Ông Tập “đả hổ diệt ruồi”

Thứ Ba, 02/05/2017, 11:26
“Ðả hổ diệt ruồi” đã trở thành một nick name gắn với sự nghiệp chính trị của ông Tập. Họ Tập không hiếm ở Trung Quốc, nhưng chỉ có một ông Tập gắn với chiến tích lớn này mới có thương hiệu ấy. Ðó là ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc.


Ở Trung Quốc, nhiều thế hệ đã có truyền thống đặt ra các phương châm, khẩu hiệu để dễ đi vào lòng người. Nào Cách mạng văn hóa, nào Đại nhảy vọt, nào Mèo trắng mèo đen… Nay Đả hổ diệt ruồi hẳn ghi thành công trạng lớn, gắn với thời ông Tập.

Từ năm 1949, Trung Quốc từng có nhiều lãnh đạo, nhưng không phải ai cũng có quyền lớn. Các nhà quan sát cho rằng ông Tập nay làm được điều ấy, nắm uy quyền lớn nhất kể từ sau Mao Trạch Đông.

Uy quyền này được xác nhận, ghi trong Thông cáo Hội nghị Trung ương 6 của Đảng rằng ông Tập là "lãnh đạo hạt nhân". Lẳng lặng thế thôi, tranh cãi thì cứ tranh luận, nhưng ông Tập cho “ý kiến chỉ đạo” là xong. Quyết của ông là xuống chiếu.

Trăm công nghìn việc sự vụ trong một nước to, đông, có truyền thống quan hệ dây mơ rễ má chằng chịt, ông Tập nhìn thấy mấu chốt an dân ở việc làm trong sạch đội ngũ công bộc. Gút lại, khái quát hóa, biến các lý thuyết dài dòng trở thành ngắn gọn, dễ hiểu: Đả hổ diệt ruồi, thế thôi.

Chỉ trong thời gian ngắn ông lên cầm quyền, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra tay điều tra 1.018.000 viên chức và 1.010.000 bị trừng phạt. Đả chứ không phải đuổi, các con hổ lớn tưởng không bao giờ bị đụng tới, ngã vật, ruồi muỗi lo thân bay tán loạn, chậm là bị diệt.

Các chiến dịch đả, diệt này có các nguyên tắc nhất quán và kiên định. Không chừa chỗ nào, bất vị thân, có tội là xét, xử liền và xử nặng.

Đả hổ diệt ruồi là sự nghiệp chính trị lớn nhất của ông Tập, có bài bản, kịp thời đổi mới cơ chế để bảo đảm hoàn thành mục tiêu.

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) được coi như quan Triển Chiêu, phát hiện và bắt tham nhũng. Ủy ban này vận động nhân dân tham gia, ra nhiều phim tài liệu chống tham nhũng nổi tiếng như: "Mãi mãi trên đường", "Muốn rèn sắt, bản thân phải cứng rắn"… miêu tả công tác thanh tra tham nhũng trong chính hệ thống Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật (UBKTKL).

Người chống tham nhũng lại tham nhũng thì sao? Ai giám sát ủy ban này? Thế là một thiết chế mới ra đời, lập tổ chức quyền lực hơn cơ quan quyền lực nhất: Ủy ban Cải cách thể chế giám sát quốc gia - đơn vị được đánh giá có quyền lực lớn hơn cả UBKTKL.

"Bước chân đả hổ" không dừng lại. Năm 2017, mở màn bằng bộ phim tài liệu chống tham nhũng, dự báo sẽ có những chiến dịch lớn. Với những thắng lợi chống tham nhũng, dân chúng thêm niềm tin, gọi ông Tập là bác Tập. Đầu tư nước ngoài kéo ra vì e ngại nạn tham nhũng, rồi lại đổ vào Trung Quốc.

Uy tín ông Tập lên cao vì thành quả chống tham nhũng. Lúc bắt đầu các chiến dịch Đả hổ diệt ruồi, không ít người lo ngại cho ông vì tình trạng tham nhũng ăn sâu trong xã hội, các tầng lớp quan chức.

