Opioid: Cuộc chiến tranh không tuyên bố?

Thứ Bảy, 08/09/2018, 14:50
Ngày 16-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục thu hút sự chú ý của thế giới khi tuyên bố các loại thuốc opioid bất hợp pháp sản xuất bởi các công ty Trung Quốc và nhập vào Mỹ gần như là “một dạng chiến tranh”.


"Ở Trung Quốc, quý vị có một số công ty khá lớn đang gửi rác và giết chết người dân của chúng tôi", ông Trump phát biểu tại một cuộc họp nội các.

Chết nhiều hơn nội chiến Syria

Không phải vô duyên vô cớ mà ông Trump gọi việc bán opioid bất hợp pháp là một dạng chiến tranh. Theo số liệu tạm thời được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ phát hành ngày 15-8, hơn 71.500 người dân nước này đã chết do dùng thuốc quá liều vào năm 2017, trong đó ít nhất 68% có thể do opioid. Con số này cao hơn tổng số người chết vì nội chiến ở Syria - cuộc chiến tranh đẫm máu nhất thế giới hiện nay - với 50.000 người chết năm 2016.

Chính vì tính chết chóc của các dạng opioid, ông Trump đã yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions "Nhìn xem thuốc fentanyl đang ra khỏi Trung Quốc và Mexico" và "làm bất cứ điều gì ông có thể một cách hợp pháp để ngăn chặn nó". Hầu hết các opioid tổng hợp bất hợp pháp được sản xuất tại Trung Quốc (và đang tăng ở Mexico, để né mác Trung Quốc), và nhập vào Mỹ thông qua Mexico hoặc hệ thống bưu điện.

Fentanyl, một loại opioid tổng hợp phổ biến nhất, ban đầu được phát triển như một loại thuốc giảm đau và gây mê. Nó mạnh hơn từ 50-100 lần so với heroin - 2 mg fentanyl là đủ gây chết người. Nó thường được trộn lẫn với heroin hoặc ép vào thuốc giảm đau giả cho giống như thuốc theo toa thực sự, khiến cho chúng gây chết người hơn.

Một dạng opioid khác là Carfentanil, ít gặp hơn nhưng gây chết người nhiều hơn. Nó được sử dụng như một loại thuốc an thần cho voi và mạnh gấp 10.000 lần so với morphine, theo Cơ quan Thực thi pháp luật về dược phẩm của Mỹ (DEA). Ngay cả một vài đốm bột trong không khí cũng có thể gây tử vong. Năm 2013-2014, số ca tử vong do opioid tổng hợp tăng 79%, theo báo cáo củ DEA năm 2016. Và kể từ đó, xu hướng này vẫn tiếp tục tăng.

Thực tế tuyệt đối

Trevor Loudon, một nhà báo của Epoch Times, cho biết một "thực tế tuyệt đối" rằng fentanyl đến từ Trung Quốc. “Đó là một hình thức chiến tranh không khai báo chống lại các nước phương Tây", ông Loudon nhận định.

Năm ngoái, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố bản cáo trạng đầu tiên chống lại 2 nhà sản xuất fentanyl và các chất gây nghiện khác của Trung Quốc. "Họ đã sử dụng internet để bán fentanyl và các chất tương tự fentanyl cho những kẻ buôn bán ma túy và khách hàng cá nhân tại Mỹ", Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein cho biết trong một tuyên bố vào ngày 17-10-2017.

Một người đàn ông dùng thuốc quá liều bất tỉnh trên đường phố.

Trong ít nhất 6 năm, nghi phạm Xiaobing Yan bị cáo buộc đã điều hành các trang web quảng cáo và bán acetyl fentanyl và các chất tương tự gây chết người khác cho các khách hàng ở Mỹ, theo Bộ Tư pháp. Vụ án được một tòa án liên bang ở Mississippi đưa ra.

“Yan đã vận hành 2 nhà máy hóa chất ở Trung Quốc có khả năng sản xuất một lượng lớn fentanyl và các chất tương tự fentanyl”, ông Rosenstein cho biết. “Yan đã theo dõi luật pháp và các hoạt động thực thi pháp luật ở Mỹ và Trung Quốc, thay đổi cấu trúc hóa học của các chất tương tự fentanyl mà ông đã tạo ra để trốn tránh bị truy tố tại Mỹ”.

Trong một vụ kiện được đưa ra Tòa án liên bang ở Bắc Dakota, các nhà điều tra truy tìm thuốc nhập khẩu trở lại Jian Zhang ở Trung Quốc, người được cho là đã sản xuất fentanyl trong 4 phòng thí nghiệm ở Trung Quốc và bán nó cho khách hàng ở Mỹ, dùng web đen và tiền ảo bitcoin.

Ông Rosenstein nói: “Tổ chức của Zhang sẽ gửi đơn đặt hàng fentanyl và các loại thuốc bất hợp pháp khác, và thuốc viên, tem và khuôn được sử dụng để ép fentanyl thành thuốc viên, cho khách hàng ở Mỹ thông qua dịch vụ chuyển phát bưu điện hoặc bưu kiện quốc tế. Zhang đã gửi hàng ngàn gói hàng từ tháng 1-2013".

Chuyển hàng bằng bưu chính

Bưu điện Mỹ đã xử lý hơn 275 triệu gói quốc tế vào năm 2016, theo một báo cáo điều tra được thực hiện bởi Tiểu ban thường trực của Thượng viện về điều tra và xuất bản vào tháng 1. Khối lượng đó lớn hơn 3 lần so với khối lượng kết hợp (khoảng 65,7 triệu) được xử lý bởi 3 dịch vụ chuyển phát nhanh lớn nhất nước Mỹ là FedEx, UPS và DHL.

