Tổng thống Putin yêu cầu Syria đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình

Ông Obama đang đau đầu trước bài toán Syria

Thứ Tư, 18/09/2013, 09:39

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa tuyên bố, đề xuất của Nga về việc đặt các kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế có thể tạo ra bước đột phá. Ông Obama cũng sẽ dừng kế hoạch tấn công Syria nếu nước này đồng ý với đề xuất của Nga.

Sự hoài nghi của người Mỹ

Tổng thống Mỹ đã có hàng loạt các cuộc trả lời phỏng vấn được phát trên truyền hình với mục đích tìm kiếm sự ủng hộ của công chúng và Quốc hội Mỹ về hành động quân sự mới của Mỹ ở Trung Đông.

Trong các cuộc phỏng vấn này, ông Obama vẫn bảo vệ ý kiến một cuộc tấn công hạn chế "là cần thiết để trừng phạt Chính quyền Assad" vì "đã sử dụng vũ khí hóa học" và cuộc tấn công này là để "ngăn chặn việc này tái diễn".

Phát biểu trên kênh truyền hình ABC, ông Obama nói: "Tôi muốn bảo đảm rằng, các quy tắc về việc không sử dụng vũ khí hóa học phải được duy trì. Đây là lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta. Nếu chúng ta có thể làm được việc này mà không cần tới một vụ tấn công quân sự, điều đó sẽ vượt lên trên hết mọi lựa chọn của tôi".

Khi được phóng viên ABC hỏi, liệu ông có ngừng kế hoạch tấn công hay không nếu ông Assad chấp nhận từ bỏ quyền kiểm soát kho vũ khí hóa học của mình, ông Obama trả lời: "Chắc chắn là có nếu điều đó xảy ra trong thực tế".

Trên kênh truyền hình NBC, ông Obama nói: "Lựa chọn kiên định của tôi là một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này". Ông cũng khẳng định: "Nếu chúng ta đạt được mục tiêu hạn chế này mà không phải sử dụng đến hành động quân sự, đó sẽ là ưu tiên của tôi".

Ông Obama cũng tỏ ra "hoài nghi" về tuyên bố của Syria tỏ ý chấp thuận từ bỏ các kho vũ khí hóa học, bởi "đây không phải là kiểu hành động của họ mà chúng ta đã thấy trong một vài năm qua". Tuy nhiên, ông cũng vẫn khẳng định rằng, vấn đề này sẽ không bao giờ được nêu ra trong các cuộc thảo luận của Nga và Sirya "nếu chúng ta không duy trì một khả năng chắc chắn về một vụ tấn công quân sự, và tôi không nghĩ rằng, giờ đây là thời điểm để chúng ta chấm dứt kế hoạch tấn công đó".

Khi trả lời phóng viên CNN, ông Obama khẳng định: "Rất có thể chúng ta sẽ đạt được một bước đột phá". Ông nói: "Ông John Kerry và nhóm an ninh quốc gia của tôi sẽ dàn xếp với Nga và cộng đồng quốc tế để xem liệu chúng ta có thể đạt được một giải pháp nào nghiêm túc và khả thi hay không".

Trả lời trên kênh NBC, Tổng thống Obama nói, ông không chắc sẽ tấn công Syria nếu Quốc hội Mỹ nói "không": "Một cách thẳng thắn mà nói, tôi chưa quyết định được". Trên kênh PBS, ông Obama cho biết, ông sẽ thảo luận đề xuất của Nga với Tổng thống Nga Putin bởi "quan điểm của tôi trong vấn đề này là bảo đảm việc sử dụng một cách trắng trợn vũ khí hóa học không xảy ra nữa".

Ông Obama đang đau đầu trước bài toán Syria.

Chờ sự hồi đáp từ Tổng thống Syria

Tuyên bố của ông Obama được đưa ra sau khi Nga yêu cầu Syria chuyển giao các kho vũ khí hóa học của mình cho cộng đồng quốc tế kiểm soát và phá hủy để tránh các cuộc không kích của Mỹ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, đề nghị này đã được đưa ra trong cuộc thảo luận với người đồng cấp Syria, ông Walid Muallem. Ông Lavrov tiết lộ rằng, ông đã yêu cầu ông Muallem "không chỉ đồng ý việc đặt các địa điểm cất giữ vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của quốc tế, mà còn đồng ý phá hủy những vũ khí này". Ông Lavrov cũng thúc giục Syria nên tham gia đầy đủ Công ước về vũ khí hóa học.

Ông Muallem sau đó đã tuyên bố rằng, Syria hoan nghênh sáng kiến của Nga, và ông đã ca ngợi Nga đã "tìm cách ngăn chặn cuộc xâm lược của Mỹ chống lại người dân chúng tôi". Mặc dù vậy, cho đến nay vẫn chưa có phản hồi từ Tổng thống Syria về đề xuất giao nộp vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế.

Trước đề xuất này của Nga, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố rằng: "Nếu đó là một đề xuất nghiêm túc, chúng tôi sẽ xem xét".

Trong khi đó, các đồng minh thân cận của Mỹ cũng có những phản ứng hết sức thận trọng. Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng, việc phá hủy vũ khí hóa học sẽ là "một bước tiến mạnh mẽ" nhưng cảnh báo rằng, việc này có thể bị sử dụng như một "chiến thuật đánh lạc hướng". Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thì kêu gọi ông Assad nên đưa ra các cam kết "nhanh chóng, nghiêm túc và đáng tin cậy" về kế hoạch mà Nga đề xuất. Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel thì nói rằng, đây là một "đề xuất đáng chú ý" và nói rằng, bà hy vọng sẽ có những hành động thực tế sẽ được thực thi sau đề xuất này.

