ tôn thờ chủ nghĩa khủng bố hay một tên tay chân tham gia vào âm mưu đánh bom, mà theo chính lời khai của tên Germaine Grant, cô ta là kẻ lên kế hoạch, tìm kiếm nguồn tài trợ và kết nối tất cả với nhau. 

Chính phủ Kenya ngay lập tức đưa ra lệnh truy nã dành cho Samantha với tội danh sở hữu chất nổ với ý định sử dụng vào mục đích phạm tội, và cái tên Samantha Lewthwaite sớm xuất hiện trên danh sách truy nã quốc tế của Interpol.

Báo chí quốc tế bắt đầu chính thức đặt tên cho Samantha là "Goá phụ trắng", đối ngược với danh xưng "Goá phụ đen" dành cho những nữ khủng bố đánh bom tự sát người Chechnya. Tin tức này đã khiến người thân của Samantha sửng sốt. 

Khi trả lời phỏng vấn trên tờ The Times, cha của Samantha đã đau lòng cho biết: "Tôi không thể tưởng tượng nổi con bé lại dính dáng đến những việc như thế khi đang ở cạnh các con. Chúng tôi đã không liên hệ với Samantha trong một thời gian dài, và tôi thậm chí còn không biết tên của cháu tôi".

Trong lúc trốn chạy khỏi sự truy bắt của cả CIA, MI5, MI6 lẫn Interpol, Samantha còn gây ra hai vụ tấn công chết người khác. Năm 2012, "Goá phụ trắng" cùng đồng bọn đã sử dụng lựu đạn để tấn công một quán bar tại Mombasa với rất đông người đang cùng xem một trận bóng đá nằm trong khuôn khổ giải Euro 2012, và giết chết 26 nạn nhân vô tội. 

Một nhân chứng từng kể lại rằng anh đã nhìn thấy một người phụ nữ trùm chiếc khăn trùm đầu hijab của người Hồi giáo tại hiện trường và điều khiến người phụ nữ này nổi bật hơn cả chính là nước da trắng và đôi mắt xanh của người phương Tây. 

Tiếp đó, vào tháng 9-2013, Samantha bị tình nghi liên quan đến một vụ xả súng khiến 71 người thiệt mạng tại một trung tâm thương mại tại Kenya. Về sau, chính quyền Kenya đã khẳng định Samantha Lewthwaite có liên quan đến vụ xả súng kinh hoàng này.

Samantha cùng các con khi đang lẩn trốn tại Kenya.

Ông Ali Sanbalolshe, cựu Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Somali đánh giá rằng Samantha là một chiến binh Hồi giáo ngoại quốc chủ chốt của lực lượng khủng bố Al-Shabaab. Còn ông Matthew Bryden, một cựu điều tra viên của Liên hợp quốc, cho rằng sự thăng tiến của Samantha, với tư cách một người phụ nữ Anh quốc, trong tổ chức khủng bố Al-Shabaab là vô cùng đáng ngạc nhiên, nhưng cũng chưa phải là chưa hề xảy ra. 

Samantha vốn đã mang tầm biểu tượng khi là goá phụ của kẻ gây ra vụ tấn công đẫm máu tại Anh, và sự trung thành của cô ta dành cho tổ chức là thứ đã mang lại uy tín và chức vị cho Samantha. Samantha còn cuồng tín đến mức đã thành công truyền lại đức tin cực đoan của mình cho các con.

Trong cuốn nhật kí cảnh sát tìm được tại nhà riêng của Samantha, cô ta có kể lại rằng cả con trai và con gái lớn của mình đều muốn trở thành một chiến binh Hồi giáo khi trưởng thành. Vào tháng 5-2014, tờ Daily Mirror đưa tin Samantha đã kết hôn với Hasan Maalim Ibrahim, một trong những kẻ đứng đầu tổ chức khủng bố Al-Shabaab. Cho đến thời điểm hiện tại, tung tích của Samantha vẫn là một bí ẩn, và "Goá phụ trắng" vẫn đang là một trong những phụ nữ bị truy nã gắt gao nhất thế giới.

Huyền Thi
.
.
.