Ông cụ 80 tuổi và hành trình 46 năm giải oan sai

Thứ Sáu, 26/08/2016, 16:25
Sự kiện ngày 11-8 tại hội trường Trung tâm huyện Yên Phong khi đại diện cơ quan CSĐT Bộ Công an công bố Quyết định đình chỉ điều tra bị can Trần Văn Thêm và liên ngành tư pháp Trung ương công khai xin lỗi đã chấm dứt hành trình 46 năm oan trái mà cụ ông này phải gánh chịu.

Mùa trám năm 1970, người nông dân Trần Văn Thêm, quê ở Yên Phong, Bắc Ninh cùng người em con cô, con cậu Nguyễn Khắc Văn đi trên hai chiếc xe đạp thồ lên vùng Tam Dương (Vĩnh Phú cũ) mua buôn quả trám về quê bán kiếm lời. 

Ðể rồi chính đêm đầu tiên ngủ ở vùng quê trám (23/3/1970), ông Văn mất mạng, ông Thêm bị bắt giam, xét xử với tội danh giết người cướp của. Mùa trám 46 năm sau (2016), ông Thêm được giải oan. Những gì đã diễn ra trong hơn 4 thập niên dài đẵng đẵng với người nông dân mang nỗi oan giết em để cướp tiền?

46 năm sống trong thân phận kẻ giết người

Đêm trước ngày (11/8) cơ quan liên ngành tư pháp Trung ương công bố Quyết định đình chỉ điều tra và công khai xin lỗi, ông cụ Trần Văn Thêm không ngủ được. Hỏi lý do, ông chỉ ậm ừ không trả lời. 

Khi ngồi trên xe đưa ông đến hội trường Trung tâm huyện Yên Phong – nơi diễn ra buổi xin lỗi, tôi hỏi ông đã ăn gì chưa thì nhận được câu trả lời, “tôi đã uống sữa. Sữa bà con đến thăm cho”. Nói rồi, ông lại ngồi lặng im nhìn ra con đường trước mặt, nơi hai bên có cánh đồng lúa xanh ngắt. 

Khi đến thị trấn Chờ, anh lái xe buộc miệng hỏi “không biết hội trường ở đâu?” thì ông cụ bảo, “đến bưu điện, rẽ phải”. Ông cụ trả lời rành rọt. Nghe vậy, tôi buột miệng, “ông rành đường quá”. 

Nói rồi, tôi tự thấy mình vô duyên. Bởi trong 46 năm oan trái, ông Thêm đã gõ cửa rất nhiều cơ quan của huyện, của tỉnh, của trung ương. Thế nên, hà cớ gì ông không biết hội trường Trung tâm, ở ngay UBND huyện Yên Phong – quê hương ông.

Điều gì khiến ông Thêm liên tục kêu oan? Đơn giản, vì ông không gây tội. Nhưng căn cứ nào để gỡ tội cho ông? Niềm tin. Niềm tin đó, ông đã nói với vợ ông Văn ngay tại tòa, “anh không giết chú Văn. Rồi anh sẽ về”. Mấy chục năm sau, khi nhắc lại câu chuyện này, ông Thêm vẫn đầy khắc khoải: “Thím ấy không tin tôi. Kể cả khi tôi được về, thím ấy cũng không tin tôi. Bây giờ thì thím ấy mất rồi”. 

Thời gian quá dài, vợ ông Văn đã không đợi đến ngày, cơ quan có thẩm quyền quyền trả lời bà câu hỏi rất chính đáng – Ai giết chồng bà. Và bà cũng không còn để biết, ông Thêm không gây tội. Còn ông Thêm thì ngậm ngùi, “thím ấy không tin lời tôi nói”. 

Mà nào chỉ có riêng vợ nạn nhân Nguyễn Khắc Văn, các con của ông cũng đầy oán hận với ông Thêm. Hai gia đình có quan hệ thân tộc gần gũi là thế nhưng sau khi sự việc xảy ra, họ xa cách vời vợi. Rồi xóm làng cũng đầy định kiến với ông. Ông bị mất danh dự, vợ con bị vạ lây, họ tộc mang tiếng. Thế nên, càng có tuổi, ông Thêm càng đau đáu với nỗi uẩn ức của mình.

