Peru:

Cựu Tổng thống Ollanta Humala bị buộc tội rửa tiền

Thứ Hai, 21/11/2016, 14:40
Theo phán quyết hôm 11-11 của Thẩm phán Richard Concepcion, cựu Tổng thống Ollanta Humala không những phải nộp khoản tiền bảo lãnh tại ngoại trị giá khoảng 15.000 USD, mà còn không được thay đổi địa điểm cư trú và phải đến tòa trình diện hằng tháng.


Bởi ông Ollanta Humala bị cáo buộc tham gia hoạt động rửa tiền, nên phải hợp tác với cơ quan chức năng. Theo tiết lộ từ Văn phòng Tổng chưởng lý Peru, công tố viên German Juarez đã thu thập đủ bằng chứng (từ tài liệu, báo cáo tới lời khai của nhân chứng và người cung cấp thông tin) để buộc tội rửa tiền đối với cựu Tổng thống Ollanta Humala.

Tuy mới rời ghế Tổng thống khoảng 4 tháng (từ tháng 7-2016), nhưng ông Ollanta Humala đã bị người kế nhiệm là Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski quyết định mở cuộc điều tra.

Và ông Ollanta Humala cùng cựu Đệ nhất phu nhân Nadine Heredia bị cáo buộc đã "rửa" khoảng 1,5 triệu USD từ Brazil và Venezuela để phục vụ chiến dịch tranh cử tổng thống trong các năm 2006 và 2011. Nếu bị kết tội, vợ chồng cựu Tổng thống Ollanta Humala sẽ phải đối mặt với mức án từ 8 đến 10 năm tù.

Theo các công tố viên, một phần của số tiền kể trên đến từ 2 công ty xây dựng lớn của Brazil là Odebrecht và Construtora OAS và cả 2 công ty này đều bị cáo buộc có liên quan tới tham nhũng.

Trong khi Giám đốc điều hành Odebrecht Marcelo Odebrecht bị bắt hồi năm ngoái thì công ty Construtora OAS đã nộp đơn phá sản. Nhưng ngay sau khi nhận được trát hầu tòa, ông Ollanta Humala đã bác bỏ mọi cáo buộc, nhưng vẫn tuyên bố sẽ hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc.

Còn luật sư Cesar Espinoza đại diện cho cựu Tổng thống Ollanta Humala tuyên bố, các công tố viên không chứng thực được lời khai của những người cung cấp thông tin, đồng thời phản đối yêu cầu của Thẩm phán Richard Concepcion yêu cầu thân chủ phải có mặt tại tòa án 30 ngày/lần và phải xin phép nếu muốn thay đổi nơi cư trú.

Giới truyền thông từng đưa tin, ông Ollanta Humala trở thành Tổng thống thứ 49 của Peru có công lớn của doanh nhân Martin Belaunde bởi người này đã đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch truyền thông ủng hộ bạn thân của mình tại 2 cuộc tổng tuyển cử (2006 và 2011).

Nên sau khi ông Ollanta Humala lên nắm quyền, ông Martin Belaunde đã được bổ nhiệm làm cố vấn cho Tổng thống. Do đó, khi doanh nhân Martin Belaunde bị truy nã, đào tẩu (bị kết tội tham nhũng, rửa tiền), và bị bắt tại Bolivia, phe đối lập cho rằng, ông Ollanta Humala muốn bao che cho bạn.

Khi đó, đích thân Bộ trưởng Nội vụ Jose Luis Perez áp tải doanh nhân Martin Belaunde từ khu vực biên giới với Bolivia trên chiếc trực thăng về sân bay quân sự ở thủ đô Lima.

Vợ chồng cựu Tổng thống Ollanta Humala.

Người ta không rõ doanh nhân Martin Belaunde có liên quan thế nào tới những dự án trị giá hàng chục tỉ USD trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, và năng lượng ở Peru.

Giới truyền thông cho biết, hơn 1 năm trước (25-9-2015), các công tố viên đã quyết định tái điều tra bà Nadine Heredia với cáo buộc rửa tiền, bất chấp việc ông Ollanta Humala vẫn đang tại nhiệm.

Bởi họ có đầy đủ bằng chứng cáo buộc bà Nadine Heredia đã nhận 215.000 USD, thời điểm chồng bị cho là nhận tiền tài trợ bất chính từ các công ty ở Venezuela. Và ông Ollanta Humala đã sử dụng số tiền này trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Khi đó, công tố viên German Juarez là người yêu cầu mở rộng cuộc điều tra để làm rõ những nghi vấn xung quanh cáo buộc kể trên. Bà Nadine Heredia là lãnh đạo đảng Dân tộc Peru, từng là ứng cử viên tiềm năng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 4-2016, nhưng Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski là người đắc cử.

Tên gọi đầy đủ của cựu Tổng thống Ollanta Humala là Ollanta Moises Humala Tasso (sinh ngày 26-6-1962, trong gia đình có bố là Isaac Humala, luật sư người bản địa), từng phục vụ nhiều năm trong quân đội với quân hàm Trung tá.

Hơn 2 năm trước (23-6-2014), mặc dù quyết định cải tổ nội các, nhưng khi đó uy tín của ông Ollanta Humala chỉ còn 21%, mức thấp kỷ lục kể từ khi lên nắm quyền bởi người dân thất vọng trước vấn nạn tham nhũng.

Ngoài ra, sự đặc cách cho em trai Antauro Humala cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Ollanta Humala bị giảm sút mạnh.

Bởi tuy phải chấp hành bản án 19 năm tù vì tội đứng đầu cuộc đảo chính bất thành năm 2005 nhằm lật đổ Tổng thống Alejandro Toledo, và giết chết 4 cảnh sát, nhưng ông Antauro Humala vẫn nhảy nhót với bạn gái, sử dụng điện thoại iPhone, hút cần sa sau song sắt.

Và trước búa rìu dư luận, ông Ollanta Humala đã ra lệnh biệt giam em trai Antauro Humala. Tuy đã chuyển tới một nhà tù khác được canh gác cẩn mật hơn và bị tước "đặc quyền", nhưng Bộ trưởng Tư pháp khi đó là Minister Juan Jimenez vẫn phải thốt lên rằng, ông Antauro Humala là tù nhân rất vô tổ chức, không tôn trọng các quy định, thậm chí đe dọa quản giáo.

Mạnh Phong
.
.
.