Đa số phản đối chiến tranh

Sự ủng hộ đối với kế hoạch quân sự chống Syria của ông Obama tại Quốc hội, hiện vẫn chỉ ở mức độ tương đối thấp. Trong số 433 thành viên Quốc hội, có tới hơn 230 người được cho là phản đối hoặc có tỏ vẻ phản đối hành động tấn công quân sự vào Syria.

Đặc biệt sau đề xuất của Nga, dường như sự lưỡng lự trong Quốc hội Mỹ ngày càng lớn hơn khi đa số nghị sĩ cho rằng, cần phải "cân nhắc kỹ càng" để tránh con đường tấn công quân sự. Hiện, các cuộc tranh cãi giữa hai phe chống và ủng hộ đang diễn ra gay gắt trong Quốc hội Mỹ.

Người dân Yemen thể hiện sự bất bình với kế hoạch tấn công Syria của Mỹ.

Mới đây, Lãnh tụ phe đa số trong Thượng viện, TNS Harry Raid tuyên bố, hoãn cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện về bản dự thảo nghị quyết tấn công Syria. TNS Raid nói: "Tôi muốn Tổng thống Obama làm rõ vấn đề trước Thượng viện và người dân Mỹ trước khi quyết định". TNS Raid cho rằng, vấn đề này đã thay đổi, đặc biệt là khi Nga đang cố gắng tìm cách tránh một cuộc tấn công quân sự..

Trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN, Hạ nghị sĩ Alan Grayson của bang Floria phàn nàn: "Chính quyền yêu cầu chúng tôi đồng ý phát động chiến tranh dựa trên một tài liệu dài 4 trang và một tài liệu khác dài 12 trang và chẳng có chút chứng cứ cơ bản nào".

Còn ông Buck McKeon, Hạ nghị sĩ bang California, thì nói: "Họ có chứng cứ cho thấy, có thể là chính quyền Syria đã thực hiện vụ tấn công. Nhưng theo đánh giá của tôi thì chúng chẳng liên hệ trực tiếp gì tới ông Assad cả".

Thêm vào đó, các cuộc thăm dò ý kiến cũng cho thấy, người dân Mỹ vẫn tỏ ra không ủng hộ một cuộc chiến chống lại Syria.

Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin AP, chỉ có một trong số năm người Mỹ được hỏi tin rằng, nếu Mỹ không có phản ứng đối với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria thì sẽ khuyến khích các chính phủ khác làm việc này. Rất nhiều chính trị gia và công chúng Mỹ vẫn lo ngại rằng, một hành động quân sự sẽ kéo Mỹ lún sâu vào một cuộc chiến kéo dài và làm gia tăng sự thù địch với Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Còn theo một cuộc khảo sát của CNN mới đây cho thấy, người Mỹ cực lực phản đối việc tấn công Syria. Trong số 1.022 người được hỏi ý kiến, 59% nói rằng, Quốc hội không nên phê chuẩn hành động quân sự chống Syria, và 72% nói rằng, cuộc tấn công của Mỹ sẽ không đạt được mục tiêu đáng kể nào.

Người dân Lodon bày tỏ sự phản đối với kế hoạch tấn công Syria.

Bên ngoài Nhà Trắng, các cuộc biểu tình chống việc chính phủ Mỹ tấn công quân sự Syria càng tăng lên mạnh mẽ trong những ngày qua, đặc biệt trong khi Quốc hội thảo luận dự thảo kế hoạch tấn công Syria. Bên ngoài các sứ quán của Mỹ tại nhiều nước trên thế giới, người dân cũng biểu tình phản đối kế hoạch tấn công quân sự của Mỹ vào Syria. Ngay tại Syria, đa số người dân ủng hộ Tổng thống Assad và tuyên bố sẽ chiến đấu tới cùng nếu Mỹ tấn công. Và ở nhiều nước Trung Đông, làn sóng phản đối kế hoạch tấn công này cũng diễn ra mạnh mẽ trong nhiều ngày qua.

Dân Mỹ ca ngợi giải pháp của ông Putin về Syria

Dân Mỹ, vốn liên tục mỉa mai nặng lời vụ ông Obama đòi tấn công Syria những ngày qua, đã ngay lập tức lên tiếng ủng hộ sáng kiến của chính quyền ông Putin ở Nga.

"Ông Putin tỏ ra già rơ hơn tổng thống của chúng ta. Rõ ràng kinh nghiệm điều hành đất nước có giá trị vào thời điểm này"- Nick Josseph nhận xét.

"Putin đã thắng Obama ván cờ ngoại giao này. Obama, hãy trao lại giải Nobel hòa bình cho Putin ngay"- Nick Byron nói.

Đây là những luồng ý kiến được ủng hộ nhiều nhất. Quan điểm trên cũng là quan điểm chung của nhiều người dân Mỹ khác trước sáng kiến của phía Nga.

"Obama đáng ra nên làm vài ngụm vodka trước khi quyết định thì có lẽ sẽ sáng suốt được như Putin: dùng giải pháp ngoại giao thông minh thay cho vũ lực ngu xuẩn, tốn máu và tiền thuế nhân dân"- Nick Jimmy nói.

Không loại trừ giải pháp của Nga sẽ là cứu cánh cho các bên, bởi Syria rõ ràng không muốn đánh nhau với Mỹ. Còn bản thân Mỹ, chính quyền Obama cũng đang có 5 nỗi sợ khiến họ chưa dám tấn công Syria lúc này

Trường M - L.T. (tổng hợp)
.
.
.