Khi ở trong tù, ông Thêm từng viết thư bằng máu về cho mẹ, vợ con rằng, “con không gây tội. Con sẽ về”. Rồi ngày 29 Tết năm 1975, ông Thêm về trong sự bất ngờ và vui sướng của gia đình, thân tộc. Ông về, chỉ mang thấy tờ giấy, “miễn lao động nặng” và nộp ngay cho UBND xã chứ không có gì chứng minh, ông vô tội. 

Nhưng với ông lúc đó, được ra khỏi phòng biệt giam, được về nhà là vui sướng lắm rồi. Ông về, lại cùng vợ nuôi đàn con 5 đứa và một năm sau sinh thêm đứa con thứ sáu. “Tôi là con út và được đặt tên Thêm, vì là con đẻ thêm. Thằng Sáu, là con thứ sáu và cũng là con út vì sinh nó được 1 năm thì mẹ nó mất”, ông Thêm tâm sự. Trước đó, khi ông đang bị giam giữ, bố ông đã qua đời trong sự tủi hổ vì đứa con trai út là tử tội…

46 năm, với bao nỗi niềm chất chứa, ông cụ Trần Văn Thêm đã trắng đêm trước ngày được minh oan – ngày 11/8/2016. Đó là ngày ông được ngẩng cao đầu, ngày con cái ông giàn giụa nước mắt, ngày dòng tộc ông được xóa tiếng xấu.

Vụ án oan đã được lật mở như thế nào?

Kêu oan khi bị giam giữ, kháng cáo khi ra tòa, về khỏi nhà tù vẫn kêu oan. Tại sao phải hơn 40 năm sau, ông Trần Văn Thêm mới được minh oan? Căn cứ nào để khẳng định, ông Thêm bị oan sau. Hành trình “phá án” vụ án oan chấn động này được thực hiện như ra sao?

Ông Nguyễn Văn Hòa, Công ty Luật Hòa Lợi – Nơi trợ giúp pháp lý miễn phí cho ông Thêm và cũng là người được ông thêm ký ủy quyền đại diện cho biết, đó là một câu chuyện dài. 

Ông Hòa tạm chia vụ án oan ông Thêm thành 3 giai đoạn: Giai đoạn ông bị giam giữ (23/7/1970 – 26/1/1976); giai đoạn ông Thêm được trở về nhưng chưa được công nhận oan sai (26/1/1970 đến trước năm 2014); giai đoạn Công ty Luật Hòa Lợi tham gia trợ giúp pháp lý cho cho ông Thêm (từ 2014 đến nay).

Trong các giai đoạn trên, khi liên tục, khi gián đoạn, ông Thêm liên tục kêu oan. Đặc biệt, từ năm 1997, khi gửi đơn kêu oan và nhận phản hồi của các cơ quan chức năng, ông Thêm mới có ý thức lưu trữ lại các văn bản liên quan. Rất tiếc là các văn bản này đều không phải là căn cứ pháp lý để chứng minh sự vô tội của ông Thêm.

 Đi lại nhiều nhưng không có kết quả, có những lúc ông Thêm muốn đầu hàng. Tuy nhiên, năm 2003, khi Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 388 về bồi thường oan sai, ông Thêm được tiếp thêm sức mạnh. 

Còn anh Trần Văn Được, cháu họ ông Thêm thì cho biết: Nghị quyết 388 là cơ sở để ông tôi có thêm ý chí, nghị lực để đi kêu cầu. Thế nhưng, khi ông Thêm gửi đơn lên TANDTC thì ngày 7/3/2005, TANDTC có công văn số 1587/CV-PT trả lời: Trường hợp nếu ông xét xử oan thì phải được Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị để Ủy ban thẩm phán TANDTC xét xử theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm để hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Phú và Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội để tuyên bố ông không phạm tội giết người, cướp tài sản và đình chỉ vụ án. Vì vậy, đơn khiếu nại và đề nghị của ông không có cơ sở.

