Nước Anh đối mặt với làn sóng đòi xét lại quá khứ thực dân

Thứ Ba, 16/06/2020, 14:01
Làn sóng phẫn nộ sau cái chết của George Floyd ở bên Mỹ đã làm dấy lên các cuộc tranh luận ở Vương quốc Anh về những biểu tượng quá khứ thực dân Anh. Tối 9-6, một cuộc tập hợp đã diễn ra tại Đại học Oxford đòi dỡ bỏ bức tượng Cecil Rhodes, một nhà thực dân Anh nổi tiếng của thế kỷ 19.


“Hãy dỡ nó đi”, vào tối 9-6, hàng nghìn người đã kéo đến đòi hạ  bức tượng Cecil Rhodes trang trí mặt tiền của Trường Đại học Oxford. Mọi người đều cho rằng doanh nhân từng vét cạn của cải trong các mỏ kim cương ở Nam Phi hồi thế kỷ 19 đó là đại diện cho sự thống trị của người da trắng và hình ảnh của ông ta không phù hợp với những giá trị chống phân biệt chủng tộc của trường Oxford ở năm 2020. Các đây 5 năm, các sinh viên của trường đã kêu gọi dẹp bức tượng này đi nhưng không thành.

Trước đó, ngày 7-6, bức tượng Edward Colston bị lật đổ tại Bristol, thành phố phía Tây Nam nước Anh bởi những người biểu tình chống phân biệt chủng tộc.

Bức tượng Colston bị người biểu tình ném xuống sông.

Edward Colston (2/11/1636- 11/10/1721) là con cả trong gia đình có ít nhất 11 tuổi và có thể có đến 15 anh chị em. Cha mẹ của ông là William Colston (sinh năm 1608; mất năm 1681), một thương nhân giàu có, là Cảnh sát trưởng cao cấp của Bristol năm 1643, và vợ của ông là Sarah (sinh năm 1608; mất năm 1701), con gái của Edward Batten. Colston đã được học việc tại Công ty Mercers trong tám năm và đến năm 1672 đã vận chuyển hàng hóa từ London.

Ông đã xây dựng một doanh nghiệp béo bở, buôn bán vải, dầu, rượu, sherry và trái cây với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và Châu Phi. Năm 1680, Colston trở thành thành viên của Công ty Hoàng gia Châu Phi (RAC), công ty độc quyền về buôn bán nô lệ ở Tây Phi. Colston thăng cấp nhanh chóng lên hội đồng quản trị của công ty và trở thành Phó Tổng giám đốc, vị trí điều hành cao cấp nhất của công ty, từ 1689 đến 1690; liên kết của ông với công ty kết thúc vào năm 1692.

RAC đã bán khoảng 100.000 người Tây Phi ở Caribbe và châu Mỹ từ 1672 đến 1689. Phần lớn tiền Colston kiếm được là thông qua công ty này và ông đã dùng số lợi nhuận đó chuyển sang cho vay tiền. Sau đó, Colston bắt đầu làm từ thiện. Ông đã quyên góp cho các trường học và bệnh viện ở Bristol và London.

Ông có một thời gian ngắn làm nghị sĩ ở Bristol trước khi chết ở Mortlake, Surrey, vào năm 1721. Ông được chôn cất tại Nhà thờ All Saints ở Bristol. Ngoài bức tượng, ở Bristol vẫn còn nhiều thứ vinh danh Colston như trường học Colston, phòng hòa nhạc Colston, tháp Colston (một tòa nhà văn phòng cao tầng), phố Colston và đại lộ Colston.

Năm 1807, nước Anh chính thức bãi bỏ hình thức buôn bán nô lệ. Tuy nhiên, chỉ chính thức có hiệu lực kể từ năm 1834. Ước tính, hơn 12 triệu người châu Phi bị buôn bán, trong đó khoảng 2 triệu người được cho chết trong quá trình di chuyển. 

Năm 1895, một bức tượng Colston đã được dựng lên ở trung tâm của Bristol. Bức tượng đồng cao 5,5 m đã được dựng trên đại lộ Colston để tưởng niệm các hoạt động từ thiện của ông. Đại lộ Colston chính là con đường Colston xây dựng sau khi bán cổ phần của mình ở một công ty đã buôn hàng chục nghìn nô lệ.

Từ nhiều năm qua, các nhà vận động lập luận rằng phải xem xét lại đóng góp của Colston cho thành phố vì sự liên hệ giữa ông và chế độ nô lệ. Năm 2018, chính quyền đã đồng ý đề cập đến việc buôn bán nô lệ trong tấm biển ở bức tượng. Nhưng sự phẫn nộ lại trỗi dậy từ cái chết của George Floyd đã làm thay đổi tình hình. Nhiều người nói đây là "nỗi xấu hổ" khi Edward Colston là đại diện cho thành phố của họ. Trước khi tượng bị kéo đổ ngày 7-6, hơn 11.000 người kí đơn yêu cầu dỡ bỏ tượng. 

“Mặc dù lịch sử không nên bị lãng quên, những người hưởng lợi từ chế độ nô lệ không xứng đáng được đặt tượng. Tượng nên được dựng cho những người mang lại sự thay đổi tích cực, những người đấu tranh cho hòa bình, bình đẳng và đoàn kết xã hội. Vì vậy, chúng tôi mong hội đồng thành phố Bristol loại bỏ bức tượng Edward Colston. Ông ấy không đại diện cho sự đa dạng và đa văn hóa của thành phố chúng tôi”, bản kiến nghị viết.

Đoạn video cho thấy, bức tượng ông trùm nô lệ khét tiếng tại một trong những "thành phố tự do" nhất nước Anh được quấn vòng dây thừng và kéo đổ xuống. Đám đông hàng trăm người reo hò, nhảy múa trên tượng. Những hình ảnh cho thấy, người biểu tình còn tái hiện sự việc bằng cách quỳ đè lên cổ tượng  Edward Colston trong 8 phút 46 giây - đúng bằng khoảng thời gian Floyd bị sĩ quan cảnh sát đè ghì lên cổ dẫn tới tử vong ở Minneapolis hôm 25-5.

Sau vụ hạ tượng một nhà buôn nô lệ Edward Colston, nhiều lời kêu gọi liên tiếp được đưa ra trong nước nhằm dọn sạch khỏi các thành phố của nước Anh những gương mặt biểu tượng của quá khứ đế quốc thực dân.

Tại Edimbourf và Cardiff, những người đấu tranh được sự ủng hộ của các dân biểu trong việc đòi đưa các bức tượng của những nhân vật thực dân nổi tiếng vào viện bảo tàng. 

Tại London, trong khu phố Docklands, bức tượng của một chủ nô lệ cũng vừa bị tháo dỡ. Tiếp theo sẽ đến lượt nhiều bức tượng khác nữa vì đô trưởng London, Sadiq Khan vừa mới chỉ định một ủy ban chịu trách nhiệm rà soát lại các tên phố và các bức tượng tôn vinh những nhân vật lịch sử gây tranh cãi.

Minh Trang
.
.
.