Peru: Nan giải cuộc chiến chống ma tuý

Thứ Hai, 28/09/2020, 18:11
Ngày 23-9, Cảnh sát Peru thông báo đã bắt giữ một người đàn ông có tên Oleksii Kleshnia, 42 tuổi, quốc tịch Ukraine, vận chuyển trái phép 7kg cocaine trị giá khoảng 200.000 USD tại sân bay quốc tế Jorge Chávez ở thủ đô Lima. Thực tế này cho thấy việc chống ma tuý ở quốc gia này chưa bao giờ hết nóng.


Đại tá Percy Ramírez, người đứng đầu lực lượng cảnh sát chống ma túy tại sân bay, cho biết đối tượng bị bắt đã giấu ma túy trong một chiếc vali hai đáy nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Trước đó, Oleksii Kleshnia bị mắc kẹt tại Peru sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại nước này. Chính quyền sở tại sau đó đã cho phép đối tượng hồi hương trên một chuyến bay nhân đạo khởi hành ngày 21-9 có đích đến là Hà Lan.

Vào đầu tháng 9-2020, cảnh sát Peru cũng đã bắt giữ tại sân bay một công dân nước này vận chuyển hơn 2kg cocaine được ngụy trang bên trong áo khoác. Theo cảnh sát Peru, đối tượng này cố gắng tận dụng một chuyến bay nhân đạo để vận chuyển cocaine tới Ý, nơi người này có quyền cư trú.

Cảnh sát Peru tuần tra trên cánh đồng coca.

Theo Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm, Peru cùng với Colombia và Bolivia là ba quốc gia sản xuất cocaine nhiều nhất thế giới. Cocaine tại Peru được sản xuất với giá thành 1.200 USD/kg, trong khi đó tại thị trường chợ đen ở nước ngoài có giá 5.000 USD/kg.

Bởi vậy, cuộc chiến chống buôn bán ma túy tại quốc gia này diễn ra phức tạp, các hình thức sản xuất và buôn bán rất tinh vi. Trong cuộc chiến chống ma túy tại Peru, một trong những mục tiêu của chính phủ nước này là loại bỏ việc trồng cây coca. Theo các số liệu từ Liên hợp quốc, coca được trồng tại 14 thung lũng ở Peru với 61.200 ha và khoảng 90% trong số đó được dùng để sản xuất ma túy. Ước tính mỗi năm có khoảng 320 tấn cocaine được sản xuất từ cây coca.

Theo tập quán do lịch sử để lại, ở Peru và một số nước Nam Mỹ khác, lá cây coca được cư dân bản địa sử dụng trong đời sống có tác dụng về mặt sức khỏe. Họ thường nhai sống lá để tăng cường sức lao động hàng ngày. Nhưng khi khoa học kỹ thuật tiến bộ, tinh chất cocaine được trích xuất từ thứ lá trên đã đặt cả thế giới vào một cuộc chiến khắc nghiệt chống lại hiểm họa khôn lường do chúng tạo ra.Chính phủ Peru một mặt phải không ngừng nỗ lực trong việc ngăn chặn "cái chết trắng" đang lan tràn, mặt khác phải tôn trọng nhu cầu sử dụng lá coca theo truyền thống của cư dân bản địa.

Điều làm cho giới chức Peru lo ngại là sau những chiến dịch phối hợp hành động có hiệu quả giữa lực lượng phòng chống ma túy Mỹ và Colombia trong những năm qua, những kẻ buôn lậu ma túy, chủ yếu là các tập đoàn ở Mexico, đã chuyển địa bàn hoạt động sang Peru. Chúng trực tiếp móc nối với các nông dân, mua lá coca với giá cao, đồng thời thiết lập ngay trong rừng rậm Peru những cơ sở tinh chế cocaine quy mô lớn có đủ hạ tầng cơ sở như nhà máy chế biến, phòng thí nghiệm, đường băng cho máy bay nhỏ đáp xuống...

Các băng buôn ma tuý ở Peru tìm mọi cách để biến nước này thành địa điểm sản xuất cocaine với khối lượng lớn khi tại khu vực Valle de los Rios Aputimac, Ene và Mantaro (VRAEM), diện tích cây coca đã tăng 11%. Cảnh sát Peru cho biết, các tổ chức buôn bán ma túy xuyên quốc gia thường sử dụng máy bay dân dụng cỡ nhỏ loại hai chỗ ngồi để cất và hạ cánh trên những đường băng bí mật có chiều dài khoảng 1.500 - 2.000 mét. Mỗi chuyến bay có thể vận chuyển khoảng 250 kg ma túy với uớc tính có 60 chuyến bay vận chuyển ma túy tới Brazil và Bolivia mỗi tháng.

Mới đây, tháng 7-2020, cảnh sát quốc gia với sự hỗ trợ từ các lực lượng vũ trang Peru đã phá hủy 17 đường băng tại khu vực thung lũng các con sông Apurimac, Ene và Mantaro (VRAEM), nơi tập trung những đồn điền trồng cây coca lớn nhất quốc gia Nam Mỹ này.Giới chức Peru tuyên bố chiến dịch phá hủy đường băng tại khu vực VRAEM sẽ được tăng cường trong thời gian tới với mục đích vô hiệu hóa hoạt động vận chuyển ma túy ra nước ngoài bằng đường hàng không.

Đức Quý (Tổng hợp)
.
.
.