Peru:

Mạnh tay với tham nhũng

Thứ Hai, 23/07/2018, 08:58
Giới truyền thông dẫn lời công tố viên phụ trách các vấn đề nội bộ ngành tư pháp Peru Jaime Velarde cho biết, thẩm phán Walter Rios là Chánh án Tòa Phúc thẩm tại thành phố Callao gần thủ đô Lima, có liên quan đến tình trạng ngã giá mức án phạt, cũng như lạm dụng ảnh hưởng trong hệ thống tư pháp Peru.

Vụ bắt giữ thẩm phán cấp cao Walter Rios vì liên quan tới vụ bê bối lạm dụng ảnh hưởng trong ngành tư pháp đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi ông Walter Rios là thẩm phán đầu tiên bị bắt giữ trong vụ bê bối mua bán mức án. Và cảnh sát quốc gia Peru đã tiến hành thẩm vấn ông Walter Rios trong khi diễn ra khám xét tư dinh của quan chức này hôm 15-7.


Và là người đầu tiên bị bắt giữ trong vụ bê bối kể trên. Chia sẻ trên Twitter, công tố viên Jaime Velarde cho biết, cảnh sát đã bắt giữ thẩm phán Walter Rios trong quá trình điều tra vụ rò rỉ băng ghi âm cho thấy, có tình trạng ngã giá đối với các mức án phạt và lạm dụng ảnh hưởng trong hệ thống tư pháp Peru.

Được biết, những bê bối trong ngành tư pháp Peru bị "lộ sáng" sau khi tờ IDL-Reporteros và kênh truyền hình Canal 5 công bố các đoạn băng ghi âm hôm 8-7 cho thấy, nhiều thẩm phán liên quan đến hành vi mua bán mức án.

Điều đáng nói là vụ bắt giữ Chánh án Tòa Thượng thẩm tại thành phố Callao diễn ra sau khi Tổng thống Martin Vizcarra quyết định bãi nhiệm Bộ trưởng Tư Pháp Salvador Heresi hôm 13-7.

Đại sứ Peru tại Anh, bà Susana de la Puente.

Và cho đến nay, ngoài Bộ trưởng Tư Pháp Salvador Heresi bị bãi nhiệm, còn có 5 thẩm phán và 3 quan chức tư pháp cấp cao khác đã bị đình chỉ công tác. Tổng thống Martin Vizcarra cũng đã quyết định thành lập Ủy ban soạn thảo đề xuất cải cách tư pháp trong 12 ngày.

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Martin Vizcarra cho biết, đã yêu cầu ông Salvador Heresi từ chức để đảm bảo cải cách hệ thống tư pháp diễn ra thuận lợi trong giai đoạn Peru cần có những hành động cứng rắn.

Trước đó (11-7), Tổng thống Martin Vizcara đã cam kết tiến hành cải cách hệ thống tư pháp nhằm trấn an người biểu tình ở thủ đô Lima trước vấn nạn tham nhũng ở cơ quan này.

Được biết, Tổng thống Martin Vizcarra quyết định động thủ sau khi một đoạn hội thoại giữa Bộ trưởng Tư pháp Salvador Heresi và Thẩm phán Tòa án Tối cao Cesar Hinosstroza, một trong những nhân vật trung tâm của vụ bê bối "xuất hiện" trên truyền hình.

Khi nhậm chức Tổng thống (lúc 11h ngày 23-3, theo giờ địa phương), ông Martin Vizcarra tuyên bố, sẽ giải quyết những hệ luỵ của người tiền nhiệm Pedro Pablo Kuczynski để lại, đồng thời bày tỏ quyết tâm ngăn chặn nạn tham nhũng.

Hơn 1 tháng trước (12-6), Bộ Ngoại giao Peru đã quyết định bãi nhiệm Đại sứ nước này tại Anh, bà Susana de la Puente vì những cáo buộc liên quan đến vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn xây dựng Brazil Odebrecht.

Theo tờ công báo El Peruano, bà Susana de la Puente còn bị cách chức Đại diện thường trực Peru tại Tổ chức Hàng hải quốc tế ở London, Anh. Bộ Ngoại giao Peru đưa ra quyết định kể trên sau khi Viện Công tố Peru mở cuộc điều tra sơ bộ về những cáo buộc bà Susana de la Puente có liên quan tới đường dây tham nhũng và hối lộ của tập đoàn Odebrecht.

Bởi theo lời khai của cựu Giám đốc Tập đoàn Odebrecht tại Lima Jorge Barata, họ đã trao 300.000 USD để tài trợ cho chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski vào năm 2011 và bà Susana de la Puente là người đã nhận số tiền này.

Gần 4 tháng trước (24-3), ông Pedro Pablo Kuczynski đã bị Tòa ra lệnh cấm xuất cảnh trong 18 tháng, do liên quan tới cuộc điều tra của Cơ quan Đặc biệt chống tham nhũng xung quanh cáo buộc rửa tiền và hối lộ của Odebrecht.

Trước đó, Cơ quan công tố Peru đã tiến hành khám xét 2 tư dinh của ông Pedro Pablo Kuczynski để tìm kiếm tài liệu và chứng cứ có liên quan tới vụ án này. Và công tố viên Katherine Ampuero cùng Ủy ban Chống tham nhũng của Quốc hội đã kiên trì việc chất vấn ông Pedro Pablo Kuczynski về một hợp đồng ký với Odebrecht cùng khoản hối lộ trị giá 20 triệu USD.

Cơ quan công tố Peru đang xem xét khả năng mở cuộc điều tra chính thức đối với ông Pedro Pablo Kuczynski do nghi ngờ cựu Tổng thống dính líu tới hoạt động tham nhũng tại Odebrecht.

Theo giới truyền thông, cựu Tổng thống Alberto Fujimori và Pedro Pablo Kuczynski từng phải từ chức sau khi các vụ rò rỉ băng ghi âm và ghi hình được tiết lộ. Ông Pedro Pablo Kuczynski phải đệ đơn từ chức sau khi phe đối lập công bố đoạn băng ghi hình cho thấy, những người ủng hộ đang mua phiếu của một số nghị sĩ đối lập, nhằm tránh bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội. Còn ông Alberto Fujimori đã được ông Pedro Pablo Kuczynski ký lệnh ân xá trước khi bị bãi nhiệm sau đó.
Mạnh Phong
.
.
.