O.J. Simpson vụ án chia rẽ nước Mỹ

Thứ Ba, 15/08/2017, 09:08
Cuộc đời của cựu thám tử Mark Fuhrman có lẽ đã trôi qua âm thầm lặng lẽ như bao sĩ quan cảnh sát khác, nhưng số phận đã xô đẩy ông vào vụ án nổi tiếng O.J. Simpson với tư cách là một điều tra viên và là nhân chứng.


Mark Fuhrman sinh năm 1952 tại Eatonville, Washington. Ông gia nhập Thủy quân lục chiến năm 18 tuổi. Sau đó, ông công tác tại Sở Cảnh sát Los Angeles với tư cách là một thám tử. Cuộc đời của ông đã có một bước ngoặt đáng kể trong những năm 1994-1995, khi ông trở thành nhân chứng chính trong vụ án nổi tiếng O.J. Simpson chia rẽ nước Mỹ.

Cuộc đời nhiều thăng trầm

Sau khi xuất ngũ vào năm 1975, Fuhrman chuyển đến California và trở thành học viên xuất sắc tại Học viện Cảnh sát Los Angeles.Thế nhưng, đời sống hôn nhân của ông gặp nhiều trắc trở. Fuhrman đã kết hôn và ly hôn đến 3 lần: người vợ đầu là Barbara L. Koop (1973 - 1977), người vợ thứ 2 Janet Ellen Sosbee (1977 - 1980), và Caroline Lody (1980 - 2000).

Năm 1977, ông gia nhập đội cảnh sát hình sự mới thành lập để trấn áp các băng đảng tội phạm đường phố gốc Mỹ La-tinh ở Đông Los Angeles. Vì công việc nguy hiểm này, người bạn thân nhất của ông, một sĩ quan cảnh sát ở San Clemente, đã bị sát hại. Fuhrman thất vọng và chán nản với việc công việc của mình, ông ghê tởm những khu phố nguy hiểm trong khu vực mình phụ trách. Fuhrman bị trầm cảm nặng và phải chữa trị bằng liệu pháp tâm lý.

Thám tử Mark Fuhrman.

Sau thời gian ngắn dưỡng bệnh, Fuhrman trở lại và nhận công tác mới tại Phòng Cảnh sát Tây Los Angeles. Từ đây, Fuhrman thăng tiến nhanh trong nhiệm vụ mới và được thăng cấp lên thám tử vào năm 1989.

Vụ án O.J. Simpson gây chia rẽ nước Mỹ

O.J. Simpson từng là một ngôi sao bóng bầu dục nổi tiếng nhất nước Mỹ với nhiều thành tích lừng lẫy trong các giải đấu chuyên nghiệp. Đối với người hâm mộ, Simpson được ví như Pele  hay Maradona của bóng đá. Nhưng khi nhắc tới O.J. Simpson, người dân Mỹ lại nhớ ngay tới “phiên tòa thế kỷ” hơn là những thành tích trong thể thao của ông. Đó là phiên tòa xét xử cựu cầu thủ bóng bầu dục bị buộc tội giết vợ cũ là Nicole Brown và bạn trai.

Ngày 12-6-1994, Nicole Brown, người vợ đã ly dị của O.J.Simpson và bạn trai Ronald Goldan, đã bị đâm nhiều nhát dao và chết trong một phòng khách sạn. O.J.Simpson bị nghi là thủ phạm. Tòa án hình sự xét xử O.J.Simpson mở ngày 24-1-1995, đây được coi là phiên tòa giữ kỷ lục thế giới về số người xem đông nhất trong lịch sử.

O.J. Simpson và vợ.

Phiên tòa đã kéo dài 9 tháng, tốn hơn 20 triệu USD, với bộ hồ sơ dày 50.000 trang. Có 150 nhân chứng đã được gọi ra trước tòa. 19 đài truyền hình, 8 đài phát thanh, 23 tờ báo và 2.000 ký giả đã theo dõi và tường trình trực tiếp diễn biến vụ án. Chỉ riêng tờ Los Angeles Times đã đăng hơn 1.000 bài viết về vụ án này. 121 máy quay phim được đặt trong phòng xử án suốt phiên tòa. 

