PESCO: Liên minh trong một liên minh

Thứ Năm, 23/11/2017, 16:36
Ngày 13-11 vừa qua, 23 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết một thỏa thuận quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng nội khối sau khi Anh rời khỏi EU.


Thỏa thuận mang tên Thỏa thuận Hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng tới, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong EU và phát triển hệ thống vũ khí.

Kỳ vọng cao

Với 23 trong số 28 nước thành viên EU hiện nay tham gia vào PESCO, có vẻ như sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên vẫn chưa ở mức cao nhất. Liên minh quốc phòng mới dự kiến sẽ giải quyết các mối đe dọa ngay lập tức mà không cần phải dựa vào NATO.

Theo đó, thỏa thuận sẽ tập trung phát triển các thiết bị quân sự mới cho EU như xe tăng hay máy bay không người lái. Các nước tham gia cũng cam kết sẽ "thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng", dành 20% chi tiêu quốc phòng để mua sắm trang thiết bị và 2% cho nghiên cứu, phát triển công nghệ.

Thỏa thuận cũng bắt buộc các nước tham gia cung cấp "hỗ trợ thực chất" cho các sứ mệnh quân sự của EU. Các nước tham gia thỏa thuận hợp tác quốc phòng sẽ phải tiến hành đánh giá hàng năm để đảm bảo sự tuân thủ các cam kết nếu không sẽ phải rời khỏi thỏa thuận này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã từng vận động cho PESCO trong nhiều năm. Ông hy vọng rằng hiệp định quân sự mới này sẽ tạo ra một "Liên minh An ninh và Quốc phòng châu Âu sẽ giúp bảo vệ Liên minh của chúng ta, đó chính là những gì mà công dân EU mong đợi".

Đại diện của EU về chính sách đối ngoại, bà Federica Mogherini đã hoan nghênh việc thành lập PESCO như là một buổi bình minh của một "kỷ nguyên mới". Bà Mogherini mô tả thêm sáng kiến này là "một khung kết hợp để tạo thuận lợi cho các khoản đầu tư và dự án chung mà chúng ta cần phải tăng cường khả năng của Liên minh châu Âu như một nhà cung cấp dịch vụ an ninh đáng tin cậy cho công dân của mình và trên toàn cầu".

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen là những người ủng hộ chính của Liên minh Quốc phòng PESCO. Ông Von der Leyen nhấn mạnh rằng với Mỹ có lập trường cứng rắn đối với NATO, việc đưa ra sáng kiến quốc phòng riêng của châu Âu là "rất quan trọng - đặc biệt là sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ".

Một hướng mới

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hoan nghênh sự ra mắt của PESCO khi đối mặt với những lo ngại về cam kết của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Liên minh phòng thủ xuyên Đại Tây Dương. Stoltenberg nói PESCO sẽ "củng cố trụ cột châu Âu trong NATO" và nó sẽ "tốt cho NATO".

Phần lớn các nước EU đã ký kết PESCO. Ba nước Ireland, Malta và Bồ Đào Nha vẫn đang cân nhắc về vấn đề này; Đan Mạch đã chọn không tham gia vào thời điểm này; và Anh dự kiến sẽ từ chối đề xuất vì sẽ rời EU vào năm 2019. Tuy nhiên, Thủ tướng Theresa May được tự do tham gia PESCO vào cuối năm ngay cả sau khi Brexit - nếu các điều khoản hợp tác có lợi cho toàn bộ EU.

Chưa rõ sẽ có sự hợp tác quân sự cụ thể giữa các quốc gia EU như thế nào, giống như với sứ mệnh gìn giữ hòa bình EUFOR ở Bosnia và Herzegovina. Việc ký kết PESCO ban đầu chỉ cung cấp khuôn khổ cho sự hợp tác mở rộng và việc sử dụng các quỹ quân sự hiệu quả hơn.

Ba năm thực hiện, việc ký kết PESCO đánh dấu một chương mới trong sự tự tin của EU khi nói đến quốc phòng. Nhưng vẫn còn quá sớm để biết được PESCO có thực sự hiệu quả hay không.

Theo báo RT của Nga, có thể PESCO là một động thái của EU nhằm tìm kiếm một sự ổn định về quân sự trong trường hợp NATO có thể gặp bất ổn khi Anh Brexit và Mỹ bất đồng về đóng góp ngân sách.

Nam Tiên
.
.
.