Thế nhưng, sau khi được câu trả lời trên của TANDTC, ông Thêm vẫn không dừng lại việc tiếp tục hành trình kêu oan. Lý giải điều này, ông Thêm cho rằng, “tôi là người biết rất rõ, mình không phạm tội”.

Cứ theo cái lý của mình, ông Thêm lại gửi đơn đến: TAND tỉnh Phú Thọ (tỉnh Vĩnh Phú cũ nay tách thành Phú Thọ và Vĩnh Phúc); Tòa hình sự TANDTC, Viện KSNDTC. Các cơ quan này đều trả lời bằng văn bản cho ông với các nội dung: Không còn quản lý hồ sơ; đề nghị ông mang các tài liệu chứng minh về vụ án và các đơn thư được các cơ quan trả lời để TANDTC xem xét giải quyết; không có căn cứ để xác định ông đã bị xét xử oan sai…

Đi kêu oan mà không có tài liệu, chứng cứ chứng minh bị oan sai. Cơ quan có thẩm quyền trả lời, không có cứ để xác định ông bị oan sai. Thế nhưng, ông Thêm không đầu hàng. 

Điều gì khiến ông cụ già cả, nghèo khổ này không dừng lại? Ông Trần Văn Năm, cháu gọi ông Thêm bằng chú cho biết, “họ tộc nhà tôi bị mang tiếng với làng nước vì cái tội danh mà chú tôi phải chịu mấy chục năm qua. Nếu chú tôi phạm tội, thì làm gì có chuyện được về sau hơn 5 năm bị giam giữ. Vấn đề là phải tìm được câu trả lời, tại sao chú tôi được về”. 

Còn ông cụ Thêm thì cho biết, sau khi nhận được văn bản yêu cầu của một số cơ quan chức năng đề nghị mang các tài liệu chứng minh về vụ án, tôi phải suy nghĩ nhiều lắm. Tôi ra khỏi trại giam, có mỗi tờ giấy “miễn lao động nặng” và đã nộp cho xã, làm gì còn giấy tờ nào khác để chứng minh đây? 

Ông Nguyễn Văn Hòa thì cho biết, sau khi nghe anh Được nói về trường hợp oan trái của cụ Thêm, chúng tôi đã nhận trợ giúp miễn phí. Phần vì nghĩ ông cụ già cả, lại nghèo khó, các con do không được học hành nên không có điều kiện đi kêu oan. Phần vì nghĩ, trong vụ việc này, nếu nghĩ về kinh tế sẽ không làm được. Thế là ông cùng luật sư Vũ Lợi, Giám đốc công ty Luật Hòa Lợi nghiên cứu hồ sơ.

Nút thắt của vụ án oan này ở đâu? Đâu là lối mở cho vụ việc? Căn cứ vào văn bản trả lời của các cơ quan chức năng cho cụ Thêm từ trước và thông tin ông cụ này cung cấp, câu trả lời là: Phải tìm được tài liệu, chứng minh ông Thêm có tội. Khi nghe ông Hòa đề cập điều này, tôi rất ngạc nhiên. Còn ông cụ Thêm thì giải thích: Sau nhiều năm kêu oan nhưng chẳng có kết quả, tôi nghĩ rất nhiều. Phải chứng minh tôi có tội, thì với gỡ tội cho tôi được. Trước đây, tôi đã nghĩ đến điều này và đã lần mò đến gặp một số nhân chứng.

Nhân chứng mà người tù oan sai hai thế kỷ này tìm đến là ông Cù Tiện, nguyên phó Trưởng ban chỉ huy cảnh sát, Công an tỉnh Vĩnh Phú – người đã tham gia điều tra, bắt giữ hung thủ Phùng Thanh Nhàn – thủ phạm gây án đêm 23/7/1970 khiến ông Nguyễn Khắc Văn mất mạng. 

