Nước cờ thực sự của Bình Nhưỡng?

Thứ Ba, 26/06/2018, 10:54
Thượng đỉnh với Mỹ là một cơ hội để Bình Nhưỡng vụt đứng dậy, vươn vai thành một quốc gia thịnh vượng và độc lập, không quá phụ thuộc vào Trung Quốc như trước đây, các chuyên gia nhận định.


Trong khi Trung Quốc ủng hộ cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo  CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bắc Kinh cũng lo ngại sâu sắc khả năng Washington tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Bình Nhưỡng.

Trung Quốc lo ngại việc Bình Nhưỡng có thể bị Washington lợi dụng để chống lại họ, như khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh chống Liên Xô lên cao trào hồi những năm 70 thế kỷ trước. Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là thách thức thực sự của Bắc Kinh trong những năm tới, thậm chí trong nhiều thập kỷ tới, và vấn đề Triều Tiên là một nút thắt trong tiến trình này.

Quan hệ Trung - Triều xấu đi trong những năm gần đây, nhưng Triều Tiên giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn tránh một quốc gia đối địch trên biên giới của họ, cho dù Triều Tiên thân Hàn Quốc hay Mỹ. 

Zhang Liangui, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh, cảnh báo: “Ông Kim Jong-un là một chính trị gia khôn ngoan, ông ta biết cách thúc đẩy tham vọng hạt nhân của mình, biết cách làm cho Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh chống lại nhau”.

Cũng như Washington lo lắng về quan hệ Trung - Nhật tiến triển tốt, Bắc Kinh băn khoăn về việc Bình Nhưỡng tiến lại gần Washington. Nhiều người cho rằng ông Donald Trump đã nhượng bộ rất nhiều, trong khi cam kết từ phía ông Kim Jong-un lại khá ít. Thực tế cách tiếp cận này có ý nghĩa trong dài hạn, khi Mỹ và Triều Tiên tận dụng mối quan hệ của họ để kiềm chế Trung Quốc.

Mỹ đã bảo lãnh an ninh cho Hàn Quốc, tại sao lại không thể đóng vai trò tương tự cho CHDCND Triều Tiên? Chắc chắn Trung Quốc lo ngại ý tưởng này. Washington từng bảo vệ Seoul chống lại Bình Nhưỡng chứ không phải Trung Quốc. Nay nếu Mỹ bảo vệ Bình Nhưỡng sẽ là một thách thức quân sự lớn hơn nhiều đối với Bắc Kinh. Với Triều Tiên, sự hiện diện của Mỹ trên bán đảo (sau khi quan hệ Mỹ - Triều sang trang mới) sẽ là một đối trọng hữu ích chống lại sự o bế của Trung Quốc.

Ông Kim có thể sẵn sàng chấp nhận cải cách kinh tế hạn chế, nhưng ông vẫn lo lắng về khả năng bị Trung Quốc chi phối. Bắc Kinh vẫn duy trì đòn bẩy kinh tế lớn với Bình Nhưỡng, và họ đã chứng minh điều này cuối năm ngoái khi Trung Quốc tham gia các biện pháp trừng phạt quốc tế, trì hoãn cung cấp các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu cho Triều Tiên.

Nếu ông Kim quyết định mở cửa nền kinh tế Triều Tiên, thậm chí có bước đi phi hạt nhân hóa, ông sẽ cần phải đa dạng quan hệ đối tác. Hàn Quốc sẽ là lựa chọn quan trọng, thậm chí Nhật Bản cũng có thể được mời. Và Mỹ sẽ là đối tác quan trọng nếu Bình Nhưỡng muốn "thoát Trung". Đây là ý tưởng đang khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quan ngại hiện nay.

Trong thế giới ngày nay, không một quốc gia nào có thể đứng một mình không chơi với ai mà vẫn phát triển phồn vinh. Đó là lý do và động lực chính để ông Kim Jong-un thúc đẩy tiến trình cải cách và mở cửa song song với củng cố khả năng phòng thủ, bảo đảm an ninh cho đất nước. Hơn nữa, bản thân Trung Quốc được như hôm nay, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng là nhờ cải cách mở cửa, chơi với Mỹ, tận dụng nguồn vốn và công nghệ Mỹ.

Ngay cả nhóm 6 nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G-7) cũng không thể tách rời Mỹ, và Tổng thống Donald Trump đã có những bước đi táo bạo để hiệu chỉnh chính sách với cả 6 quốc gia này. Có lẽ ông Kim Jong-un cũng nhận thấy điều này. Đó là lý do tại sao ông đã phải "hạ thủ công phu" bài binh bố trận để có được hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump hôm 12-6 vừa qua.

Vì vậy, theo nhận định của nhiều chuyên gia, cải cách mở cửa nền kinh tế, bắt tay hợp tác với Mỹ sẽ là ưu tiên số 1 của ông Kim để giúp Triều Tiên nhanh chóng phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Triều Tiên quay 180 độ trong quan hệ với Trung Quốc, trở thành con bài của Mỹ để chống Trung Quốc, bởi lẽ ông Kim đủ thông minh để không chọc giận Bắc Kinh.

Việt Hồng
.
.
.