Hơn thế nữa, người ta lo ngại sự trả thù điên cuồng. Ông Tập đứng ra nói sẵn sàng hy sinh, nhưng quyết tâm chống tham nhũng bằng được. Hình ảnh này đã động viên được đông đảo quần chúng vững tin, đoàn kết cùng tập thể của ông chống tham nhũng.

Ông Tập sinh ngày 1-6-1953 tại Bắc Kinh, trong gia đình quan chức cách mạng. Thuộc diện con ông cháu cha, cha ông là cựu Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân, gốc ở Thiểm Tây.

Giống như nhiều người khác, ông Tập cũng một thời lao đao vì Cách mạng văn hóa, vì thanh trừng…

Khi ông mới 10 tuổi, cha ông bị thanh trừng, đì xuống làm công nhân tại Hà Nam. Năm 1968, khi ông 15 tuổi, cha ông bị tù trong Cách mạng văn hóa. Một năm sau, ông bị động viên đi Hồng Vệ binh tại Thiểm Tây.

Ông kiên trì công tác, phấn đấu. Qua thời nhốn nháo, tháng 1-1974, ông vào đảng, làm Bí thư Chi bộ tổ sản xuất. Rồi ông được cử đi học, tại trường có tiếng nhất, Đại học Thanh Hoa.

Học xong, nhờ có “lý lịch rõ ràng” và sáng dạ, ông về làm Thư ký Văn phòng Quốc vụ viện và Thư ký Văn phòng Quân ủy Trung ương. Năm 1982-1983, ông được luân chuyển về làm Phó Bí thư Huyện ủy Chính Định, tỉnh Hà Bắc.

Từ đó, ông ra sức phấn đấu và lên nhanh vùn vụt qua các chức Bí thư huyện, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Môn…;  đến năm 1999, lên Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phúc Kiến, Chủ tịch lâm thời tỉnh Phúc Kiến.

Lên đến cấp Chủ tịch tỉnh, ông tranh thủ đi học thêm lấy bằng Tiến sĩ Luật. Rồi ông được luân chuyển ngang, qua làm chủ tịch một số tỉnh, thành ngày càng quan trọng khác, từ Triết Giang qua Thượng Hải.

Thượng Hải là một bàn đạp quan trọng, ai về đó làm lãnh đạo coi như đang thực tập để làm lãnh đạo to hơn. Làm lãnh đạo cấp tỉnh, ông được cơ cấu làm Ủy viên Dự khuyết Trung ương một khóa, vào Ủy viên Chính thức hai khóa. Tháng 10-2007, tại Đại hội 17, ông được bầu vào Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, kiêm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.

Trở thành một trong những lãnh đạo cao nhất của đất nước, tháng 3-2008, ông được Bộ Chính trị phân công và giới thiệu để Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc bầu làm Phó Chủ tịch nước.

Tháng 11-2012, phiên họp thứ nhất sau Đại hội Đảng lần thứ 18, Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu ông làm Tổng Bí thư.

Tháng 3-2013, ông được bầu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương, kết thúc quá trình chuyển giao quyền lực từ thế hệ trước.

Ông Tập có gia đình kín tiếng, dù vợ ông là một ca sĩ dân ca có tiếng. Bà là Bành Lệ Viện, sinh năm 1962, Thiếu tướng văn công, Viện trưởng Viện Nghệ thuật quân đội. Bà từng có tên trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bầu chọn năm 2014.

Ái nữ duy nhất của ông Tập là Tập Minh Trạch, 27 tuổi, tốt nghiệp Đại học Harvard sau khi học tiếng Pháp tại Trường Ngoại ngữ Hàng Châu, rồi Đại học Chiết Giang, chuyên ngành dịch thuật.

Kín đáo, ít khi xuất hiện trước công chúng, nhưng lần này khi sang thăm Mỹ, “gia đình văn hóa” của ông Tập sẽ cùng đi để các đệ nhất phu nhân và đệ nhất tiểu thư hai nước giao lưu, tăng cường hữu nghị hợp tác giữa hai nước.

Phương Nga
.
.
.