Một nhân chứng khác nữa là bà Tạ Thị Minh Tâm, nguyên Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phú, chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm ngày 19/9/1973, kết án ông Thêm tử hình. Có được xác nhận của hai nhân chứng này nhưng vẫn chưa đủ chứng cứ để xác định, ông Thêm bị oan. 

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ với những nhân chứng sống này cùng văn bản xác định sự việc khiến ông Thêm có thêm hy vọng. Ông Trần Văn Năm kể cho chúng tôi nghe cuộc gặp đầy bất ngờ giữa ông Thêm và bà Tâm- chủ tọa phiên sơ thẩm. 

“Sau khi nghe ông Thêm trình bày, bà Tâm hẹn chiều ông cháu tôi quay lại. Đúng hẹn, bà Tâm đưa chúng tôi tờ giấy xác nhận về việc, bà đã tham gia xét xử ông Thêm”, ông Năm kể.

Vấn đề bây giờ là tìm ra hồ sơ vụ án. Nhưng hồ sơ ấy ở đâu? Trả lời của các cơ quan chức năng từ cấp tỉnh, đến cấp Trung ương vừa nêu trên đã rõ là … không có. Vậy tìm ở đâu? Công ty Luật Hòa Lợi gửi Công văn đến Công an tỉnh Bắc Ninh đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án Trần Văn Thêm. 

Khi tôi hỏi, tại sao vụ việc xảy ra ở Vĩnh Phú (cũ). TAND tỉnh Vĩnh Phú và TANDTC xét xử, sao lại về Bắc Ninh tìm hồ sơ thì ông Hòa cho biết, “chúng tôi suy luận, có thể khi tách tỉnh Vĩnh Phú cũ thành Phú Thọ và Vĩnh Phúc, hồ sơ bị án được chuyển về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú”. 

Và đúng như dự đoán, Công an tỉnh Bắc Ninh sau đó có văn bản phúc đáp là đang lưu trữ hồ sơ, trong đó có bản án sơ thẩm số 40 ngày 19/9/1973 của TAND tỉnh Vĩnh Phú và bản án số 153 ngày 26/6/1974 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội. Cả hai bản án đều kết tội, ông Thêm tử hình.

Có hai bản án này trong tay là đủ căn cứ để khẳng định, ông Trần Văn Thêm từng bị kết tội. Vậy, gỡ tội cho ông bằng cách nào? Đại diện công ty Luật Hòa Lợi lại tiếp tục cùng ông Thêm đến gặp ông Cù Tiện – người chỉ huy trong vụ điều tra, bắt giữ hung thủ giết ông Văn đêm 23/7/1970; ông nguyên Đội trưởng Đội điều tra, Công an huyện Tam Dương – người cũng tham gia điều tra, bắt giữ hung thủ thực sự trong vụ án giết ông Văn. 

Đặc biệt hơn nữa, họ còn tìm gặp bà Phùng Thị Sứng, chị gái Phùng Thanh Nhàn, kẻ gây ra tội ác đêm 23/7/1970. Tất cả đều xác định, Phùng Thanh Nhàn đã bị điều tra, bắt giữ và xác định là hung thủ thực sự của vụ án.

Lúc này, bộ hồ sơ hoàn chỉnh về việc kêu của ông Thêm gồm: Đơn kêu oan; hai bản án kết tội ông Thêm tử hình; giấy xác nhận của các nhân chứng khẳng định, hung thủ của vụ án đêm 23/7/1970 là Phùng Thanh Nhàn được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Và rồi, liên ngành tư pháp Trung ương đã xác minh, làm rõ và kết luận, ông Thêm bị oan sai. 

Sự kiện ngày 11-8 tại hội trường Trung tâm huyện Yên Phong khi đại diện cơ quan CSĐT Bộ Công an công bố Quyết định đình chỉ điều tra bị can Trần Văn Thêm và liên ngành tư pháp Trung ương công khai xin lỗi đã chấm dứt hành trình 46 năm oan trái mà cụ ông này phải gánh chịu.

Cao Hồng
.
.
.