Pakistan:

Vẫn chưa tìm ra hung thủ ám sát bà Benazir Bhutto

Thứ Tư, 06/09/2017, 16:03
"Đáng thất vọng và không thể chấp nhận được", con trai trưởng Bilawal Bhutto Zardari của cố Thủ tướng đã tuyên bố như vậy sau khi tòa tuyên trắng án đối với 5 nghi can Taliban từng bị kết tội có liên quan tới vụ ám sát bà Benazir Bhutto.


Còn Aseefa, một trong những con gái của bà Benazir Bhutto viết trên Twitter rằng "10 năm sau, chúng tôi vẫn chờ công lý - kẻ tiếp tay bị trừng phạt, nhưng kẻ thật sự phạm tội giết mẹ tôi vẫn được tự do".

Bởi cựu Tổng thống Pervez Musharraf chỉ bị tuyên là kẻ đào tẩu và bị tịch thu tài sản, cho dù ông bị nghi là chủ mưu vụ ám sát nữ Thủ tướng Benazir Bhutto gần 10 năm trước.

Tờ The Guardian dẫn tuyên bố từ một trong những phiên tòa gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử Pakistan, theo đó 2 quan chức cảnh sát cấp cao bị kết án 17 năm tù, nhưng không ai bị tuyên là thủ phạm giết bà Benazir Bhutto hôm 27-12-2007.

Tòa án chống khủng bố ở thành phố Rawalpindi vừa kết thúc (kéo dài 10 năm, với hơn 300 lần nghe 121 nhân chứng) vụ án tưởng như không thể có hồi kết, nhưng đang tạo ra những tranh cãi khác nhau. Bởi theo luật sư Saroop Ijaz, Tòa đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, khi cựu Tổng thống Pervez Musharraf vẫn sống và thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, nhưng lại "trắng án". Còn theo đảng Nhân dân Pakistan (PPP), nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra, đồng thời khẳng định, ông Pervez Musharraf đứng sau vụ ám sát bà Benazir Bhutto.

Ông Musharraf bị nghi chủ mưu ám sát bà Bhutto.

Trước khi bị ám sát gần 10 năm trước, cố Thủ tướng Benazir Bhutto từng tuyên bố, có một "thế lực đen tối" âm mưu giết bà và đó là quan chức tình báo cùng trợ lý của cựu Tổng thống Pervez Musharraf. Ông Pervez Musharraf là cựu lãnh đạo quân sự Pakistan đầu tiên phải đối mặt với phiên tòa về tội phản quốc và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước này, một cựu Tổng thống bị đưa ra xét xử. Việc xét xử ông Pervez Musharraf được coi là động thái chưa từng có tiền lệ ở Pakistan bởi có một quy định bất thành văn rằng, lãnh đạo xuất thân từ quân sự là bất khả xâm phạm. Hơn 4 năm trước (20-8-2013), Tòa án chống khủng bố ở thành phố Rawalpindi chính thức buộc tội cựu Tổng thống Pervez Musharraf có liên quan tới vụ ám sát bà Benazir Bhutto. Khi đó 6 người cùng phải hầu tòa với ông Pervez Musharraf và giới báo chí không được phép vào phòng xét xử và đó là lần thứ hai ông Pervez Musharraf phải hầu tòa về vụ án này. Trong số 6 người kể trên có 4 nghi can là phiến quân Taliban và 2 quan chức cảnh sát cao cấp. Trong số 2 sĩ quan cảnh sát, có cảnh sát trưởng Rawalpindi lúc bấy giờ là ông Saud Aziz - phải hầu toà vì vi phạm nguyên tắc an ninh sau khi đột ngột thay đổi kế hoạch bảo vệ bà Benazir Bhutto. Trước đó (5-11-2011), Tòa án chống khủng bố ở thành phố Rawalpindi đã xử kín 6 người kể trên. Dư luận từng cho rằng, sau 9 năm cầm quyền (1999-2008), ông Pervez Musharraf đã giúp dòng họ Bhutto có cơ hội tái xuất chính trường. Tuy không thể trở lại nắm quyền, nhưng cái chết của bà Benazir Bhutto đã tạo điều kiện thuận lợi cho chồng lên nắm quyền - giúp cựu Đệ nhất phu quân Asif Ali Zardari trở thành Tổng thống. Ông Pervez Musharraf từng đề nghị khai quật mộ cố Thủ tướng Benazir Buhtto để khám nghiệm tử thi, nhưng chồng bà khi đó là Tổng thống Asif Ali Zardari đã từ chối bởi không tin có thể thực hiện một cuộc điều tra đáng tin cậy.

Trước khi bị ám sát hôm 27-12-2007, bà Benazir Bhutto từng bị mưu sát (18-10-2007) và nữ Thủ tướng đầu tiên của Pakistan luôn hoài nghi về cuộc điều tra do Chính phủ của cựu Tổng thống Pervez Musharraf tiến hành nên đã đề nghị FBI (Mỹ) và Scotland Yard (Anh) giúp điều tra. 

Nhưng đề nghị này đã bị cựu Bộ trưởng Nội vụ Aftab Ahmad Sherpao, cựu thành viên của đảng PPP phản đối bởi việc này vi phạm chủ quyền của Pakistan. Ông Aftab Ahmad Sherpao bị bãi nhiệm ngay sau vụ mưu sát hôm 18-10-2007 nhằm vào bà Benazir Bhutto, và cũng bị mưu sát (21-12-2007). 

Cựu Giám đốc tình báo Pakistan Hamid Gul thực sự sốc khi thấy mọi người dọn dẹp hiện trường ngay sau khi vụ ám sát xảy ra - những vũng máu cùng bằng chứng có thể có như đầu đạn và mẫu ADN của kẻ đánh bom liều chết cùng nhiều dấu vết khác đã bị dọn sạch sẽ tại hiện trường. Liên hợp quốc bắt đầu điều tra vụ ám sát bà Benazir Bhutto từ hôm 1-7-2008 và người đứng đầu nhóm điều tra là Đại sứ Chile tại Liên hợp quốc Heraldo Munoz. 

Đến tháng 6-2009, Liên hợp quốc phải cử một Ủy ban độc lập tới Pakistan để tái điều tra về vụ ám sát bà Benazir Bhutto bởi những người ủng hộ cố Thủ tướng không chấp nhận kết quả điều tra trước đó. Ngày 1-7-2009, "ủy ban Bhutto" của ông Heraldo Munoz tái bắt tay điều tra vụ sát hại bà Benazir Bhutto. "ủy ban Bhutto" hoạt động sau khi giới truyền thông đưa tin (23-6-2009), kẻ bị tình nghi lên kế hoạch ám sát bà Benazir Bhutto là Zainuddin đã bị bắn chết.

Anh Phương
.
.
.