Trong 3 tháng, tiểu ban này đã liên lạc với 6 người bán hàng trực tuyến, giả vờ là người mua hàng fentanyl lần đầu. "Tất cả những người bán hàng trực tuyến đã tích cực tìm cách để lôi kéo mua fentanyl hoặc opioid bất hợp pháp khác", báo cáo cho biết. "Tất cả họ đều muốn vận chuyển bất kỳ giao dịch mua hàng nào đến Mỹ thông qua cánh tay quốc tế của Bưu điện".

Theo một báo cáo DEA vào tháng 7-2016 cho biết: “Khách hàng có thể mua các sản phẩm fentanyl từ các phòng thí nghiệm của Trung Quốc trực tuyến” và “bột fentanyl và máy ép bột” được vận chuyển qua dịch vụ thư. "Người buôn bán thường có thể mua 1kg bột fentanyl với giá chỉ một vài nghìn đô la từ một nhà cung cấp Trung Quốc rồi biến nó thành hàng trăm nghìn viên thuốc giả để kiếm hàng triệu đô la", báo cáo cho biết.

Theo Tiểu ban thường trực của Thượng viện, những người bán hàng trực tuyến muốn được thanh toán thông qua các loại tiền điện tử như bitcoin, vì có tính ẩn danh cao hơn, nhưng chấp nhận các tùy chọn thanh toán khác như Western Union, PayPal, thẻ tín dụng và thẻ quà tặng trả trước. Tiểu ban đã không hoàn thành một đơn đặt hàng thực tế trong quá trình điều tra.

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) chịu trách nhiệm xác định các gói đáng ngờ được gửi qua luồng thư quốc tế - chủ yếu tại các trung tâm thư tín đặt tại 5 sân bay chính, ở thành phố New York, Chicago, Los Angeles, San Francisco và Miami. Trong nhiều năm, CBP đã không liệt kê Trung Quốc như là một "quốc gia quan tâm", do khối lượng lớn các gói hàng Trung Quốc được vận chuyển đến Mỹ. Điều này có nghĩa là các gói từ Trung Quốc không được gửi từ USPS đến CBP để kiểm tra.

Tháng 11-2015, Dịch vụ Bưu chính đã đưa ra một chương trình thí điểm sử dụng dữ liệu điện tử nâng cao để theo dõi các gói hàng và chuyển chúng đến CBP theo yêu cầu. CBP đã nhắm mục tiêu cụ thể các gói hàng nhỏ dưới 4,4 pound (khoảng 2kg) đến từ Trung Quốc thông qua sân bay JFK ở New York.

"Để tránh bị CBP nhắm mục tiêu đối với các gói hàng từ Trung Quốc, những người bán hàng trực tuyến cho biết họ sẽ chuyển hướng các gói thông qua các quốc gia khác trước khi đến Mỹ", báo cáo cho biết. “Cách này được gọi là trung chuyển. Những người bán hàng trực tuyến khẳng định việc chuyển qua các quốc gia khác đã giảm nguy cơ một gói chứa các opioid bất hợp pháp bị các quan chức hải quan phát hiện và tịch thu”.

Trung bình, năm 2017, 64% gói được gửi tới Mỹ (318.890.000 gói) không có dữ liệu điện tử tiên tiến về việc "ai đã gửi gói hàng, gói hàng đang đi đâu, hoặc gói hàng nào", theo báo cáo. Tiểu ban cho biết, dựa trên điều tra, "rằng các chính sách và thủ tục của chính phủ liên bang không đủ để ngăn chặn việc sử dụng hệ thống thư quốc tế để vận chuyển các loại opioid bất hợp pháp vào Mỹ".

Băng qua biên giới Tây Nam

Hầu hết các opioid bất hợp pháp qua biên giới phía Tây Nam đều bị giấu trong các phương tiện nhập cảnh vào Mỹ thông qua các cảng nhập cảnh. Trong năm tài chính 2018, các đơn vị CBP tại các cảng nhập cảnh đã thu giữ 1.304 pound fentanyl (591,4kg - tính đến ngày 30-6). Số fentanyl này đủ để “sản xuất” gần 4 triệu viên thuốc giả chứa 1,5 mg fentanyl mỗi viên. Thêm 336 pound fentanyl đã bị tịch thu tại các cảng nhập cảnh bởi lực lượng Tuần tra Biên giới.

Năm 2016, 440 pound fentanyl đã bị tịch thu tại các cảng nhập cảnh, và năm 2017 đã tăng vọt lên 1.196 pound, phù hợp với xu hướng tử vong quá liều do chất này. Tính đến nay, CBP cũng đã thu giữ 4.100 pound heroin, 42.800 pound cocaine và 59.800 pound methamphetamine tại các cảng nhập cảnh (tính đến ngày 30-6).

"Người Trung Quốc kiếm được nhiều tiền từ việc này", nhà báo Loudon nói. “Nó tạo ra tội phạm và hỗn loạn ở các nước mục tiêu. Nó phá hủy đạo đức của các nước này. Nó tạo ra cơ hội cho tham nhũng phát sinh. Nó giết chết hàng ngàn người Mỹ mỗi năm. Đó có phải là một dạng chiến tranh?”.

Hòn Rồng
.
.
.