Hơn 80 cuốn sách đã được in ra với tác giả là những người tham dự phiên tòa ở mọi vị trí: công tố viên, điều tra viên, cảnh sát, bồi thẩm viên, luật sư bào chữa, ngay cả nghi can chính của vụ án là O.J. Simpson cũng viết sách. Một cuộc nghiên cứu cho thấy ngành công nghiệp Mỹ đã thiệt hại 25 tỷ USD vì công nhân lo theo dõi vụ án mà xao nhãng việc sản xuất!

O.J. Simpson trong phiên tòa diễn ra vào năm 1995. (Nguồn: gettyimages)

Trong suốt khoảng thời gian gần 9 tháng, các phiên xử án luôn được truyền hình trực tiếp trên truyền hình với khoảng 1/2 dân số Mỹ không ngừng dán mắt lên màn hình. Vụ án một người da đen sát hại một phụ nữ da trắng đã chia rẽ dư luận Mỹ. Trong khi người da trắng kêu ca rằng pháp luật không nghiêm, còn người da đen cho rằng Simpson vô tội.

Ngày 3-10-1995, Tòa hình sự Mỹ tuyên trắng án đối với O.J.Simpson. Cuối cùng, vụ án kết thúc mà không có bất kỳ bị cáo nào phải ngồi tù.

Thám tử Mark Fuhrman bị đưa vào thế bí

Thám tử Mark Fuhrman là người đã phát hiện ra chiếc găng tay có vấy máu, đồng thời ông cũng là nhân chứng của vụ án. Nhưng oái ăm thay, Mark Fuhrman lại trở thành mục tiêu chính của phe biện hộ O.J. Simpson, khi họ khám phá ra các bằng chứng cho thấy Fuhrman là một người mang nặng đầu óc kỳ thị chủng tộc. 

Phe biện hộ đã tìm thấy một cuộn băng ghi âm có thu giọng nói của Fuhrman. Cuộn băng này được thu bởi giáo sư Laura McKinney vào 10 năm trước đó. Trong cuộn băng, Fuhrman đã dùng chữ "nigger" đến 41 lần. "Nigger" là tiếng lóng dùng để miệt thị người da đen.

Fuhrman cho rằng những lời đối thoại trong cuộn băng chỉ là sản phẩm tưởng tượng, giáo sư McKinney thu cuộn băng này để viết kịch bản. Thế nhưng, Fuhrman không giải thích được tại sao ông ta lại dùng chữ "nigger" trong cuộn băng. Phe biện hộ còn đưa ra một nhân chứng khai rằng Fuhrman đã từng nói: "Nếu tôi mà có khả năng thì tôi sẽ bắt hết bọn nigger, dồn vào một chỗ rồi đốt chúng". Phe biện hộ cho rằng Fuhrman đã gài bẫy để vu khống Simpson. Chính Fuhrman đã đem chiếc găng tay dính máu bỏ vào nhà Simpson.

Phe biện hộ còn đòi lấy mẫu tóc của thám tử Fuhrman và các thám tử khác, cũng như lục soát quần áo các thám tử đã mặc, xe ô tô họ đã lái vào ngày điều tra vụ án. Họ đòi chụp ảnh dấu giày của các thám tử để xem có ai để lại dấu giày dính máu ở quanh nhà của Nicole hay không. Đây là đòi hỏi phi lý mà Cảnh sát Los Angeles chưa từng nghe thấy bao giờ.

Thám tử Mark Fuhrman không chịu nổi áp lực và đã nghỉ hưu vào tháng 8-1995, 2 tháng trước khi phiên xử chấm dứt với một bản án vô tội cho Simpson.

Thành công nhờ viết sách

Sau biến cố O.J. Simpson, Fuhrman trở thành tác giả của nhiều đầu sách bán chạy nhất, hầu hết là những cuốn sách điều tra về tội ác như “Murder in Brentwood” (1997), “Murder in Greenwich” (1998) “và Silent Witness” (2005). Ông cũng là một nhà bình luận thường xuyên trên các chương trình tin tức quốc gia, nhất là Đài Fox News.

Nghĩa Nam
.
.
.