Nước Mỹ bị cô lập khi quyết định trừng phạt Iran

Thứ Tư, 23/09/2020, 21:39
Ngày 20-9, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã bác bỏ tuyên bố đơn phương của Mỹ về việc nối lại các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm vào Iran.


Ông Borrell cho biết Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, do đó Washington "không thể khởi xướng quá trình khôi phục các lệnh trừng phạt theo nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ", đồng thời khẳng định các cam kết về dỡ bỏ trừng phạt trong Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA, hay thỏa thuận hạt nhân Iran), tiếp tục được áp dụng.

Là điều phối viên của Ủy ban hỗn hợp JCPOA, EU cam kết tiếp tục đảm bảo việc duy trì và thực hiện đầy đủ JCPOA của Iran và các bên tham gia khác. Đại diện cấp cao EU coi thỏa thuận này là trụ cột chính của cấu trúc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tiếp tục thực thi thỏa thuận và kiềm chế "hành động có thể được coi là leo thang trong tình hình hiện tại".

Thỏa thuận hạt nhân toàn diện đã được Iran ký kết vào tháng 7-2015 với Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ, cùng với EU. Ngày 8-5-2018, Tổng thống MỹDonald Trump đã rút khỏi hiệp định trên và đơn phương áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompep trong cuộc họp báo sau cuộc họp HĐBA về trừng phạt quốc tế với Iran ngày 20-8-2020.

Ngày 20-8-2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới trụ sở LHQ để chính thức kích hoạt snapback (một cơ chế trong JCPOA, cho phép bất kỳ nước nào trong Nhóm P5+1 tham gia ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran có quyền đề xuất tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tehran nếu như phát hiện quốc gia Hồi giáo này vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận) nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran. 

Giải thích về quyết định này, chính quyền của ông Trump cho rằng nguyên nhân chính là do Iran không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran cùng Nhóm P5+1 ký năm 2015.

Tuy nhiên, quyết định này của Mỹ quyết định kích hoạt cơ chế "lùi" của Washington gặp phải sự phản đối kịch liệt từ thành viên khác của HĐBA, những quốc gia đã tuyên bố sẽ phớt lờbước đi này. 

Họ nhấn mạnh Washington không còn quyền kích hoạt cơ chế này từ năm 2018, khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt lệnh trừng phạt của quốc gia này vào Iran. Washington lập luận họ vẫn còn quyền kích hoạt cơ chế trên, bởi họ là một thành viên ban đầu của thỏa thuận và là một thành viên của HĐBA.

Trung Quốc và Nga là 2 quốc gia phản đối đặc biệt mạnh mẽ đối với lập luận của Mỹ. Thậm chí, các đồng minh của Mỹ cũng không do dự. Ngày 18-9, trong một thư chung gửi đến 15 thành viên Hội đồng Bảo an, Anh, Pháp, Đức nhấn mạnh là mọi quyết định hay hành động đơn phương nhằm tái áp đặt các trừng phạt quốc tế đối với Iran là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. 

Thông báo của Anh, Pháp và Đức được gửi đi đúng một ngày trước khi "toàn bộ các trừng phạt của LHQ với Iran" phải có hiệu lực trở lại vào lúc 20 giờ, ngày 19-9-2020, theo quan điểm của Washington.

Đại sứ Iran tại LHQ Takht Ravanchi khẳng định nước đi trên của Mỹ là "không thể chấp nhận".

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterrescũng tuyên bố chưa đưa ra hành động nào về các biện pháp trừng phạt đối với Iran do "có sự không chắc chắn" liên quan đến vấn đề trên. "Tôi không chắc chắn là yêu cầu và cơ chế mà Mỹ kích hoạt có thực sự được thực hiện hay không. Tôi cũng không biết liệu việc chấm dứt các lệnh trừng phạt Iran sẽ tiếp tục có hiệu lực hay không", ông Guterres viết trong một bức thư gửi HĐBA.

Theo Reuters, ông Guterres đã chỉ định các quan chức Hội đồng Bảo an LHQ phù hợp để giám sát vấn đề này. Ông cũng khẳng định rằng khi đề xuất của Mỹ vẫn còn "đang chờ để làm rõ" thì ông sẽ không chấp thuận hay tiến hành bất kỳ lệnh trừng phạt nào.

Về phần mình, Đại sứ Iran tại LHQ Takht Ravanchi khẳng định bước đi trên của Mỹ là "không thể chấp nhận" và tuyên bố của Washington chỉ khiến họ càng bị cô lập. 

Quý Đức (tổng hợp)
.
.
.