Ông Julian Assange vẫn bị săn đuổi

Thứ Tư, 24/05/2017, 20:30
Giới truyền thông lại có cơ hội nhắc tới danh tính nhà sáng lập WikiLeaks sau khi Thụy Điển tuyên bố chấm dứt điều tra đối với ông Julian Assange về cáo buộc tấn công tình dục.


Phát biểu tại cuộc họp báo Stockholm hôm 19-5, Giám đốc Cơ quan Công tố Nhà nước Thụy Điển Marianne Ny khẳng định, chi phí tốn kém không phải là lý do khiến họ quyết định dừng cuộc điều tra đối với ông Julian Assange.

Bà Marianne Ny còn nhấn mạnh, khi điều tra những tội ác nghiêm trọng, họ không quan tâm tới chi phí, nhưng các công tố viên Thụy Điển đã quá mệt mỏi với cuộc điều tra này.

Tuy nhiên, bà Marianne Ny cũng khẳng định, cuộc điều tra đối với ông Julian Assange (tội tấn công tình dục) sẽ được mở lại nếu nhà sáng lập WikiLeaks tới Thụy Điển trước khi thời gian hồi tố kết thúc vào năm 2020.

Đồng thời cho biết, bà không thể đưa ra phán xét, ông Julian Assange có tội hay không. Bà Marianne Ny cũng yêu cầu Tòa án Stockholm hủy lệnh truy nã đối với ông Julian Assange.

"Công tố viên trưởng Marianne Ny vừa quyết định dừng cuộc điều tra sơ bộ liên quan tới vụ ông Julian Assange bị cáo buộc cưỡng hiếp", tờ New York Times dẫn lại thông cáo của Văn phòng công tố Thụy Điển.

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange.

Theo giới chuyên môn, quyết định của Thụy Điển được đưa ra sau khi Trưởng công tố Ingrid Isgren tới Đại sứ quán Ecuador ở London và tiến hành cuộc thẩm vấn (lần đầu tiên) ông Julian Assange (từ 14-11-2016) dưới sự chủ trì của công tố viên Ecuador.

Trong khi cơ quan công tố Thụy Điển tuyên bố chấm dứt cuộc điều tra kéo dài 7 năm đối với ông Julian Assange, nhưng cảnh sát Anh lại khẳng định, vẫn tiếp tục tìm cách bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks vì "vi phạm điều khoản tại ngoại".

Theo luật pháp Anh, tội danh này có thể bị kết án 1 năm tù. Cảnh sát Anh cho biết, lệnh bắt giữ ông Julian Assange được đưa ra sau khi nhà sáng lập WikiLeaks không ra đầu thú năm 2012.

Bởi gần 5 năm trước (tháng 6-2012), ông Julian Assange, mang quốc tịch Australia, đã tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London, sau khi bị cáo buộc xâm hại tình dục đối với 2 phụ nữ trong chuyến thăm Thụy Điển năm 2010.

WikiLeaks cho biết, Chính phủ Anh đã từ chối xác nhận hoặc bác bỏ việc có nhận được lệnh dẫn độ ông Julian Assange tới Mỹ hay không.

Vì tuyên bố của cảnh sát Anh nên luật sư Juan Branco, người bảo vệ quyền lợi cho ông Julian Assange đã kêu gọi tân Tổng thống Pháp can thiệp đối với trường hợp của nhà sáng lập WikiLeaks - ông Emmanuel Macron nên giúp đỡ để ông Julian Assange rời khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London một cách an toàn.

"Chúng tôi cần sự can thiệp chính trị để chấm dứt tình trạng hiện nay. Ông Julian Assage hiện là tù nhân chính trị duy nhất ở Tây Âu", luật sư Juan Branco tuyên bố.

Ông Christophe Marchand, một luật sư khác của nhóm đại diện cho ông Julian Assange khẳng định, nhà sáng lập WikiLeaks là nạn nhân của sự lạm dụng thủ tục pháp lý. Đồng thời nhấn mạnh, quyết định của Cơ quan công tố Thụy Điển là một thắng lợi toàn diện giúp chấm dứt "cơn ác mộng" của ông Julian Assange.

Theo giới chuyên môn, các luật sư của ông Julian Assange đang thảo luận về nội dụng ẩn chứa đằng sau quyết định của Cơ quan công tố Thụy Điển.

Ngoại trưởng Ecuador Guillaume Long tuyên bố (trên Twitter), lệnh bắt giữ của châu Âu không còn hiệu lực, do đó Anh phải mở lối đi an toàn cho ông Julian Assange. Đồng thời hoan nghênh quyết định của Thụy Điển về vấn đề này.

Về phần mình, nhà sáng lập WikiLeaks cho biết, sẽ không tha thứ hay lãng quên sau khi các công tố viên Thụy Điển tuyên bố chấm dứt cuộc điều tra nhằm vào ông liên quan đến một vụ cưỡng bức phụ nữ.

"Việc bị giam giữ suốt 7 năm mà không có lời buộc tội nào, trong khi các con tôi đang trưởng thành còn tên tôi thì bị phỉ báng. Tôi không bao giờ tha thứ hay lãng quên", ông Julian Assange viết trên Twitter.

Cùng ngày 19-5, Hãng Reuters đăng những hình ảnh đầu tiên của cựu binh nhì Chelsea Manning  trên Instagram và Twitter, người vừa được phóng thích hôm 18-5.

Chỉ một ngày sau khi được phóng thích khỏi nhà tù quân sự ở căn cứ Leavenworth tại Kansas, Chelsea Manning đã chia sẻ chân dung mới - tóc cắt ngắn, môi son đỏ tươi và áo cổ chữ V xẻ sâu.

Để thuyết phục được chuyển giới (là trường hợp đầu tiên chuyển giới trong nhà tù quân đội), cựu binh Chelsea Manning (tên khai sinh là Bradley Manning) đã 2 lần tự tử bất thành và 1 lần tuyệt thực.

Mặc dù bị tòa tuyên (21-8-2013) tới 35 năm tù vì tội tiết lộ tài liệu mật cho WikiLeaks, nhưng Chelsea Manning chỉ phải ngồi tù có 7 năm.

Gần 4 năm trước (22-8-2013), ông David Coombs, luật sư của cựu binh cho biết, thân chủ muốn sống như một người phụ nữ với tên gọi Chelsea Manning. Sự tự do của Chelsea Manning đang khiến ông Julian Assange khó xử bởi WikiLeaks từng xác nhận trên Twitter hôm 12-1 về việc nhà sáng lập WikiLeaks chấp nhận dẫn độ tới Mỹ, nếu chính quyền Tổng thống Barack Obama ân xá cho cựu binh này.

Mạnh Phong
.
.
.